Friday, January 2, 2009

Thêm hai tổng biên tập nữa ra đi

Vậy là hai TBT Nguyễn Công Khế và Lê Hoàng của hai tờ báo chính trị - xã hội nhiều độc giả nhất của nước ta hiện nay đã phải "ra đi" đúng theo kế hoạch đã định: bàn giao trước ngày 1-1-2009. Vào cái ngày cuối cùng của năm cũ (2008), lãnh đạo cơ quan chủ quản của hai tờ báo này đã đến làm việc và công bố quyết định cuối cùng sau một khoảng thời gian xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng việc "ra đi" này của hai TBT có thể được hoãn lại.
Được biết, người tạm thời nắm giữ chức vụ quyền TBT báo Thanh Niên sẽ là ông Đặng Thanh Tịnh - phó của ông Khế, phụ trách về hành chính trị sự. Trong khi ở tờ Tuổi Trẻ, người sẽ thay ông Lê Hoàng nắm giữ quyền TBT cũng là một ông phó xuất thân từ công việc trị sự hành chính.
Thoạt nhìn có người cho rằng cơ quan chủ quản của cả hai tờ báo đều không tỏ ra có chút tin cậy nào với các phó TBT phụ trách nội dung. Tuy nhiên, có lẽ họ cũng đang lâm vào thế bị động vì sự khủng hoảng lãnh đạo báo chí đi theo lề phải, tương tự như ĐĐK vài tháng trước, các phó nội dung của hai tờ báo trong thời gian qua đều lãnh kỷ luật nên theo quy chế mới các phó TBT này không thể được xem xét để đề bạt lên chức.
Có nhiều khả năng một thời gian không lâu tới đây, hai cơ quan chủ quản sẽ cử người từ "trên" xuống để nắm giữ chức vụ TBT chính thức phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới của hai tờ báo này.
Báo Thanh Niên trong suốt 20 năm làm TBT của ông Nguyễn Công Khế đã lớn mạnh vượt bậc. Từng là một tờ báo sinh sau đẻ muộn, tép riu so với Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong, SGGP...Thanh Niên đã bứt phá ngoạn mục để kề cận, sánh vai trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ nặng ký. Các chiêu thức làm báo thời thị trường có thể làm cho nhiều nhà báo có lương tri kinh sợ nhưng dẫu sao nó vẫn mang lại những hiệu quả nhất định cho sự nhảy vọt và uy thế của tờ báo này trong những năm gần đây. Trước mắt công chúng uy lực của báo Thanh Niên thật đáng sợ.
Ngày nay Thanh Niên đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hội nhập báo chí toàn cầu với khuynh hướng trở thành một "tập đoàn truyền thông" hàng đầu của Việt Nam. Tham vọng rất lớn, song sức người có hạn. Tuy nhiên, công lao của ông Nguyễn Công Khế với báo Thanh Niên cũng đã được ghi nhận bằng việc ông vẫn được cơ quan chủ quản tin dùng vào chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần truyền thông Thanh Niên - có thể xem là tiền thân của Tập đoàn truyền thông Thanh Niên mai sau.
Mọi thứ đều có thể thay đổi. Hôm qua không thể là hôm nay và ngày mai cũng thế. Vạn vật như hạt sương trong ánh nắng mặt trời, long lanh đấy rồi cũng tan biến thành mây khói đấy...Từ khi rời khỏi Thanh Niên, ta đã chọn cho mình một lối sống theo đúng với những gì mà ta sẽ là như vậy. Không thể làm khác cái mà ta vốn đã được đặt để, vốn để có mặt trên cõi đời này như là vậy được.... Vậy nên càng ngày ta càng hiểu hơn những điều mà các bậc tiền nhân, sư tổ đã chiêm nghiệm và truyền lại cho hậu thế:


Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hạ xuân tàn

(Sơn phòng mạn hứng - Trần Nhân Tông)
Dịch:
Mạn hứng ở Sơn Phòng
Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
Lòng danh lợi rụng theo trận mưa đêm
Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch
Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.


Biết mộng thì tỉnh mộng vậy!