Friday, January 2, 2009

Thêm hai tổng biên tập nữa ra đi

Vậy là hai TBT Nguyễn Công Khế và Lê Hoàng của hai tờ báo chính trị - xã hội nhiều độc giả nhất của nước ta hiện nay đã phải "ra đi" đúng theo kế hoạch đã định: bàn giao trước ngày 1-1-2009. Vào cái ngày cuối cùng của năm cũ (2008), lãnh đạo cơ quan chủ quản của hai tờ báo này đã đến làm việc và công bố quyết định cuối cùng sau một khoảng thời gian xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng việc "ra đi" này của hai TBT có thể được hoãn lại.
Được biết, người tạm thời nắm giữ chức vụ quyền TBT báo Thanh Niên sẽ là ông Đặng Thanh Tịnh - phó của ông Khế, phụ trách về hành chính trị sự. Trong khi ở tờ Tuổi Trẻ, người sẽ thay ông Lê Hoàng nắm giữ quyền TBT cũng là một ông phó xuất thân từ công việc trị sự hành chính.
Thoạt nhìn có người cho rằng cơ quan chủ quản của cả hai tờ báo đều không tỏ ra có chút tin cậy nào với các phó TBT phụ trách nội dung. Tuy nhiên, có lẽ họ cũng đang lâm vào thế bị động vì sự khủng hoảng lãnh đạo báo chí đi theo lề phải, tương tự như ĐĐK vài tháng trước, các phó nội dung của hai tờ báo trong thời gian qua đều lãnh kỷ luật nên theo quy chế mới các phó TBT này không thể được xem xét để đề bạt lên chức.
Có nhiều khả năng một thời gian không lâu tới đây, hai cơ quan chủ quản sẽ cử người từ "trên" xuống để nắm giữ chức vụ TBT chính thức phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới của hai tờ báo này.
Báo Thanh Niên trong suốt 20 năm làm TBT của ông Nguyễn Công Khế đã lớn mạnh vượt bậc. Từng là một tờ báo sinh sau đẻ muộn, tép riu so với Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong, SGGP...Thanh Niên đã bứt phá ngoạn mục để kề cận, sánh vai trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ nặng ký. Các chiêu thức làm báo thời thị trường có thể làm cho nhiều nhà báo có lương tri kinh sợ nhưng dẫu sao nó vẫn mang lại những hiệu quả nhất định cho sự nhảy vọt và uy thế của tờ báo này trong những năm gần đây. Trước mắt công chúng uy lực của báo Thanh Niên thật đáng sợ.
Ngày nay Thanh Niên đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hội nhập báo chí toàn cầu với khuynh hướng trở thành một "tập đoàn truyền thông" hàng đầu của Việt Nam. Tham vọng rất lớn, song sức người có hạn. Tuy nhiên, công lao của ông Nguyễn Công Khế với báo Thanh Niên cũng đã được ghi nhận bằng việc ông vẫn được cơ quan chủ quản tin dùng vào chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần truyền thông Thanh Niên - có thể xem là tiền thân của Tập đoàn truyền thông Thanh Niên mai sau.
Mọi thứ đều có thể thay đổi. Hôm qua không thể là hôm nay và ngày mai cũng thế. Vạn vật như hạt sương trong ánh nắng mặt trời, long lanh đấy rồi cũng tan biến thành mây khói đấy...Từ khi rời khỏi Thanh Niên, ta đã chọn cho mình một lối sống theo đúng với những gì mà ta sẽ là như vậy. Không thể làm khác cái mà ta vốn đã được đặt để, vốn để có mặt trên cõi đời này như là vậy được.... Vậy nên càng ngày ta càng hiểu hơn những điều mà các bậc tiền nhân, sư tổ đã chiêm nghiệm và truyền lại cho hậu thế:


Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hạ xuân tàn

(Sơn phòng mạn hứng - Trần Nhân Tông)
Dịch:
Mạn hứng ở Sơn Phòng
Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
Lòng danh lợi rụng theo trận mưa đêm
Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch
Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.


Biết mộng thì tỉnh mộng vậy!

Thursday, July 19, 2007

“THANH BẢO KIẾM” PHẢN BIỆN

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thừa nhận, trong Hội nghị Tổng kết họat động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM khóa XI, nhiều đơn từ của dân, trong đó có những đơn từ do ông chuyển về cơ quan chức năng không thấy tăm hơi. Điều đó chứng tỏ hãy còn rất nhiều cơ quan nhà nước cũng như các quan chức nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm với dân.
Nhân dân cũng phàn nàn về việc hãy còn không ít đại biểu Quốc hội chưa thực hiện tốt lời hứa với cử tri; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và còn rất hạn chế, đôi khi thờ ơ trong việc tham gia vào các họat động giám sát của Quốc hội.
Ngay cả việc giám sát của Quốc hội trong thời gian diễn ra các kỳ họp cũng được ghi nhận là chưa thực sự sâu sát. Những cuộc chất vấn, các phiên tranh luận tuy có thẳng thắn và sôi nổi hơn trước nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết được những vấn đề mà nhân dân mong đợi như: cải cách hành chính, cải cách tư pháp, giải quyết khiếu nại tố cáo, quản lý đất đai, quy họach, dự án treo, vấn đề xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an tòan thực phẩm, chữa bệnh, học hành, lao động việc làm, chăm lo cho những người có công, gia đình chính sách và người nghèo, có hòan cảnh khó khăn…Đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng trở nên nghiêm trọng vẫn chưa có giải pháp triệt để nào để ngăn chận và đẩy lùi.
Trong khi xem xét những vấn đề quốc kế dân sinh, Quốc hội vẫn chưa thực sự sử dụng “thanh bảo kiếm” phản biện của mình có hiệu quả để giám sát chặt chẽ các họat động của cơ quan hành pháp. Đôi khi có những vấn đề Quốc hội không có đủ thời gian, điều kiện để nghiên cứu, thảo luận, xem xét một cách thấu đáo trước khi thông qua. Có những vấn đề phức tạp, tế nhị, nhân dân chờ đợi những vị đại biểu của mình thể hiện dũng khí và bản lĩnh, mạnh dạn bày tỏ chính kiến bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, nhưng thông thường thì mọi chuyễn vẫn diễn ra êm xuôi như kế hoạch và dự kiến ban đầu. Quốc hội vẫn thường phải “du di” để quyết định “những chuyện đã rồi”…Một nhà báo lão thành đã buộc phải cất tiếng than rằng: “Quốc hội ta…hiền quá!”.
Trong khi đó, ở cấp Hội đồng nhân dân, một vài địa phương đã bắt đầu sử dụng tốt “thanh bảo kiếm” phản biện được luật pháp và nhân dân tin cẩn trao cho. HĐND TP.Hồ Chí Minh đã ít nhất có hai lần phản bác đề án do UBND trình phê duyệt. Đó là đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân và sau đó là đề án tăng học phí. Hai đề án này của TP. Hồ Chí Minh đã gặp sự phản ứng quyết liệt của đông đảo nhân dân trên địa bàn. Các ý kiến phản biện đều thống nhất cho rằng những đề án đó không nhằm mục tiêu phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng mà chỉ nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của cơ quan hành pháp cùng với lợi ích của một nhóm ít người có đặc quyền đặc lợi. Mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về “ Những chính sách lớn và một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau khi Việt Nam gia nhập WTO”. Vì cho rằng nghị quyết này “bê nguyên xi đề án của Thành ủy Hà Nội”, UBND cần phải cụ thể hóa và HĐND cần phải có nghị quyết để giám sát việc thực hiện. Nếu HĐND thông qua một nghị quyết “bê nguyên xi” sẽ là quá vội vã. Các nhà quan sát cho rằng đây là một “tín hiệu vui” của chính trường Việt Nam. Bởi vì, xưa nay người ta vốn bị đóng đinh bởi ấn tượng, đại biểu HĐND cũng giống như những ông bà “nghị gật”! Một vài đại biểu tâm huyết, sau nhiều lần góp ý kiến, tranh luận, phản biện mạnh mẽ cuối cùng cũng rơi tõm vào im lặng, không xoay chuyển được tình hình cũng đành “bó tay” chấp nhận vai trò “ông hội đồng…gật” cho yên chuyện. Thế là, trong hoàn cảnh đó hàng lọat các nghị quyết, chính sách, đánh giá tình hình và ngay cả các giải pháp quốc kế dân sinh còn chưa được thẩm định đúng mức cũng luôn được sự “đồng thuận” cao ngất trời xanh. Trong khi nhân dân thì càng ngày lại càng thấy “người đại biểu” của mình sao mà xa cách quá!
Trước thềm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc nhỡ: “Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dù ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng luôn luôn ý thức về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, thực hiện tốt chương trình hành động đã báo cáo với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri và đôn đốc giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Mỗi người đại biểu cần phải biết trân trọng và giữ gìn sự tin cẩn của nhân dân. Để giữ chữ tín và lời hứa với dân, người đại biểu của dân nhất thiết phải thể hiện bản lĩnh và sự dũng cảm cần thiết để có thể sử dụng tốt nhất “thanh bảo kiếm” phản biện trong các họat động của mình hướng tới mục tiêu vì lợi ích của cộng đồng.
20-7-2007

AN CƯ LẠC NGHIỆP

“An cư lạc nghiệp”- các cụ xưa đã dạy và điều đó luôn đúng trong mọi thời đại. Ngày nay, mục tiêu phấn đấu của nước ta là mau chóng thóat ra khỏi số phận của các nước nghèo nàn, lạc hậu. Từng bước đưa dân ta tới cảnh giàu có, dân chủ và văn minh. Nói thì rất dễ, nhưng nếu xem xét trong từng hành động, từng bước đi cụ thể của các chính quyền ở một số địa phương thì hãy còn nhiều điều đáng phải quan ngại.
Ai cũng biết quy họach, giải tỏa, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị mới là một trong những chuyện phải làm để từng bước nâng cao kết cấu hạ tầng của nền kinh tế và đời sống dân sinh. Chủ trương lớn của nhà nước từng được rất nhiều vị lãnh đạo qua nhiều thời kỳ khẳng định rõ ràng và cụ thể, rằng việc quy họach, giải tỏa và tái định cư phải luôn luôn đảm bảo cho cộng đồng dân cư trong khu vực được quy họach, thu hồi đất có điều kiện tái định cư tương đương hoặc tốt hơn trước khi triển khai dự án. Những lợi ích của dự án phát triển bao giờ cũng phải mang lại sự an cư và an tâm cho chính cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất trong quá trình thực thi dự án. Điều đó không chỉ phù hợp pháp luật, chủ trương chính sách nhà nước mà còn là đạo lý, lẽ công bằng trong đối nhân xử thế đồng thời cũng là cách thức thể hiện rõ nhất bản chất của chế độ của dân, do dân và vì dân.
Nếu những người lãnh đạo địa phương nào cũng thấm nhuần và luôn thực hành đúng đạo lý và chủ trương trong sáng như trên thì thật hạnh phúc cho dân. Chắc sẽ chẳng có chuyện nhiều người dân phải kéo nhau đi khiếu kiện khắp nơi, gõ hết mọi cửa và hàng núi hồ sơ khiếu nại phải dồn về các cơ quan chức năng của trung ương nến mức quá tải, khó có thể giải quyết như mong đợi của nhiều người.
Trên thực tế, tham nhũng đất đai là một trong những dạng tham nhũng khá phổ biến và mang lại những giá trị rất lớn. Lại là một trong những hành vi dễ thực hiện vì chính sách quản lý đất đai của nhà nước trong nhiều năm qua còn rất nhiều bất cập. Hầu như cán bộ quản lý nhà nước cấp nào cũng có thể tham gia vào việc chia chác đất đai mỗi khi có dịp và có quyền hành trong tay. Báo Đại Đoàn Kết đã từng đưa tin về một cán bộ của trung ương đã có nhà đất đề huề nhưng vẫn “tranh thủ” chức quyền và “sự ảnh hưởng” của mình với địa phương để xin được cấp thêm một số đất nền nhà trong khu quy họach phát triển ở Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Hay như một số quan chức, cán bộ của Quận 2, TP.Hồ Chí Minh tranh thủ dự án “ Giải quyết nhà ở cho cán bộ nhân viên có hòan cảnh khó khăn” để chia chác nhiều khu đất “đẹp” để rồi sau đó sang tay bán ngay để lấy chênh lệch giá hàng trăm triệu đồng.
Trong khi đó, để có những khu đất đẹp và quy họach thành những khu đô thị mới, nhiều người dân đã phải bấm bụng ra đi, chia tay với những nơi đã từng gắn bó với gia đình họ trong nhiều năm tháng, nhiều thế hệ…Nhiều gia đình hy vọng, chấp hành chủ trương nhà nước, giải tỏa mặt bằng để xây dựng đô thị ngày một hiện đại, văn minh hơn. Và tất nhiên, trong đó gia đình của họ cũng được hưởng sự văn minh và giàu có đó. Trong rất nhiều quyết định phê duyệt các quy họach dự án đô thị mới, Chính phủ đã rất thận trọng khi luôn xem xét bố trí một phần đất đai nằm trong dự án nhằm phục vụ cho việc tái định cư cho nhân dân trong vùng quy họach. Điều đó thể hiện thái độ vì dân, quan tâm tới dân có tình có lý của những nhà lãnh đạo đất nước. Thế nhưng, khi “xuống” tới cấp địa phương triển khai thực hiện, thì những chủ trương đúng đắn và có tình có lý của Chính phủ thường bị “biến hóa” thành những “miếng mồi” để cho một số quan chức địa phương chia chác nhau, bất chấp quyền lợi của nhân dân trong khu vực giải tỏa bị đẩy ra khỏi mảnh đất thân quen của mình. Nhiều dự án phát triển ở các địa phương chưa hề chuẩn bị xong khu vực tái định cư và tạm cư cho dân đã vội vàng ra quyết định thu hồi đất mà không cần biết dân sẽ đi đâu, về đâu và sinh sống như thế nào nên trong lòng họ chưa bao giờ thấy được sự “an cư”.
Thậm chí có chính quyền địa phương còn “treo giải” thưởng cho những cấp cơ sở nào nhanh chóng “giải tỏa” được dân, sớm thu hồi đất đai cho dự án những món tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng. Tiền đền bù nếu chưa được dân đồng thuận thì được phép “treo” trong ngân hàng, còn dân có nhận hay không mặc kệ dân.
Nhà nước đang làm mọi cách để an dân, trong đó có giải pháp “an cư lạc nghiệp”. Luật cư trú và nhiều luật mới có hiệu lực hồi đầu tháng này là một trong những minh chứng rõ nét nhất về tinh thần “an dân” đó của nhà nước. Ngày nay, người dân có nhiều quyền hơn trong cư trú, đi lại và sở hữu nhà cửa. Đó là một trong những điều kiện cần thiết nhất để dân có thể “an cư lạc nghiệp”. Nếu hãy còn nhiều người dân chưa an cư thì nước nhà chưa thể hùng mạnh được. Tham nhũng đất đai, nhà cửa và những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà đất của các quan chức địa phương đã và đang góp phần làm cho dân bất an vì dân chưa thể “an cư”.
17-7-2007

CHIÊU BÀI “XÃ HỘI HÓA”!

Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta hay nói tới chuyện xã hội hóa giáo dục và y tế. Xã hội hóa để huy động rộng rãi các nguồn lực tham gia nâng cao chất lượng các dịch vụ vì lợi ích cộng đồng và đưa các dịch vụ này tiếp cận ngày càng sâu hơn rộng hơn tới mọi tầng lớp nhân dân, mọi vùng miền trong cả nước là một định hướng tích cực.
Những năm qua, nhờ chủ trương xã hội hóa mà nhiều lọai hình trường học, bệnh viện do tư nhân đầu tư đã phát triển khá mạnh đáp ứng được nhu cầu học hành, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhiều thành phần dân cư trong xã hội với nhiều “đẳng cấp” khác nhau. Một số các trường học, bệnh viện đã đạt được tiêu chuẩn tương đương với các nước trong khu vực giúp làm giảm bớt số lượng “chảy máu ngọai tệ”. Người dân có điều kiện đi ra nước ngòai chữa bệnh hoặc gởi con cái ra nước ngòai học hành nay có sự lựa chọn dịch vụ tương đương trong nước.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện không ít “đề án” xã hội hóa giáo dục, y tế theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”. Những đề án kiểu này thường đánh đồng việc “xã hội hóa” với chuyện “chia chác tài sản công” cho một số người có đặc quyền. Một trong những thủ thuật dễ “đánh bùn sang ao” nhất là sử dụng chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vào chuyện “xã hội hóa” hình thức sở hữu tài sản công của các tổ chức xã hội hoạt động vì lợi ích cộng đồng. “Đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình dân” ở TP.Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ.
Ngay cả việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng đang là một vấn đề cần phải được đánh giá lại một cách thận trọng. Đặc biệt là việc định giá tài sản để cổ phần hóa. Dư luận đã chỉ ra không ít lỗ hổng trong cơ chế cổ phần hóa đã làm thất thóat rất lớn tài sản quốc gia. Tài sản công không được “xã hội hóa” như mục tiêu tốt đẹp của chính sách “cổ phần hóa” mà thực sự rơi vào túi của một số ít người có chức, có quyền, có khả năng chi phối doanh nghiệp và quá trình “chia chác” đó. Nếu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là sở hữu toàn dân tại sao lại chỉ có mấy ông lãnh đạo hay vài chục, vài trăm nhân viên của công ty đó được quyền mua cổ phiếu “ưu đãi”? Hơn nữa, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là nhằm mục tiêu huy động được nhiều nguồn lực của xã hội để vực dậy những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, yếu kém do cơ chế quản lý nhà nước và bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp kém hiệu quả. Chủ trương ưu đãi càng khiến cho phần lớn tài sản của doanh nghiệp lọt vào tay những quan chức đương quyền, vốn đã làm ăn thua lỗ, lại tiếp tục “hóa thân” thành những người lèo lái, dẫn dắt doanh nghiệp trong cơ chế cổ phần. Liệu có phải là một giải pháp tốt?
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đã có chủ trương từ lâu, đã được nghiên cứu cẩn thận, đã tốn kém nhiều tiền của, thời gian, nhân lực để làm mà vẫn còn không ít chệch chọach và sơ hở. “Cổ phần hóa trường học và bệnh viện công” chưa hề có chủ trương chính thức nào của nhà nước, chưa hề được nghiên cứu thấu đáo, chưa ai đánh giá thẩm định thế nhưng đã có “đề án” thí điểm thực hiện cổ phần hóa một bệnh viện công chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi lập đề án cho đến khi tổ chức được đại hội cổ đông để công bố thành lập cái gọi là “công ty cổ phần bệnh viện”. Quả thật không thể gọi hành động đó bằng cái danh xưng gì xác đáng hơn là một hành động “xã hội…đen” (hiểu theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”) hòng “gài thế” Nhà nước và Nhân dân trước chuyện đã rồi!
Xã hội hóa giáo dục và y tế lẽ ra phải được hiểu đúng đắn hơn là nhà nước mở rộng cửa và tạo điều kiện ưu đãi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực vì lợi ích cộng đồng này. Xã hội hóa để mang lại mục tiêu tối thượng là tạo ra nhiều cơ hội cho giáo dục và y tế có thể tiếp cận rộng rãi tới mọi tầng lới nhân dân trong xã hội, người giàu cũng như người nghèo, người ở thành phố cũng như người ở miền núi, hải đảo… Chứ hoàn toàn không thể hiểu theo kiểu: “xã hội hóa” trường học và bệnh viện công là để chuyển dịch tài sản của toàn dân vào tay một nhóm người để rồi họ dùng chính lợi thế đó tiếp tục đầu tư kinh doanh kiếm lợi cho nhóm của mình. Để làm “an lòng” dư luận chấp thuận cho “âm mưu” của mình, họ tung ra chiêu bài “sẽ trích quỹ để chữa bệnh miễn phí và tài trợ học phí cho người nghèo”. Thật khó có thể tin được, tài sản của nhân dân được chia chác vào tay một nhóm người để rồi sau đó chính nhân dân lại phải ngữa tay ra nhận lấy lòng “hảo tâm” của những người có đặc quyền đặc lợi đó.
13-7-2007

BÀN TAY KHÔNG CHE ĐƯỢC MẶT TRỜI

Chỉ một tuần sau khi kết thúc chuyến đi vận động cho các nạn nhân của chất độc màu da cam, cũng như tham dự phiên điều trần tại tòa phúc thẩm ở NewYork (Mỹ), anh Nguyễn Văn Quý đã từ trần tại Hải Phòng.
Là lính kỹ thuật đường dây thông tin, trong những năm chiến tranh anh Quý phục vụ tại mặt trận Tây Nguyên…Cũng như bao người lính khác, anh đã ăn tất cả từ sắn, rau dại, các loại cây cỏ, uống nuốc suối mà không hề hay biết chất độc dioxin quái ác có trong chất khai hoang màu da cam của quân đội Mỹ đang ẩn mình trong những thức đó. Hòa bình, anh Quý về nhà lập gia đình. Đứa con đầu lòng mà cả gia tộc mong mỏi lại là một bào thai dị dạng. Người vợ đầu sợ hãi đâm đơn ly dị. Vài năm sau, anh lập gia đình một lần nữa, nhưng đau đớn thay, cả hai người con của anh đều bị dị tật. Bản thân anh, do ảnh hưởng chất độc da cam nên anh bị ung thư dạ dày và di căn lên gan, tụy và phổi. Trước khi đi Mỹ, anh đã phải phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày khiến việc ăn uống rất khó khăn. Người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn ngày nào giờ thường đắm mình trong im lặng cùng với nỗi đau tột cùng. Lắm khi đau đớn quá, anh phải leo lên gác để rên chứ không dám ở dưới nhà sợ vợ nghe được lại buồn…
Dù sức khoẻ rất yếu, trong suốt chuyến đi Mỹ sức khoẻ của anh luôn là một trong những điều trăn trở và lo âu của đoàn, thế nhưng cho dù có khi đau đến nỗi phải ngồi xe lăn, mọi người vẫn luôn thấy tinh thần lạc quan của anh. Cả đoàn thường được nghe những câu chuyện hài hước, những câu đùa vui của anh chứ chưa bao giờ nghe một lời than vãn, đớn đau nào của anh dù căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn cuối.
Từ NewYork, khi hay tin anh Quý từ trần, Merle Ratner (Điều phối viên cuộc vận động vì trách nhiệm và nạn nhân da cam) đã rất xúc động cho biết: “Căn bệnh ung thư của anh Quý đã bước vào giai đoạn di căn khi anh tới Mỹ. Nhưng sự cống hiến, sự anh hùng và khát khao vì công lý của anh bất chấp những nỗi đau của căn bệnh vẫn hàng ngày hành hạ là một điều hết sức cảm động và đáng trân trọng”. Cuộc đấu tranh vì công lý của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ còn kéo dài, sự ra đi của anh Quý càng khiến cho mọi người phải nỗ lực hành động hơn để gánh vác khoảng trống mà anh để lại cho cuộc đầu tranh chung vì công lý này sau khi từ biệt chúng ta.
Vụ kiện có thể còn kéo dài trong rất nhiều năm, mặc dù lương tâm nhân loại đã được thức tỉnh bằng chữ ký, lời ca cùng hành động kết nối hàng trăm triệu trái tim nhân ái trên khắp địa cầu đòi công lý cho những người như anh Quý. Nhưng nhóm bị đơn, là những nhà sản xuất cái chất độc giết người màu da cam đó vẫn luôn tìm mọi cách biện minh để chạy tội. Trái tim của họ băng giá trước hàng triệu nguyên đơn là những con người tiều tụy, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần không chỉ cho họ mà nỗi đau đó còn kéo dài ra bao thế hệ…Ai cũng biết bàn tay rồi cũng sẽ chẳng che nỗi mặt trời, bóng tối không thể lấp đầy ánh sáng của tình yêu thương và lòng nhân ái. Lẽ phải luôn có sức mạnh và sự bền bỉ của nó dù phải vượt qua những chặng đường thiên lý đầy khó khăn và gian khổ. Cuộc hành trình nào rồi cũng sẽ tới đích, nhất là cuộc hành trình của những con người dành hết sức hết lòng đến hơi thở cuối cùng của mình như cuộc hành trình của anh Quý. Hình ảnh đó không sao có thể sớm lụi tàn và mau chóng bị lãng quên trong tâm thức và lương tri của nhân loại.
Ngay những người Mỹ có lương tri cũng cảm thấy đau đớn và xấu hổ trước “trái tim băng giá” của nhóm bị đơn-những ông chủ giàu sụ của thuốc diệt cỏ màu da cam. Những nhà lập pháp Mỹ cũng đã thông qua một ngân sách 3 triệu USD để tẩy sạch môi trường và chăm sóc cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. David Cline, nguyên Chủ tịch Hiệp hội cựu binh vì hoà bình (Mỹ) đã khóc nức nở khi nghe tin anh Quý ra đi. Trong những ngày ở NewYork, Cline vẫn thường giúp đỡ và dìu anh Quý đi lại. Mọi người đều xúc động khi nhìn thấy những cử chỉ thân ái của hai người lính từng đứng ở hai bên chiến tuyến khi xưa. Clinhe đã tặng cho anh Quý tấm huân chương Purple Heart (Trái tim tím) do Chính phủ Mỹ tặng anh bởi vì, theo Cline: “Tôi cảm thấy tình đồng chí với anh Quý. Chúng tôi đều là những người lính và hành động này biểu hiện sự tôn trọng anh ấy”.
Vụ kiện có thể còn kéo dài trong nhiều năm, do đó cần phải có ngay những biện pháp tích cực để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Hàng trăm nghìn người như anh Quý và gia đình vẫn còn đang tiếp tục chống chọi với nỗi đau tột cùng để chờ một lời xin lỗi, một sự ăn năn dẫu muộn màng của những kẻ gây ra đau thương này. Ai cũng hiểu cuộc đấu tranh đó còn nhiều cam go, nhưng ai cũng muốn đi đến cùng trên con đường đó.
10-7-2007