Thursday, July 19, 2007

BÀN TAY KHÔNG CHE ĐƯỢC MẶT TRỜI

Chỉ một tuần sau khi kết thúc chuyến đi vận động cho các nạn nhân của chất độc màu da cam, cũng như tham dự phiên điều trần tại tòa phúc thẩm ở NewYork (Mỹ), anh Nguyễn Văn Quý đã từ trần tại Hải Phòng.
Là lính kỹ thuật đường dây thông tin, trong những năm chiến tranh anh Quý phục vụ tại mặt trận Tây Nguyên…Cũng như bao người lính khác, anh đã ăn tất cả từ sắn, rau dại, các loại cây cỏ, uống nuốc suối mà không hề hay biết chất độc dioxin quái ác có trong chất khai hoang màu da cam của quân đội Mỹ đang ẩn mình trong những thức đó. Hòa bình, anh Quý về nhà lập gia đình. Đứa con đầu lòng mà cả gia tộc mong mỏi lại là một bào thai dị dạng. Người vợ đầu sợ hãi đâm đơn ly dị. Vài năm sau, anh lập gia đình một lần nữa, nhưng đau đớn thay, cả hai người con của anh đều bị dị tật. Bản thân anh, do ảnh hưởng chất độc da cam nên anh bị ung thư dạ dày và di căn lên gan, tụy và phổi. Trước khi đi Mỹ, anh đã phải phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày khiến việc ăn uống rất khó khăn. Người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn ngày nào giờ thường đắm mình trong im lặng cùng với nỗi đau tột cùng. Lắm khi đau đớn quá, anh phải leo lên gác để rên chứ không dám ở dưới nhà sợ vợ nghe được lại buồn…
Dù sức khoẻ rất yếu, trong suốt chuyến đi Mỹ sức khoẻ của anh luôn là một trong những điều trăn trở và lo âu của đoàn, thế nhưng cho dù có khi đau đến nỗi phải ngồi xe lăn, mọi người vẫn luôn thấy tinh thần lạc quan của anh. Cả đoàn thường được nghe những câu chuyện hài hước, những câu đùa vui của anh chứ chưa bao giờ nghe một lời than vãn, đớn đau nào của anh dù căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn cuối.
Từ NewYork, khi hay tin anh Quý từ trần, Merle Ratner (Điều phối viên cuộc vận động vì trách nhiệm và nạn nhân da cam) đã rất xúc động cho biết: “Căn bệnh ung thư của anh Quý đã bước vào giai đoạn di căn khi anh tới Mỹ. Nhưng sự cống hiến, sự anh hùng và khát khao vì công lý của anh bất chấp những nỗi đau của căn bệnh vẫn hàng ngày hành hạ là một điều hết sức cảm động và đáng trân trọng”. Cuộc đấu tranh vì công lý của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ còn kéo dài, sự ra đi của anh Quý càng khiến cho mọi người phải nỗ lực hành động hơn để gánh vác khoảng trống mà anh để lại cho cuộc đầu tranh chung vì công lý này sau khi từ biệt chúng ta.
Vụ kiện có thể còn kéo dài trong rất nhiều năm, mặc dù lương tâm nhân loại đã được thức tỉnh bằng chữ ký, lời ca cùng hành động kết nối hàng trăm triệu trái tim nhân ái trên khắp địa cầu đòi công lý cho những người như anh Quý. Nhưng nhóm bị đơn, là những nhà sản xuất cái chất độc giết người màu da cam đó vẫn luôn tìm mọi cách biện minh để chạy tội. Trái tim của họ băng giá trước hàng triệu nguyên đơn là những con người tiều tụy, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần không chỉ cho họ mà nỗi đau đó còn kéo dài ra bao thế hệ…Ai cũng biết bàn tay rồi cũng sẽ chẳng che nỗi mặt trời, bóng tối không thể lấp đầy ánh sáng của tình yêu thương và lòng nhân ái. Lẽ phải luôn có sức mạnh và sự bền bỉ của nó dù phải vượt qua những chặng đường thiên lý đầy khó khăn và gian khổ. Cuộc hành trình nào rồi cũng sẽ tới đích, nhất là cuộc hành trình của những con người dành hết sức hết lòng đến hơi thở cuối cùng của mình như cuộc hành trình của anh Quý. Hình ảnh đó không sao có thể sớm lụi tàn và mau chóng bị lãng quên trong tâm thức và lương tri của nhân loại.
Ngay những người Mỹ có lương tri cũng cảm thấy đau đớn và xấu hổ trước “trái tim băng giá” của nhóm bị đơn-những ông chủ giàu sụ của thuốc diệt cỏ màu da cam. Những nhà lập pháp Mỹ cũng đã thông qua một ngân sách 3 triệu USD để tẩy sạch môi trường và chăm sóc cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. David Cline, nguyên Chủ tịch Hiệp hội cựu binh vì hoà bình (Mỹ) đã khóc nức nở khi nghe tin anh Quý ra đi. Trong những ngày ở NewYork, Cline vẫn thường giúp đỡ và dìu anh Quý đi lại. Mọi người đều xúc động khi nhìn thấy những cử chỉ thân ái của hai người lính từng đứng ở hai bên chiến tuyến khi xưa. Clinhe đã tặng cho anh Quý tấm huân chương Purple Heart (Trái tim tím) do Chính phủ Mỹ tặng anh bởi vì, theo Cline: “Tôi cảm thấy tình đồng chí với anh Quý. Chúng tôi đều là những người lính và hành động này biểu hiện sự tôn trọng anh ấy”.
Vụ kiện có thể còn kéo dài trong nhiều năm, do đó cần phải có ngay những biện pháp tích cực để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Hàng trăm nghìn người như anh Quý và gia đình vẫn còn đang tiếp tục chống chọi với nỗi đau tột cùng để chờ một lời xin lỗi, một sự ăn năn dẫu muộn màng của những kẻ gây ra đau thương này. Ai cũng hiểu cuộc đấu tranh đó còn nhiều cam go, nhưng ai cũng muốn đi đến cùng trên con đường đó.
10-7-2007

No comments: