Thursday, May 3, 2007

“DÂN CHỦ LÀ ĐỂ CHO DÂN DÁM NÓI !”

Ngày này 60 năm trước (6-1-1946), lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam “nhân dân ta bắt đầu được hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, lần đầu tiên nhân dân ta được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước. Cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã được nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều cụ già xúc động nói: “Bây giờ có chết cũng hả dạ vì đã bỏ được lá phiếu góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho con cháu mình”. Khát vọng và niềm vui có được một thể chế dân chủ đối với dân tộc Việt Nam thật mãnh liệt và hùng tráng biết bao! Những trang lịch sữ vẻ vang đó chắc chắn sẽ không thể phai mờ trong ký ức dân tộc.
60 năm đã qua, trong từng giai đọan lịch sử, Quốc hội đã khẳng định được vai trò của mình và đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đất nước càng phát triển, yêu cầu về một Quốc hội dân chủ càng được nâng cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: “Quốc hội ngày càng tiến bộ hơn, nhưng chưa đạt tới mức dân thực sự đứng lên làm chủ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị đại biểu quốc hội khóa đầu tiên, xúc động nhắc lại lời Bác Hồ: “Đại biểu quốc hội là do dân bầu ra, là đầy tớ của nhân dân! Có tài năng nhưng phải đức độ với dân. Đặc biệt là phải dân chủ, tức là để cho dân dám nói!”. Đại tướng hoan nghênh Quốc hội hiện nay dân chủ hơn, sát dân hơn nhưng ông thẳng thắn đánh giá “mức dân chủ chưa phải là xuất sắc lắm!”.
Trên thực tế, đôi khi Quốc hội lại bị đặt trước những chuyện đã rồi khiến cho “quyền lực cao nhất” có khả năng trở thành “hư quyền”. Chẳng hạn như chuyện đổi tiền vào thời kỳ của Quốc hội khóa VII mà ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ cũng chỉ được biết vào phút chót, khi mọi việc đã đựợc quyết định xong. Hoặc ở khóa VIII, Quốc hội chưa bàn, chưa quyết, chưa ra nghị quyết mà đã có văn bản cho phép tách một số tỉnh và văn bản đó được thực hiện ngay. Hay gần đây nhất, tại kỳ họp tháng 11-2005 vừa qua, Quốc hội còn chưa bàn, chưa biểu quyết mà đã có vị tuyên bố hùng hồn rằng kiểu gì thì cũng phải thông qua dự án Luật đầu tư chung…Như vậy thì còn đâu là vai trò của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước? Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vốn rất coi trọng vai trò của cơ quan dân cử, ông đã từng cảnh báo về hiện tượng này: “Tuyệt đối không được đặt cơ quan dân cử trước những việc đã được quyết định rồi, chỉ còn một cách là thụ động biểu quyết thông qua… Đừng biến Quốc hội thành cây cảnh!”.
Dĩ nhiên, để người dân thực sự có thể đứng lên làm chủ như mong muốn của Chủ tịch Nguyễn Văn An, phát huy vai trò của từng đại biểu quốc hội là yếu tố quan trọng. Trước những yêu cầu bức xúc của nhân dân và tiền đồ của đất nước, các đại biểu tất nhiên sẽ phải chịu nhiều áp lực lớn khi đưa ra những quyết định của mình. Nhưng một khi đã dấn thân và nhận trách nhiệm to lớn mà nhân dân tin cẩn giao cho, đại biểu quốc hội chỉ còn có thể làm một việc duy nhất đúng đó là chỉ chấp thuận những điều có lợi cho dân và ngược lại, phải kiên quyết bác bỏ những điều phản dân, hại nước. Dĩ nhiên để các cơ quan dân cử ngày càng có nhiều những vị đại biểu một lòng vì dân còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng dù làm như thế nào đi chăng nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải là làm sao để cho người dân thực sự có cơ hội đứng lên làm chủ vận mạng của mình.
06-01-2006

No comments: