Thursday, May 3, 2007

CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT

Sau hai mươi năm đổi mới với những thành quả nhất định, giờ đây chính là lúc thích hợp nhất để đặt ra câu hỏi: “Khi nào Việt Nam mới đuổi kịp các nước trong khu vực và bằng cách nào?”. Thực ra, thành quả của hai mươi năm đổi mới, nói một cách ví von chỉ mới là động tác cởi dây trói do chính chúng ta tự trói mình trước đây. Nếu một lần nữa tự ru ngủ mình trong ánh hào quang thành tích và tiếp tục chỉ đạt những kết quả tương tự như hiện nay thì chúng ta sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước láng giềng chứ đừng nói đến chuyện “sánh vai các cường quốc năm châu”.
Sau 20 năm, GDP/đầu người của Việt Nam tăng từ 200USD/năm lên 600USD/năm. Như vậy tốc độ tăng trưởng trung bình khỏang 5,6%/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, với tốc độ này đến năm 2020 Việt Nam chỉ đạt thu nhập đầu người khỏang 1.360 USD/năm, ngang mức hiện tại của Trung Quốc. Với tốc độ này, để trở thành một nước có thu nhập trung bình (2.000USD/năm) Việt Nam phải mất 22 năm; có thu nhập trung bình cao (5.000USD/năm) mất 39 năm; thành nước công nghiệp (10.000USD/năm) mất 52 năm. Còn với tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm, Việt Nam sẽ đạt mức trung bình sau 16 năm và mức công nghiệp sau 37 năm. Như vậy, để có thể đuổi kịp các nước láng giềng, Việt Nam cần phải đạt mức tăng trưởng cao hơn 10%/năm. Với tốc độ tăng trưởng 10%/năm trở lên, Việt Nam mới có thể hy vọng gia nhập câu lạc bộ các nước công nghiệp sau 30 năm.
Trên thực tế Việt Nam đã phải mất đến hơn 20 năm để chỉ làm được một việc là giải phóng các lực lượng kinh tế ra khỏi “hệ thống dây trói” của mình mà chưa hề kịp thiết kế một thể chế phù hợp, chưa xây dựng được một môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy các lực lượng kinh tế vừa được “cởi trói” mau chóng lớn mạnh. Trong khi, hai mươi năm là một nửa thời gian để Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành nước công nghiệp phát triển. Còn chúng ta thì phải mất chừng ấy thời gian chỉ để đặt bước chân đầu tiên lên trên con đường đó.
Để tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, các chính sách và thể chế phải thực sự tạo ra được một con đường thênh thang và bằng phẳng, một sân chơi tốc độ và an tòan cho mọi thành phần kinh tế. Gần đây nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng CS Việt Nam đã đặt lên bàn thảo luận những vấn đề then chốt như “Chúng ta có nên tiếp tục con đường XHCN nữa hay không? Có con đường nào khác để mau chóng đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” hay không?”. Bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào, tổ chức nào giúp chúng ta đạt được mục tiêu này đều được hoan nghênh. Ngược lại, bất kỳ cái gì cản trở chúng ta đều phải bị gạt bỏ. Chúng ta cần phải tỉnh táo và không được đánh đồng lợi ích của một nhóm với lợi ích của tòan thể dân tộc. Và chỉ có thể bảo đảm nguyên tắc đó khi Nhà nước hạn chế tham gia trực tiếp vào cuộc chơi như một cầu thủ mà chỉ giữ vai trò tạo ra luật chơi và giám sát cuộc chơi một cách công bằng, minh bạch, dân chủ cho mọi thành phần. Nhà nước thực hiện chức năng này bằng các công cụ hành pháp và tư pháp để đạt kết quả là môi trường kinh tế - chính trị ổn định, môi trường kinh doanh lành mạnh.
Không chỉ tiếp thu các đóng góp trực tiếp từ bên trong, các nhà họach định chính sách cho tương lai Việt Nam còn cần phải tham khảo các phân tích, đánh giá dựa trên những thông tin khách quan của cộng đồng thế giới và các tổ chức nghiên cứu phát triển độc lập chứ không chỉ tự thỏa mãn bằng các chỉ tiêu tăng trưởng đang lên của Việt Nam. Hàng năm, Ngân hàng thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của các nước. Năm 2005, Việt Nam xếp thứ 99/155 nước, trong khu vực chỉ hơn Campuchia và Lào. Trên bảng xếp hạng “chỉ số thay đổi” (BTI - Bertlesman Transformation Index) năm 2006 do tổ chức Bertlesman của Đức công bố ngày 01/3/2006 Việt Nam đứng hạng 87/119 với 4,43 điểm/10. Trong đó chỉ số quản lý nhà nước là 4,35 (dưới trung bình), chỉ số kinh tế thị trường là 5,57 (trên trung bình). Các tác giả phân tích đánh giá về thay đổi kinh tế ở VN: “VN đã bày tỏ sự dấn bước rõ rệt nhất vào kinh tế thị trường. Các cải cách chính sách đã được tiến hành trong nhiều lĩnh vực và đã dẫn đến kết quả là mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực này và một tỉ lệ FDI đáng thèm thuồng. Song, vẫn còn một số dấu hỏi về việc tái cấu trúc các xí nghiệp nhà nước, việc cung cấp vốn vay và vai trò của nhà nước trong phát triển”. Bảng xếp hạng cũng đã đánh giá một số điểm yếu ở VN: "Cho dù có những cố gắng tản quyền, song các quyết định chính trị vẫn cứ ở Hà Nội. Việc trung ương tập quyền này, cùng với tham nhũng ở cấp cao, đã dẫn đến việc chỉ có một phần các chính sách là được thực thi".
Việt Nam có bắt kịp các nước trong khu vực và có “sánh vai các cường quốc năm châu” hay không tùy thuộc vào việc chúng ta có tận dụng được thời cơ đang đến thật gần hay không? “Con đường nào rồi cũng dẫn về La Mã”, nếu hiểu La Mã là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì vấn đề của chúng ta bây giờ là khôn khéo lựa chọn con đường ngắn nhất, có thể đi nhanh nhất để mau chóng tới đích khi mà xuất phát điểm của chúng ta đã chậm hơn các quốc gia khác tới hàng vài thập kỷ.
17-3-2006

No comments: