Thursday, May 3, 2007

ĐỒNG TIỀN HAY CON NGƯỜI CÓ LỖI?

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận đồng tiền polymer 10 ngàn đồng mới phát hành có lỗi trong quá trình in ấn. Đồng tiền này bị in thiếu một dấu chấm phân cách hàng nghìn. Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện trên, đồng tiền này vẫn được lưu thông bình thường và được đảm bảo nguyên vẹn về giá trị lẫn tính pháp lý. Vậy, chuyện có lỗi trong in ấn đồng tiền polymer 10 ngàn theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đó chỉ là chuyện nhỏ, không có gì đáng để ầm ĩ cả. Mọi người phải mặc nhiên chấp nhận đồng tiền polymer 10 ngàn đồng có lỗi kể cả khi chưa nhận được lời xin lỗi từ những người có trách nhiệm.
Điều đáng nói là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “ung dung” đưa đồng tiền có lỗi ra lưu hành rộng rãi cho đến khi báo chí lên tiếng thì mới phát hiện ra sự cố. Trong khi, việc in tiền luôn được các nhà nước trên toàn thế giới xem là một trong những chuyện hệ trọng của quốc gia. Hầu hết các kỹ thuật in ấn tiên tiến nhất, những nhà thiết kế, các kỹ thuật viên giỏi nhất đều được huy động cho việc in (hoặc đúc) tiền. Lịch sử về tiền tệ thế giới ghi nhận việc đúc tiền đã xuất hiện hàng ngàn năm trước đây và luôn luôn sử dụng những kỹ thuật tiên tiên nhất của thời đó để tạo ra những đồng tiền mang đậm dấu ấn của nền văn minh đương đại. Đồng tiền đã trở thành một vật phẩm sưu tập, một nhân chứng của lịch sử bên cạnh con tem và nhiều cổ vật khác vốn luôn ghi đậm nét dấu ấn lịch sử khi nó ra đời. Nó không chỉ tác động mạnh mẽ tới đông đảo công chúng với tư cách là một vật chuẩn để trao đổi mà còn để lại dấu ấn với tư cách là một vật phẩm mang tính văn hoá - lịch sử. Do đó, quy trình sản xuất đồng tiền phải luôn luôn là một quy trình chuẩn. Một quy trình bắt buộc phải đòi hỏi cao không chỉ về thiết kế, kỹ thuật, chất liệu mà còn đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của nhà quản lý quy trình.
Vậy thì đồng tiền có lỗi hay con người có lỗi? Đồng tiền có lỗi, nhưng nó vẫn có thể được xem là vẫn đảm bảo tính pháp lý để lưu hành và vẫn giữ nguyên giá trị thanh toán. Nhưng những người có trách nhiệm cao nhất trong quy trình sản xuất đồng tiền này để xảy ra sự cố như vậy, họ cũng là những người có lỗi. Nhân dân, những người phải chấp nhận đồng tiền có lỗi này trên thực tế vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào của người có trách nhiệm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ nhằm giải thích quanh co đổ lỗi cho khâu chế bản và bào chữa cho “cái lỗi không có gì là đáng ầm ĩ”của họ mà chưa thấy nói rõ ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sai sót này?
Cách ứng xử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy sự tùy tiện trong cách quản lý điều hành, kể cả trong các công việc đại sự của quốc gia. Đây cũng chính là căn bệnh trầm kha của bộ máy hành chính công Việt Nam hiện nay. Đó là bệnh tùy tiện. Trong một quy trình chuẩn như quy trình in tiền, khi để xảy ra lỗi (mặc dù không được phép có lỗi trong quy trình này) người ta vẫn có thể viện dẫn ra rất nhiều lý do để buộc mọi người phải chấp nhận sự sai sót đó thay vì trước hết phải đánh giá ngay thiệt hại của sai sót và xem xét trách nhiệm những người có liên quan. Đồng thời phải đánh giá lại quy trình, tổ chức để kiểm tra xem vì sao lại để xảy ra sai sót như vậy, rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Khi đồng tiên polymer 10 ngàn đồng có lỗi dù ở bất cứ góc độ nào Nhà nước và Nhân dân cũng bị thiệt hại. Nếu phải hủy toàn bộ số tiền này để in lại chắc chắn ngân sách lại phải chi một khoản không nhỏ. Nhưng nếu tiếp tục chấp nhận đồng tiền có lỗi cho phép lưu hành, sau này vẫn tiếp tục cho in và phát hành đồng tiền có lỗi, có nghĩa là chúng ta chấp nhận một sản phẩm không chuẩn đi vào đời sống xã hội một cách rất có ý thức. Điều đó cũng có nghĩa là, hệ thống quy chuẩn của Việt Nam trong thời đại ngày nay sẵn sàng chấp nhận những hiện tượng “lệch chuẩn” do sai sót và sự tùy tiện mà không cần phải sửa chữa. Nếu áp dụng triết lý này vào lĩnh vực giao thông, chấp nhận sự “lệch chuẩn” tùy tiện của một số người tham gia giao thông thì chắc chắn tai nạn sẽ gia tăng và sẽ rất thảm khốc. Trên thực tế, hầu hết các tai nạn giao thông đã xảy ra theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ phần lớn do người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông. Ứng dụng sự “lệch chuẩn” tùy tiện vào nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, điều hành bộ máy hành chính quốc gia càng cho thấy tính chất nghiêm trọng của nó vì hậu quả của những sai sót và kiểu điều hành tùy tiện trong lĩnh vực này sẽ mang lại hậu quả khó lường cho đất nước.
Đồng tiền có lỗi và được phép lưu hành là một sự “lệch chuẩn” có nguồn gốc từ thói quen tùy tiện trong quản lý điều hành, trong quan niệm về áp dụng pháp luật của chính con người. Thói quen này cần thiết phải được chấm dứt ngay. Nếu không sự tùy tiện trước sau gì cũng sẽ trở thành một lỗi hệ thống làm suy yếu nghiêm trọng năng lực điều hành của bộ máy công quyền.
15-9-2006

No comments: