Thursday, July 19, 2007

CHIÊU BÀI “XÃ HỘI HÓA”!

Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta hay nói tới chuyện xã hội hóa giáo dục và y tế. Xã hội hóa để huy động rộng rãi các nguồn lực tham gia nâng cao chất lượng các dịch vụ vì lợi ích cộng đồng và đưa các dịch vụ này tiếp cận ngày càng sâu hơn rộng hơn tới mọi tầng lớp nhân dân, mọi vùng miền trong cả nước là một định hướng tích cực.
Những năm qua, nhờ chủ trương xã hội hóa mà nhiều lọai hình trường học, bệnh viện do tư nhân đầu tư đã phát triển khá mạnh đáp ứng được nhu cầu học hành, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhiều thành phần dân cư trong xã hội với nhiều “đẳng cấp” khác nhau. Một số các trường học, bệnh viện đã đạt được tiêu chuẩn tương đương với các nước trong khu vực giúp làm giảm bớt số lượng “chảy máu ngọai tệ”. Người dân có điều kiện đi ra nước ngòai chữa bệnh hoặc gởi con cái ra nước ngòai học hành nay có sự lựa chọn dịch vụ tương đương trong nước.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện không ít “đề án” xã hội hóa giáo dục, y tế theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”. Những đề án kiểu này thường đánh đồng việc “xã hội hóa” với chuyện “chia chác tài sản công” cho một số người có đặc quyền. Một trong những thủ thuật dễ “đánh bùn sang ao” nhất là sử dụng chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vào chuyện “xã hội hóa” hình thức sở hữu tài sản công của các tổ chức xã hội hoạt động vì lợi ích cộng đồng. “Đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình dân” ở TP.Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ.
Ngay cả việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng đang là một vấn đề cần phải được đánh giá lại một cách thận trọng. Đặc biệt là việc định giá tài sản để cổ phần hóa. Dư luận đã chỉ ra không ít lỗ hổng trong cơ chế cổ phần hóa đã làm thất thóat rất lớn tài sản quốc gia. Tài sản công không được “xã hội hóa” như mục tiêu tốt đẹp của chính sách “cổ phần hóa” mà thực sự rơi vào túi của một số ít người có chức, có quyền, có khả năng chi phối doanh nghiệp và quá trình “chia chác” đó. Nếu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là sở hữu toàn dân tại sao lại chỉ có mấy ông lãnh đạo hay vài chục, vài trăm nhân viên của công ty đó được quyền mua cổ phiếu “ưu đãi”? Hơn nữa, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là nhằm mục tiêu huy động được nhiều nguồn lực của xã hội để vực dậy những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, yếu kém do cơ chế quản lý nhà nước và bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp kém hiệu quả. Chủ trương ưu đãi càng khiến cho phần lớn tài sản của doanh nghiệp lọt vào tay những quan chức đương quyền, vốn đã làm ăn thua lỗ, lại tiếp tục “hóa thân” thành những người lèo lái, dẫn dắt doanh nghiệp trong cơ chế cổ phần. Liệu có phải là một giải pháp tốt?
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đã có chủ trương từ lâu, đã được nghiên cứu cẩn thận, đã tốn kém nhiều tiền của, thời gian, nhân lực để làm mà vẫn còn không ít chệch chọach và sơ hở. “Cổ phần hóa trường học và bệnh viện công” chưa hề có chủ trương chính thức nào của nhà nước, chưa hề được nghiên cứu thấu đáo, chưa ai đánh giá thẩm định thế nhưng đã có “đề án” thí điểm thực hiện cổ phần hóa một bệnh viện công chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi lập đề án cho đến khi tổ chức được đại hội cổ đông để công bố thành lập cái gọi là “công ty cổ phần bệnh viện”. Quả thật không thể gọi hành động đó bằng cái danh xưng gì xác đáng hơn là một hành động “xã hội…đen” (hiểu theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”) hòng “gài thế” Nhà nước và Nhân dân trước chuyện đã rồi!
Xã hội hóa giáo dục và y tế lẽ ra phải được hiểu đúng đắn hơn là nhà nước mở rộng cửa và tạo điều kiện ưu đãi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực vì lợi ích cộng đồng này. Xã hội hóa để mang lại mục tiêu tối thượng là tạo ra nhiều cơ hội cho giáo dục và y tế có thể tiếp cận rộng rãi tới mọi tầng lới nhân dân trong xã hội, người giàu cũng như người nghèo, người ở thành phố cũng như người ở miền núi, hải đảo… Chứ hoàn toàn không thể hiểu theo kiểu: “xã hội hóa” trường học và bệnh viện công là để chuyển dịch tài sản của toàn dân vào tay một nhóm người để rồi họ dùng chính lợi thế đó tiếp tục đầu tư kinh doanh kiếm lợi cho nhóm của mình. Để làm “an lòng” dư luận chấp thuận cho “âm mưu” của mình, họ tung ra chiêu bài “sẽ trích quỹ để chữa bệnh miễn phí và tài trợ học phí cho người nghèo”. Thật khó có thể tin được, tài sản của nhân dân được chia chác vào tay một nhóm người để rồi sau đó chính nhân dân lại phải ngữa tay ra nhận lấy lòng “hảo tâm” của những người có đặc quyền đặc lợi đó.
13-7-2007

No comments: