Thursday, May 3, 2007

“CHỦ ĐẠO” VÀ “BÌNH ĐẲNG”!

Về mặt lô-gíc, khi ta nói “các thành phần kinh tế đều bình đẳng” có nghĩa là trong tập hợp này sẽ không phân biệt thành phần chính và thành phần phụ, chủ đạo và không chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Để thực thi quyền bình đẳng một cách công bằng và minh bạch, nhà nước sẽ phải xây dựng các thể chế, chính sách, pháp luật cụ thể sao cho mỗi hành vi can thiệp vào nền kinh tế đều có tác động như nhau đối với mọi thành phần trong đó. Nhất thiết, trong tư duy của các nhà họach định chính sách, để có sự bình đẳng thực sự, cần phải có hình ảnh của một nền kinh tế dân chủ được điều chỉnh hòan tòan bởi các quy luật thị trường.
Rất nhiều năm qua, các chính sách kinh tế của Việt Nam đã không đi theo con đường dân chủ. Kể cả khi mà nhà nước tỏ ra rất cởi mở với thành phần kinh tế tư nhân, các chính sách bất bình đẳng mà phần ưu đãi bao giờ cũng thuộc về kinh tế nhà nước, vẫn luôn tồn tại. Chủ trương “tiếp tục hòan thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” trong đó “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” của Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân có tâm huyết với vận mênh đất nước phải lo ngại. Liệu có mâu thuẫn và áp đặt không khi quan hệ giữa các thành phần kinh tế được phát biểu theo kiểu vừa “bình đẳng” vừa phải chấp nhận “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước? Với lý do cần phải giữ vững “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước, việc họach định chính sách và sự can thiệp của nhà nước vào các thành phần kinh tế mặc nhiên sẽ chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng. Điều này đi ngược lại tư tưởng “phát huy sức mạnh tòan dân tộc, đẩy mạnh tòan diện công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nứơc ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Đổi mới là gì? Đổi mới nói đến cùng là giải phóng sức dân, là thực hiện dân chủ để dân giàu, nước mạnh. Trong kinh tế là thực hiện quyền tự do làm ăn của nhân dân là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, mau chóng đưa nước ta thóat khỏi nghèo nạn và lạc hậu.
Những con số thống kê gần đây cho thấy, kinh tế nhà nước đang lâm vào tình trạng chậm tiến như là một tất yếu. So với khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngòai, từ năm 1996 kinh tế nhà nước luôn có tốc độ tăng đầu tư cao nhất, ứng với tốc độ tăng GDP thấp nhất. Năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng 17,2% so với 2004. Trong đó, ngòai quốc doanh tăng 24,1%, đầu tư nước ngòai 20,9%, doanh nghiệp nhà nước 8,7% (8,7% là tốc độ tăng cao nhất giai đọan 1996-2005). Chưa kể, các doanh nghiệp nhà nước bình quân hàng năm còn được cấp thêm vốn ngang bằng với số nộp ngân sách, có nghĩa là nhà nước không hề có lợi nhuận trong kinh doanh. Rõ ràng hiệu quả của kinh tế nhà nước là rất thấp. Mặt khác, cơ chế quản lý ở khu vực kinh tế nhà nước đã và đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết tạo ra nhiều khe hở cho tham ô, lãng phí, thất thóat tài sản nhà nước với quy mô lớn.
Như vậy, nền kinh tế nước ta hiện có hai mảng: sáng và tối. Khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm trước đây được xem là khu vực cần được “cải tạo” thì bây giờ đang hết sức năng động. Còn khu vực kinh tế nhà nước từ xưa đến nay luôn luôn được xác định là “chủ đạo” thì lại đang hết sức trì trệ, phát sinh nhiều tiêu cực và rất khó chuyển đổi. Thực tế chứng minh rằng kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không đặc quyền đặc lợi cho quốc doanh là nền tảng vững chắc nhất để phát triển kinh tế. Thể chế dân chủ và chính sách tự do làm ăn cho tất cả mọi thành phần chính là môi trường tốt nhất giúp nước ta có thể “giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn nội lực và ngọai lực, nâng cao đời sống nhân dân”. Một khi chúng ta còn chưa vượt qua được “cái bóng” của chính mình, vẫn cứ quanh quẫn với những nhận thức nhầm lẫn, lỗi thời, khư khư giữ lấy những chủ trương, chính sách kém hiệu quả, sai lầm, có hại cho đất nước thì chúng ta vẫn chưa có sự đổi mới thực sự chứ đừng nói đến “đổi mới tòan diện và triệt để”.
Từ những bài học cay đắng trong lịch sử, đổi mới phải bắt đầu từ những chính sách đột phá. Nói cách khác, cần phải đột phá từ chính sách. Theo GS. Đào Xuân Sâm, chính sách mới phù hợp thực tế tự nó mang tính khả thi, tự nó bao hàm sức mạnh để thay đổi tổ chức và phương thức lãnh đạo, quản lý cũ, tạo lập cách làm mới. Khi chính sách chưa đổi mới cơ bản, đang còn dành đặc quyền đặc lợi cho khu vực nhà nước và hệ thống chính trị như hiện nay, gắn liền với việc ít nhiều chưa nhất quán xóa bỏ mọi kỳ thị với khu vực ngòai nhà nước, thì không thể đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng. Nếu Đảng không quyết liệt đổi mới, bỏ lỡ “thời cơ vàng” thì làm sao có thể đưa đất nước ta “ra khỏi tình trạng kém phát triển” như hiện nay?
24-02-2006

No comments: