Thursday, May 3, 2007

TIẾN SĨ “GIẤY”!

Người Việt vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Tuy nhiên, sự học của người Việt bị ảnh hưởng bởi tư tưởng sính khoa cử, sính bằng cấp do lịch sử hàng ngàn năm để lại quá nặng nề. Đến nay, thói quen tư duy đó vẫn còn là một thực trạng phổ biến trong mục tiêu đi học của nhiều người. Biết làm sao được, khi mà công tác tổ chức nhân sự chính thống của nhà nước hiện cũng vẫn còn thể hiện khá rõ tư tưởng “sính bằng cấp” hơn là coi trọng khả năng thực tế. Chủ trương tiêu chuẩn hóa trình độ cán bộ công chức là chính xác, nhưng khi thực hiện thì chủ trương này thường bị lệch theo hướng tiêu chuẩn hóa trên “bằng cấp” một cách hình thức.
Do vậy, nhu cầu “kiếm” bằng ngày một tăng cao dẫn đến việc “cấp” bằng mỗi lúc một thêm lộn xộn. Trong cuộc tổng kết về tình hình đào tạo sau đại học của Bộ GD-ĐT vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng thạc sĩ, tiến sĩ “giấy” đang trở nên quá phổ biến. Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng phải thừa nhận hiện đang có hàng ngàn tiến sĩ thuộc diện “trình độ yếu”! Nếu đúng như vậy thì đã quá muộn để báo động về chất lượng đào tạo sau đại học của ngành giáo dục Việt Nam.
Có không ít chuyện “tiếu lâm Việt Nam” trong lĩnh vực đào tạo sau đại học chứng tỏ sự buông lỏng trong tổ chức đào tạo và kiểm sóat chất lượng của quy trình đào tạo cao cấp này. Một nghiên cứu sinh cho biết: “Việc cơ quan nhàn rỗi, quan hệ vợ chồng trục trặc, không có gì hay ho nên đi học tiến sĩ cho…vui!”. Có không ít trường hợp học viên đi dự thi đầu vào nghiên cứu sinh mang theo “phao” quay cóp bài bị lập biên bản quả tang. Tưởng đâu đã “trượt vỏ chuối”, không ngờ bẵng đi một thời gian những nghiên cứu sinh đó đã là tiến sĩ. Học sinh phổ thông quay cóp đã đành, tiến sĩ cũng quay cóp khi đi thi đầu vào. Chẳng trách chuyện “xào” luận văn người khác, ăn cắp chất xám của người khác không phải là chuyện hiếm trong quá trình đào tạo sau đại học. Tại một khoa xã hội – nhân văn của trường Đại học sư phạm TP.HCM, một nghiên cứu sinh được Hội đồng chấm luận án yêu cầu sửa đi sửa lại đến hơn chục lần sau mỗi lần bảo vệ thử. Cứ mỗi lần sửa, luận văn lại càng tệ hơn, càng nhiều nội dung quay cóp của người khác hơn khiến cho nhiều vị trong Hội đồng rất thất vọng. Thế rồi cuối cùng không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục yêu cầu sửa chữa nữa, Hội đồng bèn … cho qua và nghiên cứu sinh đó sau một thời gian dài kiên trì nhẫn nại cũng trở thành một vị tiến sĩ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long thừa nhận: Nhiều cơ sở đào tạo đã chạy theo số lượng, tổ chức tuyển sinh chưa nghiêm, chưa ngăn chận được các hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Các điều kiện dự tuyển được xử lý mang tính đối phó với quy chế. Bởi vậy không ít cơ sở đã cho 100% nghiên cứu sinh dự tuyển đỗ cả, không hề có sự sàng lọc.
Đề tài nghiên cứu của các nghiên cứu sinh cũng là một yếu tố bất cập, hầu hết chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành khoa học và thực tiễn. Nhiều đề tài lạc hậu, xa rời thực tế và đáng buồn hơn là các đề tài có tỷ lệ trùng lập nhau rất lớn. Giáo sư Lê Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho biết: “Tôi mới trực tiếp chấm 5-6 luận án thì có đến 2 luận án trùng vào một vấn đề. Như vậy nếu xét một khối lượng luận án lớn hơn thì sự trùng hợp sẽ nhiều đến mức nào?”. Còn ông Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì đã phải thốt lên: “Nhiều đề tài vô bổ quá!”. Thế nhưng có một thực tế đau xót là hầu hết các luận án tiến sĩ như vậy đều được đánh giá xếp vào lọai “xuất sắc”!.
Rõ ràng là hiện các cơ sở đào tạo đang rất lúng túng và dễ dãi trong việc đánh giá nghiên cứu sinh. Nhiều nghiên cứu sinh yếu kém, thậm chí vi phạm quy chế trường thi vẫn được cho qua và hầu hết lại được xếp lọai “xuất sắc” bởi vì chưa có quy chuẩn cụ thể cho việc đánh giá xếp lọai này đảm bảo tính khoa học và không bị chi phối bởi các yếu tố xã hội khác. Nhiều nhà quản lý giáo dục kiến nghị cần phải đề ra các tiêu chí để lượng hóa việc đánh giá luận án tiến sĩ, trả lại cho công tác này đầy đủ tính học thuật của nó. Tránh việc đánh giá theo kiểu hành chính, cảm tính và tùy theo quan hệ xã hội của nghiên cứu sinh như cách làm phổ biến hiện nay.
13-01-2006

No comments: