Thursday, July 19, 2007

AN CƯ LẠC NGHIỆP

“An cư lạc nghiệp”- các cụ xưa đã dạy và điều đó luôn đúng trong mọi thời đại. Ngày nay, mục tiêu phấn đấu của nước ta là mau chóng thóat ra khỏi số phận của các nước nghèo nàn, lạc hậu. Từng bước đưa dân ta tới cảnh giàu có, dân chủ và văn minh. Nói thì rất dễ, nhưng nếu xem xét trong từng hành động, từng bước đi cụ thể của các chính quyền ở một số địa phương thì hãy còn nhiều điều đáng phải quan ngại.
Ai cũng biết quy họach, giải tỏa, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị mới là một trong những chuyện phải làm để từng bước nâng cao kết cấu hạ tầng của nền kinh tế và đời sống dân sinh. Chủ trương lớn của nhà nước từng được rất nhiều vị lãnh đạo qua nhiều thời kỳ khẳng định rõ ràng và cụ thể, rằng việc quy họach, giải tỏa và tái định cư phải luôn luôn đảm bảo cho cộng đồng dân cư trong khu vực được quy họach, thu hồi đất có điều kiện tái định cư tương đương hoặc tốt hơn trước khi triển khai dự án. Những lợi ích của dự án phát triển bao giờ cũng phải mang lại sự an cư và an tâm cho chính cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất trong quá trình thực thi dự án. Điều đó không chỉ phù hợp pháp luật, chủ trương chính sách nhà nước mà còn là đạo lý, lẽ công bằng trong đối nhân xử thế đồng thời cũng là cách thức thể hiện rõ nhất bản chất của chế độ của dân, do dân và vì dân.
Nếu những người lãnh đạo địa phương nào cũng thấm nhuần và luôn thực hành đúng đạo lý và chủ trương trong sáng như trên thì thật hạnh phúc cho dân. Chắc sẽ chẳng có chuyện nhiều người dân phải kéo nhau đi khiếu kiện khắp nơi, gõ hết mọi cửa và hàng núi hồ sơ khiếu nại phải dồn về các cơ quan chức năng của trung ương nến mức quá tải, khó có thể giải quyết như mong đợi của nhiều người.
Trên thực tế, tham nhũng đất đai là một trong những dạng tham nhũng khá phổ biến và mang lại những giá trị rất lớn. Lại là một trong những hành vi dễ thực hiện vì chính sách quản lý đất đai của nhà nước trong nhiều năm qua còn rất nhiều bất cập. Hầu như cán bộ quản lý nhà nước cấp nào cũng có thể tham gia vào việc chia chác đất đai mỗi khi có dịp và có quyền hành trong tay. Báo Đại Đoàn Kết đã từng đưa tin về một cán bộ của trung ương đã có nhà đất đề huề nhưng vẫn “tranh thủ” chức quyền và “sự ảnh hưởng” của mình với địa phương để xin được cấp thêm một số đất nền nhà trong khu quy họach phát triển ở Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Hay như một số quan chức, cán bộ của Quận 2, TP.Hồ Chí Minh tranh thủ dự án “ Giải quyết nhà ở cho cán bộ nhân viên có hòan cảnh khó khăn” để chia chác nhiều khu đất “đẹp” để rồi sau đó sang tay bán ngay để lấy chênh lệch giá hàng trăm triệu đồng.
Trong khi đó, để có những khu đất đẹp và quy họach thành những khu đô thị mới, nhiều người dân đã phải bấm bụng ra đi, chia tay với những nơi đã từng gắn bó với gia đình họ trong nhiều năm tháng, nhiều thế hệ…Nhiều gia đình hy vọng, chấp hành chủ trương nhà nước, giải tỏa mặt bằng để xây dựng đô thị ngày một hiện đại, văn minh hơn. Và tất nhiên, trong đó gia đình của họ cũng được hưởng sự văn minh và giàu có đó. Trong rất nhiều quyết định phê duyệt các quy họach dự án đô thị mới, Chính phủ đã rất thận trọng khi luôn xem xét bố trí một phần đất đai nằm trong dự án nhằm phục vụ cho việc tái định cư cho nhân dân trong vùng quy họach. Điều đó thể hiện thái độ vì dân, quan tâm tới dân có tình có lý của những nhà lãnh đạo đất nước. Thế nhưng, khi “xuống” tới cấp địa phương triển khai thực hiện, thì những chủ trương đúng đắn và có tình có lý của Chính phủ thường bị “biến hóa” thành những “miếng mồi” để cho một số quan chức địa phương chia chác nhau, bất chấp quyền lợi của nhân dân trong khu vực giải tỏa bị đẩy ra khỏi mảnh đất thân quen của mình. Nhiều dự án phát triển ở các địa phương chưa hề chuẩn bị xong khu vực tái định cư và tạm cư cho dân đã vội vàng ra quyết định thu hồi đất mà không cần biết dân sẽ đi đâu, về đâu và sinh sống như thế nào nên trong lòng họ chưa bao giờ thấy được sự “an cư”.
Thậm chí có chính quyền địa phương còn “treo giải” thưởng cho những cấp cơ sở nào nhanh chóng “giải tỏa” được dân, sớm thu hồi đất đai cho dự án những món tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng. Tiền đền bù nếu chưa được dân đồng thuận thì được phép “treo” trong ngân hàng, còn dân có nhận hay không mặc kệ dân.
Nhà nước đang làm mọi cách để an dân, trong đó có giải pháp “an cư lạc nghiệp”. Luật cư trú và nhiều luật mới có hiệu lực hồi đầu tháng này là một trong những minh chứng rõ nét nhất về tinh thần “an dân” đó của nhà nước. Ngày nay, người dân có nhiều quyền hơn trong cư trú, đi lại và sở hữu nhà cửa. Đó là một trong những điều kiện cần thiết nhất để dân có thể “an cư lạc nghiệp”. Nếu hãy còn nhiều người dân chưa an cư thì nước nhà chưa thể hùng mạnh được. Tham nhũng đất đai, nhà cửa và những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà đất của các quan chức địa phương đã và đang góp phần làm cho dân bất an vì dân chưa thể “an cư”.
17-7-2007

No comments: