Thursday, May 3, 2007

MINH BẠCH HÓA CÔNG TÁC CÁN BỘ

Trong bài phát biểu (được cho là cuối cùng trước khi từ nhiệm) trước Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng nhiều yếu kém của bộ máy công quyền đã chậm được khắc phục để lại hậu quả lâu dài, nghiêm trọng. Nguyên nhân lớn nhất, theo Thủ tướng, là do công tác cán bộ chậm đổi mới. Thủ tướng nhấn mạnh: “Công tác cán bộ chậm đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến mọi sai lầm trong công tác. Chúng ta chưa tìm ra được một cơ chế hoặc không đủ mức độ để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài mặc dù dân tộc Việt Nam không thiếu những con người tài năng và tâm huyết với nước với dân trong Đảng và kể cả ngoài Đảng, trong nước và cả ở ngoài nước”.
Việc này nhiều người đã biết và đã góp ý nhiều lần với Đảng và Chính phủ. Thế nhưng, công tác cán bộ vẫn tiếp tục chậm đổi mới, tiếp tục trì trệ cho đến tận hôm nay. Cụ thể nhất là trong bộ máy công quyền, người đứng đầu cơ quan hành chính hiện vẫn không có đủ quyền hạn để bố trí nhân sự, lựa chọn, đánh giá cán bộ một cách công khai, minh bạch nên không thể tìm kiếm và tạo điều kiện để những cán bộ tốt, có tài, có đức thăng tiến. Trong môi trường đó, xu hướng cơ hội, xu nịnh và chạy quyền chạy chức tất yếu phát sinh và ngày càng phát triển. Thừa nhận những yếu kém trong công tác cán bộ của bộ máy công quyền là trách nhiệm của mình, song Thủ tướng Phan Văn Khải cũng trần tình rằng: “Vấn đề tổ chức cán bộ cũng có phần vươn ra khỏi thẩm quyền của Chính phủ” (!). Còn nhớ, khi dư luận xã hội gay gắt đòi Bộ trưởng Đào Đình Bình từ chức rồi cách chức, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ có thể làm được một việc là “xin ý kiến Bộ Chính trị tạm thời đình chỉ công tác Bộ trưởng Bình”! Sau đó, ông Bình vẫn tiếp tục làm Bộ trưởng cho tới hôm nay mặc cho người dân có hài lòng hay không. Chúng ta cũng biết Thủ tướng rất nhiều lần yêu cầu Bộ trưởng Đào Đình Bình kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của mình trong các vụ bê bối ở Bộ GTVT làm thất thóat và thiệt hại nghiêm trọng tài sản và uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Thủ tướng đã rất không hài lòng về thái độ đùn đẩy, thiếu trách nhiệm của ông Bình. Vì cũng chính Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định “để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải thôi chức”. Nhưng ông đã không thể cách chức một bộ trưởng mặc dù bộ này đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng quy mô lớn làm rúng động dư luận trong và ngoài nước.
Người dân có thể hiểu và thông cảm với những khó khăn của Thủ tướng khi ông đã giải bày một cách minh bạch như vậy về những cái vướng mắc của công tác cán bộ khiến cho ông không thể hành xử như ông đã nói và cam kết trước quốc dân. Nhưng nhân dân sẽ không thể hiểu và thông cảm một khi công tác cán bộ hiện đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết dẫn tới những sai sót nghiêm trọng làm suy yếu đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân lại vẫn được thực thi như cũ.
Mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội đã chuẩn bị như thế nào về phương án thay đổi nhân sự cho Quốc hội và Chính phủ trong kỳ họp này, ông Trần Quốc Thuận – Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: “Phương án nhân sự (nếu có), bên Đảng sẽ gởi cho Đảng Đòan QH, gởi cho Ban cán sự Đảng Chính phủ giới thiệu ứng cử. Đảng đoàn QH sẽ báo cáo thường vụ QH. Thường vụ QH thể hiện về mặt nhà nước sẽ trình QH. Bên kia Ban cán sự Đảng của Chính phủ sẽ trình Thủ tướng. Thủ tướng đưa danh sách sang Thường vụ QH để trình QH. Danh sách nhân sự đôi khi là tài liệu mật gởi thẳng cho Đảng đoàn QH chứ không phải văn phòng QH. Tôi thấy Thường vụ QH chưa họp bàn về chuyện này”.
Một trong những điều kiện để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức khi tham gia vào cuộc chơi toàn cầu tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là phải xây dựng một bộ máy quản lý nhà nước thực sự có năng lực và có hiệu quả. Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước là một yêu cầu chiến lược, có tính đột phá để tạo nên cục diện phát triển mới cho đất nước. Yêu cầu chiến lược này đòi hỏi phải có những quyết sách táo bạo và đồng bộ trên cả ba mặt: phát triển nguồn nhân lực, gia cường tổ chức bộ máy và cải cách thể chế luật pháp. Trong đó, trọng dụng và thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền là vấn đề cốt tử và cấp bách nhất. Căn cứ vào nội dung trả lời báo chí của ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, công tác cán bộ nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy công quyền của Việt Nam tại kỳ họp QH này vẫn theo cách tư duy cũ. Vai trò của nhân dân và của các đại biểu dân cử trong việc tìm kiếm, phát hiện, tiến cử, trọng dụng nhân tài sẽ được thể hiện như thế nào trong cơ chế tổ chức nhân sự như hiện nay? Ngoài các nhân sự trong danh sách đo Đảng giới thiệu và đề cử vào các chức vụ trong Quốc hội và Chính phủ tới đây có cơ chế cho những người khác tham gia hay không?
Ở Hàn Quốc, văn phòng Tổng thống Roh Moo-huyn có một trang web tên là “Samgochoryo” (Tam cố thảo lư, dựa theo tích Lưu bị ba lần đến cầu Khổng Minh ra giúp trong truyện Tam Quốc) để tiếp nhận tiến cử người tài của toàn xã hội vào các chức vụ cao trong chính phủ. Ở nhiều nước phát triển khác, việc tuyển chọn công chức và kể cả quan chức cao cấp của chính phủ đều được tổ chức công khai trên cơ sở chú trọng các tiêu chuẩn định lượng cụ thể và sự tín nhiệm của nhân dân. Toàn bộ công chức kể cả các quan chức cao cấp thường xuyên chịu sự đánh giá định lượng định kỳ theo luật định để biết rõ điểm mạnh và yếu trong công tác. Khi cần thiết nếu kết quả đánh giá kém sẽ bị bãi nhiệm và thay thế bằng người có năng lực, được nhân dân tín nhiệm cao hơn.
Việt Nam đang kêu gọi minh bạch và công khai hóa hoạt động của các cơ quan công quyền. Trước hết hãy minh bạch và công khai hóa công tác cán bộ, đặc biệt là công khai hóa việc tuyển chọn các quan chức cao cấp vào các vị trí quan trọng của Chính phủ để có thể phát huy được năng lực và trí tuệ của toàn dân. Cần phải dũng cảm kết thúc cách làm tổ chức theo kiểu “hư hư thực thực” chỉ nhằm ưu ái ban phát quyền lợi cho một nhóm nguời nào đó ngoài sự kiểm soát của nhân dân.
23-6-2006

No comments: