Thursday, July 19, 2007

“THANH BẢO KIẾM” PHẢN BIỆN

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thừa nhận, trong Hội nghị Tổng kết họat động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM khóa XI, nhiều đơn từ của dân, trong đó có những đơn từ do ông chuyển về cơ quan chức năng không thấy tăm hơi. Điều đó chứng tỏ hãy còn rất nhiều cơ quan nhà nước cũng như các quan chức nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm với dân.
Nhân dân cũng phàn nàn về việc hãy còn không ít đại biểu Quốc hội chưa thực hiện tốt lời hứa với cử tri; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và còn rất hạn chế, đôi khi thờ ơ trong việc tham gia vào các họat động giám sát của Quốc hội.
Ngay cả việc giám sát của Quốc hội trong thời gian diễn ra các kỳ họp cũng được ghi nhận là chưa thực sự sâu sát. Những cuộc chất vấn, các phiên tranh luận tuy có thẳng thắn và sôi nổi hơn trước nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết được những vấn đề mà nhân dân mong đợi như: cải cách hành chính, cải cách tư pháp, giải quyết khiếu nại tố cáo, quản lý đất đai, quy họach, dự án treo, vấn đề xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an tòan thực phẩm, chữa bệnh, học hành, lao động việc làm, chăm lo cho những người có công, gia đình chính sách và người nghèo, có hòan cảnh khó khăn…Đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng trở nên nghiêm trọng vẫn chưa có giải pháp triệt để nào để ngăn chận và đẩy lùi.
Trong khi xem xét những vấn đề quốc kế dân sinh, Quốc hội vẫn chưa thực sự sử dụng “thanh bảo kiếm” phản biện của mình có hiệu quả để giám sát chặt chẽ các họat động của cơ quan hành pháp. Đôi khi có những vấn đề Quốc hội không có đủ thời gian, điều kiện để nghiên cứu, thảo luận, xem xét một cách thấu đáo trước khi thông qua. Có những vấn đề phức tạp, tế nhị, nhân dân chờ đợi những vị đại biểu của mình thể hiện dũng khí và bản lĩnh, mạnh dạn bày tỏ chính kiến bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, nhưng thông thường thì mọi chuyễn vẫn diễn ra êm xuôi như kế hoạch và dự kiến ban đầu. Quốc hội vẫn thường phải “du di” để quyết định “những chuyện đã rồi”…Một nhà báo lão thành đã buộc phải cất tiếng than rằng: “Quốc hội ta…hiền quá!”.
Trong khi đó, ở cấp Hội đồng nhân dân, một vài địa phương đã bắt đầu sử dụng tốt “thanh bảo kiếm” phản biện được luật pháp và nhân dân tin cẩn trao cho. HĐND TP.Hồ Chí Minh đã ít nhất có hai lần phản bác đề án do UBND trình phê duyệt. Đó là đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân và sau đó là đề án tăng học phí. Hai đề án này của TP. Hồ Chí Minh đã gặp sự phản ứng quyết liệt của đông đảo nhân dân trên địa bàn. Các ý kiến phản biện đều thống nhất cho rằng những đề án đó không nhằm mục tiêu phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng mà chỉ nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của cơ quan hành pháp cùng với lợi ích của một nhóm ít người có đặc quyền đặc lợi. Mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về “ Những chính sách lớn và một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau khi Việt Nam gia nhập WTO”. Vì cho rằng nghị quyết này “bê nguyên xi đề án của Thành ủy Hà Nội”, UBND cần phải cụ thể hóa và HĐND cần phải có nghị quyết để giám sát việc thực hiện. Nếu HĐND thông qua một nghị quyết “bê nguyên xi” sẽ là quá vội vã. Các nhà quan sát cho rằng đây là một “tín hiệu vui” của chính trường Việt Nam. Bởi vì, xưa nay người ta vốn bị đóng đinh bởi ấn tượng, đại biểu HĐND cũng giống như những ông bà “nghị gật”! Một vài đại biểu tâm huyết, sau nhiều lần góp ý kiến, tranh luận, phản biện mạnh mẽ cuối cùng cũng rơi tõm vào im lặng, không xoay chuyển được tình hình cũng đành “bó tay” chấp nhận vai trò “ông hội đồng…gật” cho yên chuyện. Thế là, trong hoàn cảnh đó hàng lọat các nghị quyết, chính sách, đánh giá tình hình và ngay cả các giải pháp quốc kế dân sinh còn chưa được thẩm định đúng mức cũng luôn được sự “đồng thuận” cao ngất trời xanh. Trong khi nhân dân thì càng ngày lại càng thấy “người đại biểu” của mình sao mà xa cách quá!
Trước thềm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc nhỡ: “Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dù ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng luôn luôn ý thức về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, thực hiện tốt chương trình hành động đã báo cáo với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri và đôn đốc giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Mỗi người đại biểu cần phải biết trân trọng và giữ gìn sự tin cẩn của nhân dân. Để giữ chữ tín và lời hứa với dân, người đại biểu của dân nhất thiết phải thể hiện bản lĩnh và sự dũng cảm cần thiết để có thể sử dụng tốt nhất “thanh bảo kiếm” phản biện trong các họat động của mình hướng tới mục tiêu vì lợi ích của cộng đồng.
20-7-2007

No comments: