Thursday, May 3, 2007

MỞ RỘNG CỬA ĐÓN HIỀN TÀI

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Muốn “nguyên khí quốc gia” luôn thịnh vượng thì phải có chính sách phát hiện, đào tạo và sử dụng hiền tài một cách đúng đắn. Sao cho nguồn nhân tài của đất nước mỗi lúc một nhiều lên, luôn phát triển và bền vững. Gần đây trên báo chí và cả trong các văn bản chính thức của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thường thấy xuất hiện những cụm từ đại ý nói về “khủng hoảng nguồn nhân lực”, hoặc “khủng hoảng nhân sự”…Diễn biến công tác tổ chức đảng và chính phủ trong thời gian vừa qua cũng cho thấy hiện tượng khủng hoảng nguồn cán bộ lãnh đạo cao cấp đang là một vấn đề khá nghiêm trọng. Điều này phải chăng là một nghịch lý? Vì Việt Nam hiện có trên 83 triệu dân, là một nguồn nhân lực hùng mạnh vốn nổi tiếng thế giới về khí chất thông minh, tính cần cù và giàu lòng yêu nước mà lại không có đủ hiền tài để lãnh đạo đất nước vươn lên thành con rồng châu Á, sánh vai các cường quốc năm châu.
Đã nhiều năm trôi qua, đất nước ta đang thay đổi theo xu hướng hiện đại, các tổ chức kinh tế - xã hội ngày càng tiếp thu nhanh chóng kho tàng tri thức của nhân lọai trong việc tổ chức và phát huy nguồn nhân lực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho mọi động thái đầu tư của họ. Trong khi đó, một bộ phận quan trọng của xã hội là hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hầu như vẫn được duy trì theo phương thức tổ chức và cách làm nhân sự của hơn nửa thế kỷ trước.
Sự trì trệ đó đã dẫn đến những hậu quả khó lường. Đã có không ít tổ chức đảng và chính quyền bị tê liệt. Không ít quan chức từ trung ương tới địa phương lợi dụng chức quyền và sử dụng Đảng như một bức bình phong để vi phạm pháp luật, tham nhũng, thu lợi bất chính và hà hiếp dân lành. Có những tổ chức đảng nhiều năm liền không phát triển được đảng viên mới vì sự cục bộ, co cụm để chia chác quyền lợi vẫn luôn được công nhận là trong sạch, vững mạnh hàng năm… Ngay cả các tổ chức đảng trong lực lượng sinh viên, học sinh- những trí thức trẻ sẽ nắm tương lai vận mạng của đất nước- việc kết nạp đảng cũng rất là ít ỏi. Vì sao vậy? Phó bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Phong than thở: “Không nên đợi đến lúc người ta tròn đến mức không thể tròn hơn được nữa thì mới kết nạp vào Đảng”. Phải tròn như hòn bi ve (!). Đó có phải là một tiêu chuẩn để vào Đảng không? “Tròn như hòn bi ve”, tất nhiên phải thủ tiêu mọi ý chí đấu tranh và những cải cách sáng tạo, đột phá – những phẩm chất của người tài. Còn nhiều lý do để giải thích hiện tượng phi lý này này xuất phát từ quan niệm về công tác tổ chức đã lỗi thời. Tuy nhiên điều cốt lõi là tinh thần dân chủ vẫn chưa được phát huy trong lĩnh vực này. Công tác tổ chức nhân sự cho những vị trí quan trọng của đất nước có ảnh hưởng tới số phận của tòan dân hầu như lại chưa được sự tham gia của chính nhân dân. Vì vậy những người có quyền quyết định sự hưng vong của đất nước và số phận của dân tộc lại nghiễm nhiên thóat khỏi sự giám sát của quyền lực nhân dân. Bởi vì theo cơ chế hiện nay, Quốc hội tuy được xem là đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân, song cũng chỉ biểu quyết nhân sự chính phủ trên cơ sở danh sách đã được sự đồng ý của Bộ Chính trị.
Tất nhiên người dân không thể đòi hỏi để có thể tham gia quá sâu và trực tiếp vào công tác tổ chức của Đảng. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định là Đảng của toàn dân tộc, là Đảng của nhân dân. Nhưng vì hệ thống Đảng và bộ máy Nhà nước từ rất nhiều năm nay gần như là một bộ máy song trùng. Trên thực tế có hai bộ máy cùng làm những công việc như nhau nhưng người quyết định bao giờ cũng thuộc về tổ chức Đảng. Trước tình hình đó, rất nhiều kỳ Đại hội các đại biểu đã đặt vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước như thế nào? Đó cũng chính là một trong những câu hỏi bức xúc nhất được đặt ra ở Đại hội X vừa qua.
Gần đây, trên diễn đàn Quốc hội và kể cả trong các buổi thảo luận của Đại hội X, có không ít ý kiến đặt vấn đề: Nên chăng Chính phủ có cơ quan gì thì Đảng cũng phải có cơ quan đó hay không? Các bộ trưởng, các quan chức đầu ngành của Chính phủ, của địa phương các cấp có nhất thiết phải là đảng viên hay không? Đây chính là những vấn đề nguyên tắc, vì nếu như không giải quyết được tư tưởng này một cách thích hợp với tình hình và yêu cầu bức xúc của nhân dân thì công tác tổ chức vẫn sẽ như cũ. Vẫn người đi sau dẫm lên dấu chân người đi trước. Tưởng là an tòan, nhưng cách làm đó lại chính là con đường dẫn tới sự suy vong vì không thể động viên được trí tuệ sáng tạo và tính đột phá của những con người tài năng và bản lĩnh. Họ là vốn quý của quốc gia, luôn có mặt trong mọi thời cơ và vận hội của đất nước. Đừng để những vốn liếng qúy giá đó của đất nước bị trôi qua và mai một vì những quan niệm và cách làm đã lỗi thời.
Sự lãnh đạo của Đảng nếu can thiệp quá sâu vào bộ máy hành chính thì nhất thiết sẽ làm giảm thiểu hiệu quả họat động của bộ máy này. Đơn cử, tình hình ở một số đơn vị thuộc bộ máy công quyền sau khi Đại hội X kết thúc sẽ rõ. Theo TS. Lê Đăng Doanh: “Ở một số cơ quan, tâm lý “rã đám” vì thủ trưởng không trúng cử ngoài dự kiến đã ảnh hưởng đến bộ máy, gây tâm lý không tập trung mà không có ai đứng ra để “xốc” lại, duy trì kỷ cương, kỷ luật, đôn đốc công việc. Do bộ máy của chúng ta không phân biệt rành rẽ giữa chính trị gia và bộ máy hành chính nên từ chuyên viên đến cấp phòng, cấp vụ bỗng nhiên đều thấy mình có liên quan, trở nên bâng khuâng và xao nhãng công việc. Ai cũng thấy mình ít nhiều là “chính trị gia” bàn luận việc đại sự, trong khi những việc rất cần thiết lại không lo chu tất. Ở các nước, tổng thư ký bộ hay quốc vụ khanh là công chức chuyên nghiệp, bộ trưởng có thể thay đổi nhưng bộ máy phải làm việc và luôn được tổng thư ký bộ hay quốc vụ khanh (tùy từng nước hay từng bộ) đôn đốc và công việc vẫn chạy đều”.
Nhà báo Thái Duy mới đây đã có một nhận định rất xác đáng: “Không phải ngẫu nhiên, đến Đại hội Đảng X vấn đề sử dụng người ngòai Đảng lại được nhắc đến nhiều vì đó là lối thóat duy nhất để đất nước ta có thể đương đầu với bọn nội xâm, đẩy lui chúng và tập trung mọi hiền tài trong bộ máy nhà nước. Không thể để những người tài kém, đức kém, điều hành lãnh đạo mãi bộ máy nhà nước”.
12-5-2006

No comments: