Thursday, May 3, 2007

“ĐỒNG TÁC GIẢ” HAY “ĐỒNG NẠN NHÂN”?

Trách nhiệm của các chính phủ trước sự hưng vong của quốc gia là phải tạo ra được một môi trường lành mạnh bảo đảm cho sự phát triển của con người một cách tốt nhất. Con người được phát triển đầy đủ các năng lực chính là nguồn sức mạnh vô tận của đất nước.
Giáo dục là một trong những nhân tố chủ yếu góp phần cùng toàn xã hội tạo ra nguồn năng lực vô tận này cho quốc gia. Thế nhưng nền giáo dục Việt Nam nhiều năm qua chưa đáp ứng được đòi hỏi cấp bách của sự phát triển. Sự yếu kém của ngành giáo dục đang thực sự là vấn nạn của Chính phủ cũng như của mọi gia đình Việt Nam.
Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận nhưng ông cho rằng để góp phần vào sự yếu kém đó của ngành giáo dục còn có hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân là “đồng tác giả”. Theo ông, chính vì có hàng triệu gia đình muốn con em mình có điểm cao (hơn thực chất), sẵn sàng đóng tiền “bồi dưỡng” các thầy cô để các em đuợc điểm thi cao bằng mọi cách thì mới có bệnh thành tích ở quy mô lớn và “bền vững”, chống mãi không được như vậy. Muốn chống lại bệnh này trước hết các bậc phụ huynh và học sinh phải kiên quyết từ chối việc thi cử, đánh giá học sinh bằng điểm thi cao hơn khả năng thuộc về các em.
Thực ra, phải thấy rằng hàng triệu gia đình và phụ huynh chính là “đồng nạn nhân” của ngành giáo dục thì đúng hơn. Các bậc phụ huynh không có một lựa chọn nào khác là phải gởi con đến trường khi con của họ đến tuổi đi học. Họ có thể từ chối một bao thuốc lá nhập lậu nhưng họ không thể từ chối trường học cho con cái của họ. Trong thực tế, một thiểu số gia đình có đủ khả năng để từ chối hệ thống trường học trong nước và gởi con ra nước ngoài hoặc một số trường tiêu chuẩn quốc tế trong nước để tiếp thu một nền giáo dục mà họ nhận thấy là tốt hơn cho con cái của họ. Nhưng không phải ai cũng có khả năng đó. Và khi họ phải gởi con vào các trường thì họ phải chấp nhận “luật chơi” của ngành giáo dục nói chung và của từng địa phương thậm chí của từng trường học và từng giáo viên nói riêng. Trong “luật chơi” này, phụ huynh và học sinh luôn ở thế bị động. Vì họ không phải là người làm ra luật, họ chỉ có một lựa chọn là phải tuân theo những quy định đôi khi rất phi lý và thậm chí không đúng pháp luật của các nhà trường. Tình yêu thương (có thể là mù quáng) đã khiến cho họ không thể “hy sinh” con cái mình cho một cuộc đấu tranh nào đó dù là nhỏ nhất với những người đang quyết định số phận con cái của họ.
Sự yếu kém của ngành giáo dục Việt Nam thể hiện ngay trong những mục tiêu mà nó hướng tới: học để lấy bằng cấp, chứ không phải học để hiểu biết và quan trọng hơn là học để làm việc. Do vậy, nhiều năm qua các học sinh Việt Nam sống chết gì cũng phải bằng mọi giá vào đại học. Không vào được đại học thì coi như mọi con đường tiến thân đều bế tắc (!). Các cuộc thi cử cuối cùng để nhắm vào việc lấy được mảnh bằng còn trình độ, khả năng thực tế ra sao cũng được kể cả việc học xong có bằng cấp đàng hòang nhưng không có khả năng để làm việc. Mấy ngày qua chúng ta đã chứng kiến cảnh các sĩ tử đi thi đại học kèm theo là đông đảo các vị phụ huynh lo lắng, chờ đợi chen kín các cổng trường thi bất kể nắng mưa, gió bụi. Sự quan tâm đặc biệt của họ vào kỳ thi tuyển sinh đại học chứng tỏ quan niệm về mục tiêu của việc học cuối cùng là đây, là hướng tới bằng cấp và sự tiến thân của con cái từ những bậc thang đó.
Mong muốn những điều tốt đẹp cho con cái là lẽ tự nhiên của bậc làm cha mẹ. Kể cả những cách thức mà đôi khi lương tri mách bảo rằng không nên làm như vậy. Nhưng chính ngành giáo dục đã hoạch định cho họ con đường duy nhất để đi đến đích mau chóng là phải biết tranh thủ.
Bộ máy quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên trên thực tế đã tạo ra một luật chơi không công bằng, phụ huynh lẫn học sinh không có lựa chọn nào khác là phải tuân theo. Học sinh không thể không theo học thêm ở các thầy cô giáo chỉ giảng 1/3 chữ trên lớp chính còn 2/3 chữ thì giảng tại các buổi học thêm. Tình trạng chạy thầy, chạy điểm không chỉ diễn ra trong phạm vi học sinh, sinh viên chính quy mà kể cả cán bộ công chức đi học tại chức để kiếm bằng cấp cho chiếc ghế đang ngồi hoặc cho chiếc ghế cao hơn. Thậm chí trong các khóa bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên cũng xảy ra quay cóp, chạy điểm, gian lận trong thi cử một cách công khai….
Ở tầm vĩ mô hơn, có không ít dự án quốc gia nhằm nâng cao chất lượng giáo dục được triển khai bằng vốn ODA và trái phiếu giáo dục (là những khỏan tiền vay mượn phải trả khi tới hạn) lên đến hàng trăm triệu USD nhưng cách điều hành và hiệu quả của nó luôn là những nghi vấn lớn. Chẳng hạn như dự án xóa mù chữ và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cho các vùng khó khăn triển khai từ 2003 với mức dự chi là 244 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới. Hiệu quả thế nào chưa thấy tổng kết nhưng tình trạng mù chữ và trẻ em trong độ tuổi không đến trường hiện đang có nguy cơ tăng lên. Thông tin trên báo chí gần đây cho biết tại một số địa phương, nhiều trẻ em được phổ cập tiểu học theo kiểu tập trung thi cử qua loa rồi cấp bằng, trong khi chính các em còn không viết được tên của mình. Một khi đã dựng lên dự án và nhận được nhiều tiền thì cuối cùng phải cần có “thành tích” để báo cáo chứ? Dù đó có là “thành tích ảo”. Nếu không thì giải thích làm sao với các khỏan tiền “thật” đã được chi ra.
Nếu như ngành giáo dục không tự mình thay đổi thì không thể có chuyện phụ huynh hoặc học sinh sẽ làm một cuộc cách mạng nhằm hoàn thiện hóa ngành giáo dục được. Họ chỉ là “đồng nạn nhân” của những trì trệ và yếu kém của chính ngành giáo dục trong rất nhiều năm qua mà thôi.
07-7-2006

No comments: