Thursday, May 3, 2007

NÉM TIỀN QUA CỬA SỔ!

Lại thêm một dự án “ném tiền qua cửa sổ” bị khai tử. Rất tiếc, trước khi “chết”, nó đã kịp tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng tiền của nhân dân. Ngay từ những năm đầu tiên triển khai thực hiện “Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước” (gọi tắt là “đề án 112”) đã có không ít lời cảnh báo của giới chuyên môn về những bất cập của nó. Bất cập và cũng là sai lầm lớn nhất của “đề án 112” là chuyện dùng người không đúng việc. Một đề án liên quan tới lĩnh vực công nghệ cao nhưng những người chủ trì lại không có chuyên môn mà đề án phải thực hiện là lĩnh vực công nghệ thông tin. Một văn phòng không chuyên ngành không thể có đủ khả năng thực hiện một đồ án đòi hỏi tính chuyên môn cao như “đề án 112”. Lời cảnh báo đầu tiên đã bị bỏ qua và “đề án 112” vẫn được giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì việc tổ chức thực hiện. Ban điều hành “đề án 112” do không có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin (chức năng này thuộc Bộ Bưu chính – Viễn Thông} nên những họat động tiếp theo đó như thẩm định, triển khai dự án hầu như không thể tuân thủ theo bất kỳ quy định pháp luật hiện hành nào về thẩm định dự án và quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Do vậy, dẫn tới tình trạng vẫn thường thấy trong các dự án sử dụng ngân sách nhà nước là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tiền của nhân dân đã thóat ra khỏi sự kiểm sóat của các cơ quan chức năng, khi “trọng tài” cũng chính là “cầu thủ” ghi bàn vào lưới.
Khi người chủ trì thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm về quy trình xử lý hành chính, “mù mờ” trong nhận thức về tính đặc thù công nghệ trong ứng dụng tin học mà được giao “trọng trách” thì đương nhiên các bước đi tiếp theo sẽ dễ dẫn tới những lựa chọn sai lầm, cảm tính, chủ quan và không lọai trừ cả yếu tố tiêu cực… Không hiểu biết, không đủ khả năng mà vẫn đám đứng ra nhận lãnh “trọng trách” để rồi “ném” hàng ngàn tỷ đồng tiền của nhân dân qua cửa sổ không thể chỉ được xem là hành vi “không hòan thành nhiệm vụ do thiếu trình độ và kinh nghiệm”.
Cũng cần phải nói thêm rằng ước muốn xây dựng “Chính phủ điện tử” quả là một điều tốt đẹp với mọi người dân thể hiện thiện chí của nhà chức trách trong việc tăng cường năng lực và khả năng điều hành đất nước nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, “cánh diều” nào cũng phải có “dây neo” của nó, nếu không “cánh diều” không thể bay lượn được trên bầu trời lộng gió. Muốn nền hành chính được vận hành theo một “công nghệ hành chính” tiên tiến đòi hỏi phải có một nền tảng vững chắc mang đầy đủ các tính chất khoa học cũng như những nguyên tắc vận hành ổn định. Trên cái nền hành chính đã trở thành “công nghệ” ấy mới có thể ứng dụng các giải pháp tin học để biến nó thành một “nền hành chính công nghệ cao”.
Tiếc thay, mong muốn tốt đẹp, thiện chí của nhà chức trách, hàng ngàn tỷ đồng tiền của nhân dân chẳng mấy chốc trở thành mây khói chỉ vì việc triển khai thực hiện “đề án 112” ngay từ đầu đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng vì đã dùng người không đúng việc.
Không chỉ riêng một đề án vừa bị khai tử này, đã và đang có không ít dự án tiêu tốn ngân sách nhà nước, tiền vay mượn của nước ngòai cũng được tổ chức, quản lý và điều hành theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” chỉ vì lợi ích cục bộ, địa phương, ban ngành. Bởi vì ai ai cũng hiểu hể có dự án là có “phếch phẩy”, có “chùm khế ngọt” cho bên A bên B “trèo hái mỗi ngày”. “Chạy dự án” đã trở thành một thứ “triết lý” hành động cho việc tổ chức, triển khai và thực hiện của rất nhiều công trình mang những mục tiêu cao cả, tốt đẹp, phục vụ nhân dân nhưng cuối cùng thì vẫn là điệp khúc “ném tiền qua cửa sổ”. Vì có tiêu cực, có xin-cho để “lách” luật, “thóat” cơ chế nên đã tạo ra các PMU, các đề án kiểu 112 và hàng trăm hàng ngàn dự án khác trong mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục – đào tạo, y tế - xã hội…đã và đang “xài” tiền dân như cỏ rác.
Rất may là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh “khai tử” đề án 112 để ngăn chặn ngay việc “ném tiền qua cửa sổ”. Tuy nhiên, đề án 112 “chết” không có nghĩa là mọi sự đã kết thúc vì những chuyện trái khóay trong khi sử dụng tiền dân của ban điều hành đề án cần phải được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể.
Sau vụ này và những vụ như PMU 18, người dân chỉ mong Chính phủ quản lý tiền của nhân dân sao cho mọi người dân đều được hưởng lợi. Tốt nhất là mong sao tiền của và quyền lực phải được giao cho người có năng lực, có trách nhiệm và một lòng vì nước vì dân.

04-5-2006

No comments: