Thursday, May 3, 2007

GÁNH NẶNG CỦA NỀN KINH TẾ

Gần đây qua các bài viết của mình ông Nguyễn Trung tâm sự: “Trước đây mỗi một khi chúng tôi học tập chính trị có được nghe nói là bên các nước tư bản hàng năm có bao nhiêu xí nghiệp phá sản và gọi đó là yếu kém của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nhưng bây giờ tôi nhìn lại, hóa ra không hẳn như thế. Nếu không lọai bỏ thì không phát triển được. Tôi thấy sự đào thải là tất nhiên thôi”.
Tuy nhiên nhiều năm qua, hàng lọat các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lâm vào tình cảnh làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả nhưng vẫn cứ tồn tại một cách lay lắt, làm lãng phí nguồn lực đầu tư ít ỏi của quốc gia nhưng vẫn chưa chịu đào thải. Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là nhà nước phải luôn luôn ôm lấy các xí nghiệp quốc doanh kém hiệu quả và thường xuyên “bơm sức” cho chúng. Cách làm này đã góp phần tạo nên gánh nặng cho cả nền kinh tế và làm chậm bước phát triển của đất nước.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (The World Bank) về kinh tế Việt Nam gần đây cho thấy, trong những năm qua Việt Nam huy động được một nguồn lực đầu tư trong nước khá lớn, song nguồn lực đó chỉ đem lại một kết quả khiêm tốn vì phần lớn vốn liếng được rót vào các DNNN kém hiệu quả. Các nhà kinh tế thường đo lường đầu tư trong nước bằng cách tính tóan một tỷ số GDI của quốc gia. Tỷ số GDI được tính bằng cách chia đầu tư trong nước từ tất cả các nguồn cho GDP (Tỷ số GDI = GDI/GDP). So sánh Việt Nam với các nền kinh tế khác ở Châu Á ở cùng giai đọan tăng trưởng, Việt Nam có tỷ số GDI khá cao. Năm 2003, tỷ số GDI của Việt Nam đạt 35,9%. Báo cáo nhận xét, rõ ràng Việt Nam có khả năng tạo ra nguồn đầu tư trong nước với một tốc độ có thể so sánh với các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, giống như mức tạo vốn và sản lượng của một doanh nghiệp, năng suất của GDI mới là thước đo về hiệu quả và khả năng bền vững của nguồn lực đầu tư. Năng suất của GDI (còn gọi là ICOR) được tính bằng cách chia tỷ số GDI cho tỷ lệ tăng trưởng GDP thực. ICOR sẽ cho ta thấy cần bao nhiêu đơn vị đầu tư để có một đơn vị tăng trưởng. Năm 2003, Việt Nam có tỷ số GDI là 35,9% GDP là 7,24%. Như thế, ICOR năm 2003 của Việt Nam là 4,96. Trong năm này Việt Nam cần phải đầu tư gần 5 USD để tạo ra 1 USD tăng trưởng. Tỷ số này đáng tiếc lại không tương đương thuận lợi với các nền kinh tế khác đang ở đỉnh cao phát triển. Ví dụ, GDP của Đài Loan tăng 11% mỗi năm từ 1963-1973 trong khi Đài Loan có tỷ số GDI là 23%. Như thế Đài Loan có ICOR bằng 2. Tức là chỉ cần đầu tư 2 USD đã tạo ra được 1 USD tăng trưởng. Điều đáng lo lắng cho Việt Nam là ngày càng phải tăng mức đầu tư để có được 1 USD tăng trưởng. Thống kê của nguồn thông tin nói trên cho thấy, ICOR của Việt Nam năm 1990 là 2,48; năm 1995 là 2,77; năm 2000 là 4,8; năm 2001 là 4,93; năm 2002 là 4,87; năm 2003 là 4,96. Cũng trong giai đọan này, các con số thống kê cho thấy nguồn lực đầu vào các DNNN năm sau tăng cao hơn năm trước nhưng mức đóng góp của khối doanh nghiệp này vào GDP thì lại có xu hướng giảm dần. Điều đó cho thấy các nguồn lực đầu tư trong nước trong nhiều năm qua đã được sử dụng kém hiệu quả mà phần lớn là do phân bổ sai đối tượng.
Trở lại quan điểm của ông Nguyễn Trung, nhà nước phải mạnh dạn tìm ra cơ chế, chính sách để sẵn sàng lọai bỏ bất cứ doanh nghiệp nào tự nó không đứng được trên thị trường kể cả quốc doanh lẫn tư nhân. Nền kinh tế của Việt Nam những năm qua có bước tiến đáng kể, song nền kinh tế đó vẫn chưa thực sự đổi mới triệt để chừng nào nhà nước vẫn còn “ôm” các xí nghiệp quốc doanh. Không có lý do gì mà chúng ta phải chấp nhận mãi sự tồn tại của những doanh nghiệp kém hiệu quả để tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Càng không thể đựa vào lý do DNNN phải làm chính sách xã hội nên nhà nước có bổn phận phải bảo hộ, phải bao cấp. Tất cả các doanh nghiệp đều phải được đối xử bình đẳng như nhau, kể cả nghĩa vụ với xã hội cũng như nhau, quốc doanh hay tư nhân cũng đều phải làm nghĩa vụ xã hội. Những bài học cơ bản trong kinh doanh hiện nay luôn chỉ ra rằng trong khi thực hiện mục tiêu tối cao là lợi nhuận thì bao giờ nhà kinh doanh cũng nhận thức ra một điều: lợi nhuận tối cao chỉ đạt được khi người ta dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp và của khách hàng, tức là của cá nhân và xã hội.
Mặt khác, khi nhà nước vẫn còn tiếp tục đầu tư rất lớn vào khu vực quốc doanh, vào những DNNN kém hiệu quả thì đó cũng là một nguyên nhân lớn tạo ra sự đánh giá của cộng đồng quốc tế về Việt Nam với một nền tự do kinh tế chưa cao. Chưa kể, tự thân việc phân bổ sai nguồn lực, lãng phí nguồn vốn đầu tư cũng đã tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam.
17-02-2006

No comments: