Thursday, May 17, 2007

NGHỀ "CÔNG BỘC" CỐT ĐỂ AN DÂN!

Một lão nông sống ở xã Bình Phú, tỉnh Bến Tre mới đây phản ánh với báo Đại Đoàn Kết rằng ông quan địa chính của xã này chẳng những từ chối nhận đơn khiếu kiện của dân mà còn ép buộc dân phải rút hết những đơn kiện trước đây mà xã đã...lỡ nhận với những lời lẽ hết sức thô lổ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.
Tức mình, ông nông dân này mang đơn lên cấp trên kiện. Sau đó, đơn lại chuyển về đúng tay ông quan địa chính của xã để ... tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Với một sự nhẫn nại hiếm có, ông nông dân vẫn tiếp tục vác đơn đi gõ nhiều cửa khác ở bên trên. Cuối cùng, các đơn vẫn về nằm trên bàn quan địa chính xã.
Nội dung khiếu kiện của ông nông dân xoay xung quanh việc UBND xã tự ý bán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp cho một cá nhân không phải là tập đoàn viên và cũng không hề hỏi ý kiến của các thành viên trong tập đoàn. UBND xã sau khi nhận đơn của ông nông dân có văn bản phúc đáp, nhưng càng phúc đáp càng làm cho dân thêm thắc mắc. Bởi lẽ, bản phúc đáp viện dẫn các chứng từ nhằm làm căn cứ cho việc bán đất của xã là hợp pháp, nhưng khi dân hỏi tới các chứng từ đó thì các quan lại đổ cho...những vị tiền nhiệm. Còn các vị đương nhiệm thì tỏ ra không có trách nhiệm phải cung cấp các thông tin này cho dân. Việc giải quyết khiếu kiện của dân ở cấp cơ sở vì vậy không mang lại kết quả, dân không hài lòng, kiện tiếp. Các vị quan xã bị dân kiện tụng vượt cấp, bị áp lực từ trên dội xuống nên càng lúc càng...nổi nóng với dân và đã lựa chọn cách hành xử hết sức thô thiển là xúc phạm dân và ép buộc dân phải rút đơn kiện một cách phi pháp.
Trong đời sống dân cư luôn xảy ra nhiều vụ tranh chấp, trong đó có liên quan tới cách hành xử bất cập của chính quyền địa phương mà cụ thể là của một vài quan chức cơ sở. Đó là những việc rất bình thường, không lớn, không nghiêm trọng nhưng các quan chức địa phương vì lý do gì đó lại giải quyết không thấu tình đạt lý, thái độ cư xử với dân lại thiếu minh bạch khiến cho dân có những suy nghĩ không hay về chính quyền và về sự trong sáng của những người có chức trách ở địa phương. Việc giám sát công tác giải quyết khiếu kiện ở cơ sở hiện nay vẫn chưa được tổ chức chặt chẽ, quy cũ, công khai, minh bạch nên quyền hạn giải quyết vấn đề đôi khi lại rơi vào tay một vài cá nhân có chức quyền. Chưa kể, tình trạng nhận đơn rồi chuyển đơn trở về nơi xuất phát của các cơ quan chức năng hiện nay càng khiến cho việc giải quyết lại chỉ tập trung vào chính nơi phát sinh vấn đề và vào chính những người thiếu trách nhiệm để xảy ra khiếu kiện. Tình trạng luẫn quẫn này càng khiến cho kết quả giải quyết thường rất hạn chế thậm chí còn bị lệch lạc càng làm cho đơn từ khiếu kiện ngày một tăng thêm, quá trình khiếu kiện kéo dài dẫn tới những sự căng thẳng không cần thiết.
Trở lại thái độ của ông quan địa chính xã Bình Phú, tỉnh Bến Tre và bản phúc đáp thiếu minh bạch của UBND xã này trong việc giải quyết khiếu nại của dân, chúng ta càng thấy rõ căn bệnh trầm kha của nền hành chính công ở cấp cơ sở là bệnh thiếu minh bạch và thiếu tôn trọng dân. Hai căn bệnh này càng dễ dàng làm cho dân có suy nghĩ lệch lạc về hệ thống công quyền. Trên thực tế, cần nhìn nhận rằng có những vấn đề không đơn giản và tồn tại qua nhiều thời kỳ, nhiều đời lãnh đạo. Song không thể vì vậy mà những quan chức đương nhiệm có thể dễ dàng "đá quả bóng" trách nhiệm sang cho người khác còn bản thân mình thì lại hùng hổ với dân.
Người dân có quyền đòi hỏi chính quyền giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Nếu ở cấp cơ sở, nơi gần dân nhất, hiểu rõ hoàn cảnh vụ việc của dân nhất, mà không làm cho dân tin cậy, không giải quyết được thắc mắc của dân trong thẩm quyền của mình, để dân đi kiện vượt cấp thì rõ ràng chính quyền cơ sở đã tỏ ra rất thiếu trách nhiệm và xa rời dân.
"Công bộc" của dân mà không biết cách lắng nghe dân, từng bước giải quyết các vấn đề của dân một cách công khai, minh bạch khiến cho dân tin vào chính quyền và "an cư lạc nghiệp" thì còn ai làm được việc này nữa?
24-11-2006

No comments: