Thursday, May 3, 2007

GIÁO DỤC XUỐNG CẤP KHÔNG PHẢI VÌ NGHÈO

Chất lượng giáo dục của Việt Nam hiện đang được đánh giá trong các báo cáo chính thức cũng như trong dư luận xã hội là “đang xuống cấp nghiêm trọng”. Trong khi, tri thức lại chính là một trong những động lực hàng đầu thúc đẩy sự tăng tốc phát triển của thời hiện đại. Tại một cuộc hội thảo bàn về chất lượng giáo dục do chính Bộ GD-ĐT tổ chức, có đại biểu bức xúc cho rằng: “Giáo dục của chúng ta đang hỏng, không phải có tính chất cục bộ mà hỏng trong tòan hệ thống!”. Theo cách hiểu của nhiều người, chất lượng giáo dục Việt Nam bị suy thóai nghiêm trọng là do ta nghèo, đầu tư quá ít tiền. GS Hòang Xuân Phú, Viện Tóan học, bức xúc: “Con em chúng ta không có tiền học giáo dục thể chất trong khi một số nhà lãnh đạo có tiền chơi golf”. GS Hồ Ngọc Đại nhận xét ngược lại: “Tổng số tiền ngành giáo dục thu được hiện nay rất lớn. Tiền của người học, nhưng người học không được đối xử đúng”. GS Nguyễn Xuân Hãn cung cấp những con số cụ thể làm mọi người ngạc nhiên hơn: “Mỗi năm, ngành giáo dục có tới 4 tỷ USD. Từ năm 1996 đến 2003, số lượng HSSV chỉ tăng gần 4 triệu em (từ 18,3 triệu lên 22 triệu) nhưng kinh phí đầu tư cho giáo dục thì tăng gấp 4 lần (từ 8.100 tỷ lên 30.000 tỷ đồng). Ấy là chưa kể khỏang 900 triệu USD vay nước ngòai và tiền thu của dân (khỏang 50% tổng chi phi cho giáo dục). Đây là những con số của Ngân hàng thế giới”. GS Hãn cho biết thêm: “Số tiền dành cho việc làm sách giáo khoa mỗi năm khỏang 100 triệu USD nhưng hiện trạng sách giáo khoa thường xuyên bị chỉnh lý và chuyện HSSV thiếu sách cứ liên tiếp diễn ra. Việc này không phải do số tiền 100 triệu USD là ít ỏi mà chính là do cách làm. Thậm chí làm theo Thái Lan trong khi chuyên gia của họ đã cảnh báo là họ làm sai, ta vẫn cứ làm sai theo họ”. Theo GS Hồ Ngọc Đại, chất lượng giáo dục thấp là do cải cách giáo dục của ta lần nào làm cũng sai.
Sau khi “bắt bệnh” ba khối u của ngành giáo dục (sách giáo khoa nặng nề, thi cử và học thêm dạy thêm tràn lan), GS Hòang Tụy đã đề xuất nhiều biện pháp “giải phẫu”, trong đó có biện pháp tăng lương cho giáo viên. Tuy nhiên, theo GS Hòang Xuân Phú, việc tăng lương không phải là giải pháp khả thi bởi hiện nay lương giáo viên trong hệ thống thang bảng lương không phải là thấp và hiện lương ngành giáo dục chiếm hơn nửa tổng lương hành chính sự nghiệp. Nhiều ý kiến đồng tình, tăng lương cho ngành giáo dục không giải quyết cơ bản việc nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, không phải do ít tiền mà chất lượng giáo dục nước ta đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng!
TS Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc, mới đây công bố những con số thống kê liên quan tới ngành giáo dục Việt Nam khiến người ta phải giật mình. Theo đó chi tiêu cho giáo dục Việt Nam từ 2000-2005 là con số rất lớn so với thu nhập của người dân và thu nhập cả nước. Cụ thể chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam năm 2005 chiếm 8,3% GDP, vượt cả Mỹ chỉ có 7,2% (Pháp 6,1%, Nhật 4,7%). Trong chi tiêu trên, dân các nước phát triển cao chi trả 20%, còn dân Việt Nam phải chi trả tới 40%, phần còn lại do nhà nước chi trả. Có người cho rằng cần phải so sánh dựa trên chi phí tính bằng USD và như thế chi phí cho một HS Việt Nam rất thấp. Nhưng điều này không hợp lý vì các nước có trình độ phát triển khác nhau. Chỉ so sánh dựa trên khả năng chi phí của nền kinh tế mới có giá trị phân tích: đó chính là tỷ lệ chi phí trên GDP.
Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục cao như thế, nhưng một điều đáng lo lắng lại đang diễn ra là số HS tiểu học, cơ sở đang có xu hướng bỏ học ngày càng nhiều. Theo Bộ GD-ĐT, số HS tiểu học đang giảm từ 9,7 triệu (năm 2000) xuống 7,8 triệu (năm 2004) trong khi dân số vẫn tăng. Phải chăng dân nghèo không đủ sức gởi con đến trường hay vì nguyên nhân nào khác?
Dựa vào chi phí cho giáo dục ở Việt Nam như trên và dựa vào tỷ lệ 62,3% chi phí thường xuyên cho giáo dục là để trả lương (thống kê của Việt Nam), theo TS Vũ Quang Việt, thu nhập của giáo viên tính một cách bình quân có thể lên tới 31 triệu đồng một năm vào năm 2004 gấp hơn 2 lần lương nhận chính thức. Năm 2005, lương giáo viên có thể lên tới 38,5 triệu đồng. Trên thực tế thì giáo viên không nhận được thu nhập cao như thế từ phía nhà nước (mặc dù thu nhập thực tế có thể cao hơn như thế). Vậy thì phần chênh lệch bị rơi vãi ở đâu? Nếu phân tích thêm những lĩnh vực đầu tư khác của ngành GD-ĐT thì hiện tượng này cũng không ít hơn.
Những con số “biết nói” trên càng củng cố cho nhận định không phải vì tiền ít mà chất lượng giáo dục của Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng. Trên thực tế tỷ lệ đầu tư vào giáo dục của ta rất lớn so với GDP và so với các nước phát triển cao như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc…thế nhưng do việc quản lý, tổ chức hệ thống giáo dục bất hợp lý một khỏang đầu tư không nhỏ đã không đi đến đích, hoặc không phát huy được hiệu quả và trở thành lãng phí, thất thóat. Như vậy, liệu có thể trở lại với ý kiến: “Giáo dục của chúng ta đang bị hỏng, không phải có tính chất cục bộ mà hỏng trong tòan hệ thống”, để kết luận vấn đề không?
14-02-2006

No comments: