Thursday, July 19, 2007

“THANH BẢO KIẾM” PHẢN BIỆN

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thừa nhận, trong Hội nghị Tổng kết họat động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM khóa XI, nhiều đơn từ của dân, trong đó có những đơn từ do ông chuyển về cơ quan chức năng không thấy tăm hơi. Điều đó chứng tỏ hãy còn rất nhiều cơ quan nhà nước cũng như các quan chức nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm với dân.
Nhân dân cũng phàn nàn về việc hãy còn không ít đại biểu Quốc hội chưa thực hiện tốt lời hứa với cử tri; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và còn rất hạn chế, đôi khi thờ ơ trong việc tham gia vào các họat động giám sát của Quốc hội.
Ngay cả việc giám sát của Quốc hội trong thời gian diễn ra các kỳ họp cũng được ghi nhận là chưa thực sự sâu sát. Những cuộc chất vấn, các phiên tranh luận tuy có thẳng thắn và sôi nổi hơn trước nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết được những vấn đề mà nhân dân mong đợi như: cải cách hành chính, cải cách tư pháp, giải quyết khiếu nại tố cáo, quản lý đất đai, quy họach, dự án treo, vấn đề xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an tòan thực phẩm, chữa bệnh, học hành, lao động việc làm, chăm lo cho những người có công, gia đình chính sách và người nghèo, có hòan cảnh khó khăn…Đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng trở nên nghiêm trọng vẫn chưa có giải pháp triệt để nào để ngăn chận và đẩy lùi.
Trong khi xem xét những vấn đề quốc kế dân sinh, Quốc hội vẫn chưa thực sự sử dụng “thanh bảo kiếm” phản biện của mình có hiệu quả để giám sát chặt chẽ các họat động của cơ quan hành pháp. Đôi khi có những vấn đề Quốc hội không có đủ thời gian, điều kiện để nghiên cứu, thảo luận, xem xét một cách thấu đáo trước khi thông qua. Có những vấn đề phức tạp, tế nhị, nhân dân chờ đợi những vị đại biểu của mình thể hiện dũng khí và bản lĩnh, mạnh dạn bày tỏ chính kiến bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, nhưng thông thường thì mọi chuyễn vẫn diễn ra êm xuôi như kế hoạch và dự kiến ban đầu. Quốc hội vẫn thường phải “du di” để quyết định “những chuyện đã rồi”…Một nhà báo lão thành đã buộc phải cất tiếng than rằng: “Quốc hội ta…hiền quá!”.
Trong khi đó, ở cấp Hội đồng nhân dân, một vài địa phương đã bắt đầu sử dụng tốt “thanh bảo kiếm” phản biện được luật pháp và nhân dân tin cẩn trao cho. HĐND TP.Hồ Chí Minh đã ít nhất có hai lần phản bác đề án do UBND trình phê duyệt. Đó là đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân và sau đó là đề án tăng học phí. Hai đề án này của TP. Hồ Chí Minh đã gặp sự phản ứng quyết liệt của đông đảo nhân dân trên địa bàn. Các ý kiến phản biện đều thống nhất cho rằng những đề án đó không nhằm mục tiêu phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng mà chỉ nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của cơ quan hành pháp cùng với lợi ích của một nhóm ít người có đặc quyền đặc lợi. Mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về “ Những chính sách lớn và một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau khi Việt Nam gia nhập WTO”. Vì cho rằng nghị quyết này “bê nguyên xi đề án của Thành ủy Hà Nội”, UBND cần phải cụ thể hóa và HĐND cần phải có nghị quyết để giám sát việc thực hiện. Nếu HĐND thông qua một nghị quyết “bê nguyên xi” sẽ là quá vội vã. Các nhà quan sát cho rằng đây là một “tín hiệu vui” của chính trường Việt Nam. Bởi vì, xưa nay người ta vốn bị đóng đinh bởi ấn tượng, đại biểu HĐND cũng giống như những ông bà “nghị gật”! Một vài đại biểu tâm huyết, sau nhiều lần góp ý kiến, tranh luận, phản biện mạnh mẽ cuối cùng cũng rơi tõm vào im lặng, không xoay chuyển được tình hình cũng đành “bó tay” chấp nhận vai trò “ông hội đồng…gật” cho yên chuyện. Thế là, trong hoàn cảnh đó hàng lọat các nghị quyết, chính sách, đánh giá tình hình và ngay cả các giải pháp quốc kế dân sinh còn chưa được thẩm định đúng mức cũng luôn được sự “đồng thuận” cao ngất trời xanh. Trong khi nhân dân thì càng ngày lại càng thấy “người đại biểu” của mình sao mà xa cách quá!
Trước thềm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc nhỡ: “Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dù ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng luôn luôn ý thức về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, thực hiện tốt chương trình hành động đã báo cáo với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri và đôn đốc giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Mỗi người đại biểu cần phải biết trân trọng và giữ gìn sự tin cẩn của nhân dân. Để giữ chữ tín và lời hứa với dân, người đại biểu của dân nhất thiết phải thể hiện bản lĩnh và sự dũng cảm cần thiết để có thể sử dụng tốt nhất “thanh bảo kiếm” phản biện trong các họat động của mình hướng tới mục tiêu vì lợi ích của cộng đồng.
20-7-2007

AN CƯ LẠC NGHIỆP

“An cư lạc nghiệp”- các cụ xưa đã dạy và điều đó luôn đúng trong mọi thời đại. Ngày nay, mục tiêu phấn đấu của nước ta là mau chóng thóat ra khỏi số phận của các nước nghèo nàn, lạc hậu. Từng bước đưa dân ta tới cảnh giàu có, dân chủ và văn minh. Nói thì rất dễ, nhưng nếu xem xét trong từng hành động, từng bước đi cụ thể của các chính quyền ở một số địa phương thì hãy còn nhiều điều đáng phải quan ngại.
Ai cũng biết quy họach, giải tỏa, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị mới là một trong những chuyện phải làm để từng bước nâng cao kết cấu hạ tầng của nền kinh tế và đời sống dân sinh. Chủ trương lớn của nhà nước từng được rất nhiều vị lãnh đạo qua nhiều thời kỳ khẳng định rõ ràng và cụ thể, rằng việc quy họach, giải tỏa và tái định cư phải luôn luôn đảm bảo cho cộng đồng dân cư trong khu vực được quy họach, thu hồi đất có điều kiện tái định cư tương đương hoặc tốt hơn trước khi triển khai dự án. Những lợi ích của dự án phát triển bao giờ cũng phải mang lại sự an cư và an tâm cho chính cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất trong quá trình thực thi dự án. Điều đó không chỉ phù hợp pháp luật, chủ trương chính sách nhà nước mà còn là đạo lý, lẽ công bằng trong đối nhân xử thế đồng thời cũng là cách thức thể hiện rõ nhất bản chất của chế độ của dân, do dân và vì dân.
Nếu những người lãnh đạo địa phương nào cũng thấm nhuần và luôn thực hành đúng đạo lý và chủ trương trong sáng như trên thì thật hạnh phúc cho dân. Chắc sẽ chẳng có chuyện nhiều người dân phải kéo nhau đi khiếu kiện khắp nơi, gõ hết mọi cửa và hàng núi hồ sơ khiếu nại phải dồn về các cơ quan chức năng của trung ương nến mức quá tải, khó có thể giải quyết như mong đợi của nhiều người.
Trên thực tế, tham nhũng đất đai là một trong những dạng tham nhũng khá phổ biến và mang lại những giá trị rất lớn. Lại là một trong những hành vi dễ thực hiện vì chính sách quản lý đất đai của nhà nước trong nhiều năm qua còn rất nhiều bất cập. Hầu như cán bộ quản lý nhà nước cấp nào cũng có thể tham gia vào việc chia chác đất đai mỗi khi có dịp và có quyền hành trong tay. Báo Đại Đoàn Kết đã từng đưa tin về một cán bộ của trung ương đã có nhà đất đề huề nhưng vẫn “tranh thủ” chức quyền và “sự ảnh hưởng” của mình với địa phương để xin được cấp thêm một số đất nền nhà trong khu quy họach phát triển ở Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Hay như một số quan chức, cán bộ của Quận 2, TP.Hồ Chí Minh tranh thủ dự án “ Giải quyết nhà ở cho cán bộ nhân viên có hòan cảnh khó khăn” để chia chác nhiều khu đất “đẹp” để rồi sau đó sang tay bán ngay để lấy chênh lệch giá hàng trăm triệu đồng.
Trong khi đó, để có những khu đất đẹp và quy họach thành những khu đô thị mới, nhiều người dân đã phải bấm bụng ra đi, chia tay với những nơi đã từng gắn bó với gia đình họ trong nhiều năm tháng, nhiều thế hệ…Nhiều gia đình hy vọng, chấp hành chủ trương nhà nước, giải tỏa mặt bằng để xây dựng đô thị ngày một hiện đại, văn minh hơn. Và tất nhiên, trong đó gia đình của họ cũng được hưởng sự văn minh và giàu có đó. Trong rất nhiều quyết định phê duyệt các quy họach dự án đô thị mới, Chính phủ đã rất thận trọng khi luôn xem xét bố trí một phần đất đai nằm trong dự án nhằm phục vụ cho việc tái định cư cho nhân dân trong vùng quy họach. Điều đó thể hiện thái độ vì dân, quan tâm tới dân có tình có lý của những nhà lãnh đạo đất nước. Thế nhưng, khi “xuống” tới cấp địa phương triển khai thực hiện, thì những chủ trương đúng đắn và có tình có lý của Chính phủ thường bị “biến hóa” thành những “miếng mồi” để cho một số quan chức địa phương chia chác nhau, bất chấp quyền lợi của nhân dân trong khu vực giải tỏa bị đẩy ra khỏi mảnh đất thân quen của mình. Nhiều dự án phát triển ở các địa phương chưa hề chuẩn bị xong khu vực tái định cư và tạm cư cho dân đã vội vàng ra quyết định thu hồi đất mà không cần biết dân sẽ đi đâu, về đâu và sinh sống như thế nào nên trong lòng họ chưa bao giờ thấy được sự “an cư”.
Thậm chí có chính quyền địa phương còn “treo giải” thưởng cho những cấp cơ sở nào nhanh chóng “giải tỏa” được dân, sớm thu hồi đất đai cho dự án những món tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng. Tiền đền bù nếu chưa được dân đồng thuận thì được phép “treo” trong ngân hàng, còn dân có nhận hay không mặc kệ dân.
Nhà nước đang làm mọi cách để an dân, trong đó có giải pháp “an cư lạc nghiệp”. Luật cư trú và nhiều luật mới có hiệu lực hồi đầu tháng này là một trong những minh chứng rõ nét nhất về tinh thần “an dân” đó của nhà nước. Ngày nay, người dân có nhiều quyền hơn trong cư trú, đi lại và sở hữu nhà cửa. Đó là một trong những điều kiện cần thiết nhất để dân có thể “an cư lạc nghiệp”. Nếu hãy còn nhiều người dân chưa an cư thì nước nhà chưa thể hùng mạnh được. Tham nhũng đất đai, nhà cửa và những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà đất của các quan chức địa phương đã và đang góp phần làm cho dân bất an vì dân chưa thể “an cư”.
17-7-2007

CHIÊU BÀI “XÃ HỘI HÓA”!

Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta hay nói tới chuyện xã hội hóa giáo dục và y tế. Xã hội hóa để huy động rộng rãi các nguồn lực tham gia nâng cao chất lượng các dịch vụ vì lợi ích cộng đồng và đưa các dịch vụ này tiếp cận ngày càng sâu hơn rộng hơn tới mọi tầng lớp nhân dân, mọi vùng miền trong cả nước là một định hướng tích cực.
Những năm qua, nhờ chủ trương xã hội hóa mà nhiều lọai hình trường học, bệnh viện do tư nhân đầu tư đã phát triển khá mạnh đáp ứng được nhu cầu học hành, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhiều thành phần dân cư trong xã hội với nhiều “đẳng cấp” khác nhau. Một số các trường học, bệnh viện đã đạt được tiêu chuẩn tương đương với các nước trong khu vực giúp làm giảm bớt số lượng “chảy máu ngọai tệ”. Người dân có điều kiện đi ra nước ngòai chữa bệnh hoặc gởi con cái ra nước ngòai học hành nay có sự lựa chọn dịch vụ tương đương trong nước.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện không ít “đề án” xã hội hóa giáo dục, y tế theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”. Những đề án kiểu này thường đánh đồng việc “xã hội hóa” với chuyện “chia chác tài sản công” cho một số người có đặc quyền. Một trong những thủ thuật dễ “đánh bùn sang ao” nhất là sử dụng chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vào chuyện “xã hội hóa” hình thức sở hữu tài sản công của các tổ chức xã hội hoạt động vì lợi ích cộng đồng. “Đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình dân” ở TP.Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ.
Ngay cả việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng đang là một vấn đề cần phải được đánh giá lại một cách thận trọng. Đặc biệt là việc định giá tài sản để cổ phần hóa. Dư luận đã chỉ ra không ít lỗ hổng trong cơ chế cổ phần hóa đã làm thất thóat rất lớn tài sản quốc gia. Tài sản công không được “xã hội hóa” như mục tiêu tốt đẹp của chính sách “cổ phần hóa” mà thực sự rơi vào túi của một số ít người có chức, có quyền, có khả năng chi phối doanh nghiệp và quá trình “chia chác” đó. Nếu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là sở hữu toàn dân tại sao lại chỉ có mấy ông lãnh đạo hay vài chục, vài trăm nhân viên của công ty đó được quyền mua cổ phiếu “ưu đãi”? Hơn nữa, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là nhằm mục tiêu huy động được nhiều nguồn lực của xã hội để vực dậy những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, yếu kém do cơ chế quản lý nhà nước và bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp kém hiệu quả. Chủ trương ưu đãi càng khiến cho phần lớn tài sản của doanh nghiệp lọt vào tay những quan chức đương quyền, vốn đã làm ăn thua lỗ, lại tiếp tục “hóa thân” thành những người lèo lái, dẫn dắt doanh nghiệp trong cơ chế cổ phần. Liệu có phải là một giải pháp tốt?
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đã có chủ trương từ lâu, đã được nghiên cứu cẩn thận, đã tốn kém nhiều tiền của, thời gian, nhân lực để làm mà vẫn còn không ít chệch chọach và sơ hở. “Cổ phần hóa trường học và bệnh viện công” chưa hề có chủ trương chính thức nào của nhà nước, chưa hề được nghiên cứu thấu đáo, chưa ai đánh giá thẩm định thế nhưng đã có “đề án” thí điểm thực hiện cổ phần hóa một bệnh viện công chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi lập đề án cho đến khi tổ chức được đại hội cổ đông để công bố thành lập cái gọi là “công ty cổ phần bệnh viện”. Quả thật không thể gọi hành động đó bằng cái danh xưng gì xác đáng hơn là một hành động “xã hội…đen” (hiểu theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”) hòng “gài thế” Nhà nước và Nhân dân trước chuyện đã rồi!
Xã hội hóa giáo dục và y tế lẽ ra phải được hiểu đúng đắn hơn là nhà nước mở rộng cửa và tạo điều kiện ưu đãi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực vì lợi ích cộng đồng này. Xã hội hóa để mang lại mục tiêu tối thượng là tạo ra nhiều cơ hội cho giáo dục và y tế có thể tiếp cận rộng rãi tới mọi tầng lới nhân dân trong xã hội, người giàu cũng như người nghèo, người ở thành phố cũng như người ở miền núi, hải đảo… Chứ hoàn toàn không thể hiểu theo kiểu: “xã hội hóa” trường học và bệnh viện công là để chuyển dịch tài sản của toàn dân vào tay một nhóm người để rồi họ dùng chính lợi thế đó tiếp tục đầu tư kinh doanh kiếm lợi cho nhóm của mình. Để làm “an lòng” dư luận chấp thuận cho “âm mưu” của mình, họ tung ra chiêu bài “sẽ trích quỹ để chữa bệnh miễn phí và tài trợ học phí cho người nghèo”. Thật khó có thể tin được, tài sản của nhân dân được chia chác vào tay một nhóm người để rồi sau đó chính nhân dân lại phải ngữa tay ra nhận lấy lòng “hảo tâm” của những người có đặc quyền đặc lợi đó.
13-7-2007

BÀN TAY KHÔNG CHE ĐƯỢC MẶT TRỜI

Chỉ một tuần sau khi kết thúc chuyến đi vận động cho các nạn nhân của chất độc màu da cam, cũng như tham dự phiên điều trần tại tòa phúc thẩm ở NewYork (Mỹ), anh Nguyễn Văn Quý đã từ trần tại Hải Phòng.
Là lính kỹ thuật đường dây thông tin, trong những năm chiến tranh anh Quý phục vụ tại mặt trận Tây Nguyên…Cũng như bao người lính khác, anh đã ăn tất cả từ sắn, rau dại, các loại cây cỏ, uống nuốc suối mà không hề hay biết chất độc dioxin quái ác có trong chất khai hoang màu da cam của quân đội Mỹ đang ẩn mình trong những thức đó. Hòa bình, anh Quý về nhà lập gia đình. Đứa con đầu lòng mà cả gia tộc mong mỏi lại là một bào thai dị dạng. Người vợ đầu sợ hãi đâm đơn ly dị. Vài năm sau, anh lập gia đình một lần nữa, nhưng đau đớn thay, cả hai người con của anh đều bị dị tật. Bản thân anh, do ảnh hưởng chất độc da cam nên anh bị ung thư dạ dày và di căn lên gan, tụy và phổi. Trước khi đi Mỹ, anh đã phải phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày khiến việc ăn uống rất khó khăn. Người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn ngày nào giờ thường đắm mình trong im lặng cùng với nỗi đau tột cùng. Lắm khi đau đớn quá, anh phải leo lên gác để rên chứ không dám ở dưới nhà sợ vợ nghe được lại buồn…
Dù sức khoẻ rất yếu, trong suốt chuyến đi Mỹ sức khoẻ của anh luôn là một trong những điều trăn trở và lo âu của đoàn, thế nhưng cho dù có khi đau đến nỗi phải ngồi xe lăn, mọi người vẫn luôn thấy tinh thần lạc quan của anh. Cả đoàn thường được nghe những câu chuyện hài hước, những câu đùa vui của anh chứ chưa bao giờ nghe một lời than vãn, đớn đau nào của anh dù căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn cuối.
Từ NewYork, khi hay tin anh Quý từ trần, Merle Ratner (Điều phối viên cuộc vận động vì trách nhiệm và nạn nhân da cam) đã rất xúc động cho biết: “Căn bệnh ung thư của anh Quý đã bước vào giai đoạn di căn khi anh tới Mỹ. Nhưng sự cống hiến, sự anh hùng và khát khao vì công lý của anh bất chấp những nỗi đau của căn bệnh vẫn hàng ngày hành hạ là một điều hết sức cảm động và đáng trân trọng”. Cuộc đấu tranh vì công lý của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ còn kéo dài, sự ra đi của anh Quý càng khiến cho mọi người phải nỗ lực hành động hơn để gánh vác khoảng trống mà anh để lại cho cuộc đầu tranh chung vì công lý này sau khi từ biệt chúng ta.
Vụ kiện có thể còn kéo dài trong rất nhiều năm, mặc dù lương tâm nhân loại đã được thức tỉnh bằng chữ ký, lời ca cùng hành động kết nối hàng trăm triệu trái tim nhân ái trên khắp địa cầu đòi công lý cho những người như anh Quý. Nhưng nhóm bị đơn, là những nhà sản xuất cái chất độc giết người màu da cam đó vẫn luôn tìm mọi cách biện minh để chạy tội. Trái tim của họ băng giá trước hàng triệu nguyên đơn là những con người tiều tụy, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần không chỉ cho họ mà nỗi đau đó còn kéo dài ra bao thế hệ…Ai cũng biết bàn tay rồi cũng sẽ chẳng che nỗi mặt trời, bóng tối không thể lấp đầy ánh sáng của tình yêu thương và lòng nhân ái. Lẽ phải luôn có sức mạnh và sự bền bỉ của nó dù phải vượt qua những chặng đường thiên lý đầy khó khăn và gian khổ. Cuộc hành trình nào rồi cũng sẽ tới đích, nhất là cuộc hành trình của những con người dành hết sức hết lòng đến hơi thở cuối cùng của mình như cuộc hành trình của anh Quý. Hình ảnh đó không sao có thể sớm lụi tàn và mau chóng bị lãng quên trong tâm thức và lương tri của nhân loại.
Ngay những người Mỹ có lương tri cũng cảm thấy đau đớn và xấu hổ trước “trái tim băng giá” của nhóm bị đơn-những ông chủ giàu sụ của thuốc diệt cỏ màu da cam. Những nhà lập pháp Mỹ cũng đã thông qua một ngân sách 3 triệu USD để tẩy sạch môi trường và chăm sóc cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. David Cline, nguyên Chủ tịch Hiệp hội cựu binh vì hoà bình (Mỹ) đã khóc nức nở khi nghe tin anh Quý ra đi. Trong những ngày ở NewYork, Cline vẫn thường giúp đỡ và dìu anh Quý đi lại. Mọi người đều xúc động khi nhìn thấy những cử chỉ thân ái của hai người lính từng đứng ở hai bên chiến tuyến khi xưa. Clinhe đã tặng cho anh Quý tấm huân chương Purple Heart (Trái tim tím) do Chính phủ Mỹ tặng anh bởi vì, theo Cline: “Tôi cảm thấy tình đồng chí với anh Quý. Chúng tôi đều là những người lính và hành động này biểu hiện sự tôn trọng anh ấy”.
Vụ kiện có thể còn kéo dài trong nhiều năm, do đó cần phải có ngay những biện pháp tích cực để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Hàng trăm nghìn người như anh Quý và gia đình vẫn còn đang tiếp tục chống chọi với nỗi đau tột cùng để chờ một lời xin lỗi, một sự ăn năn dẫu muộn màng của những kẻ gây ra đau thương này. Ai cũng hiểu cuộc đấu tranh đó còn nhiều cam go, nhưng ai cũng muốn đi đến cùng trên con đường đó.
10-7-2007

ĐẠO ĐỨC THƯƠNG TRƯỜNG

Đạo đức trong kinh doanh không phải là chuyện mới. Lịch sử thế giới ghi nhận khái niệm này đã bắt đầu xuất hiện cách đây hàng ngàn năm cùng thời với nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle. Các nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Nam California (Mỹ) cho thấy chính nhà triết học Hy Lạp cổ đại này lại là người có “tâm hồn kinh doanh” hơn ai hết chứ không phải là các nhà buôn cùng thời. Aristotle luôn đề cao ý tưởng nhiệm vụ chính của người thủ lĩnh (trong đó có người đứng đầu tổ chức kinh doanh) không phải là gia tăng quyền lực của mình trước cấp dưới mà là tạo ra những điều kiện và cơ hội tốt nhất để tất cả những người dưới quyền thể hiện được năng lực một cách cao nhất để sáng tạo, làm ra những sản phẩm tốt nhất cho xã hội và xây dựng “thương hiệu” của mình trong cộng đồng.
Xem ra ý tưởng của Aristotle vẫn còn là vấn đề thời sự của ngày hôm nay. Khi nền kinh tế thị trường Việt Nam bắt đầu manh nha đã có không ít nhà doanh nghiệp quan niệm đạo đức không phải là một phạm trù được quan tâm trong thương trường. Mối quan tâm hàng đầu của hầu hết doanh nghiệp là lợi nhuận, lợi nhuận nhiều hơn và siêu lợi nhuận. Họ quan niệm “thương trường là chiến trường”. Mà đã là “chiến trường” thì không chừa thủ đoạn nào cả miễn sao phải giành lấy chiến thắng.
Bởi vậy những năm qua trên thương trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều chuyện đau lòng. Mặc dù luôn miệng gọi khách hàng bằng “thượng đế” nhưng sau đó không ít doanh nghiệp đã trắng trợn lừa dối “thượng đế” của mình vì những món lợi khổng lồ bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của “thượng đế”. Lợi dụng cơ chế quản lý, pháp luật về kinh tế thị trường còn chưa hoàn chỉnh, tình hình xã hội đang chuyển đổi còn tranh tối tranh sáng, sự tha hóa phẩm chất của những cán bộ, quan chức nhà nước trong việc giám sát kiểm tra, không ít doanh nghiệp đã sẵn sàng ăn gian nói dối để thu lợi bất chính.
Vụ “sữa tươi nguyên chất tiệt trùng” được làm bằng nguyên liệu…sữa bột của một vài công ty sữa trước đây đã làm dư luận bất bình là một điển hình về chuyện “nói một đàng làm một nẽo” của các doanh nghiệp. Thời đại thông tin, quảng cáo phát triển các doanh nghiệp tận dụng tối đa công cụ này để “tô hồng” cho sản phẩm của mình một cách không đứng đắn. Cũng nói về sản phẩm sữa, không ít nhà sản xuất hiện vẫn đang tiếp tục quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng rằng sữa của họ có chứa chất này chất kia giúp cho trẻ thông minh, sớm trở thành thiên tài. Ở các nước văn minh, những loại quảng cáo như vậy có thể bị phạt vì bị xem là lừa dối khách hàng.
Gần đây nhất là vụ nước tương có chứa chất gây ung thư 3-MCPD lên đến hàng nghìn lần mức cho phép được sản xuất và tiêu thụ tràn lan trên thị trường trong nhiều năm dài. “Thượng đế” bị lừa bởi những chiêu thức quảng cáo tinh vi, bởi những nhãn mác “hàng Việt Nam chất lượng cao”, “thương hiệu mạnh”…và sự nhắm mắt làm ngơ của các quan chức được dân trả lương để có trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho xã hội. Vụ bồn chứa nước inox T.M chứa chất gây ung thư cao gấp nhiều lần do “treo đầu dê bán thịt chó”, đăng ký và quảng cáo sản xuất bằng lọai thép X nhưng khi thi công thì làm bằng lọai thép Y rẻ tiền hơn để hạ giá thành sản phẩm mặc dù hậu quả là lại tăng cường chất độc cho “thượng đế”. Có thể kể ra hàng ngàn thậm chí hàng vạn ví dụ tương tự về chuyện các nhà sản xuất, lãnh đạo các doanh nghiệp cam tâm lừa dối “thượng đế” chỉ để thu lợi kếch sù, làm giàu mau chóng một cách vô đạo đức. Điều đáng lo ngại hơn là sự im lặng đáng sợ của các nhà chức trách trước các hiểm nguy ngày càng trở nên phổ biến do sự làm ăn gian dối của các nhà sản xuất mang lại cho cộng đồng.
Đã có không ít người làm giàu nhanh chóng nhờ sự “xập xí xập ngầu” trong cơ chế quản lý và nhờ sự “bưng bít” thông tin của các nhà chức trách vô cảm, vô trách nhiệm với đồng lọai. Đáng ngạc nhiên là sau khi sự thật về những chuyện làm phi pháp, vô đạo đức đó được lôi ra ánh sáng vẫn chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay ít ra cũng có ai đó tự thấy trách nhiệm của mình để có lời xin lỗi các “thượng đế” đang xanh xám mặt mày vì chất ung thư.
Nhiệm vụ kinh tế của các doanh nghiệp trong cộng đồng là sản xuất và cung ứng hàng hóa – dịch vụ để có được lợi nhuận cần thiết. Nhưng bổn phận ấy chỉ có thể được xem là hoàn thành khi lợi nhuận được phân bổ đúng đắn cho sự phát triển của doanh nghiệp và phân phối đồng thời cho các thành viên liên quan nhằm không chỉ góp phần trực tiếp vào sự tái tạo quy mô của các thành viên ấy mà còn đóng góp gián tiếp vào sự phát triển mở rộng của toàn xã hội. Vì thế, doanh nghiệp trong khi tìm kiếm lợi nhuận cho mình ít nhất phải tuân thủ các nền tảng luân lý xã hội và các thiết chế pháp lý của nhà nước. Chứ không phải “chiến thắng” bằng mọi cách, kể cả cái cách gian dối để thủ lợi riêng mình và thừa cơ lách luật bằng những chiêu thức núp dưới gầm bàn dơ bẩn.
6-7-2007

“ĐÙNG MỘT CÁI”!

Đề án tăng học phí được coi là sự kiện thu hút nhiều ý kiến phản biện tiếp theo sau đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình dân tại TP. Hồ Chí Minh. Tại một hội nghị của UBMTTQVN TP.Hồ Chí Minh mới đây, rất nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc đề án tăng học phí được dựa trên những cơ sở không hợp lý. Chẳng hạn như việc tăng học phí lấy cơ sở trên mức lương được tăng gấp 3 lần kể từ năm 1998 là không chấp nhận được. Bởi vì lương tuy có tăng lên gấp 3 lần nhưng trên thực tế chỉ là tăng danh nghĩa. Hơn nữa, lương đâu phải chỉ có chi cho học phí mà còn rất nhiều khoản chi khác trong gia đình, trong đó có rất nhiều khoản mà giá cả từ năm 1998 đến nay đã tăng lên gấp nhiều lần.
Một số ý kiến khác tỏ ra “thông cảm” với ngành giáo dục hơn khi cho rằng tăng học phí là việc cần làm nhưng không thể làm như cách hiện nay: “đùng một cái” tăng lên 2-3 lần. Không có ngân sách gia đình bình thường nào có thể kham nỗi nếu như trong gia đình có tới 2-3 con em đang đi học. Đặc biệt, khỏan tăng thêm đó là quá lớn so với các gia đình làm công ăn lương, buôn bán nhỏ, thu nhập thấp. Ngay cả các lọai hàng hóa, dịch vụ khác khi tăng giá cũng đều được xem xét tác động từ nhiều phía và được tăng dần theo thời gian chứ cũng không thể tăng theo kiểu “đùng một cái”!
Theo lý giải của các quan chức ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh, việc tăng học phí là để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các trường. Rằng mức học phí hiện hành được xây dựng từ năm 1998, trong khi lương cơ bản đã được tăng lên gấp nhiều lần từ đó tới nay. Vả lại, trên thực tế, với nhiều kiểu thu “không giống ai” hầu hết các trường học ở thành phố này đều đã thu số tiền tương đương với mức thu dự kiến tăng lên trong rất nhiều năm qua. Do đó, việc tăng học phí để “chính thức” các khỏan thu “không giống ai” từ trước tới giờ và quản lý tốt nguồn thu này là việc cần làm.
Tuy nhiên, các quan chức ngành giáo dục vẫn chưa khẳng định được rằng sau khi tăng học phí lên gấp 2- 3 lần để chính thức hóa các khỏan thu tràn lan trước đây thì liệu các trường có chấm dứt được các nguồn thu “không giống ai” nữa hay không? Bởi vì, theo điều lệ nhà trường đã được thực hiện từ nhiều năm qua, hội phụ huynh học sinh có thể huy động sự đóng góp của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện. “Tự nguyện” như thế nào thì chắc mọi người trong cuộc đều biết, rất khó có khả năng từ chối. Cho nên, nhiều ý kiến lo ngại, tăng học phí nhưng có thể sẽ không chấm dứt được các khỏan thu “ngòai luông” vốn đã trở thành một “thói quen” dễ dãi trong rất nhiều năm qua tại hầu hết các trường học. Nếu tình hình diễn ra như vậy, việc tăng học phí sẽ trở thành gánh nặng cho không ít gia đình và chính bản thân các em học sinh đang có hòan cảnh khó khăn.
Đất nước hãy còn nhiều người nghèo, nhiều gia đình chỉ còn hy vọng lo lắng cho con em học hành thật giỏi giang để thoát khỏi cảnh nghèo, nhưng với chính sách học phí tăng “đùng một cái” như vậy và cộng với nhiều khỏan thu khác chưa được ngành giáo dục cam kết sẽ chấm dứt chắc chắn sẽ có nhiều gia đình nghèo phải bỏ cuộc và sẽ có nhiều số phận bất hạnh hơn xuất hiện trong xã hội vì thất học. Đất nước khó có thể phát triển nhanh, phát triển mạnh nếu tình trạng người nghèo thất học còn nhiều và còn chưa có lối ra.
Cũng như y tế, lĩnh vực giáo dục là một trong những họat động vì lợi ích cộng đồng và là một trong những họat động căn bản để chứng tỏ bản chất của chế độ. Xã hội hóa giáo dục, không có nghĩa là tận thu các nguồn đóng góp của nhân dân bất kể thành phần và khả năng tài chính của mỗi gia đình. Ngành giáo dục cần phân định rõ các lọai hình trường công lập, trường tư thục, trường quốc tế…Từng lọai trường có những quy định về học phí khác nhau. Trong đó, trường công phải là lọai trường có học phí thật thấp hoặc tiến tới không có học phí dành cho mọi học sinh có năng lực và ý chí dù là con nhà giàu hay nhà nghèo đều có cơ hội như nhau. Trước đây, khi đất nước còn nhiều khó khăn, mọi trẻ em đều được đến trường và chữa bệnh miễn phí. Nay cuộc sống đã khá hơn nhiều, các thành tựu kinh tế đã đưa đất nước lên một vị thế mới trong cuộc chơi toàn cầu sao lại phải tăng học phí, viện phí với cả những cơ sở giáo dục và y tế công lập? Các thành tựu kinh tế của đất nước lẽ ra phải được phản ánh rõ nét trong các chính sách an sinh xã hội để làm cho mọi người dân phải ngày càng yên tâm hơn với sự phát triển của đất nước chứ không phải là ngược lại!
03-7-2007

Friday, June 29, 2007

BẤT ĐỒNG VÀ ĐỐI THOẠI

Những cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở, chân tình bao giờ cũng mang lại hiệu quả tốt đẹp là sự hiểu biết, cảm thông và hợp tác. Vì vậy, để giải quyết các mối bất hòa, hiểu nhầm hay thành kiến không có gì tốt hơn là phải ngồi lại với nhau để đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân tình.
Chấp nhận đối thoại cũng có nghĩa là chấp nhận ngồi cùng bàn với những người bất đồng chính kiến. Không có kẻ mạnh, người yếu mà chỉ có sự bình đẳng của lẽ phải, của lòng yêu nước, của một khát khao xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, công bằng và dân chủ.
Nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Quận Cam, California trong chuyến thăm Mỹ vừa qua Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng: “Trong một gia đình 5-7 người đôi khi còn có những bất hoà. Trong một đất nước rộng lớn với hơn 80 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau, nếu có những khác biệt, tôi nghĩ cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta phải làm sao để thông cảm lẫn nhau, chia sẻ lẫn nhau và từng bước đạt được tiếng nói chung là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh”.
Nhà bác học thiên tài Albert Enstein từng phát biểu một câu nổi tiếng có thể xem như là “slogan” cho thuyết tương đối của ông: “Mọi sự hiện hữu trong vũ trụ đều là tương đối, kể cả câu nói này”. Sở hữu một trí tuệ siêu việt, chinh phục những hiểu biết đỉnh cao của nhân loại, nhưng Enstein vẫn chưa bao giờ tự cho mình là chân lý.
Trong một xã hội dân sự luôn có nhiều nhóm lợi ích khác nhau cùng tồn tại. Những lợi ích khác nhau thường có khuynh hướng tương nhượng, hỗ trợ để cùng tồn tại và phát triển trong một xã hội văn minh. Tuy nhiên vẫn không thể tránh được những mâu thuẫn dẫn tới xung đột về lợi ích của các nhóm khác nhau. Trong những trường hợp đó, nếu nhóm nào cũng muốn giành lợi ích tuyệt đối cho mình và luôn khẳng định chỉ có lợi ích của nhóm mình mới là chân lý thì chắc chắn không thể giải quyết được mâu thuẫn, xung đột sẽ kéo dài và ngày càng căng thẳng. Sự xung đột đó, một mặt sẽ thúc đẩy quá trình phát triển đi lên nếu đó là một xã hội được tổ chức thông minh, biết cách khắc phục những khiếm khuyết cũng như được tổ chức tốt bởi một nhà nước pháp quyền do dân và vì dân. Mặt khác sẽ dẫn tới sự trì trệ, tan rã hệ thống xã hội và làm thiệt hại cho đa số thành viên trong cộng đồng nếu “chân lý” luôn thuộc về một nhóm ít người có quyền lực chi phối toàn bộ hệ thống xã hội.
Xuất phát từ những lợi ích khác nhau cho nên các nhóm lợi ích trong xã hội có những quan điểm khác biệt nhau trong những công việc chung của cộng đồng là lẽ đương nhiên và bình thường. Điều quan trọng là tất cả những ý kiến khác biệt ấy đều có cơ hội để công khai, minh bạch trên những diễn đàn chính thức, bình đẳng. Nhà nước dưới sự giám sát của các cơ quan quyền lực của nhân dân sẽ đóng vai trò “trọng tài” để cân nhắc thiệt hơn cho lợi ích của toàn dân cũng như lợi ích của mỗi nhóm. Điều quan trọng là trong vai trò “trọng tài” nhà nước phải làm được một điều là khi lợi ích của toàn dân tăng lên cũng có nghĩa là lợi ích của tất cả các nhóm khác nhau trong xã hội đều có cơ hội để phát triển tương xứng.
Sự kiện “thí điểm cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân TP.Hồ CHí Minh” gần đây cho thấy sự xung đột mạnh mẽ về lợi ích giữa những nhóm có quyền lợi khác nhau trong mối quan hệ với chủ trương này. Lúc đầu những thông tin về sự kiện này hầu như không được công khai và chỉ được triển khai hạn chế trong nhóm những người có liên quan và có quyền lực. Việc cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân diễn ra trong thời gian đầu rất suông sẻ vì được sự đồng thuận rất cao trong một nhóm nhỏ có lợi ích và quyền lực trực tiếp. Thậm chí một số cổ phiếu đã được bán ra theo kiểu “lúa non” cho các “nhà đầu tư” được “rỉ tai”. Thế nhưng, với tư cách là đại điện cho lợi ích của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong xã hội, Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh đã lên tiếng và yêu cầu đưa vấn đề ra công khai trước cộng đồng. Kết quả là UBNDTP.HCM mới đây phải ra quyết định ngưng lại chủ trương này vì có dấu hiệu làm thiệt hại tới lợi ích của đa số cư dân trong việc thực thi chính sách an sinh xã hội và lợi ích cộng đồng. Đó cũng là kết quả của sự đối thoại thẳng thắn, công khai, minh bạch về một vấn đề rất nhạy cảm với toàn xã hội.
Muốn đối thoại để thông cảm, hiểu biết, hợp tác và đoàn kết cần phải biết chấp nhận những ý kiến khác biệt và xem đó là chuyện bình thường. Đối thoại chỉ có hiệu quả khi những người bất đồng chính kiến có thể ngồi lại với nhau chung một bàn như những người anh em cùng chung một Mẹ và cùng chung một ý chí, một mục tiêu vì sự thịnh vượng vững bền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
29-6-2007




Tuesday, June 19, 2007

“TRÁI TIM NÓNG, CÁI ĐẦU LẠNH VÀ HAI BÀN TAY SẠCH"

Mỗi năm tới ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) tôi lại nhớ những năm tháng chập chững bước vào nghề. Nhớ người thầy đã dìu dắt tôi những bước đi đầu tiên và quan trọng hơn là đã truyền lại cho tôi ngọn lửa của lòng đam mê nghề nghiệp cùng sự tỉnh thức của lương tri. Đó là một nhà báo cách mạng lão thành, xuất thân từ một phóng viên kỳ cựu của báo Cứu Quốc, một biên tập viên của Đài phát thanh Giải Phóng, tiếng nói của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Vợ và một người con trai của ông đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất chiến trường Đông Nam bộ trong cuộc chiến chống Mỹ.
Giờ đây sau rất nhiều năm theo đuổi nghề báo, trải qua nhiều vị trí công tác cũng như nhiều lọai hình, nhiều cơ quan báo chí khác nhau tôi mới nhận ra mình thật may mắn vì đã có những bước đi ban đầu thật vững chắc dưới sự dẫn dắt của một người thầy giàu kinh nghiệm và giàu lòng nhân ái. Có thể trong cách nhìn của nhiều người khác, ông là một nhà báo hết sức bình thường. Nhưng sự có mặt của ông trong cuộc đời làm báo của tôi là một bước ngoặt định hình nên con đường mà tôi đã lựa chọn cho nghề nghiệp của mình.
Bằng những bài viết ngắn gọn, những ứng xử hết sức giản dị trong tác nghiệp và trong đời sống ông đã giúp chúng tôi – những sinh viên mới ra trường, nhận thức được phẩm chất quan trọng nhất của một người làm báo. Ở mọi thời đại, người làm báo nào cũng phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và kỹ năng tác nghiệp phù hợp với trình độ phát triển của các loại hình báo chí khác nhau. Tuy nhiên, theo ông, thời đại nào cũng vậy, người làm báo chân chính ít nhất phải tự trang bị cho mình ba điều cơ bản. Đó là: “trái tim nóng, cái đầu lạnh và hai bàn tay sạch”.
“Một trái tim nóng” để luôn bắt nhịp được với thời cuộc. Biết vui với những thành tựu của đất nước, với niềm hạnh phúc của nhân dân. Phẫn nộ với những thói hư tật xấu, những tồn tại bất công xã hội. Thông cảm với những nỗi đau và bất hạnh của đồng loại. “Một trái tim nóng” để không tự biến mình thành “vô cảm”, hay “vô trách nhiệm” với xã hội trong khi thực hành công việc đầy áp lực và đầy cám dỗ của một nhà báo.
“Một cái đầu lạnh” để tỉnh táo thẩm định thông tin, phản biện và tự phản biện. Để biết phải, biết trái và trên hết là biết lắng nghe tiếng nói của lương tri. Trung thực và luôn tỉnh táo là một trong những phẩm chất rất quan trọng của người viết báo. Bình tĩnh khi tư duy trên một nền kiến thức cơ bản vững chắc cùng với ý thức phản biện với cả chính mình sẽ giúp nhà báo phân tích, xử lý thông tin chuẩn mực. Giúp nhà báo không đi quá trớn vì sự ngộ nhận của cảm xúc hay sự phiến diện của nhận thức. Cũng không rụt rè, không sợ hãi vì biết mình đang vững vàng trên hành lang an toàn của pháp luật và của lương tri. “Một cái đầu lạnh” để thể hiện trách nhiệm công dân của người cầm bút một cách đúng mực và thuyết phục, để không tự biến mình thành một kẻ “vô chính phủ”.
Nhưng những điều diễn ra bên trong “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh” thường không dễ gì công chúng biết được. Nó phải được cụ thể bằng hành động và những hành động đó phải được thực hiện bởi “hai bàn tay sạch” thì mới thực sự có ý nghĩa với cộng đồng. “Hai bàn tay sạch” vừa là Nhân vừa là Quả từ sự thực hành đúng đắn của “trái tim” và “cái đầu”. Nó giúp cho nhà báo biết cách đưa “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh” của mình tới đúng lúc đúng nơi cần sự có mặt của công luận mà không sợ bị “nhầm đường, lạc lối”. Đồng thời nó giúp cho người cầm bút cảm nhận nhạy bén tính bức xúc của thời sự, nhận thức đúng mức giá trị của sự kiện và biết cách truyền thông sao cho hiệu quả để cuối cùng mang lại lợi ích cho sự phát triển của toàn xã hội. “Hai bàn tay sạch” xét cho cùng, chính là cơ chế tự miễn dịch với cái ác giúp người cầm bút tự kiểm soát, giám sát chất lượng các họat động nghề nghiệp của mình theo hướng thiện để trở thành một cây bút được sự tín nhiệm của xã hội.
Có người nói nghề báo cũng giống như người chép sử của thời đại. Phải hết sức trung thực và đôi khi có thể hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ sự thật, để đem sự thật phơi bày ra ánh sáng ở những nơi nó còn bị che giấu vì những mục tiêu thấp hèn. Nghĩ cũng không phải là quá đáng, khi hàng năm tổ chức nhà báo thế giới đều đặn công bố những con số thống kê về các nhà báo bị giết chết, bị bắt cóc, bị hành hung, bị đe dọa bằng đủ mọi cách trong khi họ đang tác nghiệp, đang khai thác thông tin từ các cuộc chiến hay từ những tập đoàn tội ác…Họ không có bất cứ một thứ vũ khí nào để tự vệ ngoài ngòi bút và niềm khát khao tìm kiếm sự thật. Thế nhưng, họ luôn luôn có một chỗ dựa thật vững chắc để hết thế hệ này lại tới thế hệ khác dũng cảm dấn thân trên con đường phụng sự lẽ phải. Chỗ dựa đó chính là nhân dân. Nhân dân luôn nhận ra đâu là người chép sử của mình và luôn là người biết nâng niu, trân trọng, bảo tồn những bằng chứng lịch sử một cách đáng tin cậy nhất.

Thursday, May 24, 2007

CĂN BỆNH “VÔ PHƯƠNG CỨU CHỮA” CỦA NGÀNH Y TẾ!

Những tai biến dồn dập sau khi tiêm vacxin viêm gan siêu vi B cho trẻ trong mấy tuần qua đã làm cho các bậc cha mẹ thực sự hoang mang. Những ai đã từng làm cha làm mẹ mới cảm nhận được giây phút ngọt ngào khi bé cất tiếng khóc chào đời và mới có thể thấu hiểu được nỗi đau đớn tột cùng khi phải tận mắt chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của “thiên thần” bé nhỏ một cách đột ngột vì những lý do không đáng có và tệ hại hơn do sự tắc trách của ngành y tế.
Mặc dù hai trong bốn ca tử vong mới đây đã nhanh chóng được kết luận khỏi nguyên nhân do vacxin: bé gái tử vong ở Sơn La là do viêm phổi; bé tử vong ở TP.Hồ Chí Minh là do nhồi máu cơ tim cấp, do thuyên tắc động mạch vành trái. Tuy nhiên, ngành y tế từ lâu đã có quy định 15 điểm để đảm bảo an tòan tiêm chủng, trong đó điểm số 1 là phải khám phân loại trước khi tiêm và phải hoãn tiêm cho những trẻ đang bị sốt, nhiễm trùng cấp tính, có những dấu hiệu bất thường…Trẻ bị bệnh, có những dấu hiệu bệnh lý trước đó mà vẫn tiêm chủng dẫn đến tử vong, trách nhiệm của nhân viên y tế ở đâu?
Sau những tai biến thương tâm của các cháu, Bộ Y tế ngay lập tức “đá quả bóng” cho các nhà cung cấp vacxin: “Vacxin của hãng LG vào VN là do UNICEF và GAVI mua của LG rồi viện trợ cho VN”. Trong khi đại diện của UNICEF thì cho rằng: “Phía VN phải chịu hoàn tòan trách nhiệm trong việc kiểm sóat chất lượng và cho phép vacxin nhập vào VN”. Trước áp lực của dư luận, mới đây Bộ Y tế phải yêu cầu WHO tiến hành thanh tra về “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP) của LG tại Hàn Quốc. Bởi vì, “năng lực” kiểm định vacxin của VN tới thời điểm này chỉ là lấy mẫu xác suất từng lô đem tiêm cho chuột. Nếu thấy chuột vẫn bình thường, khỏe mạnh sau khi tiêm là vacxin đạt độ an toàn!
Chưa kể, sự can thiệp của ngành y tế khi có tai biến chậm chạp tới mức khó hiểu. Sau cái chết của hai trẻ ở Hà Tĩnh ngày 23-4-2007 và tiếp theo mấy ca nghi ngờ do vacxin nữa, mãi đến ngày 9-5-2007 Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh mới có công văn gởi tới các cơ sở y tế trực thuộc yêu cầu tạm ngừng vacxin viêm gan siêu vi B do LG sản xuất. Thế nhưng, tới ngày 16-5-2007, Khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược cách Sở Y tế có vài cây số mới nhận được công văn này. Ở các tuyến xa hơn, có lẽ thông tin “hỏa tốc” còn tới muộn hơn nhiều!
Sự tắc trách của ngành y tế đôi khi khiến người dân phải tự hỏi các chương trình, các họat động tác nghiệp của ngành có thực sự hướng tới lợi ích vì cộng đồng hay không? Không chỉ ví dụ về những trường hợp tai biến vacxin nói trên, chuyện giá thuốc leo thang liên tục hàng năm khiến ngành y tế “bó tay” còn nhân dân “trắng tay” mỗi khi bị đau bệnh đã là vấn đề nghiêm trọng. Từ đầu năm 2007 tới nay ít nhất đã có ba lần giá thuốc leo thang ngang nhiên bất chấp những “điệp khúc” rất quyết liệt về sự tăng cường quản lý giá thuốc của Bộ Y tế. Khi căn bệnh “viêm màng túi” của bệnh nhân ngày càng nặng, người ta buộc phải tự hỏi sự “bất lực” trong quản lý giá thuốc phải chăng là căn bệnh “vô phương cứu chữa” của ngành Y tế Việt Nam? Đã gần hai năm sau khi Luật Dược được ban hành các ngành chức năng vẫn chưa cho ra được các thông tư mới để hướng dẫn thi hành việc quản lý giá thuốc. Do “bất lực” hay do những động cơ, lợi ích cục bộ, cá nhân nào đó?
Chưa kể, ngành y tế nước nhà còn “phó mặc cho dân chúng” tự xử các vấn đề của cộng đồng khi làm ngơ trước các hiện tượng kiểu như “thần dược cứu nhân vật”. Không thể thống kê hết có bao nhiêu nạn nhân “tiền mất tật mang” và mất cả tính mạng vì những lọai “thần dược” như vậy đang mặc sức tung hoành mà chẳng thấy ngành y tế có động tĩnh gì đáng kể. Việc vacxin nhập vào VN qua UNICEP đạt chuẩn GMP hay không Bộ Y tế còn chưa biết dẫn tới những tai biến thương tâm, các lọai “thần dược” mặc sức lan tràn khắp hang cùn ngõ hẹp, từ thành thị tới nông thôn không rõ thành phần, tác hại và được bán như kẹo bánh trong tiệm tạp hóa càng chứng tỏ sự tắc trách dẫn tới “bất lực” của ngành này.
Quản lý tắc trách như vậy, người bệnh càng nghèo thêm, nhiều gia đình phải gánh nặng nỗi đau vì những cái chết oan uống của người thân, xã hội bị thiệt hại vì những mất mát phi lý. Chỉ có lợi và thuận tiện cho một số người thiếu trách nhiệm và vô cảm trước số phận của đồng bào mình mà thôi!
25-5-2007

KHÔNG DỤNG ĐƯỢC NGƯỜI TÀI CHÍNH PHỦ CÓ KHUYẾT ĐIỂM!

Hôm qua (20/5/2007) cả nước đã đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. “Ngày hội của tòan dân” cùng nhau lựa chọn những người xứng đáng làm đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước lại trùng hợp với thời điểm phát động phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sự trùng hợp nhắc ta nhớ lại tư tưởng của Người về việc tìm kiếm người tài đức ra giúp nước cách nay hơn 60 năm.
Với đầu đề “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước nhà cần kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Ngày nay nước ta có trên 85 triệu người, người tài đức chắc càng không thể thiếu. Vậy mà, đi đâu cũng nghe than phiền thiếu thốn nguồn nhân lực, thiếu những người biết làm việc mỗi khi phải đổ trách nhiệm cho một sự thất bại nào đó. Chẳng hạn như việc ngành tòa án phải “vơ vét” tới anh lái xe, chị đánh máy trong ngành để đào tạo thành thẩm phán khiến cho không ít phiên tòa kém chất lượng thậm chí vi phạm luật dẫn tới oan sai vẫn còn tiếp tục diễn ra cho tới tận hôm nay. Trong khi mỗi năm có hàng ngàn sinh viên luật ra trường được đào tạo bài bản nhưng hầu như có rất ít cơ hội để “người ngọai đạo” tham gia vào ngành “cầm cân nảy mực” công lý này.
Cách tìm kiếm, lựa chọn cán bộ như vậy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc từ hơn nửa thế kỷ trước và cho rằng đây là những chứng bệnh: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho là họ chắc chắn hơn là người ngòai. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết quả là những người kia làm bậy mình cũng bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”.
Để có thể huy động được người tài đức tham gia việc nước trong những hòan cảnh éo le nhất của lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh dùng người của mình để thực hiện vai trò đại đoàn kết dân tộc vì độc lập tự do của đất nước. Người tuyên bố tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I ngày 31/10/1946: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ tòan dân đòan kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam. Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”.
Tinh thần dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc tìm kiếm, tập hợp và sử dụng nhân tài cộng với lời cam kết Chính phủ liêm khiết đã biến thành những chủ trương đúng đắn, những động thái thích hợp thu phục được lòng dân giữa lúc tình hình nước đất nước đang rối ren trước nhiều âm mưu chia cắt của ngọai bang. Thực tế lịch sử cho thấy, Chính phủ không đảng phái, liêm khiết, biết làm việc, gan góc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu năm 1946 đã đặt nền móng cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này. Âm vang về những tư tưởng và hành động phù hợp lòng dân của những ngày tháng hào hùng đó còn vọng mãi tới hôm nay.
Chưa bao giờ nước ta lại có một cơ hội lớn để có thể vươn vai bước vào cuộc đua tòan cầu một cách thuận lợi như hiện nay. Nếu tình trạng “nhân tài” vẫn tiếp tục “như lá mùa thu” do di chứng dùng người từ những “căn bệnh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán nghiêm khắc từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn thì không chỉ ngành tòa án mà là cả đất nước ta sẽ khó thể có hy vọng đuổi kịp các nước trong khu vực chứ đừng nói chuyện “sánh vai các cường quốc năm châu”!
21-5-2007

Friday, May 18, 2007

CHỈ CÓ LỢI CHO NGƯỜI GIÀU!

Vào WTO, tham gia cuộc chơi thị trường toàn cầu, không đồng nghĩa với việc cổ phần hóa, tư nhân hóa vô nguyên tắc. Nhất là đối với nguồn tài sản của Nhà nước đang giao cho các doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động vì lợi ích công cộng. Các chủ trương cổ phần hóa, tư nhân hóa hay xã hội hóa đều nhắm tới mục tiêu huy động được những nguồn lực tốt nhất để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước mà cuối cùng người được hưởng lợi phải là đại đa số nhân dân. Trong đó có tầng lớp trung lưu chiếm đa số và một bộ phận không nhỏ là những người nghèo.
Mọi nhà nước trên thế giới lấy mục tiêu vì nhân dân phục vụ đều luôn coi trọng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đảm bảo phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt được chú ý là những tầng lớp có thu nhập thấp. Chủ trương xã hội hóa, cổ phần hóa bệnh viện công cũng cần được cân nhắc trên những mục tiêu này. Bởi vì, nếu phạm sai lầm trên những lĩnh vực mang tính cộng đồng cao như y tế và giáo dục chẳng hạn thì hậu quả khó lường và phải mất rất nhiều thời gian, công sức để khắc phục.
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay Nhà nước đã có chính sách và hành lang luật pháp rất thông thoáng cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hệ thống chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh. Các bệnh viện tư nhân hiện đại và quy mô đang xuất hiện ngày càng nhiều nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khoẻ cho những người có điều kiện. Hình thức bệnh viện tư là một trong những biện pháp quan trọng thúc đẩy mạnh xu thế xã hội hóa hệ thống bệnh viện của nước ta trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chủ trương cổ phần hóa một số bệnh viện công để làm thí điểm tiến tới cố phần hóa hàng trăm bệnh viện công khác trong cả nước là một vấn đề cần phải thận trọng.
Phần lớn quan chức của ngành y tế, đặc biệt là các vị lãnh đạo các bệnh viện công đang chờ cổ phần hóa đều hết sức ủng hộ chủ trương này. Quan điểm của họ là cổ phần hóa giúp cho bệnh viện có điều kiện huy động nguồn lực của xã hội, có cơ chế quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng điều trị, đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ của nhân dân tốt hơn. Vị giám đốc một trung tâm y tế nổi tiếng ở TP.Hồ Chí Minh còn lấy bài học Singapore ra để làm chuẩn mực cho chủ trương cổ phần hóa bệnh viện công ở Việt Nam. Vị giám đốc này đặt vấn đề: "Vì sao nhiều người chịu bỏ tiền để vào Singapore chữa bệnh? Bởi các bệnh viện ở đó thỏa mãn được nhu cầu điều trị bằng kỹ thuật cao, chất lượng cao của bệnh nhân. Họ có hệ thống y tế tư nhân cổ phần và những tập đoàn tài chính liên kết với nhau để thực hiện điều đó".
"Đó là cách nhìn nhận vấn đề của người giàu!", rất nhiều ý kiến được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã nhận xét như vậy. Nhiều người nước ngoài và người Việt sinh sống ở nước ngoài về thăm nhà trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có dịp tới một số bệnh viện tư nhân ở TP.Hồ Chí Minh đã rất ngạc nhiên vì ở Việt Nam hiện đã có những cơ sở khám chữa bệnh hiện đại không thua gì ỡ Mỹ, ở châu Âu. Nhưng trên thực tế, những nơi đó chỉ dành cho người giàu. Cũng như các bệnh viện ở Singapore chỉ thích hợp cho một số người có đủ khả năng. Vậy thì một khi các bệnh viện công đều được cổ phần hóa chất lượng sẽ cao như Singapore và đương nhiên giá cả cũng tăng tương ứng thì giới trung lưu và người nghèo sẽ chữa bệnh ở đâu?
Chưa kể, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã xuất hiện không ít những "lổ hỗng" làm thất thoát tài sản của nhân dân. Các bệnh viện công dự kiến cổ phần hóa sẽ được thẩm định giá theo những nguyên tắc, tiêu chí và cách thức nào để đảm bảo được sự minh bạch? Vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết đã định giá bệnh viện Bình Dân là 90 tỷ đồng đã khiến cho nhiều người quan ngại về việc tài sản của Nhà nước lại tiếp tục thất thoát trong khi "thí điểm" cổ phần hóa một số bệnh viện công hàng đầu ở địa phương này.
Cổ phần hóa đòi hỏi phải công khai, minh bạch và phải được sự giám sát chặc chẽ của các cơ quan chức năng, các tổ chức đại diện cho dân. Nếu Nhà nước chưa luật hóa được những nguyên tắc, những tiêu chí tài chính, kỹ thuật, tổ chức, quản lý mà vội vàng cho cổ phần hóa các bệnh viện công thì sẽ dễ dẫn tới những hệ lụy ảnh hưởng rất nặng lên giới trung lưu và những người nghèo một khi chi phí chữa bệnh trở thành gánh nặng của ngân sách gia đình.
23-4-2007

Thursday, May 17, 2007

TĂNG TRƯỞNG CHO AI?

Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây không chỉ được người dân trong nước ghi nhận mà còn làm cho cộng đồng thế giới thán phục. Tờ New York Times mới đây đánh giá cao việc Việt Nam kiên trì theo đuổi chính sách đổi mới kể từ những năm 1990 và cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc giảm số người nghèo đói, có mức sống dưới 1USD/ngày từ 51% năm 1990 xuống còn 8% vào năm ngoái.
Các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam trước Quốc hội gần đây cũng luôn nhấn mạnh các thành quả đạt được. Đặc biệt trong năm 2006, một năm đầy khó khăn, song theo dự báo của Chính phủ, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Thế nhưng những thông tin tốt đẹp đó không hoàn toàn làm yên lòng các vị đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ, các báo cáo của Chính phủ vẫn chưa làm rõ được những nguyên nhân dẫn tới các mặt yếu kém, bất cập nảy sinh trong quá trình phát triển cũng như các giải pháp để có thể loại trừ nó.
Bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng của sự tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng: "Chúng ta có quyền tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế, nhưng đừng lạc quan quá, rồi tưởng đâu chúng ta đang giàu có lắm, rồi chi tiêu, rồi này khác hết sức lãng phí. Chúng ta còn đang rất nghèo, điểm xuất phát của chúng ta thấp, tăng trưởng của chúng ta 8% chứ trên 10% cũng chỉ có ý nghĩa với chính chúng ta thôi, so với các nền kinh tế thế giới thì chưa là cái gì".
Quan tâm tới chất lượng của sự tăng trưởng là thái độ tích cực của Quốc hội. Điều đó thể hiện trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri và vận mệnh của đất nước. Bởi vì, một trong những yếu tố làm nên chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng kinh tế lại là các lợi ích thiết thực mà đại đa số người dân được hưởng từ những thành quả đó. Do vậy, trong báo cáo của Chính phủ cần phải có thêm tiêu chí để đo lường được mức độ hài lòng của nhân dân trước mỗi thành quả của sự phát triển. Đánh giá được lòng dân mới là điều hệ trọng mà mỗi chính phủ vì dân đều phải quan tâm trong việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững và tránh được các nguy cơ tụt hậu.
Nếu chỉ xem xét các con số ngày một tăng thêm về số lượng các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, các dự án và lợi nhuận của các doanh nghiệp thì chúng ta cũng chỉ mới thấy một mặt của sự tăng trưởng. Một mặt khác, có thể diễn tả hoặc không thể diễn tả bằng con số lại là số phận của bao nhiêu người bị mất đất không được đền bù thỏa đáng, thậm chí có không ít người dân không còn nơi nương tựa, trở thành kẻ vô gia cư do chính sách đền bù giải tỏa của chúng ta có vấn đề. Cũng không loại trừ do một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất xử lý các tình huống không đúng chính sách, tạo ra hàng loạt những người dân mất đất một cách oan ức dẫn tới khiếu kiện liên miên, kéo dài. Tình trạng quy hoạch treo vô thời hạn đã khiến cho một khối lượng khổng lồ đất đai bị vô hiệu hóa, nhiều vùng dân cư bị "đóng băng", nhiều vùng đất nông nghiệp trở nên hoang hóa không chỉ làm thiệt hại cho người dân địa phương mà còn tạo ra nguy cơ kéo lùi sự phát triển.
Tệ nạn nhũng nhiễu, sự trì trệ của hệ thống hành chính công dẫn tới nền "văn minh phong bì" vốn đã bị lên án từ lâu và Chính phủ cũng đã hết sức nỗ lực cải cách nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn. Báo cáo của Chính phủ thì cho rằng cải cách hành chính 5 năm qua (2001-2005) đã có bước chuyển biến, nhưng các đại biểu Quốc hội nói thẳng thừng rằng đánh giá này là quá cao so với kết quả đạt được và chưa thật sát với thực tiễn. Trên thực tế người dân vẫn chưa hết kêu ca vì luôn bị làm phiền do bộ máy hành chính kém cỏi và chưa thực sự vì dân mang lại.
Thế nhưng đã có một số cuộc "thăm dò ý dân" về mức độ hài lòng của người dân đối với bộ máy hành chính công của một vài thành phố lớn. Kết quả thật bất ngờ, ngay đến những người trong cuộc cũng không thể tin được đó là sự thật. Các con số thống kê cho thấy từ 90 đến 99% người dân được hỏi cho rằng đã hài lòng với chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính công. Việc công bố các thông tin như vậy chỉ làm cho người dân thêm ngao ngán về thái độ và phương pháp làm việc của các cơ quan công quyền.
Tăng trưởng và phát triển là mục tiêu mà nền kinh tế Việt Nam phải hướng tới nhưng để cho sự phát triển trở nên bền vững và có ý nghĩa thực sự, các con số tăng trưởng phải thể hiện được tính hiệu quả của nó đối với cộng đồng. Có nghĩa là cần phải hướng tới và đo lường được lợi ích thực sự mà người dân được hưởng từ các thành quả của Chính phủ. Một khi từng thành quả của Chính phủ đều mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân thì những con số tăng trưởng đó mới nhận được sự đồng thuận của cộng đồng.
27-10-2006

ĐỂ HẾT CHẠNH LÒNG!

Nhiều người chạnh lòng khi nghe ông Lý Quang Diệu đánh giá: "Nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau bất cứ nước nào trong khu vực". Chạnh lòng vì thấy với nhận định trên chúng ta đã bị trách móc khi không đưa được đất nước lên đúng tầm mà lẽ ra phải có.
Cũng ông Lý, trong lần trò chuyện với một nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam khi được khen "ông là một người tài" đã khiêm tốn trả lời: "Tôi chẳng có tài gì. Có chăng là ở chỗ biết sử dụng người tài. Do biết sử dụng người tài nên đất nước Singapore tuy nhỏ bé nhưng vị thế thì lại không nhỏ trên thế giới".
Thuốc tuy đắng, nhưng có thể "đả tật". Sự thật trần trụi có thể làm mất lòng, nhưng nếu cố chấp không nhìn thấy sự thật sẽ chẳng bao giờ biết sai để sửa. Một thực tế đáng buồn đã tồn tại nhiều năm qua trong công tác tổ chức cán bộ của hầu hết các thiết chế trong hệ thống chính trị nước ta là còn rất lúng túng trong việc phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài.
Chỉ nói riêng các cơ quan dân cử, về nguyên tắc là nơi mà người dân có quyền lựa chọn những công dân ưu tú nhất để đại diện cho chính mình trong các cơ quan quyền lực của đất nước. Thế nhưng không phải công dân ưu tú nào cũng có thể tự ứng cử hoặc có thể được dân phát hiện giới thiệu ứng cử vào các tổ chức đại diện cho quyền lực của mình một cách dễ dàng. Hiến pháp và Luật pháp hiện hành ghi nhận rất rõ về quyền tự do ứng cử và bầu cử của công dân. Nhưng trên thực tế vẫn còn không ít các vị đại diện cho dân "bị đặt nhầm chỗ" do sự sắp xếp, cơ cấu nên không thể phát huy được tác dụng và hiệu quả như mong muốn của dân. Các chuyên gia về cải cách hành chính cho rằng, HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương, là cơ quan giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương. Vậy mà đại biểu HĐND cũng nằm trong bộ máy UBND thì giám sát cái nỗi gì? Chẳng lẽ đi giám sát chính mình? Như thế chẳng khác nào diễn viên tuồng đóng một lúc hai vai.
Tỷ lệ công dân tự ứng cử hoặc được dân trực tiếp giới thiệu vào các cơ quan quyền lực trong nhiều năm qua là rất thấp, hầu như không đáng kể. Việc công dân tự ứng cử vào các cơ quan quyền lực trong nhiều năm qua chưa trở thành một thói quen, một sinh hoạt bình thường trong đời sống chính trị - xã hội. Đôi khi, ở một vài địa phương "tự ứng cử" còn được coi là một "hiện tượng lạ".
Ông Đặng Văn Khoa, vị đại biểu trúng cử duy nhất trong số 6 người tự ứng cử HĐND TP.Hồ Chí Minh đương nhiệm cho rằng: "Trong một xã hội văn minh, dân chủ, con người muốn đóng góp cho xã hội thì đương nhiên là tự ứng cử. Tất cả mọi người đều phải có cơ hội tự ứng cử, hãy gạt bỏ những suy nghĩ cũ, ức chế và không để rơi vào tình trạng "bị đề cử". Ông Khoa nhấn mạnh: "Tư thế tự ứng cử sẽ khiến cho người ta tự ý thức được rất rõ trách nhiệm cá nhân và tinh thần làm việc nghiêm túc để hoàn thành trách nhiệm đó. Đại biểu của dân mà không có tâm huyết, không có nghĩa khí thì không thể hoàn thành trách nhiệm dân giao phó".
Nước Việt không thiếu nhân tài, để có những người đại diện cho dân thật sự có tâm huyết, tài năng và nghĩa khí không phải là chuyện không thể làm được. Thế nhưng nhân tài nước Việt hình như chưa có điều kiện để cống hiến hết sức mình cho đất nước chỉ vì những quan niệm hẹp hòi, bảo thủ làm xơ cứng các chính sách phát hiện, đào tạo, tuyển dụng nhân sự, khiến cho hoạt động này dẫu đã bước sang thế kỷ 21 vẫn còn mang đậm hơi hướng "cơ cấu" và "xin - cho" theo kiểu "người làng".
Cơ hội và số lượng người tự ứng cử vào các cơ quan dân cử, bộ máy công quyền hay bất kỳ một vị trí nào khác trong guồng máy xã hội phụng sự đất nước chính là thước đo trình độ phát triển dân trí của một quốc gia. Bởi vì, "tự ứng cử" và được dân tín nhiệm bao giờ cũng văn minh, tiến bộ và hiệu quả hơn "bị đề cử" để phải cùng lúc đóng hai vai trong một vở tuồng.
26-01-2007





NGHỀ "CÔNG BỘC" CỐT ĐỂ AN DÂN!

Một lão nông sống ở xã Bình Phú, tỉnh Bến Tre mới đây phản ánh với báo Đại Đoàn Kết rằng ông quan địa chính của xã này chẳng những từ chối nhận đơn khiếu kiện của dân mà còn ép buộc dân phải rút hết những đơn kiện trước đây mà xã đã...lỡ nhận với những lời lẽ hết sức thô lổ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.
Tức mình, ông nông dân này mang đơn lên cấp trên kiện. Sau đó, đơn lại chuyển về đúng tay ông quan địa chính của xã để ... tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Với một sự nhẫn nại hiếm có, ông nông dân vẫn tiếp tục vác đơn đi gõ nhiều cửa khác ở bên trên. Cuối cùng, các đơn vẫn về nằm trên bàn quan địa chính xã.
Nội dung khiếu kiện của ông nông dân xoay xung quanh việc UBND xã tự ý bán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp cho một cá nhân không phải là tập đoàn viên và cũng không hề hỏi ý kiến của các thành viên trong tập đoàn. UBND xã sau khi nhận đơn của ông nông dân có văn bản phúc đáp, nhưng càng phúc đáp càng làm cho dân thêm thắc mắc. Bởi lẽ, bản phúc đáp viện dẫn các chứng từ nhằm làm căn cứ cho việc bán đất của xã là hợp pháp, nhưng khi dân hỏi tới các chứng từ đó thì các quan lại đổ cho...những vị tiền nhiệm. Còn các vị đương nhiệm thì tỏ ra không có trách nhiệm phải cung cấp các thông tin này cho dân. Việc giải quyết khiếu kiện của dân ở cấp cơ sở vì vậy không mang lại kết quả, dân không hài lòng, kiện tiếp. Các vị quan xã bị dân kiện tụng vượt cấp, bị áp lực từ trên dội xuống nên càng lúc càng...nổi nóng với dân và đã lựa chọn cách hành xử hết sức thô thiển là xúc phạm dân và ép buộc dân phải rút đơn kiện một cách phi pháp.
Trong đời sống dân cư luôn xảy ra nhiều vụ tranh chấp, trong đó có liên quan tới cách hành xử bất cập của chính quyền địa phương mà cụ thể là của một vài quan chức cơ sở. Đó là những việc rất bình thường, không lớn, không nghiêm trọng nhưng các quan chức địa phương vì lý do gì đó lại giải quyết không thấu tình đạt lý, thái độ cư xử với dân lại thiếu minh bạch khiến cho dân có những suy nghĩ không hay về chính quyền và về sự trong sáng của những người có chức trách ở địa phương. Việc giám sát công tác giải quyết khiếu kiện ở cơ sở hiện nay vẫn chưa được tổ chức chặt chẽ, quy cũ, công khai, minh bạch nên quyền hạn giải quyết vấn đề đôi khi lại rơi vào tay một vài cá nhân có chức quyền. Chưa kể, tình trạng nhận đơn rồi chuyển đơn trở về nơi xuất phát của các cơ quan chức năng hiện nay càng khiến cho việc giải quyết lại chỉ tập trung vào chính nơi phát sinh vấn đề và vào chính những người thiếu trách nhiệm để xảy ra khiếu kiện. Tình trạng luẫn quẫn này càng khiến cho kết quả giải quyết thường rất hạn chế thậm chí còn bị lệch lạc càng làm cho đơn từ khiếu kiện ngày một tăng thêm, quá trình khiếu kiện kéo dài dẫn tới những sự căng thẳng không cần thiết.
Trở lại thái độ của ông quan địa chính xã Bình Phú, tỉnh Bến Tre và bản phúc đáp thiếu minh bạch của UBND xã này trong việc giải quyết khiếu nại của dân, chúng ta càng thấy rõ căn bệnh trầm kha của nền hành chính công ở cấp cơ sở là bệnh thiếu minh bạch và thiếu tôn trọng dân. Hai căn bệnh này càng dễ dàng làm cho dân có suy nghĩ lệch lạc về hệ thống công quyền. Trên thực tế, cần nhìn nhận rằng có những vấn đề không đơn giản và tồn tại qua nhiều thời kỳ, nhiều đời lãnh đạo. Song không thể vì vậy mà những quan chức đương nhiệm có thể dễ dàng "đá quả bóng" trách nhiệm sang cho người khác còn bản thân mình thì lại hùng hổ với dân.
Người dân có quyền đòi hỏi chính quyền giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Nếu ở cấp cơ sở, nơi gần dân nhất, hiểu rõ hoàn cảnh vụ việc của dân nhất, mà không làm cho dân tin cậy, không giải quyết được thắc mắc của dân trong thẩm quyền của mình, để dân đi kiện vượt cấp thì rõ ràng chính quyền cơ sở đã tỏ ra rất thiếu trách nhiệm và xa rời dân.
"Công bộc" của dân mà không biết cách lắng nghe dân, từng bước giải quyết các vấn đề của dân một cách công khai, minh bạch khiến cho dân tin vào chính quyền và "an cư lạc nghiệp" thì còn ai làm được việc này nữa?
24-11-2006

MINH BẠCH KHÔNG SỢ CÔNG KHAI

Hôm qua, 11/1/2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng sức ép cạnh tranh lên toàn bộ nền kinh tế và cả trong việc vận hành của bộ máy nhà nước. WTO không chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp, nó còn là cuộc chạy đua của các nhà nước trong việc hoạch định kế hoạch phát triển và lựa chọn giải pháp để đảm bảo tốc độ về đích của mỗi quốc gia trong khuôn khổ một luật chơi chung. Tuy nhiên, những thách thức khi gia nhập WTO sẽ được bù đắp bởi quyền lợi của trên 80 triệu dân Việt Nam cũng sẽ được gia tăng. Trước hết, đó là cơ hội tốt cho mọi người dân với tư cách là người tiêu dùng. Họ sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn, đón nhận các sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn. Thị trường sẽ trở nên minh bạch hơn bởi các thông tin luôn được công khai, luôn được cập nhật nhằm cung cấp những cơ hội tốt nhất, nhanh nhất giúp cho mọi người tiêu dùng có thể đưa ra sự lựa chọn thích hợp nhất với mình.
Việc vận hành của hệ thống thị trường luôn hướng tới người tiêu dùng, cũng tương tự như hiệu quả vận hành của bộ máy công quyền luôn phải hướng tới việc lấy "sự hài lòng của dân" làm mục tiêu tối thượng. Nhưng làm sao dân có thể hài lòng được một khi thông tin về bộ máy công quyền thường xuyên không được công khai, không được cập nhật, dẫn tới hệ quả thiếu minh bạch trong việc vận hành hệ thống này.
Trước hết là những thông tin về tài sản cá nhân của các quan chức cao cấp của bộ máy công quyền, những người được nhân dân giao trọng trách và quyền hạn to lớn. Đã có không ít hội nghị, đã tốn rất nhiều giấy mực để chính phủ bày tỏ quyết tâm công khai hóa bằng việc kê khai tài sản cán bộ công chức giữ các vị trí chủ chốt trước khi nhận nhiệm vụ, nhưng việc thực hiện nghe ra hãy còn nhiêu khê lắm. Chưa hề có một thông tin công khai nào về vấn đề này để nhân dân tham khảo. Để nhân dân có thể thực thi quyền giám sát của mình đối với sự "phát triển" tài sản của các cá nhân "có chức có quyền".
Trong các chính sách nhà nước có liên quan tới số đông dân chúng, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp "hành dân" kéo dài bởi những thông tin được "bí mật" không cần thiết. Dễ thấy nhất là những thông tin về quy hoạch, giải tỏa, đền bù... Những thông tin loại này vốn gắn liền với đời sống sinh hoạt và quyền lợi của một khu vực dân cư rộng lớn, thế nhưng rất nhiều năm qua vẫn luôn được các cơ quan chức năng công bố...nhỏ giọt. Hoặc chỉ công bố khi rất nhiều quan chức tham gia quy hoạch đã "thôn tính" xong những phần đất tốt nhất cho mình, cho người thân và cho các "sếp" có liên quan tới "cái ghế" của mình. Gần đây, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các cấp phải công khai các khoản chi tiêu bằng ngân sách nhà nước cũng chính là một cách minh bạch hóa hoạt động của bộ máy công quyền bắt đầu từ những người lãnh đạo. Người dân cần biết, ngân sách nhà nước, cũng có nghĩa là tiền thuế của dân, có được chi tiêu đúng nơi, đúng lúc phục vụ cho lợi ích của toàn dân và những mục tiêu phát triển đất nước hay không?
Để minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy nhà nước không còn con đường nào khác là phải công khai hoá các thông tin về hệ thống này cũng như những thông tin về từng thành viên của nó. Mọi người dân có quyền được tham khảo các thông tin đó để có thể thực thi đầy đủ nhất quyền giám sát của mình đối với bộ máy công quyền. Trên cơ sở thực thi đầy đủ nhất quyền giám sát của nhân dân, việc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước từ phía người dân cũng như từ phía những tổ chức xã hội độc lập mới có thể trở thành hiện thực. Bởi vì, nếu bộ máy công quyền vẫn còn quá nhiều vùng tối, vùng cấm; người dân vẫn còn đứng bên lề của quy trình kiểm soát thông tin liên quan tới việc vận hành của bộ máy công quyền thì việc xây dựng một "nhà nước trong suốt" không có tiêu cực, không còn tham nhũng chỉ là chuyện "mua vui cũng được một vài trống canh".
12-01-2007

VIỆT NAM HẬU WTO

Lịch sử đã sang trang. Các nhà viết sử sẽ phải ghi vào trang mới dòng chữ "Việt Nam thời kỳ hậu WTO". Kể từ đây người Việt thực sự bắt đầu một cuộc chơi mới. Cuộc chơi mà họ đã dày công chuẩn bị trong suốt hai mươi năm qua. Thành quả xứng đáng của sự nổ lực không ngừng là đã đưa vị thế nước Việt Nam trở nên bình đẳng với các nền kinh tế hùng mạnh nhất hành tinh. Có thể ngay bây giờ Việt Nam chưa mạnh, nhưng Việt Nam đã thực sự đặt chân vào một sân chơi bình đẳng được tôn trọng bởi các cam kết toàn cầu.
Ra biển lớn, có nhiều cơ hội để đi xa hơn, nhưng dĩ nhiên cũng không thể tránh khỏi gió to và bão dữ. Cạnh tranh và cạnh tranh quyết liệt là điều tất yếu phải đến không chỉ với mọi doanh nghiệp mà còn là thực tế với mọi người, mọi thành phần dân cư trong xã hội Việt Nam thời kỳ hậu WTO. Trên bình diện quốc tế, đó còn là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà nước với nhau.
Tuy nhiên, điều đáng lo không phải là sự cọ sát trên thương trường vì đó là chuyện đương nhiên, mà là sự tự vượt lên chính mình để tồn tại và phát triển. Nhằm mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh cho mỗi thành viên trong xã hội, Chính phủ cần có quyết tâm xây dựng một nền kinh tế thị trường với chi phí thấp, một nền hành chính hỗ trợ dân và vì dân mà phục vụ. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần của WTO, phải chấp nhận các chuẩn mực mang tính quốc tế trong lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như trong đời sống hàng ngày của người dân. Các hoạt động của chính phủ cần phải được thiết kế theo xu hướng công khai, minh bạch và ngày càng thu hút sự tham gia phản biện, giám sát của công chúng. Việc làm này có thể sẽ "đụng chạm" đến một số nhỏ những cá nhân có quyền lực hay một số doanh nghiệp "thân hữu" quen thói hưởng thụ đặc quyền đặc lợi, luồn lách để kiếm lợi nhuận mà không đóng góp được gì cho sự tiến bộ của xã hội. Nhưng nếu Chính phủ không mạnh tay cắt bỏ thì đây rõ ràng sẽ là gánh nặng đáng kể cho những thành viên lành mạnh khác và điều đó tất yếu dẫn đến sự suy giảm khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Vượt lên chính mình còn đòi hỏi chúng ta phải có một nguồn nhân lực dồi dào và đủ khả năng làm việc trong các tổ chức xuyên quốc gia. Điều đó đặt gánh nặng trên vai ngành giáo dục Việt Nam, vốn đang loay hoay tìm cách khắc phục các tiêu cực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng chính là cơ hội và cũng là thử thách cho giáo dục Việt Nam thời kỳ hậu WTO. Chính sách cho giáo dục cần phải mở cửa và tự chủ hơn bao giờ hết giúp cho giới trẻ Việt Nam có khả năng lựa chọn các cơ hội đang ngày một nhiều hơn hầu có điều kiện vươn xa hơn trong học tập và sáng tạo, cũng như có thể vượt qua các rào cản của thành kiến và quan niệm lỗi thời một cách dễ dàng hơn. Không thể phủ nhận một thực tế trên thương trường thế giới ngày nay sản phẩm càng có nhiều hàm lượng chất xám càng có giá trị cao. Muốn có sản phẩm có giá trị cao, đồng nghĩa với tính cạnh tranh cao không có con đường nào khác hơn là phải đầu tư thích đáng cho một nền kinh tế tri thức. Ngày nay, tất cả chúng ta đều biết một quốc gia muốn trở nên hùng mạnh phải lấy sự học làm căn bản. Bởi vì nguồn lực đáng giá nhất và mãi mãi không vơi cạn đó là nguồn lực con người. Vấn đề của chúng ta là vào WTO phải đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho mỗi con người, mỗi thành viên của cộng đồng đều có cơ hội bình đẳng và công khai phát triển hoàn hảo nhất những khả năng trí tuệ và phẩm chất con người của mình
Một chính sách không bỏ rơi con người, đặc biệt là những người nghèo sẽ giúp Việt Nam tham gia vào WTO một cách tự tin và sẽ tiến những bước vững chắc vươn tới sự thịnh vượng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "sánh vai các cường quốc năm châu" trong một ngày gần đây.
10-11-2006


THAM NHŨNG LÒNG TIN

Trên các diễn đàn công khai có lẽ chưa bao giờ tham nhũng lại bị lên án và bị tấn công mạnh mẽ như bây giờ. Hầu hết các quan chức nhà nước đều bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng tới cùng và luôn khẳng định chống tham nhũng không có vùng cấm. Càng chống, mọi người càng mau chóng phát hiện tham nhũng hầu như có mặt ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách của xã hội, ngự trị trong từng "tế bào" của bộ máy công quyền. Khắp nơi đều kêu tham nhũng, nhưng lạ lùng thay không có nơi nào tự "sờ" thấy khối u tham nhũng của chính mình để tự mình dũng cảm cắt bỏ những "tế bào" đã bị biến thái đó ra khỏi phần cơ thể còn lành mạnh. Điều đó cho thấy, một khi cơ chế chống tham nhũng chỉ "cho phép" người ta tự chống mình thì hiệu quả và mục tiêu của cuộc chiến với tham nhũng chắc chắn cần phải được xem xét lại.
Chúng ta đã từng chứng kiến phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.Hải Phòng xét xử vụ án "quan ăn đất" ở Đồ Sơn khiến cho dư luận xã hội phẫn nộ như thế nào. Diễn biến và kết quả của phiên tòa phi lý đến mức nó được mệnh danh là "một thắng lợi của bọn tham nhũng"! Những cuộc điều tra quy mô về tham nhũng, lãng phí ở các ngành dầu khí, hàng không, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai... cho thấy có nhiều hành vi gây thất thoát làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản quốc gia. Song, hầu hết những người đứng đầu, những người được giao trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng tài sản, tài nguyên quốc gia đều được cơ quan chức năng đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhiều đại biểu Quốc Hội được sự ủng hộ của dư luận đã chất vấn và phản đối cách xử lý nội bộ này nhưng cũng không thể làm thay đổi đuợc lập trường rất kiên định của các cơ quan thi hành pháp luật.
Hiện tượng các quan chức nhận "phong bì" trong dư luận không phải là chuyện lạ. Nhưng để lộ như ông Nguyễn Văn Lâm - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mấy năm trước tưởng là chuyện hy hữu hoá ra lại là không phải. Nay tiếp tục "lộ" thêm ông Giám đốc kho bạc ở Hà Tây cũng lại chuyện nhận "phong bì". Căn bệnh "phong bì" quả thực đang ngự trị chễm chệ trên từng "tế bào" của bộ máy công quyền và có lẽ của toàn xã hội. Người viết bài này từng chứng kiến một bệnh nhân cấp cứu tại một bệnh viện nhà nước ở TP.HCM vào đầu tháng 10/2006 đã không được bất kỳ một bác sĩ hay y tá nào nhòm ngó tới khi mà người nhà chưa chịu đưa "phong bì" ra. Sau đó, thân nhân của cả phòng bệnh đều tự than thở với nhau rằng tất cả đều đã từng bị đối xử tương tự. Chuyện "phong bì" chắc chắn sẽ còn là chuyện rất dài vì có thể nói không quá đáng rằng với cơ chế "xin, cho" vẫn còn rất nặng nề trong bộ máy công quyền hiện nay "phong bì" luôn là chuyện tất yếu phải xảy ra.
Tham nhũng, theo tính toán của các cơ quan chức năng, hiện đang làm mất đến gần 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Nhưng đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Con số thực còn lớn hơn rất nhiều. Trên thực tế, chống tham nhũng hiện nay cũng chỉ mới "sờ sờ" tới phần nổi đó của tảng băng và cũng chỉ chủ yếu chống trên giấy tờ, trên diễn đàn. Một đại biểu Quốc Hội đã thẳng thắn chỉ ra rằng "Chống tham nhũng hiện nay nói nhiều hơn làm"! Báo cáo của Chính phủ về chống tham nhũng vẫn chưa làm rõ được bộ mặt thật của tham nhũng cũng như kết quả xử lý các vụ tham nhũng cụ thể như thế nào. Thông tin về tham nhũng chủ yếu là từ dân và báo chí, còn từ cơ quan chính quyền các cấp, các bộ ngành, từ những người đứng đầu các cơ quan công quyền thì rất ít. Một số quan chức nhận "phong bì" là tiền thật, nhưng khi làm thất thoát, mất mát tài sản của nhân dân, của nhà nước thì luôn miệng cho rằng mình bị "lừa"! Ngạc nhiên thay, khi xử lý những quan chức này, các cơ quan chức năng cũng "tin" rằng họ đã bị "lừa"!
Tham nhũng đã làm thất thoát một khối lượng rất lớn tài sản quốc gia mà lẽ ra mọi người dân đều đuợc hưởng lợi từ đó một cách công bằng và xứng đáng. Người dân mong mỏi nhiều ở quyết tâm và hành động không khoan dung với tham nhũng của Chính phủ. Song, nếu cuộc chiến chống tham nhũng vẫn không mang lại được lợi ích hay một tia hy vọng nào cho những người dân vốn đã phải gánh hậu quả từ tham nhũng thì cuộc chiến đó cũng chính là một kiểu tham nhũng - tham nhũng lòng tin.
03-11-2006

TỰ CHỦ ĐỂ TỰ TIN TRÊN BIỂN LỚN

Cùng với việc gia nhập WTO, hình ảnh ấn tượng của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC 2006 không chỉ kích thích sự quan tâm của cộng đồng thế giới mà còn đang trở thành tâm điểm của dư luận xã hội và giới truyền thông trong nước. Sự "bùng nổ" thông tin về WTO, về APEC tưởng chừng có thể làm lu mờ đi một sự kiện mà nhiều năm qua đã trở thành một ngày truyền thống trong văn hóa Việt Nam thể hiện tinh thần "tôn sư trọng đạo" - ngày Nhà Giáo Việt Nam.
Bên cạnh những lo toan về khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, về việc cần thiết phải xây dựng thương hiệu Việt cho "cuộc chiến" thương mại toàn cầu, ngày Nhà Giáo Việt Nam lặng lẽ tới nhắc nhỡ chúng ta không quên cái gốc của sự phát triển. Đó là nguồn lực con người, nhân tố then chốt của nền kinh tế tri thức.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong năm khuyến nghị của ông David Knapp - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phát biểu trong Diễn đàn Đầu tư APEC mới đây lại đề cập đến vấn đề giáo dục: "Việt Nam cần cải cách hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học". Cũng không phải ngẫu nhiên mà bên lề APEC lại có diễn đàn "Tiếng nói của tương lai" (Voice of the future) dành cho sinh viên khối APEC gặp gỡ giao lưu với nhau và có cơ hội tiếp cận, phỏng vấn các nhà lãnh đạo trong khối APEC về các vấn đề bức xúc nhất mà giới trẻ quan tâm.
Giới trẻ APEC ngày càng khẳng định mạnh mẽ vai trò người chủ tương lai của mình. Là một thành viên, giới trẻ Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, môi trường giáo dục và cơ chế xã hội Việt Nam cho tới nay vẫn chưa thực sự trở thành bệ phóng tốt nhất cho giới trẻ Việt Nam tự tin trở thành người chủ của tương lai.
Giáo dục, mà đặc biệt là giáo dục đại học, là để tạo nên những con người tự chủ, có năng lực làm chủ bản thân, làm chủ tri thức thực sự xứng đáng trở thành người chủ đàng hoàng của xã hội và đất nước. Do vậy, môi trường đại học phải là một cơ sở xã hội tự chủ điển hình nhất. Điều kiện tiên quyết để được sự tự chủ là phải có tự do tư tưởng. Trường đại học, trước hết phải là môi trường hoàn hảo để nơi đó những người chủ của tương lai tập làm quen với các đức tính quan trọng nhất của một con người nếu muốn được coi là trí thức: một người ý thức được rằng mình có quyền tự do tư tưởng và tuyệt đối tôn trọng quyền tự do đó của người khác.
Điều đáng mừng là trong đề án cải cách giáo dục của Bộ GD-ĐT trình Chính phủ gần đây đã nhấn mạnh tới chuyện trao quyền tự chủ rộng rãi cho các trường đại học. Một dự thảo đề án đổi mới phương pháp giao chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007 cũng được Bộ GD-ĐT chủ trương giao cho các cơ sở đào tạo được quyền chủ động thiết kế, quy định mẫu văn bằng, in ấn và quản lý cấp phát văn bằng theo định hướng giá trị văn bằng của trường nào thì được bảo đảm bằng uy tín, chất lượng của trường đó. Theo các nhà quản trị đại học, đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể sẽ bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2007. Ở một góc nhìn khác, sự tự chủ sẽ bắt đầu bằng việc xác lập và phát triển "thương hiệu" của mỗi trường đại học trên cơ sở nội lực của chính mình.
Cần phải hiểu "trao quyền tự chủ rộng rải cho các trường đại học" không chỉ dừng lại ở khâu tuyển sinh hay chỉ dừng ở chuyện xây dựng "thương hiệu". Tinh thần tự chủ cần phải được xem như là một thứ triết lý hành động trong môi trường đại học ở tất cả các khâu. Nó bao gồm tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về chương trình, tự chủ về phương pháp giảng dạy và học tập, tự chủ về tổ chức nhân sự, đội ngũ giáo sư, tự chủ về quản trị, tài chính...
Trên thế giới ngày nay ai cũng biết một nền kinh tế hùng mạnh là một nền kinh tế sở hữu những sản phẩm trí tuệ, những bí quyết công nghệ hàng đầu. Sản phẩm càng chứa nhiều hàm lượng chất xám càng có giá trị cao. Ở Hoa Kỳ hơn 60% tổng sản lượng hàng năm của nền kinh tế được sản sinh ra từ các phòng thí nghiệm thuộc các trường đại học và các viện nghiên cứu. Có chính sách tốt để đào tạo nhân tài là đúng nhưng vẫn chưa đủ. Cần phải có chính sách phát hiện và sử dụng người tài minh bạch và công khai. Đó là chuyện rất quan trọng mà Việt Nam trên thực chất vẫn chưa làm được cho đến nay. Có thể lấy ví dụ ngay tại các trường đại học của Việt Nam trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT hay chính xác hơn là Nhà nước Việt Nam chưa mạnh dạn trong việc thu hút và sử dụng những nhà trí thức hàng đầu, có uy tín học thuật để lãnh đạo đại học và các viện nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học ngoài Đảng, nhiều trí thức Việt Kiều có uy tín thường được các trường đại học hàng đầu thế giới thỉnh giảng vẫn chưa được mời vào những vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam. Do những quan niệm lạc hậu, lỗi thời và bảo thủ chúng ta đã bỏ qua một phần rất quan trọng của nguồn lực Việt hiện có để phục vụ cho việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Điều quan trọng khi trao sự tự chủ toàn diện cho các trường đại học là sẽ tạo ra một môi trường học thuật thuần khiết. Sự tự do và cởi mở mà môi trường đó mang lại chính là bệ phóng tuyệt vời cho những ý tưởng sáng tạo. Được rèn luyện và trưởng thành trong môi trường đó, giới trẻ Việt Nam mới có thể nhập cuộc một cách tốt nhất trên sân chơi APEC, WTO và những sân chơi tương tự khác với tầm vóc luôn "sánh vai các cường quốc năm châu" một cách tự tin hơn!
17-11-2006

TOÀN TÂM TOÀN Ý VỚI DÂN

Bên cạnh rất nhiều vị đại biểu Quốc hội được nhân dân yêu mến, tin cậy cũng vẫn còn không ít vị thực hiện vai trò đại diện cho dân của mình khá mờ nhạt. Có những đại biểu Quốc hội suốt cả nhiệm kỳ không hề phát biểu một lần hoặc rất ít khi tham gia thảo luận đóng góp ý kiến cho những vấn đề quốc kế dân sinh. Những đại biểu này luôn giữ vững lập trường “dĩ hòa vi quý” khiến cho tính chiến đấu trong tranh luận ở Quốc hội chưa cao như nhận xét của đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban đối ngọai của Quốc hội. Theo ông Trân, có tình trạng “cài răng lược” với nhau, người phát biểu ở đây thì chỗ khác hãm lại. Khiến đại biểu không dám phát biểu, bởi hễ phát biểu là sợ đụng chạm. Hễ đụng chạm thì lại có vấn đề va chạm quyền lợi. Vì vậy, ông Trân kiến nghị: “Cần phải lựa chọn những vị đại biểu Quốc hội không phải do cơ cấu thuần túy cho có mặt” để tránh tình trạng có những đại biểu bị đặt “ngồi nhầm chỗ” nên không thể phát huy được tác dụng của mình trong các sinh họat Quốc hội.
Một thực tế khác cũng khiến cho người dân cảm thấy không hài lòng khi biết có khá nhiều vị đại diện cho mình vì các “trọng trách” khác mà thường xuyên bỏ họp Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng, có một số vị đại biểu không tham dự đều đặn các kỳ họp. Ngay trong phiên thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XI của Quốc hội sáng 23/3/2007 cũng đã thiếu khỏang 80 người mặc dù đây là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XI và mới chỉ là những ngày đầu của kỳ họp. Ông Dũng cho biết thêm: “Nhiều đại biểu đã ghi tên tham gia các ủy ban nhưng cả khóa hầu như không đi họp. Tính gương mẫu của một số đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân”.
Ông “hội đồng Khoa” (Đặng Văn Khoa) ở thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định rút đơn tự ứng cử vào Quốc hội khóa XII cũng vì lý do ông chưa có thể dành đầy đủ thời gian, tâm sức và trí tuệ cho công việc của người đại biểu nhân dân. Theo ông, người đại biểu Quốc hội, ngòai tâm thế đại diện cho dân ra không thể có một tâm thế nào khác cho một vai trò khác. Giữ một tâm thế khác, một vai trò khác thì rất khó làm tròn vai trò đại biểu. Nhiều người tự ứng cử khác là các nhà khoa học, nhà giáo, nhà doanh nghiệp… cũng quyết định rút đơn vào giờ chót vì lý do tương tự. Họ tự cân nhắc và thấy rằng họ không đủ thời gian, tâm sức và trí tuệ để có thể hòan thành tốt vừa công tác chuyên môn, công việc làm ăn vừa là người đại diện mang trọng trách với dân.
Bầu cử Quốc hội khóa XII đang diễn ra trong một thời điểm hết sức thuận lợi và hiếm có trong lịch sử đất nước. Chưa bao giờ Việt Nam có những điều kiện thuận lợi và những cơ hội tốt như thế để bước chân vào sân chơi tòan cầu một cách hòan tòan xứng đáng. Quốc hội khóa XII phải là một quốc hội huy động được sức mạnh của tòan dân tộc để nắm bắt thời cơ đưa đất nước vươn lên hàng các quốc gia phát triển. Vì vậy, bầu cử Quốc hội kỳ này phải thực sự là một bước đột phát, một sự thay đổi cơ bản trong việc tuyển chọn hiền tài, những người thực sự xứng đáng, được dân tin, dân bầu, dân chọn vào cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của dân. Để có thể nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu phát triển bức xúc của đất nước, theo nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Nên mở rộng cửa cho ứng cử viên ngòai Đảng và giảm số kiêm nhiệm tối đa. Nên khuyến khích và ủng hộ tất cả những ai tự thấy có khả năng, có lòng yêư nước chân thành…Theo tôi, Đảng viên cũng là công dân, có số do Đảng giới thiệu và cũng có số tự ứng cử, không nên gò bó. Đó cũng là cách để Đảng viên có trách nhiệm lựa chọn chỗ đứng của mình nếu được sự tín nhiệm của dân”.
30-3-2007


KHÔNG NÊN “ĐỘC QUYỀN” CHỐNG THAM NHŨNG!

Muốn chống tham nhũng có hiệu quả phải biết dựa vào dân. Muốn dựa vào dân có hiệu quả, phải có cơ chế để “dân có thể mở mồm ra nói”. Lâu nay, vai trò giám sát các hoạt động công quyền của dân thực sự rất mờ nhạt, rất hình thức vì chưa có một cơ chế giám sát được cụ thể hoá từ các quy định của pháp luật. Họa hoằn lắm mới có một vài vụ do tiêu cực kéo dài trong khi thực hiện một số dự án, có khiếu nại, tố cáo của cư dân địa phương, trước áp lực mạnh mẽ của công luận, chính quyền sở tại mới chịu để cho nhân dân tham gia giám sát
Trong khi đó, các quyền được thông tin, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương của công dân đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp. Trên cơ sở các quy chuẩn pháp luật nền tảng này, hoạt động của cơ quan công quyền cần thiết phải được xây dựng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và nhất thiết phải có quy chế thông tin định kỳ cho mọi người dân được biết. Như vậy, các quy định về chế độ bảo mật cũng cần thiết phải được cân nhắc để tránh tình trạng lạm dụng hạn chế quyền được thông tin của người dân. Một khi người dân có đủ thông tin, có cơ chế để tham gia thảo luận, phản biện và giám sát các hoạt động của bộ máy công quyền khi đó mới có thể phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia chống tham nhũng, lãng phí - một loại “giặc nội xâm” có nguy cơ làm suy yếu đất nước.
Trong thời gian qua, nhiều tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam cũng đã bắt đầu lưu ý đến việc lấy ý kiến nhân dân cho một số chính sách và hoạt động của mình. Đó là một tín hiệu tốt, song việc làm đó còn tùy thuộc rất nhiều vào ý muốn chủ quan của các tổ chức riêng rẽ chứ chưa được thực hiện như là một quy định của pháp luật nhằm khẳng định rõ ý nguyện của toàn dân trước các vấn đề quốc kế dân sinh đại sự. Ý kiến của nhân dân trong các cuộc góp ý như trên cũng chưa thực sự trở thành một mệnh lệnh có tính chất pháp lý để nhà chức trách buộc phải tuân theo. Vì vậy, để khẳng định quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương của dân cần thiết phải xây dựng một bộ luật về trưng cầu ý dân. Cần phải có những quy định cụ thể về việc phải đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân như thế nào và kết quả của cuộc trưng cầu ý dân đó được xem như là mệnh lệnh của nhân dân đòi hỏi bộ máy công quyền có trách nhiệm phải thi hành.
Chống tham những, lãng phí trong hoạt động của bộ máy công quyền là một yêu cầu hết sức bức xúc và cũng rất nhạy cảm hiện nay nên càng không thể thiếu vắng vai trò giám sát chặt chẽ và toàn diện của nhân dân. Độc quyền trong mọi lĩnh vực đều đưa đến một hậu quả không tốt. Nhiều hành vi trục lợi, thu vén siêu lợi nhuận, lộng quyền…đều xuất phát từ những dịch vụ độc quyền như điện lực, viễn thông, dầu khí, hàng không, cấp nước…Cho nên, chống tham nhũng và lãng phí cũng không nên là lĩnh vực “độc quyền” của bộ máy công quyền. Các tổ chức chống tham nhũng và lãng phí nên hạn chế tới mức thấp nhất sự hiện diện của các quan chức đầu ngành kiêm nhiệm. Cần phải tăng cường tính chuyên nghiệp và vai trò độc lập của các cơ quan, các ban chỉ đạo chống tham nhũng bằng cách mở cửa tuyển chọn các viên chức thực sự có năng lực và phẩm chất. Tạo ra các cơ chế cho báo chí, cho các tổ chức xã hội, quần chúng tham gia một cách thực sự vào các cơ quan chống tham nhũng.
Cũng cần thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và cơ chế “bất thành văn” trong việc xử lý những quan chức là đảng viên có hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật. Cách hành xử lâu nay của tổ chức đảng và cơ quan công quyền khiến nhân dân vô tình nghĩ rằng trên thực tế đang tồn tại hai hệ thống luật pháp. Một luật pháp dành cho dân và một luật pháp dành cho một số quan chức đảng viên. Trong khi Hiến pháp khẳng định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 52, Hiến pháp nước CHXHCNVN 1992). Việc xử lý kỷ luật đảng viên của tổ chức đảng là bình thường song đừng để quy trình này gây ảnh hưởng đến việc thi hành pháp luật có liên quan tới cán bộ công chức là đảng viên khiến cho dân cảm thấy có sự phân biệt đối xử và còn tồn tại đâu đó những “vùng cấm”. Với tinh thần tiên phong trong đổi mới và thượng tôn pháp luật, nhân dân tin rằng Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ mau chóng có những quy định mới thích hợp hơn về việc này.
28-7-2006

CỔ PHẦN HÓA “TẤT TẦN TẬT” ĐỂ “LÊN SÀN”?

Hiệu ứng của phong trào “chơi” chứng khóan “mọi lúc mọi nơi” đang ngấm sâu vào từng tế bào của xã hội. Nhiều động thái xã hội gần đây cho thấy có sự tác động đàng sau nó là “hơi nóng hừng hực” của thị trường chứng khóan với những cơn trở chứng liên tục khó lường.
Cơ quan chức năng đã cảnh báo về việc số lượng hồ sơ đăng ký thành lập các lọai hình kinh doanh – dịch vụ tài chính, chứng khóan, ngân hàng cổ phần …đang tăng lên đột biến và đã “bật đèn đỏ” để cảnh giác. Vì phần nhiều là những hồ sơ không đảm bảo tiêu chuẩn để cấp phép. Thế nhưng, liệu có ai bảo đảm được rằng một vài hồ sơ đó sẽ không “đường hòang” trở thành những đơn vị phát hành “cổ phiếu” trong một ngày đẹp trời với những bảng “cáo bạch” và “thông cáo báo chí” hết sức hòanh tráng.
Trong lĩnh vực đào tạo, ngành tài chính – chứng khóan đã vượt xa số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành “hot” nhất xưa nay là công nghệ thông tin. Bên cạnh những trang quảng cáo dày cộp thường thấy trên các nhật báo về học tiếng Anh-Tin học, du học nước ngòai giờ đây quảng cáo các khóa học về đầu tư chứng khóan ngắn và dài hạn cũng đang chen chút và có phần lấn lướt hơn. Hai cuộc họp mặt tìm hiểu thông tin về thị trường chứng khóan ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã biến thành hai phiên “chợ trời” hỗn loạn, phải nhờ tới cảnh sát 113 can thiệp mới vãn hồi được trật tự.
Nhiều người đã “trúng lớn” với các cổ phiếu của những doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa. Bên cạnh đó cũng không ít người đang “ôm” hàng đống cổ phíêu xuống giá liên tục mòn mỏi chờ người đặt lệnh mua. Mọi thứ đang diễn ra, như nhận xét của các chuyên gia là không theo một quy luật nào, một giáo trình nào từng được giảng dạy trong các trường lớp chuyên ngành đầu tư tài chính.
Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn, đúng đắn. Nhưng rất tiếc, trong quá trình thực hiện chủ trương đúng đắn này lại rất thường xảy ra những “chệch choạc”. Không ít lần dư luận đã công khai chỉ trích những trường hợp biến chủ trương cổ phần hóa thành hành vi tư nhân hóa tài sản Nhà nước với giá “ưu đãi”. Tất nhiên, chỉ có lợi cho một số ít người có chức có quyền và có liên quan mật thiết tới việc “chuyển hóa” này. Cũng không phải ngẫu nhiên mà gấn đây các nhà chức trách đã nhiều lần cảnh báo coi chừng những họat động rửa tiền trên thị trường chứng khóan. Cố phần hóa và thị trường chứng khóan thực sự có mối quan hệ “dây mơ rễ má”. Trong hòan cảnh “tranh tối tranh sáng” hành lang pháp lý về những họat động này chưa chặt chẽ, các mối quan hệ đan xen giữa hai lĩnh vực này thật khó có thể kiểm sóat. Vì vậy, có những nơi tự mình “linh họat” vận dụng theo cơ chế “thỉnh thị” hoặc “xin – cho” để “tháo gỡ”. Khi tính phức tạp của vấn đề càng tăng thì khả năng kiểm sóat tình hình của các cơ quan chức trách nhằm đảm bảo quyền lợi của Nhà nước tức của tòan dân càng trở nên hạn chế hơn.
Dư luận đã thực sự lo lắng trong việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp Nhà nước với giá rất thấp để rồi sau đó một số nhỏ cá nhân nắm phần lớn cổ phần sẽ được hưởng lợi. Từ đó, xuất hiện không ít những “kẻ không cần lên sàn, nhưng đã ăn xong phần gốc”. Trong khi, tài sản của doanh nghiệp Nhà nước về nguyên tắc là tài sản của tòan dân. Nguy cơ thất thóat tài sản Nhà nước không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp mà đang tiến dần tới các sự nghiệp công ích xã hội khác. Trong đó có cả sự nghiệp đào tạo con người và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Một Hội nghị do UBMTTQ TP.Hồ Chí Minh tổ chức tuần qua đã đi đến kết luận không đồng tình với chủ trương cổ phần hóa một số trường công và bệnh viện công. Vì cho rằng giáo dục và y tế vốn là 2 lĩnh vực liên quan thiết yếu đến đời sống của mọi người dân. Đặc biệt là dân nghèo, người có thu nhập trung bình mà Nhà nước có trách nhiệm phải đầu tư với chất lượng phục vụ ngày càng cao. Cần phân biệt chủ trương xã hội hóa và cổ phần hóa trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Xã hội hóa là Nhà nước tạo điều kiện để mọi người có khả năng mở nhiều hơn nữa trường tư và bệnh viện tư. Còn cổ phần hóa trường công và bệnh viện công có nguy cơ dần dần “chuyển hóa” các cơ sở công lập này vào tay các tư nhân đặc quyền đặc lợi. Đây là một viễn cảnh mà trên thực tế đã xảy ra trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, gây thất thóat lớn tài sản của nhân dân. Hơn nữa, hiện chưa có hành lang pháp lý nào cho việc cổ phần hóa trường học và bệnh viện công. Việc làm thí điểm của TP.Hồ Chí Minh đã thực sự phù hợp chưa? Vả lại, cũng không nên “thí điểm” trên số phận và sức khỏe của nhân dân.
20-4-2007

VÔ CẢM VÀ VÔ TRÁCH NHIỆM!

Đọc những dòng “Trách nhiệm và lương tâm” từ Nhật ký phóng viên của Lê Thanh Hà đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 11/4/2007, tôi vừa bàng hòang vừa lo lắng. Bàng hòang vì cách hành xử nhẫn tâm, vi phạm pháp luật trắng trợn của những người lớn nhân danh những “công cụ” tốt đẹp nhất của xã hội nhầm vào một em học sinh gái chỉ mới hơn 10 tuổi. Họ là những thầy giáo, là tổng phụ trách đội, là công an nhân dân…hơn nữa, họ còn là những người lớn, là bậc phụ huynh, theo lẽ thường họ phải biết tôn trọng pháp luật, hành xử theo luật và hơn nữa phải theo những tập quán đạo đức xã hội về sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong mọi hòan cảnh. Xã hội đã tin cậy và giao cho họ quyền hạn, trách nhiệm để chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Và họ đã làm gì với em Hùynh Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 5 Trường tiểu học An Hiệp 2, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp để ngay sau đó em trở thành một người tâm thần, sợ hãi tất cả mọi người và dĩ nhiên không thể tiếp tục đi học như những trẻ em bình thường khác? Rồi đây tương lai của em sẽ ra sao với cú sốc quá lớn ngay khi em còn đang ngồi trên ghế nhà trường?
Cách đây hơn 3 tuần em Trâm bị tổng phụ trách đội là thầy giáo Lê Văn Xem nghi lấy cắp 47.800 đồng tiền quỹ lớp nên áp giải em lên công an xã để lấy khẩu cung. Việc này cũng được sự đồng tình của thầy hiệu trưởng Lưu Văn Ca. Đến công an xã, Trâm bị tách đưa vào phòng riêng và bị hai công an xã là Lê Văn Thanh và Võ Thanh Phương dọa dẫm, ép cung. Khi gia đình đi tìm kiếm vì không thấy em đi học về, em Trâm đang ở trong tình trạng hỏang lọan vì sợ hãi và stress nặng. Mặc dù đã nhiều lần đưa Trâm đi chữa trị ở Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM, nhưng đến nay tình trạng của Trâm vẫn không thuyên giảm mà còn có nguy cơ nặng hơn. Bàng hòang và phẫn nộ, dư luận đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý thích đáng những người lớn vô cảm, vô trách nhiệm đã dồn đẩy em Trâm vào hòan cảnh thương tâm như vậy.
Thế nhưng, dù ông hiệu trưởng đã tỏ ra ân hận vì sai lầm “phản giáo dục” của mình đã nộp đơn xin từ chức, dù thầy giáo tổng phụ trách đội, các anh công an xã có bị kỷ luật tương xứng với sai phạm của mình thì em Trâm cũng sẽ chẳng bao giờ trở lại với những ngày tháng hồn nhiên trước đây khi những người lớn có “trách nhiệm giáo dục, chăm sóc và bảo vệ” em phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Họ đã hành xử như những người không có lương tâm, không có gia đình và cũng không phải là những người được đại diện cho những “công cụ” tốt đẹp nhất của Nhà nước trong trường hợp của em Trâm.
Có những sai lầm sẽ phai mờ dần theo năm tháng, nhưng cũng không ít hậu quả của những việc làm tắc trách, vô cảm sẽ mãi mãi hằn sâu trong tâm trí và cuộc sống của một con người. Nếu mỗi sai lầm chúng ta đều phải trả giá như trường hợp em Trâm thì quả là một cái giá quá đắt cho xã hội.
Đó cũng là điều mà những ai có lương tri cũng đều phải lo lắng khi biết chứng kiến hòan cảnh đau lòng của em Trâm. Các luật sư, các nhà tâm lý giáo dục lên tiếng về trường hợp này đều cho rằng các thầy giáo, công an xã, tổng phụ trách đội có liên quan đã có những hành vi xâm phạm quyền trẻ em, bắt giữ người trái pháp luật, phản sư phạm và trên hết là phi nhân bản. Điều đáng lo ngại là những hành vi đáng bị lên án và phạm pháp đó lại xuất phát từ những con người được xã hội đào tạo, tin cậy giao cho những nhiệm vụ cao quý nhất là “trồng người” và bảo vệ sự bình an, hạnh phúc của nhân dân.
13-4-2007

CHI TIÊU ĐÚNG ĐỂ CHẤN HƯNG GIÁO DỤC

Đã bắt đầu một năm học mới. Cũng là thời điểm mà ngành giáo dục Việt Nam đang gặp phải nhiều “sự cố” nhất từ trước đến nay. Thực ra, những tiêu cực gần đây của ngành giáo dục không phải là quá mới lạ, hay quá cá biệt. Chúng chỉ là một phần rất nhỏ vừa nhô lên của tảng băng khổng lồ vốn đã tích tụ từ rất nhiều năm qua.
Trên diễn đàn công khai gần đây cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến rất tâm huyết bày tỏ lòng khao khát chấn hưng nền giáo dục nước nhà và xem đó như là mệnh lệnh cấp thiết của cuộc sống. Nếu như chúng ta thực sự muốn đất nước thoát ra khỏi lòng luẩn quẩn đói nghèo - lạc hậu và mãi mãi kém phát triển.
“Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” là một bước đột phá rất đáng hoan nghênh của ngành giáo dục. Đồng thời thể hiện rất rõ quyết tâm của vị Tân Bộ trưởng mong muốn thực hiện một sự thay đổi về chất trong công tác của toàn ngành. Tuy nhiên, giáo dục cũng chỉ là một hệ thống con trong toàn bộ hệ thống xã hội. Giáo dục cũng phải chịu sự chi phối nghiệt ngã của các quy luật xã hội. Một khi hệ thống lớn vẫn còn không ít lỗi cơ bản thì sự vận hành của hệ thống con hẳn sẽ rất khó khăn để có thể tự mình “lột xác” được. Nói như vậy để thấy rằng nếu muốn làm một cú đột phá thay đổi về chất của hoạt động giáo dục cần có sự tham gia của toàn xã hội. Tất nhiên, đó là sự tham gia tích cực theo chiều hướng lành mạnh chứ không thể tiếp tục sự tham gia thụ động theo kiểu “chạy trường, chạy thành tích, chạy bằng cấp, chạy dự án” nhà trường – gia đình và xã hội vừa là “đồng tác giả, vừa là đồng nạn nhân”… như trước đây.
Cũng cần thấy rằng các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở Việt Nam trong những năm qua là không nhỏ. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc, đã từng đưa ra những con số về chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam khiến cho nhiều người phải giật mình. Theo đó, chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam từ năm 2000-2005 là con số rất lớn so với thu nhập của người dân và thu nhập cả nước. Cụ thể chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam năm 2005 chiếm 8,9% GDP (vượt cả Mỹ chỉ có 7,2%, Pháp 6,1%, Nhật 4,7%). Trong chi tiêu trên, dân các nước phát triển cao chỉ phải trả khoảng 20%, trong khi dân Việt Nam phải chi trả từ 40-50% , phần còn lại do nhà nước chi trả. Gần đây, các phụ huynh ở TP.HCM sẵn sàng chi từ 2.000USD trở lên để “chạy” một chỗ học cho con tại trường PTTH chất lượng cao Lê Quý Đôn cũng đã phần nào chứng minh được khả năng chi tiêu cho giáo dục của dân chúng. Điều đáng buồn là kiểu “chi tiêu” đó chỉ làm cho giáo dục Việt Nam thêm tiêu cực và trì trệ.
Về phía nhà nước, việc quản lý nguồn chi cho giáo dục cũng chưa phải là hoàn hảo. Các nhà quan sát cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục hiện có không ít các dự án đang vận hành tiêu cực không thua gì PMU-18 của ngành GTVT. Dư luận đã từng lên tiếng về các dự án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, dự án xoá mù chữ trở lại và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cho các vùng khó khăn… mỗi dự án “ngốn” hàng trăm triệu USD tiền vay mượn của nước ngoài (tuy là vay ưu đãi, nhưng vẫn là nợ phải trả) được “phân phối” cho những cán bộ cao cấp của Bộ GD&ĐT quản lý và thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm một cách tùy tiện. Rất nhiều PMU mẹ, PMU con, PMU biến tướng đủ kiểu đã mọc lên như nấm trong quá trình thực hiện các dự án hàng trăm triệu USD này. Đến nay, ngành giáo dục Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra được một đánh giá chính thức nào về kết quả thực hiện các dự án nói trên.
Việc sử dụng tùy tiện kinh phí của các dự án nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian qua càng được minh chứng hùng hồn hơn trong trường hợp của ông cựu bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển khi ông được đề án đào tạo cán bộ tại nước ngoài của ngành giáo dục (đề án 322) cử đi du học tại Anh và được thanh toán bằng tiền nhà nước. Quyết định cử ông Hiển đi học tiếng Anh tại vương quốc Anh bằng kinh phí của đề án 322 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung phê duyệt. Trong bốn tháng học tiếng Anh, ông Hiển được nhận mức học bổng 860 USD/tháng và toàn bộ khoản học phí 2.000 bảng Anh cũng do đề án 322 chi trả. Ngoài ra, trong một tháng cuối cùng công tác tại Anh, ông Hiển sẽ được nhận công tác phí khoảng 3.000 USD, chủ yếu để chi trả tiền chỗ ở trong thời gian ở Anh. Đây được xem là trường hợp cá nhân duy nhất được đặc cách sử dụng kinh phí của đề án 322 từ khi đề án được triển khai. Được biết, yêu cầu về độ tuổi của đối tượng tham gia đề án tối đa là 50, trong khi ông Hiển đã 59 tuổi.
Chi tiêu cho giáo dục theo kiểu như thế này thì biết đến bao giờ mới có người hiền tài để chấn hưng giáo dục Việt Nam đây? Chưa nói đến chuyện lựa chọn cán bộ được đào tạo ở nước ngoài như thế liệu họ có thể làm được gì cho dân cho nước! Tiền dự án, tiền vay mượn của nước ngoài, tiền ngân sách nhà nước… phải chăng có thể trở thành “bổng lộc” để các quan thoải mái chia chác cho nhau?
08-9-2006