Thursday, May 3, 2007

CÓ VAY CÓ TRẢ

Nhà nghèo phải vay nợ bên ngòai để đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển vững chắc trong tương lai là chuyện ai cũng hiểu và chấp nhận được. Ở cấp độ quốc gia, việc vay vốn nước ngòai cũng phải được thực hiện trên tinh thần ấy. Tức là cần phải đảm bảo được tính hiệu quả của nguồn vốn vay trên cơ sở mang lại những lợi ích và quyền được phát triển của người dân. Chính vì vậy mà “Thông cáo Hà Nội” tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm 2005 đã đưa ra một định nghĩa về tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi (ODA), đó là “tạo đầu ra (lợi ích gặt hái được) tốt nhất so với đầu vào (vốn vay), tạo được tác động giảm nghèo có thể đo lường được”. Trên cơ sở coi trọng tính hiệu quả và những hành động thực tế hơn là các tuyên bố hòanh tráng, hầu hết các nhà tài trợ và các ngân hàng quốc tế đã mạnh mẽ yêu cầu phía Việt Nam cần cải thiện công tác mua sắm và quản lý nguồn vốn vay ưu đãi. Bởi không phải họ đã không nhìn thấy các tổ chức “có vấn đề” kiểu PMU chẳng hạn. Thậm chí họ còn hiểu rất rõ rằng vì quyền lợi “thâm căn cố đế” của mình mà các bộ chủ quản sẽ không mặn mòi gì trước đề nghị lọai bỏ PMU.
Chuyện gì phải đến rồi cũng đã đến, câu chuyện PMU 18 và những câu chuyện khác tương tự trong Bộ GTVT - nơi đang sử dụng phần lớn nguồn vốn ODA, khiến mọi người bàng hòang nhận ra rằng đã có không ít “lỗ kim” trong khâu quản lý nguồn vốn này đủ lớn để cho “cả đòan lạc đà” chui lọt.
Mới đây, Ngân hàng thế giới (WB) đã gởi một nhóm làm việc tới Việt Nam để rà sóat lại các dự án của WB do PMU 18 quản lý nhằm kết luận 3 vấn đề: Thứ nhất, vốn vay có được sử dụng đúng mục đích không? Thứ hai, các dự án có được triển khai tốt không? Và thứ ba là chất lượng các công trình. Theo ông Klaus Rohland – Giám đốc WB tại VN – đây chính là cơ hội của Chính phủ Việt Nam để đối mặt với sự việc và đưa ra các hành động kiên quyết, không phải nhằm làm yên lòng các nhà tài trợ mà quan trọng hơn là tạo niềm tin cho người dân Việt Nam.
Bởi vì người dân không thể yên lòng khi họ biết rằng nguồn vốn vay nước ngòai nhằm mục tiêu phát triển đất nước mà họ và nhiều đời con cháu sẽ phải trả đủ đã và đang được quản lý, sử dụng thiếu minh bạch mà hậu quả nhãn tiền là hàng lọat các công trình kém chất lượng, hàng lọat vụ tham ô, tham nhũng gây thất thóat nghiêm trọng đã xảy ra… như ở PMU 18 của Bộ GTVT. Quan ngại hơn, bởi không chỉ có 1 PMU 18, theo điều tra của WB, hiện có khỏang 1.000 PMU tại Việt Nam có liên quan tới vốn ODA.
Khiếm khuyết và bất cập của các tổ chức PMU giờ đây đã rõ, trách nhiệm và tội lỗi của những người trực tiếp liên quan đang được cơ quan chức năng đánh giá và kết luận. Thế nhưng, PMU ra đời và tồn tại trong rất nhiều năm không phải tự thân nó. Cần phải xem xét trách nhiệm của tòan hệ thống quản lý có liên quan tới PMU. Có thể nói PMU là một cơ chế siêu quyền lực, nhưng tự thân nó không thể có được quyền lực như thế, nếu như các cơ chế giám sát, kiểm tra của Đảng và Nhà nước có hiệu lực trong các tổ chức này. Vậy cần phải xem xét cái gì đã mang lại cho PMU khả năng “siêu quyền lực” như vậy?
Gần đây có thông tin WB, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà tài trợ đánh giá nợ ODA của Việt Nam vẫn nằm trong vòng an tòan. Việt Nam đã bắt đầu trả nợ ODA cho các nhà tài trợ cả gốc lẫn lãi và Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam đã trả nợ đúng hạn. Hiện nguồn vốn vay ODA của Việt Nam chỉ chiếm khỏang 17% vốn đầu tư ngân sách và 11% tổng đầu tư tòan xã hội. Theo đánh giá của WB thì tỷ lệ này là không lớn so với nhiều nước đang phát triển khác. Vì vậy trong thời gian tới Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng nguồn vay ODA.
Nước Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đổ nát, hoang tàn rất cần vốn vay ưu đãi của nước ngòai để xây dựng lại nền kinh tế. Mặc dù nhu cầu vốn rất lớn nhưng người Nhật vẫn luôn tìm mọi cách để huy động nguồn nội lực, hạn chế đến mức thấp nhất nguồn vốn vay bên ngòai nên lúc vay nợ nước ngòai nhiều nhất (1958) số tiền cũng chỉ chiếm có 5% tổng vốn đầu tư của tòan nền kinh tế. Năm 1964, Nhật trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OEDC), một tổ chức của các nước công nghiệp tiên tiến, chưa đầy 20 năm sau chiến tranh. Dĩ nhiên trong quá trình đó, Nhật đã trả hết nợ nước ngòai.
Vay nợ để phát triển là cần thiết, nhưng phải luôn nhớ mình là con nợ và phải biết huy động nội lực cũng như kiểm sóat được quy trình vận hành của vốn vay để đảm bảo đường đi của chúng là minh bạch, đảm bảo mang lại lợi ích và quyền được phát triển của người dân. Bởi đơn giản “có vay thì có trả” mà phải trả bằng những lợi ích gặt hái được từ nguồn vốn vay đó. Như thế người dân mới có thể yên lòng vì biết rằng chúng ta là những con nợ lành mạnh và đáng tin cậy.
07-04-2006

No comments: