Friday, May 18, 2007

CHỈ CÓ LỢI CHO NGƯỜI GIÀU!

Vào WTO, tham gia cuộc chơi thị trường toàn cầu, không đồng nghĩa với việc cổ phần hóa, tư nhân hóa vô nguyên tắc. Nhất là đối với nguồn tài sản của Nhà nước đang giao cho các doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động vì lợi ích công cộng. Các chủ trương cổ phần hóa, tư nhân hóa hay xã hội hóa đều nhắm tới mục tiêu huy động được những nguồn lực tốt nhất để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước mà cuối cùng người được hưởng lợi phải là đại đa số nhân dân. Trong đó có tầng lớp trung lưu chiếm đa số và một bộ phận không nhỏ là những người nghèo.
Mọi nhà nước trên thế giới lấy mục tiêu vì nhân dân phục vụ đều luôn coi trọng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đảm bảo phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt được chú ý là những tầng lớp có thu nhập thấp. Chủ trương xã hội hóa, cổ phần hóa bệnh viện công cũng cần được cân nhắc trên những mục tiêu này. Bởi vì, nếu phạm sai lầm trên những lĩnh vực mang tính cộng đồng cao như y tế và giáo dục chẳng hạn thì hậu quả khó lường và phải mất rất nhiều thời gian, công sức để khắc phục.
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay Nhà nước đã có chính sách và hành lang luật pháp rất thông thoáng cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hệ thống chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh. Các bệnh viện tư nhân hiện đại và quy mô đang xuất hiện ngày càng nhiều nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khoẻ cho những người có điều kiện. Hình thức bệnh viện tư là một trong những biện pháp quan trọng thúc đẩy mạnh xu thế xã hội hóa hệ thống bệnh viện của nước ta trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chủ trương cổ phần hóa một số bệnh viện công để làm thí điểm tiến tới cố phần hóa hàng trăm bệnh viện công khác trong cả nước là một vấn đề cần phải thận trọng.
Phần lớn quan chức của ngành y tế, đặc biệt là các vị lãnh đạo các bệnh viện công đang chờ cổ phần hóa đều hết sức ủng hộ chủ trương này. Quan điểm của họ là cổ phần hóa giúp cho bệnh viện có điều kiện huy động nguồn lực của xã hội, có cơ chế quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng điều trị, đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ của nhân dân tốt hơn. Vị giám đốc một trung tâm y tế nổi tiếng ở TP.Hồ Chí Minh còn lấy bài học Singapore ra để làm chuẩn mực cho chủ trương cổ phần hóa bệnh viện công ở Việt Nam. Vị giám đốc này đặt vấn đề: "Vì sao nhiều người chịu bỏ tiền để vào Singapore chữa bệnh? Bởi các bệnh viện ở đó thỏa mãn được nhu cầu điều trị bằng kỹ thuật cao, chất lượng cao của bệnh nhân. Họ có hệ thống y tế tư nhân cổ phần và những tập đoàn tài chính liên kết với nhau để thực hiện điều đó".
"Đó là cách nhìn nhận vấn đề của người giàu!", rất nhiều ý kiến được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã nhận xét như vậy. Nhiều người nước ngoài và người Việt sinh sống ở nước ngoài về thăm nhà trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có dịp tới một số bệnh viện tư nhân ở TP.Hồ Chí Minh đã rất ngạc nhiên vì ở Việt Nam hiện đã có những cơ sở khám chữa bệnh hiện đại không thua gì ỡ Mỹ, ở châu Âu. Nhưng trên thực tế, những nơi đó chỉ dành cho người giàu. Cũng như các bệnh viện ở Singapore chỉ thích hợp cho một số người có đủ khả năng. Vậy thì một khi các bệnh viện công đều được cổ phần hóa chất lượng sẽ cao như Singapore và đương nhiên giá cả cũng tăng tương ứng thì giới trung lưu và người nghèo sẽ chữa bệnh ở đâu?
Chưa kể, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã xuất hiện không ít những "lổ hỗng" làm thất thoát tài sản của nhân dân. Các bệnh viện công dự kiến cổ phần hóa sẽ được thẩm định giá theo những nguyên tắc, tiêu chí và cách thức nào để đảm bảo được sự minh bạch? Vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết đã định giá bệnh viện Bình Dân là 90 tỷ đồng đã khiến cho nhiều người quan ngại về việc tài sản của Nhà nước lại tiếp tục thất thoát trong khi "thí điểm" cổ phần hóa một số bệnh viện công hàng đầu ở địa phương này.
Cổ phần hóa đòi hỏi phải công khai, minh bạch và phải được sự giám sát chặc chẽ của các cơ quan chức năng, các tổ chức đại diện cho dân. Nếu Nhà nước chưa luật hóa được những nguyên tắc, những tiêu chí tài chính, kỹ thuật, tổ chức, quản lý mà vội vàng cho cổ phần hóa các bệnh viện công thì sẽ dễ dẫn tới những hệ lụy ảnh hưởng rất nặng lên giới trung lưu và những người nghèo một khi chi phí chữa bệnh trở thành gánh nặng của ngân sách gia đình.
23-4-2007