Thursday, May 3, 2007

NÉM TIỀN QUA CỬA SỔ!

Lại thêm một dự án “ném tiền qua cửa sổ” bị khai tử. Rất tiếc, trước khi “chết”, nó đã kịp tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng tiền của nhân dân. Ngay từ những năm đầu tiên triển khai thực hiện “Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước” (gọi tắt là “đề án 112”) đã có không ít lời cảnh báo của giới chuyên môn về những bất cập của nó. Bất cập và cũng là sai lầm lớn nhất của “đề án 112” là chuyện dùng người không đúng việc. Một đề án liên quan tới lĩnh vực công nghệ cao nhưng những người chủ trì lại không có chuyên môn mà đề án phải thực hiện là lĩnh vực công nghệ thông tin. Một văn phòng không chuyên ngành không thể có đủ khả năng thực hiện một đồ án đòi hỏi tính chuyên môn cao như “đề án 112”. Lời cảnh báo đầu tiên đã bị bỏ qua và “đề án 112” vẫn được giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì việc tổ chức thực hiện. Ban điều hành “đề án 112” do không có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin (chức năng này thuộc Bộ Bưu chính – Viễn Thông} nên những họat động tiếp theo đó như thẩm định, triển khai dự án hầu như không thể tuân thủ theo bất kỳ quy định pháp luật hiện hành nào về thẩm định dự án và quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Do vậy, dẫn tới tình trạng vẫn thường thấy trong các dự án sử dụng ngân sách nhà nước là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tiền của nhân dân đã thóat ra khỏi sự kiểm sóat của các cơ quan chức năng, khi “trọng tài” cũng chính là “cầu thủ” ghi bàn vào lưới.
Khi người chủ trì thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm về quy trình xử lý hành chính, “mù mờ” trong nhận thức về tính đặc thù công nghệ trong ứng dụng tin học mà được giao “trọng trách” thì đương nhiên các bước đi tiếp theo sẽ dễ dẫn tới những lựa chọn sai lầm, cảm tính, chủ quan và không lọai trừ cả yếu tố tiêu cực… Không hiểu biết, không đủ khả năng mà vẫn đám đứng ra nhận lãnh “trọng trách” để rồi “ném” hàng ngàn tỷ đồng tiền của nhân dân qua cửa sổ không thể chỉ được xem là hành vi “không hòan thành nhiệm vụ do thiếu trình độ và kinh nghiệm”.
Cũng cần phải nói thêm rằng ước muốn xây dựng “Chính phủ điện tử” quả là một điều tốt đẹp với mọi người dân thể hiện thiện chí của nhà chức trách trong việc tăng cường năng lực và khả năng điều hành đất nước nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, “cánh diều” nào cũng phải có “dây neo” của nó, nếu không “cánh diều” không thể bay lượn được trên bầu trời lộng gió. Muốn nền hành chính được vận hành theo một “công nghệ hành chính” tiên tiến đòi hỏi phải có một nền tảng vững chắc mang đầy đủ các tính chất khoa học cũng như những nguyên tắc vận hành ổn định. Trên cái nền hành chính đã trở thành “công nghệ” ấy mới có thể ứng dụng các giải pháp tin học để biến nó thành một “nền hành chính công nghệ cao”.
Tiếc thay, mong muốn tốt đẹp, thiện chí của nhà chức trách, hàng ngàn tỷ đồng tiền của nhân dân chẳng mấy chốc trở thành mây khói chỉ vì việc triển khai thực hiện “đề án 112” ngay từ đầu đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng vì đã dùng người không đúng việc.
Không chỉ riêng một đề án vừa bị khai tử này, đã và đang có không ít dự án tiêu tốn ngân sách nhà nước, tiền vay mượn của nước ngòai cũng được tổ chức, quản lý và điều hành theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” chỉ vì lợi ích cục bộ, địa phương, ban ngành. Bởi vì ai ai cũng hiểu hể có dự án là có “phếch phẩy”, có “chùm khế ngọt” cho bên A bên B “trèo hái mỗi ngày”. “Chạy dự án” đã trở thành một thứ “triết lý” hành động cho việc tổ chức, triển khai và thực hiện của rất nhiều công trình mang những mục tiêu cao cả, tốt đẹp, phục vụ nhân dân nhưng cuối cùng thì vẫn là điệp khúc “ném tiền qua cửa sổ”. Vì có tiêu cực, có xin-cho để “lách” luật, “thóat” cơ chế nên đã tạo ra các PMU, các đề án kiểu 112 và hàng trăm hàng ngàn dự án khác trong mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục – đào tạo, y tế - xã hội…đã và đang “xài” tiền dân như cỏ rác.
Rất may là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh “khai tử” đề án 112 để ngăn chặn ngay việc “ném tiền qua cửa sổ”. Tuy nhiên, đề án 112 “chết” không có nghĩa là mọi sự đã kết thúc vì những chuyện trái khóay trong khi sử dụng tiền dân của ban điều hành đề án cần phải được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể.
Sau vụ này và những vụ như PMU 18, người dân chỉ mong Chính phủ quản lý tiền của nhân dân sao cho mọi người dân đều được hưởng lợi. Tốt nhất là mong sao tiền của và quyền lực phải được giao cho người có năng lực, có trách nhiệm và một lòng vì nước vì dân.

04-5-2006

ĐỐI THOẠI CHỈ CÓ LỢI!

Nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ 10 cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (24-12-1996/2006)

Từ những năm 80 của thế kỷ trước Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã rất thích dùng từ "đối thoại" mỗi khi có dịp trò chuyện với giới trẻ. Theo Chủ tịch, không có gì úy kỵ khi chúng ta dùng từ "đối thoại". Bởi vì, trong đời sống hàng ngày "đối thoại" là chuyện thường tình, ai cũng sẽ phải đối thoại, nếu như có từ hai người trở lên. Không có gì buồn hơn "độc thoại" - nói một mình, chỉ có một người nói và tệ hại hơn chỉ có một người nghe. Ngay cả chuyện các vị lãnh đạo phát biểu trên báo chí, trên đài phát thanh, truyền hình xét cho cùng cũng là đối thoại. Trên cơ sở một lượng thông tin nào đó, diễn giả hay người viết truyền đạt những suy nghĩ, ý tưởng và thái độ của mình đối với một vấn đề xã hội với tinh thần không thể cấm mọi người có ý kiến khác mình. Những tư tưởng hoặc thông tin được phổ biến công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải là những thông tin chấp nhận sự phản biện, không thể cấm người khác không đồng tình hay buộc phải đồng tình với mình cho dù người phát biểu có ở vị trí quan trọng nào đi chăng nữa. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ kết luận: "Có cơ hội cọ sát tư duy sẽ dễ dẫn tới chân lý. Tôi thấy chỉ có điều lợi trong đối thoại".
Ngày nay chúng ta đã khá quen với từ "đối thoại", không chỉ đối thoại trên báo in, báo hình, báo nói mà còn "đối thoại trực tuyến" trên hệ thống internet toàn cầu. Một trong những tin tức đang thu hút sự quan tâm của dư luận là việc Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị kế hoạch cho việc thường xuyên tổ chức những cuộc "đối thoại trực tuyến" với nhân dân về mọi vấn đề quốc kế dân sinh. "Đối thoại" chỉ có lợi, chỉ làm cho Đảng và Nhà nước gần dân hơn, hiểu dân hơn và dễ dàng đồng thuận hơn trong nhiều vấn đề gai gốc của đất nước.
Cũng từ những năm 80 của thế kỷ trước, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã rất nhiều lần đối thoại với giới trẻ về vấn đề dân chủ. Ngay trong năm 1986, năm đầu tiên của sự nghiệp 20 năm đổi mới, Chủ tịch nói: "Dân chủ chẳng những là thử thách sát sườn của đổi mới, nó còn là biểu trưng chủ yếu cho đổi mới, là điều kiện tiên quyết đảm bảo đổi mới, là động lực thúc đẩy đổi mới và là cái đích mà đổi mới phải vươn tới, nâng cao và hoàn thiện". Chủ tịch cho rằng "dân chủ phải đi trước một bước so với nền tảng kinh tế". Bởi vì sự trì trệ, lạc hậu, bảo thủ trong quản lý kinh tế - xã hội của nước ta trong nhiều năm qua phản ánh rất rõ trong đó sự trì trệ, lạc hậu, bảo thủ trong cơ chế thực hiện dân chủ. Đó là mối quan hệ hữu cơ, là nhân quả của nhau, tác động và quy định, thúc đẩy lẫn nhau. Chủ tịch chứng minh luận điểm của mình bằng hiệu quả của việc khoán sản phẩm, giao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, phân phối thu nhập theo lao động trong những năm xóa bao cấp về mặt nào đó nó không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là một cách thực thi dân chủ trong đời sống kinh tế.
Việc "cởi trói", "tháo gỡ", "giao quyền tự chủ" cho người lao động chính là mở rộng dân chủ, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội và nâng cao đời sống bản thân, gia đình mình. Do vậy có thể nói rằng dân chủ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Một nền kinh tế hùng mạnh chỉ có thể hình thành và phát triển trong một thể chế chính trị dân chủ.
Dân chủ được thực thi trong đời sống bằng muôn hình vạn trạng, nhưng không thể không nói tới các cơ quan dân cử, đại diện cho quyền lực của nhân dân. Đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng luôn nhắc nhỡ chúng ta về hiệu quả thực của các cơ quan này và kiên quyết chống những hoạt động hình thức. Chủ tịch khuyến cáo: "Quốc hội dứt khoát không thể là vật trang trí, là tổ chức hình thức. Các phiên Quốc hội họp không thể là dịp đại biểu tham luận, phát biểu cảm tưởng mà để xem xét các việc thuộc thẩm quyền của mình. Cách duy nhất đảm bảo chức năng của Quốc hội là tranh luận thẳng thắn và công khai mọi vấn đề". Cuối cùng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng trở lại với phương thức làm việc vốn trở thành máu thịt của mình là luôn luôn và sẵn sàng đối thoại. Đối thoại thẳng thắn và công khai để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực của dân. Nếu có xảy ra trường hợp những dự kiến của Đảng không được Quốc hội đồng tình cũng nên xem là bình thường và đó là những thông tin phản biện có giá trị thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
24-12-2006

“CHỦ ĐẠO” VÀ “BÌNH ĐẲNG”!

Về mặt lô-gíc, khi ta nói “các thành phần kinh tế đều bình đẳng” có nghĩa là trong tập hợp này sẽ không phân biệt thành phần chính và thành phần phụ, chủ đạo và không chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Để thực thi quyền bình đẳng một cách công bằng và minh bạch, nhà nước sẽ phải xây dựng các thể chế, chính sách, pháp luật cụ thể sao cho mỗi hành vi can thiệp vào nền kinh tế đều có tác động như nhau đối với mọi thành phần trong đó. Nhất thiết, trong tư duy của các nhà họach định chính sách, để có sự bình đẳng thực sự, cần phải có hình ảnh của một nền kinh tế dân chủ được điều chỉnh hòan tòan bởi các quy luật thị trường.
Rất nhiều năm qua, các chính sách kinh tế của Việt Nam đã không đi theo con đường dân chủ. Kể cả khi mà nhà nước tỏ ra rất cởi mở với thành phần kinh tế tư nhân, các chính sách bất bình đẳng mà phần ưu đãi bao giờ cũng thuộc về kinh tế nhà nước, vẫn luôn tồn tại. Chủ trương “tiếp tục hòan thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” trong đó “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” của Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân có tâm huyết với vận mênh đất nước phải lo ngại. Liệu có mâu thuẫn và áp đặt không khi quan hệ giữa các thành phần kinh tế được phát biểu theo kiểu vừa “bình đẳng” vừa phải chấp nhận “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước? Với lý do cần phải giữ vững “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước, việc họach định chính sách và sự can thiệp của nhà nước vào các thành phần kinh tế mặc nhiên sẽ chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng. Điều này đi ngược lại tư tưởng “phát huy sức mạnh tòan dân tộc, đẩy mạnh tòan diện công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nứơc ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Đổi mới là gì? Đổi mới nói đến cùng là giải phóng sức dân, là thực hiện dân chủ để dân giàu, nước mạnh. Trong kinh tế là thực hiện quyền tự do làm ăn của nhân dân là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, mau chóng đưa nước ta thóat khỏi nghèo nạn và lạc hậu.
Những con số thống kê gần đây cho thấy, kinh tế nhà nước đang lâm vào tình trạng chậm tiến như là một tất yếu. So với khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngòai, từ năm 1996 kinh tế nhà nước luôn có tốc độ tăng đầu tư cao nhất, ứng với tốc độ tăng GDP thấp nhất. Năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng 17,2% so với 2004. Trong đó, ngòai quốc doanh tăng 24,1%, đầu tư nước ngòai 20,9%, doanh nghiệp nhà nước 8,7% (8,7% là tốc độ tăng cao nhất giai đọan 1996-2005). Chưa kể, các doanh nghiệp nhà nước bình quân hàng năm còn được cấp thêm vốn ngang bằng với số nộp ngân sách, có nghĩa là nhà nước không hề có lợi nhuận trong kinh doanh. Rõ ràng hiệu quả của kinh tế nhà nước là rất thấp. Mặt khác, cơ chế quản lý ở khu vực kinh tế nhà nước đã và đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết tạo ra nhiều khe hở cho tham ô, lãng phí, thất thóat tài sản nhà nước với quy mô lớn.
Như vậy, nền kinh tế nước ta hiện có hai mảng: sáng và tối. Khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm trước đây được xem là khu vực cần được “cải tạo” thì bây giờ đang hết sức năng động. Còn khu vực kinh tế nhà nước từ xưa đến nay luôn luôn được xác định là “chủ đạo” thì lại đang hết sức trì trệ, phát sinh nhiều tiêu cực và rất khó chuyển đổi. Thực tế chứng minh rằng kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không đặc quyền đặc lợi cho quốc doanh là nền tảng vững chắc nhất để phát triển kinh tế. Thể chế dân chủ và chính sách tự do làm ăn cho tất cả mọi thành phần chính là môi trường tốt nhất giúp nước ta có thể “giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn nội lực và ngọai lực, nâng cao đời sống nhân dân”. Một khi chúng ta còn chưa vượt qua được “cái bóng” của chính mình, vẫn cứ quanh quẫn với những nhận thức nhầm lẫn, lỗi thời, khư khư giữ lấy những chủ trương, chính sách kém hiệu quả, sai lầm, có hại cho đất nước thì chúng ta vẫn chưa có sự đổi mới thực sự chứ đừng nói đến “đổi mới tòan diện và triệt để”.
Từ những bài học cay đắng trong lịch sử, đổi mới phải bắt đầu từ những chính sách đột phá. Nói cách khác, cần phải đột phá từ chính sách. Theo GS. Đào Xuân Sâm, chính sách mới phù hợp thực tế tự nó mang tính khả thi, tự nó bao hàm sức mạnh để thay đổi tổ chức và phương thức lãnh đạo, quản lý cũ, tạo lập cách làm mới. Khi chính sách chưa đổi mới cơ bản, đang còn dành đặc quyền đặc lợi cho khu vực nhà nước và hệ thống chính trị như hiện nay, gắn liền với việc ít nhiều chưa nhất quán xóa bỏ mọi kỳ thị với khu vực ngòai nhà nước, thì không thể đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng. Nếu Đảng không quyết liệt đổi mới, bỏ lỡ “thời cơ vàng” thì làm sao có thể đưa đất nước ta “ra khỏi tình trạng kém phát triển” như hiện nay?
24-02-2006

CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT

Sau hai mươi năm đổi mới với những thành quả nhất định, giờ đây chính là lúc thích hợp nhất để đặt ra câu hỏi: “Khi nào Việt Nam mới đuổi kịp các nước trong khu vực và bằng cách nào?”. Thực ra, thành quả của hai mươi năm đổi mới, nói một cách ví von chỉ mới là động tác cởi dây trói do chính chúng ta tự trói mình trước đây. Nếu một lần nữa tự ru ngủ mình trong ánh hào quang thành tích và tiếp tục chỉ đạt những kết quả tương tự như hiện nay thì chúng ta sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước láng giềng chứ đừng nói đến chuyện “sánh vai các cường quốc năm châu”.
Sau 20 năm, GDP/đầu người của Việt Nam tăng từ 200USD/năm lên 600USD/năm. Như vậy tốc độ tăng trưởng trung bình khỏang 5,6%/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, với tốc độ này đến năm 2020 Việt Nam chỉ đạt thu nhập đầu người khỏang 1.360 USD/năm, ngang mức hiện tại của Trung Quốc. Với tốc độ này, để trở thành một nước có thu nhập trung bình (2.000USD/năm) Việt Nam phải mất 22 năm; có thu nhập trung bình cao (5.000USD/năm) mất 39 năm; thành nước công nghiệp (10.000USD/năm) mất 52 năm. Còn với tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm, Việt Nam sẽ đạt mức trung bình sau 16 năm và mức công nghiệp sau 37 năm. Như vậy, để có thể đuổi kịp các nước láng giềng, Việt Nam cần phải đạt mức tăng trưởng cao hơn 10%/năm. Với tốc độ tăng trưởng 10%/năm trở lên, Việt Nam mới có thể hy vọng gia nhập câu lạc bộ các nước công nghiệp sau 30 năm.
Trên thực tế Việt Nam đã phải mất đến hơn 20 năm để chỉ làm được một việc là giải phóng các lực lượng kinh tế ra khỏi “hệ thống dây trói” của mình mà chưa hề kịp thiết kế một thể chế phù hợp, chưa xây dựng được một môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy các lực lượng kinh tế vừa được “cởi trói” mau chóng lớn mạnh. Trong khi, hai mươi năm là một nửa thời gian để Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành nước công nghiệp phát triển. Còn chúng ta thì phải mất chừng ấy thời gian chỉ để đặt bước chân đầu tiên lên trên con đường đó.
Để tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, các chính sách và thể chế phải thực sự tạo ra được một con đường thênh thang và bằng phẳng, một sân chơi tốc độ và an tòan cho mọi thành phần kinh tế. Gần đây nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng CS Việt Nam đã đặt lên bàn thảo luận những vấn đề then chốt như “Chúng ta có nên tiếp tục con đường XHCN nữa hay không? Có con đường nào khác để mau chóng đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” hay không?”. Bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào, tổ chức nào giúp chúng ta đạt được mục tiêu này đều được hoan nghênh. Ngược lại, bất kỳ cái gì cản trở chúng ta đều phải bị gạt bỏ. Chúng ta cần phải tỉnh táo và không được đánh đồng lợi ích của một nhóm với lợi ích của tòan thể dân tộc. Và chỉ có thể bảo đảm nguyên tắc đó khi Nhà nước hạn chế tham gia trực tiếp vào cuộc chơi như một cầu thủ mà chỉ giữ vai trò tạo ra luật chơi và giám sát cuộc chơi một cách công bằng, minh bạch, dân chủ cho mọi thành phần. Nhà nước thực hiện chức năng này bằng các công cụ hành pháp và tư pháp để đạt kết quả là môi trường kinh tế - chính trị ổn định, môi trường kinh doanh lành mạnh.
Không chỉ tiếp thu các đóng góp trực tiếp từ bên trong, các nhà họach định chính sách cho tương lai Việt Nam còn cần phải tham khảo các phân tích, đánh giá dựa trên những thông tin khách quan của cộng đồng thế giới và các tổ chức nghiên cứu phát triển độc lập chứ không chỉ tự thỏa mãn bằng các chỉ tiêu tăng trưởng đang lên của Việt Nam. Hàng năm, Ngân hàng thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của các nước. Năm 2005, Việt Nam xếp thứ 99/155 nước, trong khu vực chỉ hơn Campuchia và Lào. Trên bảng xếp hạng “chỉ số thay đổi” (BTI - Bertlesman Transformation Index) năm 2006 do tổ chức Bertlesman của Đức công bố ngày 01/3/2006 Việt Nam đứng hạng 87/119 với 4,43 điểm/10. Trong đó chỉ số quản lý nhà nước là 4,35 (dưới trung bình), chỉ số kinh tế thị trường là 5,57 (trên trung bình). Các tác giả phân tích đánh giá về thay đổi kinh tế ở VN: “VN đã bày tỏ sự dấn bước rõ rệt nhất vào kinh tế thị trường. Các cải cách chính sách đã được tiến hành trong nhiều lĩnh vực và đã dẫn đến kết quả là mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực này và một tỉ lệ FDI đáng thèm thuồng. Song, vẫn còn một số dấu hỏi về việc tái cấu trúc các xí nghiệp nhà nước, việc cung cấp vốn vay và vai trò của nhà nước trong phát triển”. Bảng xếp hạng cũng đã đánh giá một số điểm yếu ở VN: "Cho dù có những cố gắng tản quyền, song các quyết định chính trị vẫn cứ ở Hà Nội. Việc trung ương tập quyền này, cùng với tham nhũng ở cấp cao, đã dẫn đến việc chỉ có một phần các chính sách là được thực thi".
Việt Nam có bắt kịp các nước trong khu vực và có “sánh vai các cường quốc năm châu” hay không tùy thuộc vào việc chúng ta có tận dụng được thời cơ đang đến thật gần hay không? “Con đường nào rồi cũng dẫn về La Mã”, nếu hiểu La Mã là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì vấn đề của chúng ta bây giờ là khôn khéo lựa chọn con đường ngắn nhất, có thể đi nhanh nhất để mau chóng tới đích khi mà xuất phát điểm của chúng ta đã chậm hơn các quốc gia khác tới hàng vài thập kỷ.
17-3-2006

ĐỒNG TIỀN HAY CON NGƯỜI CÓ LỖI?

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận đồng tiền polymer 10 ngàn đồng mới phát hành có lỗi trong quá trình in ấn. Đồng tiền này bị in thiếu một dấu chấm phân cách hàng nghìn. Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện trên, đồng tiền này vẫn được lưu thông bình thường và được đảm bảo nguyên vẹn về giá trị lẫn tính pháp lý. Vậy, chuyện có lỗi trong in ấn đồng tiền polymer 10 ngàn theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đó chỉ là chuyện nhỏ, không có gì đáng để ầm ĩ cả. Mọi người phải mặc nhiên chấp nhận đồng tiền polymer 10 ngàn đồng có lỗi kể cả khi chưa nhận được lời xin lỗi từ những người có trách nhiệm.
Điều đáng nói là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “ung dung” đưa đồng tiền có lỗi ra lưu hành rộng rãi cho đến khi báo chí lên tiếng thì mới phát hiện ra sự cố. Trong khi, việc in tiền luôn được các nhà nước trên toàn thế giới xem là một trong những chuyện hệ trọng của quốc gia. Hầu hết các kỹ thuật in ấn tiên tiến nhất, những nhà thiết kế, các kỹ thuật viên giỏi nhất đều được huy động cho việc in (hoặc đúc) tiền. Lịch sử về tiền tệ thế giới ghi nhận việc đúc tiền đã xuất hiện hàng ngàn năm trước đây và luôn luôn sử dụng những kỹ thuật tiên tiên nhất của thời đó để tạo ra những đồng tiền mang đậm dấu ấn của nền văn minh đương đại. Đồng tiền đã trở thành một vật phẩm sưu tập, một nhân chứng của lịch sử bên cạnh con tem và nhiều cổ vật khác vốn luôn ghi đậm nét dấu ấn lịch sử khi nó ra đời. Nó không chỉ tác động mạnh mẽ tới đông đảo công chúng với tư cách là một vật chuẩn để trao đổi mà còn để lại dấu ấn với tư cách là một vật phẩm mang tính văn hoá - lịch sử. Do đó, quy trình sản xuất đồng tiền phải luôn luôn là một quy trình chuẩn. Một quy trình bắt buộc phải đòi hỏi cao không chỉ về thiết kế, kỹ thuật, chất liệu mà còn đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của nhà quản lý quy trình.
Vậy thì đồng tiền có lỗi hay con người có lỗi? Đồng tiền có lỗi, nhưng nó vẫn có thể được xem là vẫn đảm bảo tính pháp lý để lưu hành và vẫn giữ nguyên giá trị thanh toán. Nhưng những người có trách nhiệm cao nhất trong quy trình sản xuất đồng tiền này để xảy ra sự cố như vậy, họ cũng là những người có lỗi. Nhân dân, những người phải chấp nhận đồng tiền có lỗi này trên thực tế vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào của người có trách nhiệm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ nhằm giải thích quanh co đổ lỗi cho khâu chế bản và bào chữa cho “cái lỗi không có gì là đáng ầm ĩ”của họ mà chưa thấy nói rõ ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sai sót này?
Cách ứng xử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy sự tùy tiện trong cách quản lý điều hành, kể cả trong các công việc đại sự của quốc gia. Đây cũng chính là căn bệnh trầm kha của bộ máy hành chính công Việt Nam hiện nay. Đó là bệnh tùy tiện. Trong một quy trình chuẩn như quy trình in tiền, khi để xảy ra lỗi (mặc dù không được phép có lỗi trong quy trình này) người ta vẫn có thể viện dẫn ra rất nhiều lý do để buộc mọi người phải chấp nhận sự sai sót đó thay vì trước hết phải đánh giá ngay thiệt hại của sai sót và xem xét trách nhiệm những người có liên quan. Đồng thời phải đánh giá lại quy trình, tổ chức để kiểm tra xem vì sao lại để xảy ra sai sót như vậy, rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Khi đồng tiên polymer 10 ngàn đồng có lỗi dù ở bất cứ góc độ nào Nhà nước và Nhân dân cũng bị thiệt hại. Nếu phải hủy toàn bộ số tiền này để in lại chắc chắn ngân sách lại phải chi một khoản không nhỏ. Nhưng nếu tiếp tục chấp nhận đồng tiền có lỗi cho phép lưu hành, sau này vẫn tiếp tục cho in và phát hành đồng tiền có lỗi, có nghĩa là chúng ta chấp nhận một sản phẩm không chuẩn đi vào đời sống xã hội một cách rất có ý thức. Điều đó cũng có nghĩa là, hệ thống quy chuẩn của Việt Nam trong thời đại ngày nay sẵn sàng chấp nhận những hiện tượng “lệch chuẩn” do sai sót và sự tùy tiện mà không cần phải sửa chữa. Nếu áp dụng triết lý này vào lĩnh vực giao thông, chấp nhận sự “lệch chuẩn” tùy tiện của một số người tham gia giao thông thì chắc chắn tai nạn sẽ gia tăng và sẽ rất thảm khốc. Trên thực tế, hầu hết các tai nạn giao thông đã xảy ra theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ phần lớn do người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông. Ứng dụng sự “lệch chuẩn” tùy tiện vào nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, điều hành bộ máy hành chính quốc gia càng cho thấy tính chất nghiêm trọng của nó vì hậu quả của những sai sót và kiểu điều hành tùy tiện trong lĩnh vực này sẽ mang lại hậu quả khó lường cho đất nước.
Đồng tiền có lỗi và được phép lưu hành là một sự “lệch chuẩn” có nguồn gốc từ thói quen tùy tiện trong quản lý điều hành, trong quan niệm về áp dụng pháp luật của chính con người. Thói quen này cần thiết phải được chấm dứt ngay. Nếu không sự tùy tiện trước sau gì cũng sẽ trở thành một lỗi hệ thống làm suy yếu nghiêm trọng năng lực điều hành của bộ máy công quyền.
15-9-2006

TIẾN SĨ “GIẤY”!

Người Việt vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Tuy nhiên, sự học của người Việt bị ảnh hưởng bởi tư tưởng sính khoa cử, sính bằng cấp do lịch sử hàng ngàn năm để lại quá nặng nề. Đến nay, thói quen tư duy đó vẫn còn là một thực trạng phổ biến trong mục tiêu đi học của nhiều người. Biết làm sao được, khi mà công tác tổ chức nhân sự chính thống của nhà nước hiện cũng vẫn còn thể hiện khá rõ tư tưởng “sính bằng cấp” hơn là coi trọng khả năng thực tế. Chủ trương tiêu chuẩn hóa trình độ cán bộ công chức là chính xác, nhưng khi thực hiện thì chủ trương này thường bị lệch theo hướng tiêu chuẩn hóa trên “bằng cấp” một cách hình thức.
Do vậy, nhu cầu “kiếm” bằng ngày một tăng cao dẫn đến việc “cấp” bằng mỗi lúc một thêm lộn xộn. Trong cuộc tổng kết về tình hình đào tạo sau đại học của Bộ GD-ĐT vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng thạc sĩ, tiến sĩ “giấy” đang trở nên quá phổ biến. Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng phải thừa nhận hiện đang có hàng ngàn tiến sĩ thuộc diện “trình độ yếu”! Nếu đúng như vậy thì đã quá muộn để báo động về chất lượng đào tạo sau đại học của ngành giáo dục Việt Nam.
Có không ít chuyện “tiếu lâm Việt Nam” trong lĩnh vực đào tạo sau đại học chứng tỏ sự buông lỏng trong tổ chức đào tạo và kiểm sóat chất lượng của quy trình đào tạo cao cấp này. Một nghiên cứu sinh cho biết: “Việc cơ quan nhàn rỗi, quan hệ vợ chồng trục trặc, không có gì hay ho nên đi học tiến sĩ cho…vui!”. Có không ít trường hợp học viên đi dự thi đầu vào nghiên cứu sinh mang theo “phao” quay cóp bài bị lập biên bản quả tang. Tưởng đâu đã “trượt vỏ chuối”, không ngờ bẵng đi một thời gian những nghiên cứu sinh đó đã là tiến sĩ. Học sinh phổ thông quay cóp đã đành, tiến sĩ cũng quay cóp khi đi thi đầu vào. Chẳng trách chuyện “xào” luận văn người khác, ăn cắp chất xám của người khác không phải là chuyện hiếm trong quá trình đào tạo sau đại học. Tại một khoa xã hội – nhân văn của trường Đại học sư phạm TP.HCM, một nghiên cứu sinh được Hội đồng chấm luận án yêu cầu sửa đi sửa lại đến hơn chục lần sau mỗi lần bảo vệ thử. Cứ mỗi lần sửa, luận văn lại càng tệ hơn, càng nhiều nội dung quay cóp của người khác hơn khiến cho nhiều vị trong Hội đồng rất thất vọng. Thế rồi cuối cùng không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục yêu cầu sửa chữa nữa, Hội đồng bèn … cho qua và nghiên cứu sinh đó sau một thời gian dài kiên trì nhẫn nại cũng trở thành một vị tiến sĩ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long thừa nhận: Nhiều cơ sở đào tạo đã chạy theo số lượng, tổ chức tuyển sinh chưa nghiêm, chưa ngăn chận được các hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Các điều kiện dự tuyển được xử lý mang tính đối phó với quy chế. Bởi vậy không ít cơ sở đã cho 100% nghiên cứu sinh dự tuyển đỗ cả, không hề có sự sàng lọc.
Đề tài nghiên cứu của các nghiên cứu sinh cũng là một yếu tố bất cập, hầu hết chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành khoa học và thực tiễn. Nhiều đề tài lạc hậu, xa rời thực tế và đáng buồn hơn là các đề tài có tỷ lệ trùng lập nhau rất lớn. Giáo sư Lê Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho biết: “Tôi mới trực tiếp chấm 5-6 luận án thì có đến 2 luận án trùng vào một vấn đề. Như vậy nếu xét một khối lượng luận án lớn hơn thì sự trùng hợp sẽ nhiều đến mức nào?”. Còn ông Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì đã phải thốt lên: “Nhiều đề tài vô bổ quá!”. Thế nhưng có một thực tế đau xót là hầu hết các luận án tiến sĩ như vậy đều được đánh giá xếp vào lọai “xuất sắc”!.
Rõ ràng là hiện các cơ sở đào tạo đang rất lúng túng và dễ dãi trong việc đánh giá nghiên cứu sinh. Nhiều nghiên cứu sinh yếu kém, thậm chí vi phạm quy chế trường thi vẫn được cho qua và hầu hết lại được xếp lọai “xuất sắc” bởi vì chưa có quy chuẩn cụ thể cho việc đánh giá xếp lọai này đảm bảo tính khoa học và không bị chi phối bởi các yếu tố xã hội khác. Nhiều nhà quản lý giáo dục kiến nghị cần phải đề ra các tiêu chí để lượng hóa việc đánh giá luận án tiến sĩ, trả lại cho công tác này đầy đủ tính học thuật của nó. Tránh việc đánh giá theo kiểu hành chính, cảm tính và tùy theo quan hệ xã hội của nghiên cứu sinh như cách làm phổ biến hiện nay.
13-01-2006

MỞ RỘNG CỬA ĐÓN HIỀN TÀI

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Muốn “nguyên khí quốc gia” luôn thịnh vượng thì phải có chính sách phát hiện, đào tạo và sử dụng hiền tài một cách đúng đắn. Sao cho nguồn nhân tài của đất nước mỗi lúc một nhiều lên, luôn phát triển và bền vững. Gần đây trên báo chí và cả trong các văn bản chính thức của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thường thấy xuất hiện những cụm từ đại ý nói về “khủng hoảng nguồn nhân lực”, hoặc “khủng hoảng nhân sự”…Diễn biến công tác tổ chức đảng và chính phủ trong thời gian vừa qua cũng cho thấy hiện tượng khủng hoảng nguồn cán bộ lãnh đạo cao cấp đang là một vấn đề khá nghiêm trọng. Điều này phải chăng là một nghịch lý? Vì Việt Nam hiện có trên 83 triệu dân, là một nguồn nhân lực hùng mạnh vốn nổi tiếng thế giới về khí chất thông minh, tính cần cù và giàu lòng yêu nước mà lại không có đủ hiền tài để lãnh đạo đất nước vươn lên thành con rồng châu Á, sánh vai các cường quốc năm châu.
Đã nhiều năm trôi qua, đất nước ta đang thay đổi theo xu hướng hiện đại, các tổ chức kinh tế - xã hội ngày càng tiếp thu nhanh chóng kho tàng tri thức của nhân lọai trong việc tổ chức và phát huy nguồn nhân lực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho mọi động thái đầu tư của họ. Trong khi đó, một bộ phận quan trọng của xã hội là hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hầu như vẫn được duy trì theo phương thức tổ chức và cách làm nhân sự của hơn nửa thế kỷ trước.
Sự trì trệ đó đã dẫn đến những hậu quả khó lường. Đã có không ít tổ chức đảng và chính quyền bị tê liệt. Không ít quan chức từ trung ương tới địa phương lợi dụng chức quyền và sử dụng Đảng như một bức bình phong để vi phạm pháp luật, tham nhũng, thu lợi bất chính và hà hiếp dân lành. Có những tổ chức đảng nhiều năm liền không phát triển được đảng viên mới vì sự cục bộ, co cụm để chia chác quyền lợi vẫn luôn được công nhận là trong sạch, vững mạnh hàng năm… Ngay cả các tổ chức đảng trong lực lượng sinh viên, học sinh- những trí thức trẻ sẽ nắm tương lai vận mạng của đất nước- việc kết nạp đảng cũng rất là ít ỏi. Vì sao vậy? Phó bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Phong than thở: “Không nên đợi đến lúc người ta tròn đến mức không thể tròn hơn được nữa thì mới kết nạp vào Đảng”. Phải tròn như hòn bi ve (!). Đó có phải là một tiêu chuẩn để vào Đảng không? “Tròn như hòn bi ve”, tất nhiên phải thủ tiêu mọi ý chí đấu tranh và những cải cách sáng tạo, đột phá – những phẩm chất của người tài. Còn nhiều lý do để giải thích hiện tượng phi lý này này xuất phát từ quan niệm về công tác tổ chức đã lỗi thời. Tuy nhiên điều cốt lõi là tinh thần dân chủ vẫn chưa được phát huy trong lĩnh vực này. Công tác tổ chức nhân sự cho những vị trí quan trọng của đất nước có ảnh hưởng tới số phận của tòan dân hầu như lại chưa được sự tham gia của chính nhân dân. Vì vậy những người có quyền quyết định sự hưng vong của đất nước và số phận của dân tộc lại nghiễm nhiên thóat khỏi sự giám sát của quyền lực nhân dân. Bởi vì theo cơ chế hiện nay, Quốc hội tuy được xem là đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân, song cũng chỉ biểu quyết nhân sự chính phủ trên cơ sở danh sách đã được sự đồng ý của Bộ Chính trị.
Tất nhiên người dân không thể đòi hỏi để có thể tham gia quá sâu và trực tiếp vào công tác tổ chức của Đảng. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định là Đảng của toàn dân tộc, là Đảng của nhân dân. Nhưng vì hệ thống Đảng và bộ máy Nhà nước từ rất nhiều năm nay gần như là một bộ máy song trùng. Trên thực tế có hai bộ máy cùng làm những công việc như nhau nhưng người quyết định bao giờ cũng thuộc về tổ chức Đảng. Trước tình hình đó, rất nhiều kỳ Đại hội các đại biểu đã đặt vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước như thế nào? Đó cũng chính là một trong những câu hỏi bức xúc nhất được đặt ra ở Đại hội X vừa qua.
Gần đây, trên diễn đàn Quốc hội và kể cả trong các buổi thảo luận của Đại hội X, có không ít ý kiến đặt vấn đề: Nên chăng Chính phủ có cơ quan gì thì Đảng cũng phải có cơ quan đó hay không? Các bộ trưởng, các quan chức đầu ngành của Chính phủ, của địa phương các cấp có nhất thiết phải là đảng viên hay không? Đây chính là những vấn đề nguyên tắc, vì nếu như không giải quyết được tư tưởng này một cách thích hợp với tình hình và yêu cầu bức xúc của nhân dân thì công tác tổ chức vẫn sẽ như cũ. Vẫn người đi sau dẫm lên dấu chân người đi trước. Tưởng là an tòan, nhưng cách làm đó lại chính là con đường dẫn tới sự suy vong vì không thể động viên được trí tuệ sáng tạo và tính đột phá của những con người tài năng và bản lĩnh. Họ là vốn quý của quốc gia, luôn có mặt trong mọi thời cơ và vận hội của đất nước. Đừng để những vốn liếng qúy giá đó của đất nước bị trôi qua và mai một vì những quan niệm và cách làm đã lỗi thời.
Sự lãnh đạo của Đảng nếu can thiệp quá sâu vào bộ máy hành chính thì nhất thiết sẽ làm giảm thiểu hiệu quả họat động của bộ máy này. Đơn cử, tình hình ở một số đơn vị thuộc bộ máy công quyền sau khi Đại hội X kết thúc sẽ rõ. Theo TS. Lê Đăng Doanh: “Ở một số cơ quan, tâm lý “rã đám” vì thủ trưởng không trúng cử ngoài dự kiến đã ảnh hưởng đến bộ máy, gây tâm lý không tập trung mà không có ai đứng ra để “xốc” lại, duy trì kỷ cương, kỷ luật, đôn đốc công việc. Do bộ máy của chúng ta không phân biệt rành rẽ giữa chính trị gia và bộ máy hành chính nên từ chuyên viên đến cấp phòng, cấp vụ bỗng nhiên đều thấy mình có liên quan, trở nên bâng khuâng và xao nhãng công việc. Ai cũng thấy mình ít nhiều là “chính trị gia” bàn luận việc đại sự, trong khi những việc rất cần thiết lại không lo chu tất. Ở các nước, tổng thư ký bộ hay quốc vụ khanh là công chức chuyên nghiệp, bộ trưởng có thể thay đổi nhưng bộ máy phải làm việc và luôn được tổng thư ký bộ hay quốc vụ khanh (tùy từng nước hay từng bộ) đôn đốc và công việc vẫn chạy đều”.
Nhà báo Thái Duy mới đây đã có một nhận định rất xác đáng: “Không phải ngẫu nhiên, đến Đại hội Đảng X vấn đề sử dụng người ngòai Đảng lại được nhắc đến nhiều vì đó là lối thóat duy nhất để đất nước ta có thể đương đầu với bọn nội xâm, đẩy lui chúng và tập trung mọi hiền tài trong bộ máy nhà nước. Không thể để những người tài kém, đức kém, điều hành lãnh đạo mãi bộ máy nhà nước”.
12-5-2006

“ĐỒNG TÁC GIẢ” HAY “ĐỒNG NẠN NHÂN”?

Trách nhiệm của các chính phủ trước sự hưng vong của quốc gia là phải tạo ra được một môi trường lành mạnh bảo đảm cho sự phát triển của con người một cách tốt nhất. Con người được phát triển đầy đủ các năng lực chính là nguồn sức mạnh vô tận của đất nước.
Giáo dục là một trong những nhân tố chủ yếu góp phần cùng toàn xã hội tạo ra nguồn năng lực vô tận này cho quốc gia. Thế nhưng nền giáo dục Việt Nam nhiều năm qua chưa đáp ứng được đòi hỏi cấp bách của sự phát triển. Sự yếu kém của ngành giáo dục đang thực sự là vấn nạn của Chính phủ cũng như của mọi gia đình Việt Nam.
Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận nhưng ông cho rằng để góp phần vào sự yếu kém đó của ngành giáo dục còn có hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân là “đồng tác giả”. Theo ông, chính vì có hàng triệu gia đình muốn con em mình có điểm cao (hơn thực chất), sẵn sàng đóng tiền “bồi dưỡng” các thầy cô để các em đuợc điểm thi cao bằng mọi cách thì mới có bệnh thành tích ở quy mô lớn và “bền vững”, chống mãi không được như vậy. Muốn chống lại bệnh này trước hết các bậc phụ huynh và học sinh phải kiên quyết từ chối việc thi cử, đánh giá học sinh bằng điểm thi cao hơn khả năng thuộc về các em.
Thực ra, phải thấy rằng hàng triệu gia đình và phụ huynh chính là “đồng nạn nhân” của ngành giáo dục thì đúng hơn. Các bậc phụ huynh không có một lựa chọn nào khác là phải gởi con đến trường khi con của họ đến tuổi đi học. Họ có thể từ chối một bao thuốc lá nhập lậu nhưng họ không thể từ chối trường học cho con cái của họ. Trong thực tế, một thiểu số gia đình có đủ khả năng để từ chối hệ thống trường học trong nước và gởi con ra nước ngoài hoặc một số trường tiêu chuẩn quốc tế trong nước để tiếp thu một nền giáo dục mà họ nhận thấy là tốt hơn cho con cái của họ. Nhưng không phải ai cũng có khả năng đó. Và khi họ phải gởi con vào các trường thì họ phải chấp nhận “luật chơi” của ngành giáo dục nói chung và của từng địa phương thậm chí của từng trường học và từng giáo viên nói riêng. Trong “luật chơi” này, phụ huynh và học sinh luôn ở thế bị động. Vì họ không phải là người làm ra luật, họ chỉ có một lựa chọn là phải tuân theo những quy định đôi khi rất phi lý và thậm chí không đúng pháp luật của các nhà trường. Tình yêu thương (có thể là mù quáng) đã khiến cho họ không thể “hy sinh” con cái mình cho một cuộc đấu tranh nào đó dù là nhỏ nhất với những người đang quyết định số phận con cái của họ.
Sự yếu kém của ngành giáo dục Việt Nam thể hiện ngay trong những mục tiêu mà nó hướng tới: học để lấy bằng cấp, chứ không phải học để hiểu biết và quan trọng hơn là học để làm việc. Do vậy, nhiều năm qua các học sinh Việt Nam sống chết gì cũng phải bằng mọi giá vào đại học. Không vào được đại học thì coi như mọi con đường tiến thân đều bế tắc (!). Các cuộc thi cử cuối cùng để nhắm vào việc lấy được mảnh bằng còn trình độ, khả năng thực tế ra sao cũng được kể cả việc học xong có bằng cấp đàng hòang nhưng không có khả năng để làm việc. Mấy ngày qua chúng ta đã chứng kiến cảnh các sĩ tử đi thi đại học kèm theo là đông đảo các vị phụ huynh lo lắng, chờ đợi chen kín các cổng trường thi bất kể nắng mưa, gió bụi. Sự quan tâm đặc biệt của họ vào kỳ thi tuyển sinh đại học chứng tỏ quan niệm về mục tiêu của việc học cuối cùng là đây, là hướng tới bằng cấp và sự tiến thân của con cái từ những bậc thang đó.
Mong muốn những điều tốt đẹp cho con cái là lẽ tự nhiên của bậc làm cha mẹ. Kể cả những cách thức mà đôi khi lương tri mách bảo rằng không nên làm như vậy. Nhưng chính ngành giáo dục đã hoạch định cho họ con đường duy nhất để đi đến đích mau chóng là phải biết tranh thủ.
Bộ máy quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên trên thực tế đã tạo ra một luật chơi không công bằng, phụ huynh lẫn học sinh không có lựa chọn nào khác là phải tuân theo. Học sinh không thể không theo học thêm ở các thầy cô giáo chỉ giảng 1/3 chữ trên lớp chính còn 2/3 chữ thì giảng tại các buổi học thêm. Tình trạng chạy thầy, chạy điểm không chỉ diễn ra trong phạm vi học sinh, sinh viên chính quy mà kể cả cán bộ công chức đi học tại chức để kiếm bằng cấp cho chiếc ghế đang ngồi hoặc cho chiếc ghế cao hơn. Thậm chí trong các khóa bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên cũng xảy ra quay cóp, chạy điểm, gian lận trong thi cử một cách công khai….
Ở tầm vĩ mô hơn, có không ít dự án quốc gia nhằm nâng cao chất lượng giáo dục được triển khai bằng vốn ODA và trái phiếu giáo dục (là những khỏan tiền vay mượn phải trả khi tới hạn) lên đến hàng trăm triệu USD nhưng cách điều hành và hiệu quả của nó luôn là những nghi vấn lớn. Chẳng hạn như dự án xóa mù chữ và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cho các vùng khó khăn triển khai từ 2003 với mức dự chi là 244 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới. Hiệu quả thế nào chưa thấy tổng kết nhưng tình trạng mù chữ và trẻ em trong độ tuổi không đến trường hiện đang có nguy cơ tăng lên. Thông tin trên báo chí gần đây cho biết tại một số địa phương, nhiều trẻ em được phổ cập tiểu học theo kiểu tập trung thi cử qua loa rồi cấp bằng, trong khi chính các em còn không viết được tên của mình. Một khi đã dựng lên dự án và nhận được nhiều tiền thì cuối cùng phải cần có “thành tích” để báo cáo chứ? Dù đó có là “thành tích ảo”. Nếu không thì giải thích làm sao với các khỏan tiền “thật” đã được chi ra.
Nếu như ngành giáo dục không tự mình thay đổi thì không thể có chuyện phụ huynh hoặc học sinh sẽ làm một cuộc cách mạng nhằm hoàn thiện hóa ngành giáo dục được. Họ chỉ là “đồng nạn nhân” của những trì trệ và yếu kém của chính ngành giáo dục trong rất nhiều năm qua mà thôi.
07-7-2006

GIÁO DỤC XUỐNG CẤP KHÔNG PHẢI VÌ NGHÈO

Chất lượng giáo dục của Việt Nam hiện đang được đánh giá trong các báo cáo chính thức cũng như trong dư luận xã hội là “đang xuống cấp nghiêm trọng”. Trong khi, tri thức lại chính là một trong những động lực hàng đầu thúc đẩy sự tăng tốc phát triển của thời hiện đại. Tại một cuộc hội thảo bàn về chất lượng giáo dục do chính Bộ GD-ĐT tổ chức, có đại biểu bức xúc cho rằng: “Giáo dục của chúng ta đang hỏng, không phải có tính chất cục bộ mà hỏng trong tòan hệ thống!”. Theo cách hiểu của nhiều người, chất lượng giáo dục Việt Nam bị suy thóai nghiêm trọng là do ta nghèo, đầu tư quá ít tiền. GS Hòang Xuân Phú, Viện Tóan học, bức xúc: “Con em chúng ta không có tiền học giáo dục thể chất trong khi một số nhà lãnh đạo có tiền chơi golf”. GS Hồ Ngọc Đại nhận xét ngược lại: “Tổng số tiền ngành giáo dục thu được hiện nay rất lớn. Tiền của người học, nhưng người học không được đối xử đúng”. GS Nguyễn Xuân Hãn cung cấp những con số cụ thể làm mọi người ngạc nhiên hơn: “Mỗi năm, ngành giáo dục có tới 4 tỷ USD. Từ năm 1996 đến 2003, số lượng HSSV chỉ tăng gần 4 triệu em (từ 18,3 triệu lên 22 triệu) nhưng kinh phí đầu tư cho giáo dục thì tăng gấp 4 lần (từ 8.100 tỷ lên 30.000 tỷ đồng). Ấy là chưa kể khỏang 900 triệu USD vay nước ngòai và tiền thu của dân (khỏang 50% tổng chi phi cho giáo dục). Đây là những con số của Ngân hàng thế giới”. GS Hãn cho biết thêm: “Số tiền dành cho việc làm sách giáo khoa mỗi năm khỏang 100 triệu USD nhưng hiện trạng sách giáo khoa thường xuyên bị chỉnh lý và chuyện HSSV thiếu sách cứ liên tiếp diễn ra. Việc này không phải do số tiền 100 triệu USD là ít ỏi mà chính là do cách làm. Thậm chí làm theo Thái Lan trong khi chuyên gia của họ đã cảnh báo là họ làm sai, ta vẫn cứ làm sai theo họ”. Theo GS Hồ Ngọc Đại, chất lượng giáo dục thấp là do cải cách giáo dục của ta lần nào làm cũng sai.
Sau khi “bắt bệnh” ba khối u của ngành giáo dục (sách giáo khoa nặng nề, thi cử và học thêm dạy thêm tràn lan), GS Hòang Tụy đã đề xuất nhiều biện pháp “giải phẫu”, trong đó có biện pháp tăng lương cho giáo viên. Tuy nhiên, theo GS Hòang Xuân Phú, việc tăng lương không phải là giải pháp khả thi bởi hiện nay lương giáo viên trong hệ thống thang bảng lương không phải là thấp và hiện lương ngành giáo dục chiếm hơn nửa tổng lương hành chính sự nghiệp. Nhiều ý kiến đồng tình, tăng lương cho ngành giáo dục không giải quyết cơ bản việc nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, không phải do ít tiền mà chất lượng giáo dục nước ta đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng!
TS Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc, mới đây công bố những con số thống kê liên quan tới ngành giáo dục Việt Nam khiến người ta phải giật mình. Theo đó chi tiêu cho giáo dục Việt Nam từ 2000-2005 là con số rất lớn so với thu nhập của người dân và thu nhập cả nước. Cụ thể chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam năm 2005 chiếm 8,3% GDP, vượt cả Mỹ chỉ có 7,2% (Pháp 6,1%, Nhật 4,7%). Trong chi tiêu trên, dân các nước phát triển cao chi trả 20%, còn dân Việt Nam phải chi trả tới 40%, phần còn lại do nhà nước chi trả. Có người cho rằng cần phải so sánh dựa trên chi phí tính bằng USD và như thế chi phí cho một HS Việt Nam rất thấp. Nhưng điều này không hợp lý vì các nước có trình độ phát triển khác nhau. Chỉ so sánh dựa trên khả năng chi phí của nền kinh tế mới có giá trị phân tích: đó chính là tỷ lệ chi phí trên GDP.
Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục cao như thế, nhưng một điều đáng lo lắng lại đang diễn ra là số HS tiểu học, cơ sở đang có xu hướng bỏ học ngày càng nhiều. Theo Bộ GD-ĐT, số HS tiểu học đang giảm từ 9,7 triệu (năm 2000) xuống 7,8 triệu (năm 2004) trong khi dân số vẫn tăng. Phải chăng dân nghèo không đủ sức gởi con đến trường hay vì nguyên nhân nào khác?
Dựa vào chi phí cho giáo dục ở Việt Nam như trên và dựa vào tỷ lệ 62,3% chi phí thường xuyên cho giáo dục là để trả lương (thống kê của Việt Nam), theo TS Vũ Quang Việt, thu nhập của giáo viên tính một cách bình quân có thể lên tới 31 triệu đồng một năm vào năm 2004 gấp hơn 2 lần lương nhận chính thức. Năm 2005, lương giáo viên có thể lên tới 38,5 triệu đồng. Trên thực tế thì giáo viên không nhận được thu nhập cao như thế từ phía nhà nước (mặc dù thu nhập thực tế có thể cao hơn như thế). Vậy thì phần chênh lệch bị rơi vãi ở đâu? Nếu phân tích thêm những lĩnh vực đầu tư khác của ngành GD-ĐT thì hiện tượng này cũng không ít hơn.
Những con số “biết nói” trên càng củng cố cho nhận định không phải vì tiền ít mà chất lượng giáo dục của Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng. Trên thực tế tỷ lệ đầu tư vào giáo dục của ta rất lớn so với GDP và so với các nước phát triển cao như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc…thế nhưng do việc quản lý, tổ chức hệ thống giáo dục bất hợp lý một khỏang đầu tư không nhỏ đã không đi đến đích, hoặc không phát huy được hiệu quả và trở thành lãng phí, thất thóat. Như vậy, liệu có thể trở lại với ý kiến: “Giáo dục của chúng ta đang bị hỏng, không phải có tính chất cục bộ mà hỏng trong tòan hệ thống”, để kết luận vấn đề không?
14-02-2006

CHI TIÊU ĐÚNG ĐỂ CHẤN HƯNG GIÁO DỤC

Đã bắt đầu một năm học mới. Cũng là thời điểm mà ngành giáo dục Việt Nam đang gặp phải nhiều “sự cố” nhất từ trước đến nay. Thực ra, những tiêu cực gần đây của ngành giáo dục không phải là quá mới lạ, hay quá cá biệt. Chúng chỉ là một phần rất nhỏ vừa nhô lên của tảng băng khổng lồ vốn đã tích tụ từ rất nhiều năm qua.
Trên diễn đàn công khai gần đây cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến rất tâm huyết bày tỏ lòng khao khát chấn hưng nền giáo dục nước nhà và xem đó như là mệnh lệnh cấp thiết của cuộc sống. Nếu như chúng ta thực sự muốn đất nước thoát ra khỏi lòng luẩn quẩn đói nghèo - lạc hậu và mãi mãi kém phát triển.
“Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” là một bước đột phá rất đáng hoan nghênh của ngành giáo dục. Đồng thời thể hiện rất rõ quyết tâm của vị Tân Bộ trưởng mong muốn thực hiện một sự thay đổi về chất trong công tác của toàn ngành. Tuy nhiên, giáo dục cũng chỉ là một hệ thống con trong toàn bộ hệ thống xã hội. Giáo dục cũng phải chịu sự chi phối nghiệt ngã của các quy luật xã hội. Một khi hệ thống lớn vẫn còn không ít lỗi cơ bản thì sự vận hành của hệ thống con hẳn sẽ rất khó khăn để có thể tự mình “lột xác” được. Nói như vậy để thấy rằng nếu muốn làm một cú đột phá thay đổi về chất của hoạt động giáo dục cần có sự tham gia của toàn xã hội. Tất nhiên, đó là sự tham gia tích cực theo chiều hướng lành mạnh chứ không thể tiếp tục sự tham gia thụ động theo kiểu “chạy trường, chạy thành tích, chạy bằng cấp, chạy dự án” nhà trường – gia đình và xã hội vừa là “đồng tác giả, vừa là đồng nạn nhân”… như trước đây.
Cũng cần thấy rằng các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở Việt Nam trong những năm qua là không nhỏ. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc, đã từng đưa ra những con số về chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam khiến cho nhiều người phải giật mình. Theo đó, chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam từ năm 2000-2005 là con số rất lớn so với thu nhập của người dân và thu nhập cả nước. Cụ thể chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam năm 2005 chiếm 8,9% GDP (vượt cả Mỹ chỉ có 7,2%, Pháp 6,1%, Nhật 4,7%). Trong chi tiêu trên, dân các nước phát triển cao chỉ phải trả khoảng 20%, trong khi dân Việt Nam phải chi trả từ 40-50% , phần còn lại do nhà nước chi trả. Gần đây, các phụ huynh ở TP.HCM sẵn sàng chi từ 2.000USD trở lên để “chạy” một chỗ học cho con tại trường PTTH chất lượng cao Lê Quý Đôn cũng đã phần nào chứng minh được khả năng chi tiêu cho giáo dục của dân chúng. Điều đáng buồn là kiểu “chi tiêu” đó chỉ làm cho giáo dục Việt Nam thêm tiêu cực và trì trệ.
Về phía nhà nước, việc quản lý nguồn chi cho giáo dục cũng chưa phải là hoàn hảo. Các nhà quan sát cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục hiện có không ít các dự án đang vận hành tiêu cực không thua gì PMU-18 của ngành GTVT. Dư luận đã từng lên tiếng về các dự án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, dự án xoá mù chữ trở lại và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cho các vùng khó khăn… mỗi dự án “ngốn” hàng trăm triệu USD tiền vay mượn của nước ngoài (tuy là vay ưu đãi, nhưng vẫn là nợ phải trả) được “phân phối” cho những cán bộ cao cấp của Bộ GD&ĐT quản lý và thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm một cách tùy tiện. Rất nhiều PMU mẹ, PMU con, PMU biến tướng đủ kiểu đã mọc lên như nấm trong quá trình thực hiện các dự án hàng trăm triệu USD này. Đến nay, ngành giáo dục Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra được một đánh giá chính thức nào về kết quả thực hiện các dự án nói trên.
Việc sử dụng tùy tiện kinh phí của các dự án nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian qua càng được minh chứng hùng hồn hơn trong trường hợp của ông cựu bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển khi ông được đề án đào tạo cán bộ tại nước ngoài của ngành giáo dục (đề án 322) cử đi du học tại Anh và được thanh toán bằng tiền nhà nước. Quyết định cử ông Hiển đi học tiếng Anh tại vương quốc Anh bằng kinh phí của đề án 322 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung phê duyệt. Trong bốn tháng học tiếng Anh, ông Hiển được nhận mức học bổng 860 USD/tháng và toàn bộ khoản học phí 2.000 bảng Anh cũng do đề án 322 chi trả. Ngoài ra, trong một tháng cuối cùng công tác tại Anh, ông Hiển sẽ được nhận công tác phí khoảng 3.000 USD, chủ yếu để chi trả tiền chỗ ở trong thời gian ở Anh. Đây được xem là trường hợp cá nhân duy nhất được đặc cách sử dụng kinh phí của đề án 322 từ khi đề án được triển khai. Được biết, yêu cầu về độ tuổi của đối tượng tham gia đề án tối đa là 50, trong khi ông Hiển đã 59 tuổi.
Chi tiêu cho giáo dục theo kiểu như thế này thì biết đến bao giờ mới có người hiền tài để chấn hưng giáo dục Việt Nam đây? Chưa nói đến chuyện lựa chọn cán bộ được đào tạo ở nước ngoài như thế liệu họ có thể làm được gì cho dân cho nước! Tiền dự án, tiền vay mượn của nước ngoài, tiền ngân sách nhà nước… phải chăng có thể trở thành “bổng lộc” để các quan thoải mái chia chác cho nhau?
08-9-2006

CÓ VAY CÓ TRẢ

Nhà nghèo phải vay nợ bên ngòai để đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển vững chắc trong tương lai là chuyện ai cũng hiểu và chấp nhận được. Ở cấp độ quốc gia, việc vay vốn nước ngòai cũng phải được thực hiện trên tinh thần ấy. Tức là cần phải đảm bảo được tính hiệu quả của nguồn vốn vay trên cơ sở mang lại những lợi ích và quyền được phát triển của người dân. Chính vì vậy mà “Thông cáo Hà Nội” tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm 2005 đã đưa ra một định nghĩa về tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi (ODA), đó là “tạo đầu ra (lợi ích gặt hái được) tốt nhất so với đầu vào (vốn vay), tạo được tác động giảm nghèo có thể đo lường được”. Trên cơ sở coi trọng tính hiệu quả và những hành động thực tế hơn là các tuyên bố hòanh tráng, hầu hết các nhà tài trợ và các ngân hàng quốc tế đã mạnh mẽ yêu cầu phía Việt Nam cần cải thiện công tác mua sắm và quản lý nguồn vốn vay ưu đãi. Bởi không phải họ đã không nhìn thấy các tổ chức “có vấn đề” kiểu PMU chẳng hạn. Thậm chí họ còn hiểu rất rõ rằng vì quyền lợi “thâm căn cố đế” của mình mà các bộ chủ quản sẽ không mặn mòi gì trước đề nghị lọai bỏ PMU.
Chuyện gì phải đến rồi cũng đã đến, câu chuyện PMU 18 và những câu chuyện khác tương tự trong Bộ GTVT - nơi đang sử dụng phần lớn nguồn vốn ODA, khiến mọi người bàng hòang nhận ra rằng đã có không ít “lỗ kim” trong khâu quản lý nguồn vốn này đủ lớn để cho “cả đòan lạc đà” chui lọt.
Mới đây, Ngân hàng thế giới (WB) đã gởi một nhóm làm việc tới Việt Nam để rà sóat lại các dự án của WB do PMU 18 quản lý nhằm kết luận 3 vấn đề: Thứ nhất, vốn vay có được sử dụng đúng mục đích không? Thứ hai, các dự án có được triển khai tốt không? Và thứ ba là chất lượng các công trình. Theo ông Klaus Rohland – Giám đốc WB tại VN – đây chính là cơ hội của Chính phủ Việt Nam để đối mặt với sự việc và đưa ra các hành động kiên quyết, không phải nhằm làm yên lòng các nhà tài trợ mà quan trọng hơn là tạo niềm tin cho người dân Việt Nam.
Bởi vì người dân không thể yên lòng khi họ biết rằng nguồn vốn vay nước ngòai nhằm mục tiêu phát triển đất nước mà họ và nhiều đời con cháu sẽ phải trả đủ đã và đang được quản lý, sử dụng thiếu minh bạch mà hậu quả nhãn tiền là hàng lọat các công trình kém chất lượng, hàng lọat vụ tham ô, tham nhũng gây thất thóat nghiêm trọng đã xảy ra… như ở PMU 18 của Bộ GTVT. Quan ngại hơn, bởi không chỉ có 1 PMU 18, theo điều tra của WB, hiện có khỏang 1.000 PMU tại Việt Nam có liên quan tới vốn ODA.
Khiếm khuyết và bất cập của các tổ chức PMU giờ đây đã rõ, trách nhiệm và tội lỗi của những người trực tiếp liên quan đang được cơ quan chức năng đánh giá và kết luận. Thế nhưng, PMU ra đời và tồn tại trong rất nhiều năm không phải tự thân nó. Cần phải xem xét trách nhiệm của tòan hệ thống quản lý có liên quan tới PMU. Có thể nói PMU là một cơ chế siêu quyền lực, nhưng tự thân nó không thể có được quyền lực như thế, nếu như các cơ chế giám sát, kiểm tra của Đảng và Nhà nước có hiệu lực trong các tổ chức này. Vậy cần phải xem xét cái gì đã mang lại cho PMU khả năng “siêu quyền lực” như vậy?
Gần đây có thông tin WB, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà tài trợ đánh giá nợ ODA của Việt Nam vẫn nằm trong vòng an tòan. Việt Nam đã bắt đầu trả nợ ODA cho các nhà tài trợ cả gốc lẫn lãi và Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam đã trả nợ đúng hạn. Hiện nguồn vốn vay ODA của Việt Nam chỉ chiếm khỏang 17% vốn đầu tư ngân sách và 11% tổng đầu tư tòan xã hội. Theo đánh giá của WB thì tỷ lệ này là không lớn so với nhiều nước đang phát triển khác. Vì vậy trong thời gian tới Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng nguồn vay ODA.
Nước Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đổ nát, hoang tàn rất cần vốn vay ưu đãi của nước ngòai để xây dựng lại nền kinh tế. Mặc dù nhu cầu vốn rất lớn nhưng người Nhật vẫn luôn tìm mọi cách để huy động nguồn nội lực, hạn chế đến mức thấp nhất nguồn vốn vay bên ngòai nên lúc vay nợ nước ngòai nhiều nhất (1958) số tiền cũng chỉ chiếm có 5% tổng vốn đầu tư của tòan nền kinh tế. Năm 1964, Nhật trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OEDC), một tổ chức của các nước công nghiệp tiên tiến, chưa đầy 20 năm sau chiến tranh. Dĩ nhiên trong quá trình đó, Nhật đã trả hết nợ nước ngòai.
Vay nợ để phát triển là cần thiết, nhưng phải luôn nhớ mình là con nợ và phải biết huy động nội lực cũng như kiểm sóat được quy trình vận hành của vốn vay để đảm bảo đường đi của chúng là minh bạch, đảm bảo mang lại lợi ích và quyền được phát triển của người dân. Bởi đơn giản “có vay thì có trả” mà phải trả bằng những lợi ích gặt hái được từ nguồn vốn vay đó. Như thế người dân mới có thể yên lòng vì biết rằng chúng ta là những con nợ lành mạnh và đáng tin cậy.
07-04-2006

GƯƠNG SÁNG CỦA DÂN

Lần nọ, Thánh Gandhi (vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Ấn Độ) đến nói chuyện với những người nông dân miền Nam. Khi Ngài vừa kết thúc câu chuyện, một phụ nữ tay dắt một bé gái đến xin phép được gặp vị thánh vô cùng yêu kính của bà. Sau lời thăm hỏi trân trọng, bà bày tỏ sự mong muốn Thánh Grandhi ban cho bà và đứa cháu gái một ân huệ nhỏ. Bà nói: “Thưa Ngài, xin Ngài vui lòng khuyên cháu gái của con rằng nó đừng ăn kẹo nữa vì ăn kẹo sẽ làm hỏng hết những cái răng xinh đẹp của nó. Con sẽ rất biết ơn, nếu Ngài sẵn lòng giúp con vì con biết nó sẽ ngay lập tức nghe theo lời của Ngài”. Thánh Gandhi đồng ý: “Mười ngày sau bà hãy đưa cháu bé đến đây và ta sẽ nói những điều mà bà mong muốn với cháu”. Người phụ nữ vui mừng cáo lui.
Mười ngày sau, bà đưa cháu gái đến đúng hẹn. Thánh Gandhi thực hiện lời hứa, Ngài âu yếm nói với bé gái rằng cháu không nên ăn kẹo nữa vì kẹo sẽ làm hỏng hết hàm răng xinh đẹp. Cháu bé với gương mặt rạng rỡ, rối rít cảm ơn vị thánh mà nó hằng yêu kính và hứa với Ngài rằng nó sẽ chấm dứt ngay việc ăn kẹo theo lời khuyên chân tình và chí lý của Ngài. Người phụ nữ hết sức mừng vui chứng kiến cảnh đứa cháu gái phủ phục tuân theo lời của Thánh Gandhi. Trước khi cáo từ, bà ngần ngại hỏi: “Thưa Ngài, chỉ một lời khuyên đơn giản như vậy, sao Ngài lại phải hẹn con tới mười ngày sau?”. Thánh Gandhi cười giải thích: “Bởi vì mười ngày trước ta cũng còn…ăn kẹo!”.
Câu chuyện có thể chỉ là một giai thoại, song nó cho thấy một lãnh tụ có thể trở thành một vị thánh trong lòng nhân dân khi người ấy luôn biết tự mình làm một tấm gương sáng cho nhân dân. Trong trường hợp này, dẫu chỉ là một lời khuyên nhỏ cho một cháu gái nhỏ nhưng Thánh Gandhi đã phải tự mình chiến thắng nhu cầu của bản thân bằng cách kiên quyết bỏ kẹo trong vòng mười ngày trước khi đưa ra lời khuyên với cháu bé. Nó cũng chính là tinh thần mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu kết thúc Hội nghị lần thứ ba BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X tuần qua: “Muốn cho các cấp “nói thì phải làm”, trước hết từng đồng chí Uỷ viên trung ương chúng ta phải gương mẫu. Mỗi đồng chí Uỷ viên trung ương Đảng và gia đình mình phải là tấm gương trong xã hội về cuộc sống trong sạch và liêm khiết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam cũng chính là tấm gương sáng về cuộc sống trong sạch và liêm khiết. Nhà báo Thái Duy kể, thời kháng chiến đường xá ở đâu cũng xấu, nhiều ổ gà, ôtô Bác dùng đã cũ, tổ chức yêu cầu đổi xe mới vì Bác đã ngoài 75 tuổi, xe sốc rất hại sức khoẻ người già. Bác nhất định không nhận xe mới. Xe cũ nhưng mỗi lần hỏng, chữa lại vẫn đi được thì không được bỏ. Bác biết nếu xe còn dùng được đã bỏ, cán bộ khác sẽ làm theo nên dù sức khoẻ rất là cần thiết nhưng với Bác trên hết vẫn là phẩm chất, là người lãnh đạo càng cao càng phải nêu gương sáng, nói ít làm nhiều, nói được thì làm được.
Các Uỷ viên trung ương Đảng và gia đình của họ phải là tấm gương sáng trong xã hội về cuộc sống trong sạch và liêm khiết là điều hết sức quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với vai trò là đảng cầm quyền, là đảng lãnh đạo thì đòi hỏi này càng trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Nó không còn là chuyện riêng của đảng cầm quyền mà thực sự gắn liền với số phận của dân tộc và tương lai của đất nước. Bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta trong việc sử dụng xe không đơn giản chỉ là bài học về sự tiết kiệm, chống lãng phí mà còn là một bài học lớn về tính trung thực, tính tiên phong gương mẫu của người lãnh đạo. “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, bài học cổ xưa vẫn còn chưa hết tính thời sự. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các quan chức trong bộ máy thanh tra chính phủ gần đây bị phát hiện có nhiều hành vi tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật hàng loạt khiến cho công luận phải nẫu lòng. Những người đứng đầu đã không giữ vững được chính khí của mình, không giữ được giềng mối, cơ chế công minh liêm chính trong bộ máy do mình lãnh đạo thì tất yếu sẽ tạo ra môi trường tốt cho cấp dưới hư hỏng.
Vẫn với tinh thần “nói thì phải làm”, nói rất hay, rất đúng thì cũng cần phải làm cho tới nơi tới chốn, cho ra kết quả mới thôi. Muốn như vậy thì phải có cơ sở để thi hành những điều đã nói. Đồng thời cũng phải có cơ chế để kiểm tra, giám sát lời nói có đi đôi với việc làm hay không? Gương muốn sáng thì phải luôn được giữ gìn, luôn được lau chùi cẩn trọng không để một hạt bụi nào có thể bám được vào. Tự dọn mình sạch sẽ hàng ngày là việc mà các nhà lãnh đạo phải làm nếu muốn trở thành tấm gương sáng cho nhân dân. Đừng để đến lượt nhân dân giám sát và phát hiện trên một vài tấm gương vẫn còn khá nhiều bụi bặm và cả những vết bẩn khó lau chùi thì thật là khó ăn khó nói và quan trọng hơn khó còn được dân tin. Nhân dân nào cũng mong muốn các nhà lãnh đạo của mình là những tấm gương sáng. Vì nếu các nhà lãnh đạo nói và làm được như những tấm gương sáng, thật là phúc cho dân cho nước biết bao.
04-8-2006

TRƯNG CẦU Ý DÂN

Năm ngóai, trong một hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ông Phạm Thế Duyệt – Chủ tịch Đòan Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam đã chỉ ra một nghịch lý là việc thực hiện quy chế dân chủ ở các xã, phường, thị trấn làm tốt hơn ở nơi “hiểu biết nhiều, lý lẽ nhiều” là các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc rằng nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở các tổng công ty lớn của nhà nước có phần do việc lơi lõng thực hiện quy chế dân chủ.
Theo các nhà chuyên môn, mặc dù quy chế dân chủ cơ sở có quy định những việc dân bàn và trực tiếp quyết định, nhưng những quy định này vẫn còn mang tính chất manh mún và quan trọng hơn là phần lớn chưa có tính khả thi. Do vậy, có những việc phải để cho dân bàn, dân quyết, dân kiểm tra nhưng dân không hề biết vì không được thông báo. Không biết, không có thông tin thì làm sao người dân có thể thực hiện quyền dân chủ của mình. Như vậy, dân chỉ có thể thực hiện quyền làm chủ của mình trong tư thế bị động. Cho nên không ít cơ sở cố tình lơ là với quy chế này hoặc chỉ làm chiếu lệ, nhớ thì làm, không nhớ thì thôi, rồi cũng hòa cả làng. Thế nên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt bức xúc: “Tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất, còn khỏang cách rất lớn giữa nói và làm, giữa nghị quyết và hành động”.
Về phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An từng nhận xét: “Nói như thế là bị động, là siêu hình, là mơ hồ! Dân chủ, quan trọng là dân đề xuất, dân bàn, dân quyết! Tôi đi New Zealand thấy đại biểu QH ở đó bám dân ghê lắm! Chỉ mỗi việc thay tấm thảm tòa nhà QH đã dùng được 40 năm cũng phải trưng cầu dân ý”. Trong khi đó ở Việt Nam, Hiến pháp từ năm 1946 đã có quy định về trưng cầu dân ý nhưng hầu như chúng ta chưa bao giờ sử dụng tới. Trên thực tế việc trưng cầu dân ý ở Việt Nam cũng chưa hề được thể hiện cụ thể bằng một luật riêng và cũng chưa trở thành một tập quán xã hội, một thói quen sinh họat chính trị lành mạnh của một xã hội dân chủ, văn minh. Nhà sử học Dương Trung Quốc có lần kể câu chuyện về mối quan hệ giữa di sản và phát triển liên quan tới vấn đề dân chủ khi mà chính quyền muốn vượt lên trên dư luận để bảo vệ bằng được kế họach đầu tư của mình. Ông nói: “Chúng ta đã để một thời gian không quan tâm dẫn đến việc đánh mất quá nhiều di sản, từ đó gây ra sự cực đoan từ nhiều phía và mất niềm tin lẫn nhau. Thực tế đó là mầm mống cho việc "nhân danh". Chính quyền và các chuyên gia đều nói "Nhân danh cho nhân dân" nhưng thử hỏi ai trong họ đã trực tiếp hỏi ý kiến người dân về những công trình liên quan đến di sản”. Trong các sinh họat chính trị - xã hội khác của Việt Nam nhiều năm qua chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp không ít tình huống tương tự câu chuyện “nhân danh cho nhân dân” của ông Quốc.
Mới đây, cũng trên mục Thời Luận (báo Đại Đoàn Kết), nhà báo Thái Duy đã đề nghị Đảng công bố công khai trên báo chí danh sách những người ứng cử vào BCH Trung ương sẽ bầu tại ĐH X để tòan dân được biết. Đây cũng là một hình thức trưng cầu dân ý đối với một công tác quan trọng vào bậc nhất của một đảng luôn khẳng định lập trường là Đảng “của dân, do dân và vì dân” – công tác cán bộ. Nếu dân không được thông tin, không được biết cụ thể về các ứng cử viên để “bàn và kiểm tra” thì làm sao Đảng có đủ cơ sở để đánh giá mức tín nhiệm của nhân dân đối với những cán bộ này.
Khi chúng ta chưa luật hóa, chưa “chuyển tải” các qui định của Hiến pháp về việc trưng cầu dân ý vào thực tiễn của đời sống chính trị - pháp lý, thì có thể nói rằng việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta còn hạn chế. Do đó, khi khẳng định chủ trương mở rộng dân chủ trực tiếp để chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta thực sự là “của dân, do dân và vì dân” thì việc xây dựng Luật trưng cầu dân ý, tiến hành trưng cầu dân ý thường xuyên tạo thành một tập quán xã hội là có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta hiện nay. Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X vừa qua đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngòai nước. Trong đó có nhiều ý kiến rất khác biệt, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra sôi động hiện vẫn chưa có hồi kết. Nếu những vấn đề liên quan tới định hướng và tương lai của đất nước vẫn chưa ngã ngũ, chưa đủ thực tiễn cũng như lý luận để giải quyết tại sao chúng ta không hỏi ý dân? Không ai phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân. Đây là ưu thế tuyệt đối của dân chủ trực tiếp so với dân chủ đại diện. Điều đó sẽ góp phần thực hiện định hướng chung của Đảng và Nhà nước là chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân và hợp lòng dân. Bởi vì hầu hết các cuộc trưng cầu dân ý đều phát huy được ý nghĩa to lớn, đó là phản ánh ý chí của nhân dân, cũng như nó đang và sẽ xảy ra trong đời sống chính trị của nhiều nước, nhiều khu vực, và xu thế đó, có lẽ sẽ ngày càng rõ nét hơn trên thế giới.
24-3-2006

MINH BẠCH HÓA CÔNG TÁC CÁN BỘ

Trong bài phát biểu (được cho là cuối cùng trước khi từ nhiệm) trước Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng nhiều yếu kém của bộ máy công quyền đã chậm được khắc phục để lại hậu quả lâu dài, nghiêm trọng. Nguyên nhân lớn nhất, theo Thủ tướng, là do công tác cán bộ chậm đổi mới. Thủ tướng nhấn mạnh: “Công tác cán bộ chậm đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến mọi sai lầm trong công tác. Chúng ta chưa tìm ra được một cơ chế hoặc không đủ mức độ để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài mặc dù dân tộc Việt Nam không thiếu những con người tài năng và tâm huyết với nước với dân trong Đảng và kể cả ngoài Đảng, trong nước và cả ở ngoài nước”.
Việc này nhiều người đã biết và đã góp ý nhiều lần với Đảng và Chính phủ. Thế nhưng, công tác cán bộ vẫn tiếp tục chậm đổi mới, tiếp tục trì trệ cho đến tận hôm nay. Cụ thể nhất là trong bộ máy công quyền, người đứng đầu cơ quan hành chính hiện vẫn không có đủ quyền hạn để bố trí nhân sự, lựa chọn, đánh giá cán bộ một cách công khai, minh bạch nên không thể tìm kiếm và tạo điều kiện để những cán bộ tốt, có tài, có đức thăng tiến. Trong môi trường đó, xu hướng cơ hội, xu nịnh và chạy quyền chạy chức tất yếu phát sinh và ngày càng phát triển. Thừa nhận những yếu kém trong công tác cán bộ của bộ máy công quyền là trách nhiệm của mình, song Thủ tướng Phan Văn Khải cũng trần tình rằng: “Vấn đề tổ chức cán bộ cũng có phần vươn ra khỏi thẩm quyền của Chính phủ” (!). Còn nhớ, khi dư luận xã hội gay gắt đòi Bộ trưởng Đào Đình Bình từ chức rồi cách chức, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ có thể làm được một việc là “xin ý kiến Bộ Chính trị tạm thời đình chỉ công tác Bộ trưởng Bình”! Sau đó, ông Bình vẫn tiếp tục làm Bộ trưởng cho tới hôm nay mặc cho người dân có hài lòng hay không. Chúng ta cũng biết Thủ tướng rất nhiều lần yêu cầu Bộ trưởng Đào Đình Bình kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của mình trong các vụ bê bối ở Bộ GTVT làm thất thóat và thiệt hại nghiêm trọng tài sản và uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Thủ tướng đã rất không hài lòng về thái độ đùn đẩy, thiếu trách nhiệm của ông Bình. Vì cũng chính Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định “để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải thôi chức”. Nhưng ông đã không thể cách chức một bộ trưởng mặc dù bộ này đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng quy mô lớn làm rúng động dư luận trong và ngoài nước.
Người dân có thể hiểu và thông cảm với những khó khăn của Thủ tướng khi ông đã giải bày một cách minh bạch như vậy về những cái vướng mắc của công tác cán bộ khiến cho ông không thể hành xử như ông đã nói và cam kết trước quốc dân. Nhưng nhân dân sẽ không thể hiểu và thông cảm một khi công tác cán bộ hiện đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết dẫn tới những sai sót nghiêm trọng làm suy yếu đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân lại vẫn được thực thi như cũ.
Mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội đã chuẩn bị như thế nào về phương án thay đổi nhân sự cho Quốc hội và Chính phủ trong kỳ họp này, ông Trần Quốc Thuận – Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: “Phương án nhân sự (nếu có), bên Đảng sẽ gởi cho Đảng Đòan QH, gởi cho Ban cán sự Đảng Chính phủ giới thiệu ứng cử. Đảng đoàn QH sẽ báo cáo thường vụ QH. Thường vụ QH thể hiện về mặt nhà nước sẽ trình QH. Bên kia Ban cán sự Đảng của Chính phủ sẽ trình Thủ tướng. Thủ tướng đưa danh sách sang Thường vụ QH để trình QH. Danh sách nhân sự đôi khi là tài liệu mật gởi thẳng cho Đảng đoàn QH chứ không phải văn phòng QH. Tôi thấy Thường vụ QH chưa họp bàn về chuyện này”.
Một trong những điều kiện để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức khi tham gia vào cuộc chơi toàn cầu tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là phải xây dựng một bộ máy quản lý nhà nước thực sự có năng lực và có hiệu quả. Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước là một yêu cầu chiến lược, có tính đột phá để tạo nên cục diện phát triển mới cho đất nước. Yêu cầu chiến lược này đòi hỏi phải có những quyết sách táo bạo và đồng bộ trên cả ba mặt: phát triển nguồn nhân lực, gia cường tổ chức bộ máy và cải cách thể chế luật pháp. Trong đó, trọng dụng và thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền là vấn đề cốt tử và cấp bách nhất. Căn cứ vào nội dung trả lời báo chí của ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, công tác cán bộ nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy công quyền của Việt Nam tại kỳ họp QH này vẫn theo cách tư duy cũ. Vai trò của nhân dân và của các đại biểu dân cử trong việc tìm kiếm, phát hiện, tiến cử, trọng dụng nhân tài sẽ được thể hiện như thế nào trong cơ chế tổ chức nhân sự như hiện nay? Ngoài các nhân sự trong danh sách đo Đảng giới thiệu và đề cử vào các chức vụ trong Quốc hội và Chính phủ tới đây có cơ chế cho những người khác tham gia hay không?
Ở Hàn Quốc, văn phòng Tổng thống Roh Moo-huyn có một trang web tên là “Samgochoryo” (Tam cố thảo lư, dựa theo tích Lưu bị ba lần đến cầu Khổng Minh ra giúp trong truyện Tam Quốc) để tiếp nhận tiến cử người tài của toàn xã hội vào các chức vụ cao trong chính phủ. Ở nhiều nước phát triển khác, việc tuyển chọn công chức và kể cả quan chức cao cấp của chính phủ đều được tổ chức công khai trên cơ sở chú trọng các tiêu chuẩn định lượng cụ thể và sự tín nhiệm của nhân dân. Toàn bộ công chức kể cả các quan chức cao cấp thường xuyên chịu sự đánh giá định lượng định kỳ theo luật định để biết rõ điểm mạnh và yếu trong công tác. Khi cần thiết nếu kết quả đánh giá kém sẽ bị bãi nhiệm và thay thế bằng người có năng lực, được nhân dân tín nhiệm cao hơn.
Việt Nam đang kêu gọi minh bạch và công khai hóa hoạt động của các cơ quan công quyền. Trước hết hãy minh bạch và công khai hóa công tác cán bộ, đặc biệt là công khai hóa việc tuyển chọn các quan chức cao cấp vào các vị trí quan trọng của Chính phủ để có thể phát huy được năng lực và trí tuệ của toàn dân. Cần phải dũng cảm kết thúc cách làm tổ chức theo kiểu “hư hư thực thực” chỉ nhằm ưu ái ban phát quyền lợi cho một nhóm nguời nào đó ngoài sự kiểm soát của nhân dân.
23-6-2006

“PHÁ BĂNG” HAY “PHÁ CƠ CHẾ GÂY ĐÓNG BĂNG”?

Các động thái dứt khoát và kiên quyết tấn công vào các “núi băng” tham nhũng của tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ sau chưa đầy một tháng nhậm chức đã tạo được niềm tin tưởng và sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân. Những tín hiệu tốt đẹp đó khiến mọi người có quyền hy vọng một thời kỳ mới của công cuộc chống tham nhũng và “trong suốt hóa” bộ máy công quyền đang thực sự bắt đầu.
Thực ra mọi người đều biết tân Thủ tướng cũng chỉ mới đụng tới phần nổi của những “núi băng” vốn đã từng bị công luận chỉ trích kịch liệt trong thời gian qua nhưng không hiểu sao cứ mãi “lùng bùng” không giải quyết được. Nay tân Thủ tướng đã làm được cái điều mà từ lâu nhân dân trông chờ ở người đứng đầu Chính phủ: hành xử một cách cương quyết để thực thi trách nhiệm và quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp.
Ở các nước dân chủ phát triển, Chính phủ là cơ quan hành pháp, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân việc điều hành đất nước. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ phải gánh vác trọng trách đó. Gánh trọng trách nên cũng được giao quyền lực tương xứng. Thủ tướng là người có quyền tổ chức nội các, có quyền lựa chọn các thành viên và đệ trình Quốc hội thông qua. Do đó, Thủ tướng cũng có quyền miễn nhiệm, cách chức các thành viên nội các nếu họ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hiến pháp nước ta cũng trao cho Thủ tướng trách nhiệm và quyền hạn tương tự. Nhưng dường như trong nhiều nhiệm kỳ thủ tướng vừa qua hiếm khi thấy các vị sử dụng hết những quyền hạn của mình.
Tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân trong quyết tâm và trong những hành động dứt khóat tấn công vào các “núi băng” tham nhũng. Nhưng nếu ông chỉ dừng lại ở việc tấn công vào các “núi băng” dù là cả phẩn nổi lẫn phần chìm thì cũng chỉ là làm một công việc không có hồi kết thúc. Điều cốt lõi ở đây là muốn kết thúc những “núi băng” thì phải tấn công vào chính cái cơ chế gây “đóng băng” chứ không phải chỉ làm mỗi việc đi “phá băng” là đủ.
Ở một mức độ nào đó, chính những cơ chế gây “đóng băng” đã góp phần hạn chế việc thực thi quyền hạn của những người đứng đầu Chính phủ và khiến cho bộ máy công quyền trở nên trì trệ và kém hiệu quả. Trên thực tế việc Thủ tướng không thể đình chỉ hay cách chức một thành viên nội các đã khiến cho hiệu quả điều hành Chính phủ của Thủ tướng bị giảm sút. Gần đây, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay “cơ quan điều tra thường gặp khó khăn khi xử lý các cán bộ do trung ương quản lý”. Nhân dân cũng không còn lạ gì trước hiện tượng một số quan chức cao cấp có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng đã đối phó với Quốc hội và nhân dân bằng cách viện dẫn các quy định của Đảng về quản lý cán bộ và thậm chí sử dụng Đảng như là “bức bình phong” để che chắn pháp luật và công luận. Quan niệm này vô tình tạo ra một tầng lớp quan chức có khả năng “miễn dịch cao” với pháp luật. Nếu xảy ra vấn đề, luật pháp sẽ rất khó khăn khi muốn “sờ gáy” họ. Đôi khi vì sự chậm trễ trong khâu xử lý của tổ chức đảng đã khiến cho thời cơ phá án trôi qua và nhà chức trách đành phải bó tay để cho tội ác nhỡn nhơ giỡn mặt pháp luật. Điều này thật không phù hợp với tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh như mong muốn của toàn dân.
Cơ chế thực ra cũng do chính con người dựng lên để nhằm phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Nếu cơ chế gây “đóng băng” và mang lại những điều bất lợi, không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng thì cần thiết phải sửa đổi ngay cơ chế đó. Trong một quốc gia dân chủ, không thể có một ai đó hay một lớp người nào đó nhận được sự “ưu ái” của pháp luật hơn những người khác. Đặc biệt là không ai, bất kỳ ai có thể đứng trên pháp luật. Một cán bộ do trung ương quản lý khi phạm pháp cũng sẽ bị truy tố cùng một thủ tục bình đẳng như mọi trường hợp khác. Nói cách khác, không có đặc quyền và “vùng cấm” trong việc thi hành pháp luật mà nhạy cảm nhất là trong lĩnh vực chống tham nhũng.
Để có thể vận hành tốt hệ thống và mau chóng tìm ra các cơ chế gây “đóng băng”, đặc biệt là trong guồng máy chống tham nhũng, Chính phủ cần quan tâm đúng mức tới vai trò phản biện của các tổ chức xã hội. Cần phải nhanh chóng thể chế hóa, luật pháp hóa các chức năng này và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, mọi thành phần cư dân trong xã hội đều có thể tham gia phản biện các chủ trương, chính sách liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, cũng chính là số phận, tương lai của họ và con cháu muôn đời sau.
21-7-2006

GÁNH NẶNG CỦA NỀN KINH TẾ

Gần đây qua các bài viết của mình ông Nguyễn Trung tâm sự: “Trước đây mỗi một khi chúng tôi học tập chính trị có được nghe nói là bên các nước tư bản hàng năm có bao nhiêu xí nghiệp phá sản và gọi đó là yếu kém của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nhưng bây giờ tôi nhìn lại, hóa ra không hẳn như thế. Nếu không lọai bỏ thì không phát triển được. Tôi thấy sự đào thải là tất nhiên thôi”.
Tuy nhiên nhiều năm qua, hàng lọat các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lâm vào tình cảnh làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả nhưng vẫn cứ tồn tại một cách lay lắt, làm lãng phí nguồn lực đầu tư ít ỏi của quốc gia nhưng vẫn chưa chịu đào thải. Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là nhà nước phải luôn luôn ôm lấy các xí nghiệp quốc doanh kém hiệu quả và thường xuyên “bơm sức” cho chúng. Cách làm này đã góp phần tạo nên gánh nặng cho cả nền kinh tế và làm chậm bước phát triển của đất nước.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (The World Bank) về kinh tế Việt Nam gần đây cho thấy, trong những năm qua Việt Nam huy động được một nguồn lực đầu tư trong nước khá lớn, song nguồn lực đó chỉ đem lại một kết quả khiêm tốn vì phần lớn vốn liếng được rót vào các DNNN kém hiệu quả. Các nhà kinh tế thường đo lường đầu tư trong nước bằng cách tính tóan một tỷ số GDI của quốc gia. Tỷ số GDI được tính bằng cách chia đầu tư trong nước từ tất cả các nguồn cho GDP (Tỷ số GDI = GDI/GDP). So sánh Việt Nam với các nền kinh tế khác ở Châu Á ở cùng giai đọan tăng trưởng, Việt Nam có tỷ số GDI khá cao. Năm 2003, tỷ số GDI của Việt Nam đạt 35,9%. Báo cáo nhận xét, rõ ràng Việt Nam có khả năng tạo ra nguồn đầu tư trong nước với một tốc độ có thể so sánh với các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, giống như mức tạo vốn và sản lượng của một doanh nghiệp, năng suất của GDI mới là thước đo về hiệu quả và khả năng bền vững của nguồn lực đầu tư. Năng suất của GDI (còn gọi là ICOR) được tính bằng cách chia tỷ số GDI cho tỷ lệ tăng trưởng GDP thực. ICOR sẽ cho ta thấy cần bao nhiêu đơn vị đầu tư để có một đơn vị tăng trưởng. Năm 2003, Việt Nam có tỷ số GDI là 35,9% GDP là 7,24%. Như thế, ICOR năm 2003 của Việt Nam là 4,96. Trong năm này Việt Nam cần phải đầu tư gần 5 USD để tạo ra 1 USD tăng trưởng. Tỷ số này đáng tiếc lại không tương đương thuận lợi với các nền kinh tế khác đang ở đỉnh cao phát triển. Ví dụ, GDP của Đài Loan tăng 11% mỗi năm từ 1963-1973 trong khi Đài Loan có tỷ số GDI là 23%. Như thế Đài Loan có ICOR bằng 2. Tức là chỉ cần đầu tư 2 USD đã tạo ra được 1 USD tăng trưởng. Điều đáng lo lắng cho Việt Nam là ngày càng phải tăng mức đầu tư để có được 1 USD tăng trưởng. Thống kê của nguồn thông tin nói trên cho thấy, ICOR của Việt Nam năm 1990 là 2,48; năm 1995 là 2,77; năm 2000 là 4,8; năm 2001 là 4,93; năm 2002 là 4,87; năm 2003 là 4,96. Cũng trong giai đọan này, các con số thống kê cho thấy nguồn lực đầu vào các DNNN năm sau tăng cao hơn năm trước nhưng mức đóng góp của khối doanh nghiệp này vào GDP thì lại có xu hướng giảm dần. Điều đó cho thấy các nguồn lực đầu tư trong nước trong nhiều năm qua đã được sử dụng kém hiệu quả mà phần lớn là do phân bổ sai đối tượng.
Trở lại quan điểm của ông Nguyễn Trung, nhà nước phải mạnh dạn tìm ra cơ chế, chính sách để sẵn sàng lọai bỏ bất cứ doanh nghiệp nào tự nó không đứng được trên thị trường kể cả quốc doanh lẫn tư nhân. Nền kinh tế của Việt Nam những năm qua có bước tiến đáng kể, song nền kinh tế đó vẫn chưa thực sự đổi mới triệt để chừng nào nhà nước vẫn còn “ôm” các xí nghiệp quốc doanh. Không có lý do gì mà chúng ta phải chấp nhận mãi sự tồn tại của những doanh nghiệp kém hiệu quả để tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Càng không thể đựa vào lý do DNNN phải làm chính sách xã hội nên nhà nước có bổn phận phải bảo hộ, phải bao cấp. Tất cả các doanh nghiệp đều phải được đối xử bình đẳng như nhau, kể cả nghĩa vụ với xã hội cũng như nhau, quốc doanh hay tư nhân cũng đều phải làm nghĩa vụ xã hội. Những bài học cơ bản trong kinh doanh hiện nay luôn chỉ ra rằng trong khi thực hiện mục tiêu tối cao là lợi nhuận thì bao giờ nhà kinh doanh cũng nhận thức ra một điều: lợi nhuận tối cao chỉ đạt được khi người ta dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp và của khách hàng, tức là của cá nhân và xã hội.
Mặt khác, khi nhà nước vẫn còn tiếp tục đầu tư rất lớn vào khu vực quốc doanh, vào những DNNN kém hiệu quả thì đó cũng là một nguyên nhân lớn tạo ra sự đánh giá của cộng đồng quốc tế về Việt Nam với một nền tự do kinh tế chưa cao. Chưa kể, tự thân việc phân bổ sai nguồn lực, lãng phí nguồn vốn đầu tư cũng đã tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam.
17-02-2006

“DÂN CHỦ LÀ ĐỂ CHO DÂN DÁM NÓI !”

Ngày này 60 năm trước (6-1-1946), lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam “nhân dân ta bắt đầu được hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, lần đầu tiên nhân dân ta được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước. Cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã được nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều cụ già xúc động nói: “Bây giờ có chết cũng hả dạ vì đã bỏ được lá phiếu góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho con cháu mình”. Khát vọng và niềm vui có được một thể chế dân chủ đối với dân tộc Việt Nam thật mãnh liệt và hùng tráng biết bao! Những trang lịch sữ vẻ vang đó chắc chắn sẽ không thể phai mờ trong ký ức dân tộc.
60 năm đã qua, trong từng giai đọan lịch sử, Quốc hội đã khẳng định được vai trò của mình và đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đất nước càng phát triển, yêu cầu về một Quốc hội dân chủ càng được nâng cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: “Quốc hội ngày càng tiến bộ hơn, nhưng chưa đạt tới mức dân thực sự đứng lên làm chủ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị đại biểu quốc hội khóa đầu tiên, xúc động nhắc lại lời Bác Hồ: “Đại biểu quốc hội là do dân bầu ra, là đầy tớ của nhân dân! Có tài năng nhưng phải đức độ với dân. Đặc biệt là phải dân chủ, tức là để cho dân dám nói!”. Đại tướng hoan nghênh Quốc hội hiện nay dân chủ hơn, sát dân hơn nhưng ông thẳng thắn đánh giá “mức dân chủ chưa phải là xuất sắc lắm!”.
Trên thực tế, đôi khi Quốc hội lại bị đặt trước những chuyện đã rồi khiến cho “quyền lực cao nhất” có khả năng trở thành “hư quyền”. Chẳng hạn như chuyện đổi tiền vào thời kỳ của Quốc hội khóa VII mà ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ cũng chỉ được biết vào phút chót, khi mọi việc đã đựợc quyết định xong. Hoặc ở khóa VIII, Quốc hội chưa bàn, chưa quyết, chưa ra nghị quyết mà đã có văn bản cho phép tách một số tỉnh và văn bản đó được thực hiện ngay. Hay gần đây nhất, tại kỳ họp tháng 11-2005 vừa qua, Quốc hội còn chưa bàn, chưa biểu quyết mà đã có vị tuyên bố hùng hồn rằng kiểu gì thì cũng phải thông qua dự án Luật đầu tư chung…Như vậy thì còn đâu là vai trò của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước? Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vốn rất coi trọng vai trò của cơ quan dân cử, ông đã từng cảnh báo về hiện tượng này: “Tuyệt đối không được đặt cơ quan dân cử trước những việc đã được quyết định rồi, chỉ còn một cách là thụ động biểu quyết thông qua… Đừng biến Quốc hội thành cây cảnh!”.
Dĩ nhiên, để người dân thực sự có thể đứng lên làm chủ như mong muốn của Chủ tịch Nguyễn Văn An, phát huy vai trò của từng đại biểu quốc hội là yếu tố quan trọng. Trước những yêu cầu bức xúc của nhân dân và tiền đồ của đất nước, các đại biểu tất nhiên sẽ phải chịu nhiều áp lực lớn khi đưa ra những quyết định của mình. Nhưng một khi đã dấn thân và nhận trách nhiệm to lớn mà nhân dân tin cẩn giao cho, đại biểu quốc hội chỉ còn có thể làm một việc duy nhất đúng đó là chỉ chấp thuận những điều có lợi cho dân và ngược lại, phải kiên quyết bác bỏ những điều phản dân, hại nước. Dĩ nhiên để các cơ quan dân cử ngày càng có nhiều những vị đại biểu một lòng vì dân còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng dù làm như thế nào đi chăng nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải là làm sao để cho người dân thực sự có cơ hội đứng lên làm chủ vận mạng của mình.
06-01-2006

“PHỤC VỤ” HAY “CAI TRỊ” DÂN?

Đầu năm thông tin dồn dập về chuyện những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phát hiện nhiều cao ốc “to đùng” xây dựng không phép hoặc sai phép do tự ý nâng thêm tầng, mở rộng diện tích xây dựng một cách “vô chính phủ”. Lãnh đạo các địa phương tỏ ra hết sức kiên quyết trên các diễn đàn và phương tiên thông tin đại chúng rằng họ sẽ lập lại trật tự và kiên quyết xử lý những người vi phạm. Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cưỡng chế hơn một trăm căn nhà xây trái phép ở Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân ngay trong thời điểm Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến chứng tỏ thái độ kiên quyết của chính quyền. Hà Nội cũng không kém, trước đó đã ra quyết định “cắt” 5 tầng xây dựng thêm sai phép của tòa nhà 221-223 Bạch Mai. Tuy nhiên ngay sau đó, người ta lại phát hiện ra rất nhiều tòa nhà khác cao to hơn đang ngạo nghễ chọc trời mà chẳng hề có tờ giấy phép lận lưng. Chẳng hạn như tòa cao ốc 17 tầng tại số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa; chung cư 8 tầng ở phường bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; tòa cao ốc 11 tầng ở số 13 Kỳ Đồng, quận 3, TP.HCM… Chỉ riêng ở Hà Nội số lượng công trình xây dựng không phép và sai phép theo tổng hợp của thanh tra xây dựng không dừng ở con số vài chục hay vài trăm mà đã lên đến con số hàng ngàn. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị phát triển nóng hơn cả Hà Nội tuy chưa có con số tổng hợp chính thức nhưng số vi phạm chắc rằng cũng chẳng kém thua.
Những quan chức có trách nhiệm của hai thành phố này đều thừa nhận việc cấp giấy phép xây dựng hiện nay dù đã rất thông thoáng so với nhiều năm trước, nhưng vẫn còn không ít yêu cầu “đánh đố” người dân. Nhiều trường hợp dân có nhu cầu xin phép xây dựng nhưng nhà quản lý lại không dám cấp. Ở không ít địa phương chỉ riêng chuyện xin được xác nhận “ăn ở ổn định, lâu dài, không tranh chấp khiếu kiện” để được xây dựng là đã “toát mồ hôi”. Có cán bộ vì sợ trách nhiệm mà không dám cấp nhưng cũng có cán bộ vì muốn có “bôi trơn” nên ra sức “hành dân là chính” thay vì phải ra sức hướng dẫn, giúp đỡ dân hoàn tất các thủ tục cần thiết để được cấp phép xây dựng. Chưa kể, đối với những công trình cao ốc của các doanh nghiệp “màu mỡ” việc “hành là chính” còn đạt tới mức tinh vi khiến cho không ít nhà đầu tư chỉ còn một cách nhắm mắt mà “liều một phen”… để rồi tới đâu “lo” tới đó. Lắm khi việc “tới đâu lo tới đó” còn dễ dàng hơn là tuân thủ đầy đủ các yêu cầu “hành là chính” của các cơ quan cấp phép xây dựng.
Kiên quyết xử lý những sai phạm của dân là đúng. Nhưng còn cả một hệ thống hành chính, quản lý trật tự đô thị đã tỏ ra bất lực hoặc vô trách nhiệm trước những sai phạm công khai, kéo dài nhức nhối như thế thì không có liên quan gì hay sao? Trách nhiệm của những cán bộ quản lý trật tự đô thị ở đâu? Chính quyền địa phương ở đâu? Trong suốt thời gian hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà, hàng chục cao ốc “to đùng” mọc lên trái phép thì họ đang làm gì? Có thể có rất nhiều lý do, nhưng chắc là không ai có câu trả lời chính xác nhất bằng những “người trong cuộc”. Nhưng trước hết, có thể kết luận một cách chắc chắn rằng những cán bộ công chức “ngủ quên” nói trên rõ ràng là đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Vì nếu họ làm đúng phận sự được Nhà nước và Nhân dân giao phó, phát hiện kịp thời và kiên quyết ngăn chận sai phạm ngay từ đầu thì đã không để xảy những thiệt hại lớn về tài sản của dân và xã hội. Như vậy, trước khi xử lý những sai phạm của dân phải nghiêm khắc xử lý những cán bộ công chức đã không làm tròn trách nhiệm của mình.
Mới đây, về thăm và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhắc nhỡ chính quyền thành phố phải ra sức xây dựng bộ máy công quyền nhằm mục tiêu “phục vụ” chứ không phải để “cai trị” dân. Trên tinh thần đó, nghĩa vụ và quyền hạn lớn nhất của chính quyền là phải mang lại lợi ích cho nhân dân, phải chịu trách nhiệm về sự bất cập và thiếu sót của mình nếu làm thiệt hại cho dân. Dân không hiểu pháp luật mới làm sai, dân có oan mới khiếu kiện. Trong khi đó, theo ông Phạm Vũ Quyết Thắng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian qua các cơ quan công quyền vẫn còn làm không ít những điều sai trái, oan ức cho dân. Vì vậy, trước khi “xử lý” dân, chính quyền cần soát xét lại mình để “tự xử lý” những hành vi gây thiệt hại cho dân cũng như thái độ quan liêu của mình đã đẩy dân đến chỗ phải vi phạm pháp luật.
02-02-2007

THẾ NÀO LÀ TRỌNG DÂN?

Trong xã hội dân chủ, chính quyền là để phụng sự nhân dân. Việc gì có lợi cho dân, chính quyền phải kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân phải kiên quyết tránh. Để làm được điều đó, bộ máy công quyền phải được thiết kế trên cơ sở tư tưởng trọng dân. Cơ chế vận hành của bộ máy cũng phải được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật cụ thể trên tinh thần mang lại càng nhiều lợi ích cho dân càng tốt.
Trong nhiều năm qua, bộ máy công quyền ở Việt Nam vẫn chưa thực sự vận hành theo tư tưởng trọng dân. Cán bộ quan chức nhà nước chưa thực sự là "công bộc" của dân. Người dân mỗi khi có việc đến "cửa quan" là bị "hành" đến khổ sở bởi những thủ tục vô lý, rườm rà, thái độ vô cảm và nhũng nhiễu của hầu hết công chức nhà nước. Gần đây, để khắc phục tình trạng này, chính phủ đã xúc tiến nhiều chương trình, dự án cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt phiền hà, khổ sở cho dân mỗi khi có dịp phải cần đến cơ quan hành chính nhà nước. Chương trình đã triển khai, tốn kém hàng ngàn tỷ đồng, vài nơi được coi là trọng điểm nhưng thực tế hiệu quả chưa được như mong muốn. Tinh thần trọng dân và phụng sự nhân dân của bộ máy chính quyền vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Cụ thể là trong bộ máy công quyền hiện nay không ít quan chức vẫn còn thói quen lấy mình làm trọng chứ không coi dân làm trọng. Khi đưa ra những cải cách hầu giảm bớt nổi khổ cho dân bởi các quy định hành chính rườm rà và lạc hậu vẫn còn không ít ý kiến ngại khó hoặc nại lý do bộ máy chính quyền còn chưa đáp ứng được các điều kiện của yêu cầu đổi mới. Chẳng hạn như khi thảo luận về dự án Luật trưng cầu ý dân có ý kiến cho rằng không nên xem xét việc lấy chữ ký của dân như là một điều kiện để tổ chức trưng cầu ý dân. Lý do là hiện nay điều kiện khoa học kỹ thuật của Việt Nam chưa đủ khả năng để kiểm soát được chữ ký thật hay chữ ký giả trong các cuộc vận động lớn như vậy. Hay như gần đây khi Quốc hội thảo luận về việc nên hay không bỏ cơ chế quản lý con người bằng hộ khẩu lại có ý kiến cho rằng nếu bỏ hộ khẩu thì không quản lý được cử tri, không thể bầu được đại biểu Quốc hội.
Trưng cầu ý dân hay quyền tự do đi lại và cư trú vốn đã được ghi trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Đó là những quyền cơ bản mà nhân dân của một đất nước tự do, dân chủ đáng được hưởng. Không thể viện dẫn lý do về mặt kỹ thuật để phủ nhận những quyền cơ bản và chính đáng của dân bằng những biện pháp hành chính xơ cứng, cổ hủ theo thói quen của nhiều năm qua. Nếu như hiện nay nền khoa học kỹ thuật của Việt Nam chưa có khả năng để thẩm định chữ ký của dân trong các cuộc vận động lớn thì tại sao những người có trách nhiệm không mau chóng nâng cấp trình độ, khả năng của lực lượng này? Tại sao rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật khác của thế giới Việt Nam có khả năng tiếp thu ngay lập tức còn việc thẩm định chữ ký thì lại không thể? Có phải tại vì vẫn còn những người có trách nhiệm quá coi thường quyền lợi của dân và chỉ muốn đơn giản hoá công việc của chính bản thân mình cũng như của một nhóm lợi ích xung quanh mình.
Ai cũng biết việc quản lý con người bằng sổ hộ khẩu là biểu hiện của sự lạc hậu, trì trệ của bộ máy công quyền. Quản lý kiểu này dễ cho cơ quan chức năng của nhà nước nhưng lại gây trăm ngàn khó khăn cho nhân dân, hạn chế quyền tự do cư trú của dân, chưa kể còn là nguyên nhân, điều kiện cho tiêu cực phát triển làm tha hóa bộ máy nhà nước. Trên thực tế, quản lý bằng hộ khẩu như hiện nay vẫn không thể nắm chắc được người dân đang làm gì, ở đâu, càng không thể quản lý được tội phạm. Các nhà chức trách cũng nên biết rằng trên thế giới hiện chỉ còn vài nước quản lý con người bằng hộ khẩu và đó là những quốc gia được coi là kém phát triển. Càng không thể chấp nhận lý do bỏ hộ khẩu thì không bầu cử được đại biểu Quốc hội vì trên thế giới các nước không quản lý nhân dân bằng hộ khẩu vẫn có quốc hội và quốc hội của họ vẫn hoạt động tốt mang lại lợi ích cho dân cho nước như ai.
Có lẽ các nhà chức trách cần phải thay đổi một thói quen đã từng ngự trị và làm xơ cứng tư duy của họ: cái gì quản lý không được thì cấm đoán. Thật là tiện lợi cho những người chỉ biết nghĩ đến lợi ích và quyền lợi của mình. Thế nhưng thái độ đó đi ngược lại với tinh thần trọng dân vốn là nguyên tắc của một xã hội dân chủ. Có lẽ đã đến lúc cần phải xác lập một thói quen mới trong tư duy của những nhà cầm quyền rằng: họ có trách nhiệm và nghĩa vụ phải làm tất cả mọi việc cần làm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân đã được Hiến pháp công nhận. Vì đó chính là công việc mà nhân dân giao phó cho họ cùng với các lợi ích và quyền hạn tương xứng. Họ cần phải tỏ ra xứng đáng với niềm tin của nhân dân trong việc thực thi chức trách của mình. Đó chính là thái độ trọng dân rõ ràng và thuyết phục nhất.
25-8-2006

CHỮ “TIN” CÒN MỘT CHÚT NÀY!

Trong quan hệ xã hội bình thường cũng như trong đời sống chính trị, chữ Tín bao giờ cũng là nhân tố quan trọng để đi đến sự tin cậy, đồng thuận và cùng nhau hợp tác bền vững. Người xưa coi trọng danh dự và uy tín còn hơn cả tính mạng chứ đừng nói là tài sản. Ngày nay, chữ Tín cũng được không ít người coi trọng và hầu hết những người trọng Tín đều thành công trong cuộc sống, tạo dựng được uy tín và sự nghiệp lớn trong cộng đồng.
Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long nổi tiếng ở Bình Dương là một ví dụ rất điển hình về sự coi trọng chữ Tín trong làm ăn kinh doanh. Theo ông, có chữ Tín là có tất cả. Chữ Tín đáng giá “ngàn vàng”. Vì có chữ Tín không cần vốn người ta vẫn giao hàng cho ông bán mà không đòi hỏi điều kiện gì khác. Chữ Tín là vốn liếng quý giá nhất mà ông đã mang theo suốt cuộc đời mình và truyền lại cho con cháu.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, do những biến động trong lịch sử, rất nhiều năm qua chữ Tín hầu như không còn là một trong những thuộc tính nổi bật của người Việt. Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Quốc tế Việt Nam học đã đưa ra một nhận xét đáng buồn nhưng được khá nhiều người đồng tình: “Bối cảnh và môi trường kinh tế ở Việt Nam” hiện nay thuộc vào lọai “low trust society” (xã hội thiếu chữ tín)”. Trong nền kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng tới phạm vi tòan cầu, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng hơn. Điều này thể hiện ở tầm vĩ mô là việc các chính sách của Chính phủ thường hay thay đổi và khi thay đổi thì không cần tính đến quyền lợi của những người có liên quan. Đây là một khiếm khuyết quan trọng làm môi trường kinh doanh ở Việt Nam kém tính hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự bất tín không chỉ tồn tại trong lĩnh vực doanh thương mà hầu như đang trở thành tệ nạn phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Từ bao lâu nay, không hiểu sao có một thứ “văn hóa” tệ hại là nạn nói dối vẫn cứ nghiễm nhiên tồn tại trong mọi ngóc ngách của đời sống. Kể cả trong những lĩnh vực đòi hỏi nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp như giáo dục, y tế và truyền thông đại chúng. Lạ lùng nhất là ai cũng coi chuyện nói dối là bình thường, thậm chí có những trường hợp nói dối, làm dối như gian lận thi cử, khai man trốn thuế…còn được coi là hành động của những người khôn ngoan, thức thời và có…bản lĩnh. Dư luận xã hội, cái cơ cấu đạo đức tự thân, cái sức mạnh tự điều chỉnh của cộng đồng đã bị tê liệt tự lúc nào không biết khiến cho lương tri chân chính bị xơ cứng trước sự bùng phát những thói hư tật xấu.
Phân tích về những nguyên nhân hình thành sự bất tín trong quan hệ xã hội hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những lý do căn bản là do “thượng bất chính hạ tắc lọan”. Phân tích trong phạm vi gia đình cũng thấy được điều đó. Nếu cha mẹ không biết giữ chữ Tín với con cái thì khó có thể làm gương sáng cho con cái giữ chữ Tín với những người khác. Trong phạm vi cộng đồng, nếu những người lãnh đạo không giữ chữ tín với dân thì cũng khó làm gương sáng cho dân noi theo. Huống chi, một khi lãnh đạo đã “nhúng chàm” bất tín, thì các hành vi của cấp dưới nếu muốn được lòng cấp trên thì phải “nói leo, làm theo”. Như một căn bệnh truyền nhiễm, bệnh nói dối, sự bất tín lan truyền mau chóng trên mảnh đất màu mỡ được chính những người có trách nhiệm bỏ ngỏ. Một khi nói dối và bất tín có lợi hơn sự trung thực và chữ Tín thì phần đông dân chúng sẽ lựa chọn con đường lầm lạc hơn là trở thành “người cổ hủ, không thức thời”.
Với những người được dân tín nhiệm bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho nhân dân quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh, chữ Tín càng được coi trọng muôn phần. Quốc Hội khóa XII được lịch sử lựa chọn giao cho một sứ mạng lớn lao thay mặt nhân dân lãnh đạo đất nước vượt qua đói nghèo chậm tiến biến Việt Nam trở thành một đất nước phát triển, xứng đáng và bình đẳng trên sân chơi tòan cầu. Người Việt có nở mày, nở mặt với năm châu hay không phần lớn đặt niềm tin và hy vọng vào nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XII này. Cơ hội lịch sử, nếu để trôi qua, cả dân tộc sẽ phải trả giá bằng hàng trăm năm lạc hậu và tủi nhục.Muốn dân tin không còn cách nào khác là các nhà cầm quyền phải biết giữ chữ Tín trong từng lời nói và hành động như giữ gìn con ngươi trong mắt của mình.
02-3-2007