Thursday, May 17, 2007

TẢN MẠN NGHỀ BÁO

Làm báo, dù ở đâu trên trái đất này, cũng là một nghề thật khắc nghiệt. Hàng năm, tổ chức nhà báo thế giới luôn có những con số thống kê lên đến hàng trăm nhà báo bị giết chết và hàng ngàn nhà báo bị hành hung hoặc bị đe dọa bởi rất nhiều lý do khác nhau. Một cuộc điều tra lao động tại Pháp vào những năm 90 của thế kỷ trước cho thấy, cường độ lao động cao và môi trường làm việc khắc nghiệt của nghề báo chỉ thua thợ mỏ làm việc trong hầm lò. Vậy mà cũng những năm đó, một trong những nghề nghiệp yêu thích nhất của thanh niên Pháp qua một cuộc điều tra xã hội lại chính là nghề báo. Liệu có gì mâu thuẫn không?
Nước ta vừa trang trọng kỷ niệm 30 năm kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từng tấm ảnh, từng thước phim tư liệu về cuộc chiến được các phóng viên chiến trường của các bên ghi nhận lại sau rất nhiều năm vẫn ngay lập tức làm lay động lòng người và tái hiện lại thật đầy đủ những sự kiện tưởng chừng như đã phủ bụi thời gian. Các nhà báo của thời khắc đó đã vượt qua bao nguy hiểm chỉ để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử mà nếu như không có họ, rất nhiều người sẽ còn mơ hồ về những gì đã xảy ra. Có người nói rằng nhà báo chính là người chép sử của thời đại, cũng không sai. Nhưng để chép sử một cách trung thực, đúng như những gì mà thời đại nhà báo đang sống diễn ra, thật không phải là chuyện dễ dàng gì.
Khi xã hội càng văn minh, vai trò của nhà báo càng lớn, vị trí của nhà báo càng cao thì lại càng đòi hỏi ở nhà báo những phẩm chất và năng lực xứng đáng hơn. Báo chí Việt Nam trên đà phát triển của đất nước cũng đã "trăm hoa đua nở"...tạo nên một bầu không khí làm báo khá nóng hổi và từng bước nâng dần công nghệ làm báo gần gũi với các nước phát triển. Công chúng báo chí cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn, khó tính hơn, đa dạng hơn và cũng thêm tính phê phán hơn. Thị trường báo chí và nguồn lực nuôi dưỡng sự sống cho các tờ báo và người làm báo ngày càng trở nên dồi dào nhưng cũng nghiệt ngã hơn. Nghề báo Việt Nam thực sự đang đứng trước một bước ngoặt về sự phân hóa.
Những đóng góp rất lớn của báo chí Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, bao cấp, trong xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng các điển hình trong thời kỳ đổi mới ... đã được các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước ghi nhận một cách trân trọng. Có lẽ không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Nhân ngày Báo chí Việt Nam, có lẽ điều mà những nhà báo tâm huyết với nghề cần nghĩ đến là những điều mình còn chưa làm được hoặc là những điều mà mình thấy trái tai gai mắt nhưng hãy còn xuất hiện lúc nhúc trong làng gây nên bao bức xúc.
Kinh tế thị trường phát triển, báo chí phải đáp ứng ngay lập tức các nhu cầu bức thiết của nền kinh tế năng động này là điều cần thiết. Thậm chí cần phải xem xét xu hướng thị trường hoá báo chí một cách xác đáng và lành mạnh. Để tránh tình trạng một số tờ báo thị trường hóa một cách tự phát, vô trách nhiệm với cộng đồng. Hiện tượng này đã xảy ra với một số tờ báo mà những người lãnh đạo của nó chủ trương xem tờ báo như là một công cụ "rót tiền vào túi riêng" và là bổng lộc để phân phát cho vây cánh. Mỗi bài viết, mỗi vụ việc, mỗi đơn từ...đều phải có "thủ tục đầu tiên" cho "sếp" thì mới đựơc giải quyết cho đăng. Tờ báo trở thành mảnh đất cho thuê để những kẻ cơ hội "cày sâu cuốc bẩm, thâm canh tăng năng suất" trên đó bằng nhiều chiêu thức ghê tởm. Đối tượng thường xuyên "bị" các tờ báo như trên nhắm vào là các doanh nghiệp ăn nên làm ra hoặc có vẻ như vậy. Rầt nhiều doanh nghiệp than phiền rằng họ rất "sợ" phóng viên nhà báo, giúp thì ít mà làm phiền thì nhiều. Thậm chí có những "nhà báo" đeo bám doanh nghiệp rất dai dẵng chỉ để "xin" quảng cáo chứ không phải để thực hiện nghiệp vụ báo chí của mình. Để có thể thực hiện những tờ báo như vậy, lãnh đạo các báo loại đó sử dụng một hệ thống phóng viên, nhân viên và cộng tác viên rất hỗn tạp, từ nhiều nguồn khác nhau và đều đựơc giới thiệu đi liên hệ công tác như là những "nhà báo thực thụ", nhưng mục đích cuối cùng của họ không phải là làm báo hay viết báo vì lợi ích của cộng đồng mà chỉ vì ích lợi riêng tư của họ và của "sếp" họ.
Một đối tượng khác nữa mà các tờ báo dạng này cũng thường xuyên nhắm tới đó là những người tham gia vào các vụ tranh chấp, kiện cáo và các quan chức tham nhũng... Nhắm tới không phải để góp phần giải quyết vấn đề theo pháp luật mà là để làm cho vụ việc rối tung lên theo kiểu..."đục nước béo cò". Trong những trường hợp này có một số "nhà báo" còn làm "cò" để bắt cầu cho các giao dịch ngầm diễn ra. Một số trường hợp khác không ít nhà báo chân chính phải đối mặt với một sự chọn lựa nghiệt ngã viết theo yêu cầu của "sếp" hay viết theo lẽ phải? Một khi "sếp" biên tập yêu cầu anh ta phải viết bênh vực một phe tranh chấp trong khi trên hồ sơ và bằng chứng thực tế mọi sự kiện đều chống lại phe được yêu cầu bên vực. Đằng sau tất cả những chuyện này là cái gì đang xảy ra. Khi một phóng viên dưới quyền từ chối yêu cầu của "sếp", cái gì xảy ra tiếp sau đó chắc không cần phải bình luận. Cũng có không ít trường hợp "nhà báo sếp" bán đứng "nhà báo lính lác" chỉ vì đối tượng bị phê phán trong bài báo do "nhà báo lính lác" viết đã tìm ra địa chỉ của "nhà báo sếp" để mà làm công tác vận động...
Nghề cầm bút là một trong những nghề thật nghiệt ngã vì nó không chỉ đòi hỏi năng lực, tài hoa mà còn đòi hỏi người cầm bút phải có tâm. Nguyễn Du xưa từng thốt lên: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"... là muốn nhằm vào những người cầm bút đời sau. Nghề báo bây giờ phần lớn người ta viết bằng...computer. Nhưng xét cho cùng cũng là nghề cầm bút. Vậy nên các nhà báo cũng cần có một chữ tâm thì ngòi bút mới có thể sáng lên được.
Chữ tâm trong nghề báo nhiều người đã nói, nhiều người làm báo đã biết. Nhưng để có nó thực là khó khăn cùng với sự nỗ lực của bản thân cũng phải được rèn luyện trong một môi trường làm việc nghiêm túc, trong sáng. Hiện nay, việc đào tạo "nhà báo tương lai" chưa chuẩn, môi trường để các "nhà báo tương lai" rèn luyện càng ít ỏi nhưng lại chứa nhiều nguy cơ. Nhiều người không có học hành đầy đủ, không còn biết làm gì bèn đăng ký vào một vài tờ báo linh tinh để làm ... "nhà báo", nhưng suốt ngày đi "chạy quảng cáo" và viết những bài ... tự giới thiệu để lấy "nhuận bút" từ các doanh nghiệp.
Làm thế nào để cho càng ngày càng có nhiều các nhà báo "có tâm" đây?
21-6-2005
(Ghi chú: Bài báo này đã bị gác lại trước khi đưa đi in vào dịp 21-6-2005)

No comments: