Thursday, May 3, 2007

TRƯNG CẦU Ý DÂN

Năm ngóai, trong một hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ông Phạm Thế Duyệt – Chủ tịch Đòan Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam đã chỉ ra một nghịch lý là việc thực hiện quy chế dân chủ ở các xã, phường, thị trấn làm tốt hơn ở nơi “hiểu biết nhiều, lý lẽ nhiều” là các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc rằng nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở các tổng công ty lớn của nhà nước có phần do việc lơi lõng thực hiện quy chế dân chủ.
Theo các nhà chuyên môn, mặc dù quy chế dân chủ cơ sở có quy định những việc dân bàn và trực tiếp quyết định, nhưng những quy định này vẫn còn mang tính chất manh mún và quan trọng hơn là phần lớn chưa có tính khả thi. Do vậy, có những việc phải để cho dân bàn, dân quyết, dân kiểm tra nhưng dân không hề biết vì không được thông báo. Không biết, không có thông tin thì làm sao người dân có thể thực hiện quyền dân chủ của mình. Như vậy, dân chỉ có thể thực hiện quyền làm chủ của mình trong tư thế bị động. Cho nên không ít cơ sở cố tình lơ là với quy chế này hoặc chỉ làm chiếu lệ, nhớ thì làm, không nhớ thì thôi, rồi cũng hòa cả làng. Thế nên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt bức xúc: “Tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất, còn khỏang cách rất lớn giữa nói và làm, giữa nghị quyết và hành động”.
Về phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An từng nhận xét: “Nói như thế là bị động, là siêu hình, là mơ hồ! Dân chủ, quan trọng là dân đề xuất, dân bàn, dân quyết! Tôi đi New Zealand thấy đại biểu QH ở đó bám dân ghê lắm! Chỉ mỗi việc thay tấm thảm tòa nhà QH đã dùng được 40 năm cũng phải trưng cầu dân ý”. Trong khi đó ở Việt Nam, Hiến pháp từ năm 1946 đã có quy định về trưng cầu dân ý nhưng hầu như chúng ta chưa bao giờ sử dụng tới. Trên thực tế việc trưng cầu dân ý ở Việt Nam cũng chưa hề được thể hiện cụ thể bằng một luật riêng và cũng chưa trở thành một tập quán xã hội, một thói quen sinh họat chính trị lành mạnh của một xã hội dân chủ, văn minh. Nhà sử học Dương Trung Quốc có lần kể câu chuyện về mối quan hệ giữa di sản và phát triển liên quan tới vấn đề dân chủ khi mà chính quyền muốn vượt lên trên dư luận để bảo vệ bằng được kế họach đầu tư của mình. Ông nói: “Chúng ta đã để một thời gian không quan tâm dẫn đến việc đánh mất quá nhiều di sản, từ đó gây ra sự cực đoan từ nhiều phía và mất niềm tin lẫn nhau. Thực tế đó là mầm mống cho việc "nhân danh". Chính quyền và các chuyên gia đều nói "Nhân danh cho nhân dân" nhưng thử hỏi ai trong họ đã trực tiếp hỏi ý kiến người dân về những công trình liên quan đến di sản”. Trong các sinh họat chính trị - xã hội khác của Việt Nam nhiều năm qua chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp không ít tình huống tương tự câu chuyện “nhân danh cho nhân dân” của ông Quốc.
Mới đây, cũng trên mục Thời Luận (báo Đại Đoàn Kết), nhà báo Thái Duy đã đề nghị Đảng công bố công khai trên báo chí danh sách những người ứng cử vào BCH Trung ương sẽ bầu tại ĐH X để tòan dân được biết. Đây cũng là một hình thức trưng cầu dân ý đối với một công tác quan trọng vào bậc nhất của một đảng luôn khẳng định lập trường là Đảng “của dân, do dân và vì dân” – công tác cán bộ. Nếu dân không được thông tin, không được biết cụ thể về các ứng cử viên để “bàn và kiểm tra” thì làm sao Đảng có đủ cơ sở để đánh giá mức tín nhiệm của nhân dân đối với những cán bộ này.
Khi chúng ta chưa luật hóa, chưa “chuyển tải” các qui định của Hiến pháp về việc trưng cầu dân ý vào thực tiễn của đời sống chính trị - pháp lý, thì có thể nói rằng việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta còn hạn chế. Do đó, khi khẳng định chủ trương mở rộng dân chủ trực tiếp để chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta thực sự là “của dân, do dân và vì dân” thì việc xây dựng Luật trưng cầu dân ý, tiến hành trưng cầu dân ý thường xuyên tạo thành một tập quán xã hội là có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta hiện nay. Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X vừa qua đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngòai nước. Trong đó có nhiều ý kiến rất khác biệt, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra sôi động hiện vẫn chưa có hồi kết. Nếu những vấn đề liên quan tới định hướng và tương lai của đất nước vẫn chưa ngã ngũ, chưa đủ thực tiễn cũng như lý luận để giải quyết tại sao chúng ta không hỏi ý dân? Không ai phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân. Đây là ưu thế tuyệt đối của dân chủ trực tiếp so với dân chủ đại diện. Điều đó sẽ góp phần thực hiện định hướng chung của Đảng và Nhà nước là chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân và hợp lòng dân. Bởi vì hầu hết các cuộc trưng cầu dân ý đều phát huy được ý nghĩa to lớn, đó là phản ánh ý chí của nhân dân, cũng như nó đang và sẽ xảy ra trong đời sống chính trị của nhiều nước, nhiều khu vực, và xu thế đó, có lẽ sẽ ngày càng rõ nét hơn trên thế giới.
24-3-2006

No comments: