Thursday, May 10, 2007

DÂN CHỦ ĐỂ PHẢN BIỆN HIỆU LỰC

Có thể nói Đề án 112 là sự phản ánh rõ nét và tập trung nhất một sự thật đã tồn tại dai dẵng nhiều năm nay trong cơ chế quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt nhạy cảm với những lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và tiền vay nước ngoài. Đó là sự thiếu vắng một cơ chế giám sát, phản biện và tiếp thu phản biện có hiệu lực. Chứng tỏ chúng ta chưa có một môi trường lành mạnh mang tính dân chủ và các chế tài pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn những kẻ thích “leo lề” làm thiệt hại lợi ích của nhân dân.
Ngay tại Văn phòng Chính phủ, nơi mà “quan trên trông xuống người ta trông vào”, những hành vi “leo lề” vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quản lý nhà nước vẫn diễn ra công khai kéo dài. Bản thân Ban điều hành đề án 112 do một phó chủ nhiệm VPCP làm trưởng ban, chịu trách nhiệm điều phối hàng trăm dự án công nghệ cao trên cả nước, với kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà các thành viên đều kiêm nhiệm, không có ai chuyên trách. Theo quy định, một dự án đầu tư từ nguồn ngân sách dù nhỏ cỡ vài tỷ đồng cũng đã phải thành lập ban quản lý dự án chuyên trách với đầy đủ thành phần chức năng theo yêu cầu thực hiện dự án. Cứ như là đất nước này đã “cạn” người tài để có thể thực hiện những đề án theo kiểu 112 vậy! Nếu không muốn nói rằng ở đây đã xuất hiện những toan tính cá nhân, lợi ích cục bộ trong khi triển khai các chương trình quốc kế dân sinh sử dụng tiền đóng thuế của dân.
Kỳ lạ hơn là ông trưởng ban điều hành đề án 112 cũng kiêm luôn trưởng ban quản lý triển khai dự án 112 ngay tại VPCP. Lại thêm một lần nữa công khai vi phạm quy chế quản lý vốn đầu tư của nhà nước. Có dư luận cho rằng ông Chủ nhiệm VPCP đã nhìn thấy những sai trái này, đã nhiều lần yêu cầu thuộc cấp bố trí lại, kể cả yêu cầu định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện đề án cho lãnh đạo VPCP nhưng đều bị bỏ ngoài tai.
Hiệu lực quản lý nhà nước ngay trong một cơ quan cấp cao của Chính phủ trong vụ này thật đáng làm cho mọi công dân đều phải kinh ngạc. Ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc công ty phần mềm Vietsoftware, dưới góc độ chuyên môn đã than rằng, các sản phẩm do đề án 112 xây dựng chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm với Chính phủ và với nhân dân.
Còn nhớ nguyên Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Lâm, lúc đương chức đã bỏ quên một vali tiền “phong bì” của địa phương trên máy bay trong một chuyến công cán từ miền Trung. Dư luận hết sức bất bình và từng nhiều lần yêu cầu Chính phủ có biện pháp thích đáng với ông Lâm. Thế nhưng câu chuyện đã bị rơi vào im lặng cho đến khi ông Lâm một lần nữa xuất hiện trước công chúng trong một bữa tiệc nghi là “chạy án” cho vụ PM18 làm xôn xao dư luận một thời. Chỉ đến khi tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuộc, VPCP mới giải quyết được câu chuyện ồn ào của ông Lâm. Nhắc lại chuyện cũ tưởng không phải là thừa khi mà gần đây nhiều chuyện “trái khóay”, “leo lề”, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quản lý nhà nước và sử dụng cán bộ lại diễn ra ngay tại VPCP.
Không chỉ đề án 112, hiện đang có không ít chương trình, dự án, đề án sử dụng tiền của nhân dân đang bị buông lõng quản lý một cách đáng sợ. Chẳng hạn như chương trình 327 (dự án trồng rừng phủ xanh đồi trọc), chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngòai…Hiệu quả đâu chưa thấy, chỉ thấy rừng đang hàng ngày bị tàn phá nghiêm trọng, đất rừng bị những người có chức có quyền ở địa phương xâm chiến làm trang trại không ai dám lên tiếng. Thậm chí họ còn tổ chức cho các quan chức đồng nghiệp những cuộc săn bắn vui chơi ngọan mục trong các trang trại lấn chiếm đất rừng của quốc gia. Hay như ông cựu Bộ trưởng GD-ĐT đã nghỉ hưu vẫn được VPCP phê duyệt cho đi “học nâng cao tiếng Anh” ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của đề án 322. Bất chấp quy định của đề án này về chuyên ngành ngọai ngữ là chỉ đào tạo ở nước ngoài bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) chứ không phải để “nâng cao trình độ tiếng Anh”. Hơn nữa, ông cựu bộ trưởng cũng đã vượt số tuổi quy định của đề án. Vậy mà ông vẫn “leo lề” đi ra nước ngòai “du học” một cách ngon xơi bằng ngân sách nhà nước, tức cũng là tiền đóng thuế của dân.
Cần phải dứt khóat đổi mới một cách tòan diện phương thức quản lý hành chính của các cơ quan Chính phủ, cũng như phương thức quản lý Nhà nước để thực sự tăng cường sự giám sát, phản biện và tiếp thu phản biện có hiệu lực. Chỉ có thể đạt được những thành tựu đó trên nên tảng của công cuộc dân chủ hóa tòan diện hệ thống chính trị -xã hội hiện tại.
11-5-2007