Thursday, May 3, 2007

“PHỤC VỤ” HAY “CAI TRỊ” DÂN?

Đầu năm thông tin dồn dập về chuyện những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phát hiện nhiều cao ốc “to đùng” xây dựng không phép hoặc sai phép do tự ý nâng thêm tầng, mở rộng diện tích xây dựng một cách “vô chính phủ”. Lãnh đạo các địa phương tỏ ra hết sức kiên quyết trên các diễn đàn và phương tiên thông tin đại chúng rằng họ sẽ lập lại trật tự và kiên quyết xử lý những người vi phạm. Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cưỡng chế hơn một trăm căn nhà xây trái phép ở Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân ngay trong thời điểm Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến chứng tỏ thái độ kiên quyết của chính quyền. Hà Nội cũng không kém, trước đó đã ra quyết định “cắt” 5 tầng xây dựng thêm sai phép của tòa nhà 221-223 Bạch Mai. Tuy nhiên ngay sau đó, người ta lại phát hiện ra rất nhiều tòa nhà khác cao to hơn đang ngạo nghễ chọc trời mà chẳng hề có tờ giấy phép lận lưng. Chẳng hạn như tòa cao ốc 17 tầng tại số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa; chung cư 8 tầng ở phường bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; tòa cao ốc 11 tầng ở số 13 Kỳ Đồng, quận 3, TP.HCM… Chỉ riêng ở Hà Nội số lượng công trình xây dựng không phép và sai phép theo tổng hợp của thanh tra xây dựng không dừng ở con số vài chục hay vài trăm mà đã lên đến con số hàng ngàn. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị phát triển nóng hơn cả Hà Nội tuy chưa có con số tổng hợp chính thức nhưng số vi phạm chắc rằng cũng chẳng kém thua.
Những quan chức có trách nhiệm của hai thành phố này đều thừa nhận việc cấp giấy phép xây dựng hiện nay dù đã rất thông thoáng so với nhiều năm trước, nhưng vẫn còn không ít yêu cầu “đánh đố” người dân. Nhiều trường hợp dân có nhu cầu xin phép xây dựng nhưng nhà quản lý lại không dám cấp. Ở không ít địa phương chỉ riêng chuyện xin được xác nhận “ăn ở ổn định, lâu dài, không tranh chấp khiếu kiện” để được xây dựng là đã “toát mồ hôi”. Có cán bộ vì sợ trách nhiệm mà không dám cấp nhưng cũng có cán bộ vì muốn có “bôi trơn” nên ra sức “hành dân là chính” thay vì phải ra sức hướng dẫn, giúp đỡ dân hoàn tất các thủ tục cần thiết để được cấp phép xây dựng. Chưa kể, đối với những công trình cao ốc của các doanh nghiệp “màu mỡ” việc “hành là chính” còn đạt tới mức tinh vi khiến cho không ít nhà đầu tư chỉ còn một cách nhắm mắt mà “liều một phen”… để rồi tới đâu “lo” tới đó. Lắm khi việc “tới đâu lo tới đó” còn dễ dàng hơn là tuân thủ đầy đủ các yêu cầu “hành là chính” của các cơ quan cấp phép xây dựng.
Kiên quyết xử lý những sai phạm của dân là đúng. Nhưng còn cả một hệ thống hành chính, quản lý trật tự đô thị đã tỏ ra bất lực hoặc vô trách nhiệm trước những sai phạm công khai, kéo dài nhức nhối như thế thì không có liên quan gì hay sao? Trách nhiệm của những cán bộ quản lý trật tự đô thị ở đâu? Chính quyền địa phương ở đâu? Trong suốt thời gian hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà, hàng chục cao ốc “to đùng” mọc lên trái phép thì họ đang làm gì? Có thể có rất nhiều lý do, nhưng chắc là không ai có câu trả lời chính xác nhất bằng những “người trong cuộc”. Nhưng trước hết, có thể kết luận một cách chắc chắn rằng những cán bộ công chức “ngủ quên” nói trên rõ ràng là đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Vì nếu họ làm đúng phận sự được Nhà nước và Nhân dân giao phó, phát hiện kịp thời và kiên quyết ngăn chận sai phạm ngay từ đầu thì đã không để xảy những thiệt hại lớn về tài sản của dân và xã hội. Như vậy, trước khi xử lý những sai phạm của dân phải nghiêm khắc xử lý những cán bộ công chức đã không làm tròn trách nhiệm của mình.
Mới đây, về thăm và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhắc nhỡ chính quyền thành phố phải ra sức xây dựng bộ máy công quyền nhằm mục tiêu “phục vụ” chứ không phải để “cai trị” dân. Trên tinh thần đó, nghĩa vụ và quyền hạn lớn nhất của chính quyền là phải mang lại lợi ích cho nhân dân, phải chịu trách nhiệm về sự bất cập và thiếu sót của mình nếu làm thiệt hại cho dân. Dân không hiểu pháp luật mới làm sai, dân có oan mới khiếu kiện. Trong khi đó, theo ông Phạm Vũ Quyết Thắng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian qua các cơ quan công quyền vẫn còn làm không ít những điều sai trái, oan ức cho dân. Vì vậy, trước khi “xử lý” dân, chính quyền cần soát xét lại mình để “tự xử lý” những hành vi gây thiệt hại cho dân cũng như thái độ quan liêu của mình đã đẩy dân đến chỗ phải vi phạm pháp luật.
02-02-2007

No comments: