Thursday, May 3, 2007

CHỮ “TIN” CÒN MỘT CHÚT NÀY!

Trong quan hệ xã hội bình thường cũng như trong đời sống chính trị, chữ Tín bao giờ cũng là nhân tố quan trọng để đi đến sự tin cậy, đồng thuận và cùng nhau hợp tác bền vững. Người xưa coi trọng danh dự và uy tín còn hơn cả tính mạng chứ đừng nói là tài sản. Ngày nay, chữ Tín cũng được không ít người coi trọng và hầu hết những người trọng Tín đều thành công trong cuộc sống, tạo dựng được uy tín và sự nghiệp lớn trong cộng đồng.
Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long nổi tiếng ở Bình Dương là một ví dụ rất điển hình về sự coi trọng chữ Tín trong làm ăn kinh doanh. Theo ông, có chữ Tín là có tất cả. Chữ Tín đáng giá “ngàn vàng”. Vì có chữ Tín không cần vốn người ta vẫn giao hàng cho ông bán mà không đòi hỏi điều kiện gì khác. Chữ Tín là vốn liếng quý giá nhất mà ông đã mang theo suốt cuộc đời mình và truyền lại cho con cháu.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, do những biến động trong lịch sử, rất nhiều năm qua chữ Tín hầu như không còn là một trong những thuộc tính nổi bật của người Việt. Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Quốc tế Việt Nam học đã đưa ra một nhận xét đáng buồn nhưng được khá nhiều người đồng tình: “Bối cảnh và môi trường kinh tế ở Việt Nam” hiện nay thuộc vào lọai “low trust society” (xã hội thiếu chữ tín)”. Trong nền kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng tới phạm vi tòan cầu, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng hơn. Điều này thể hiện ở tầm vĩ mô là việc các chính sách của Chính phủ thường hay thay đổi và khi thay đổi thì không cần tính đến quyền lợi của những người có liên quan. Đây là một khiếm khuyết quan trọng làm môi trường kinh doanh ở Việt Nam kém tính hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự bất tín không chỉ tồn tại trong lĩnh vực doanh thương mà hầu như đang trở thành tệ nạn phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Từ bao lâu nay, không hiểu sao có một thứ “văn hóa” tệ hại là nạn nói dối vẫn cứ nghiễm nhiên tồn tại trong mọi ngóc ngách của đời sống. Kể cả trong những lĩnh vực đòi hỏi nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp như giáo dục, y tế và truyền thông đại chúng. Lạ lùng nhất là ai cũng coi chuyện nói dối là bình thường, thậm chí có những trường hợp nói dối, làm dối như gian lận thi cử, khai man trốn thuế…còn được coi là hành động của những người khôn ngoan, thức thời và có…bản lĩnh. Dư luận xã hội, cái cơ cấu đạo đức tự thân, cái sức mạnh tự điều chỉnh của cộng đồng đã bị tê liệt tự lúc nào không biết khiến cho lương tri chân chính bị xơ cứng trước sự bùng phát những thói hư tật xấu.
Phân tích về những nguyên nhân hình thành sự bất tín trong quan hệ xã hội hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những lý do căn bản là do “thượng bất chính hạ tắc lọan”. Phân tích trong phạm vi gia đình cũng thấy được điều đó. Nếu cha mẹ không biết giữ chữ Tín với con cái thì khó có thể làm gương sáng cho con cái giữ chữ Tín với những người khác. Trong phạm vi cộng đồng, nếu những người lãnh đạo không giữ chữ tín với dân thì cũng khó làm gương sáng cho dân noi theo. Huống chi, một khi lãnh đạo đã “nhúng chàm” bất tín, thì các hành vi của cấp dưới nếu muốn được lòng cấp trên thì phải “nói leo, làm theo”. Như một căn bệnh truyền nhiễm, bệnh nói dối, sự bất tín lan truyền mau chóng trên mảnh đất màu mỡ được chính những người có trách nhiệm bỏ ngỏ. Một khi nói dối và bất tín có lợi hơn sự trung thực và chữ Tín thì phần đông dân chúng sẽ lựa chọn con đường lầm lạc hơn là trở thành “người cổ hủ, không thức thời”.
Với những người được dân tín nhiệm bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho nhân dân quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh, chữ Tín càng được coi trọng muôn phần. Quốc Hội khóa XII được lịch sử lựa chọn giao cho một sứ mạng lớn lao thay mặt nhân dân lãnh đạo đất nước vượt qua đói nghèo chậm tiến biến Việt Nam trở thành một đất nước phát triển, xứng đáng và bình đẳng trên sân chơi tòan cầu. Người Việt có nở mày, nở mặt với năm châu hay không phần lớn đặt niềm tin và hy vọng vào nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XII này. Cơ hội lịch sử, nếu để trôi qua, cả dân tộc sẽ phải trả giá bằng hàng trăm năm lạc hậu và tủi nhục.Muốn dân tin không còn cách nào khác là các nhà cầm quyền phải biết giữ chữ Tín trong từng lời nói và hành động như giữ gìn con ngươi trong mắt của mình.
02-3-2007

No comments: