Thursday, May 17, 2007

CHI TIÊU ĐÚNG ĐỂ CHẤN HƯNG GIÁO DỤC

Đã bắt đầu một năm học mới. Cũng là thời điểm mà ngành giáo dục Việt Nam đang gặp phải nhiều “sự cố” nhất từ trước đến nay. Thực ra, những tiêu cực gần đây của ngành giáo dục không phải là quá mới lạ, hay quá cá biệt. Chúng chỉ là một phần rất nhỏ vừa nhô lên của tảng băng khổng lồ vốn đã tích tụ từ rất nhiều năm qua.
Trên diễn đàn công khai gần đây cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến rất tâm huyết bày tỏ lòng khao khát chấn hưng nền giáo dục nước nhà và xem đó như là mệnh lệnh cấp thiết của cuộc sống. Nếu như chúng ta thực sự muốn đất nước thoát ra khỏi lòng luẩn quẩn đói nghèo - lạc hậu và mãi mãi kém phát triển.
“Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” là một bước đột phá rất đáng hoan nghênh của ngành giáo dục. Đồng thời thể hiện rất rõ quyết tâm của vị Tân Bộ trưởng mong muốn thực hiện một sự thay đổi về chất trong công tác của toàn ngành. Tuy nhiên, giáo dục cũng chỉ là một hệ thống con trong toàn bộ hệ thống xã hội. Giáo dục cũng phải chịu sự chi phối nghiệt ngã của các quy luật xã hội. Một khi hệ thống lớn vẫn còn không ít lỗi cơ bản thì sự vận hành của hệ thống con hẳn sẽ rất khó khăn để có thể tự mình “lột xác” được. Nói như vậy để thấy rằng nếu muốn làm một cú đột phá thay đổi về chất của hoạt động giáo dục cần có sự tham gia của toàn xã hội. Tất nhiên, đó là sự tham gia tích cực theo chiều hướng lành mạnh chứ không thể tiếp tục sự tham gia thụ động theo kiểu “chạy trường, chạy thành tích, chạy bằng cấp, chạy dự án” nhà trường – gia đình và xã hội vừa là “đồng tác giả, vừa là đồng nạn nhân”… như trước đây.
Cũng cần thấy rằng các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở Việt Nam trong những năm qua là không nhỏ. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc, đã từng đưa ra những con số về chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam khiến cho nhiều người phải giật mình. Theo đó, chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam từ năm 2000-2005 là con số rất lớn so với thu nhập của người dân và thu nhập cả nước. Cụ thể chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam năm 2005 chiếm 8,9% GDP (vượt cả Mỹ chỉ có 7,2%, Pháp 6,1%, Nhật 4,7%). Trong chi tiêu trên, dân các nước phát triển cao chỉ phải trả khoảng 20%, trong khi dân Việt Nam phải chi trả từ 40-50% , phần còn lại do nhà nước chi trả. Gần đây, các phụ huynh ở TP.HCM sẵn sàng chi từ 2.000USD trở lên để “chạy” một chỗ học cho con tại trường PTTH chất lượng cao Lê Quý Đôn cũng đã phần nào chứng minh được khả năng chi tiêu cho giáo dục của dân chúng. Điều đáng buồn là kiểu “chi tiêu” đó chỉ làm cho giáo dục Việt Nam thêm tiêu cực và trì trệ.
Về phía nhà nước, việc quản lý nguồn chi cho giáo dục cũng chưa phải là hoàn hảo. Các nhà quan sát cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục hiện có không ít các dự án đang vận hành tiêu cực không thua gì PMU-18 của ngành GTVT. Dư luận đã từng lên tiếng về các dự án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, dự án xoá mù chữ trở lại và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cho các vùng khó khăn… mỗi dự án “ngốn” hàng trăm triệu USD tiền vay mượn của nước ngoài (tuy là vay ưu đãi, nhưng vẫn là nợ phải trả) được “phân phối” cho những cán bộ cao cấp của Bộ GD&ĐT quản lý và thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm một cách tùy tiện. Rất nhiều PMU mẹ, PMU con, PMU biến tướng đủ kiểu đã mọc lên như nấm trong quá trình thực hiện các dự án hàng trăm triệu USD này. Đến nay, ngành giáo dục Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra được một đánh giá chính thức nào về kết quả thực hiện các dự án nói trên.
Việc sử dụng tùy tiện kinh phí của các dự án nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian qua càng được minh chứng hùng hồn hơn trong trường hợp của ông cựu bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển khi ông được đề án đào tạo cán bộ tại nước ngoài của ngành giáo dục (đề án 322) cử đi du học tại Anh và được thanh toán bằng tiền nhà nước. Quyết định cử ông Hiển đi học tiếng Anh tại vương quốc Anh bằng kinh phí của đề án 322 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung phê duyệt. Trong bốn tháng học tiếng Anh, ông Hiển được nhận mức học bổng 860 USD/tháng và toàn bộ khoản học phí 2.000 bảng Anh cũng do đề án 322 chi trả. Ngoài ra, trong một tháng cuối cùng công tác tại Anh, ông Hiển sẽ được nhận công tác phí khoảng 3.000 USD, chủ yếu để chi trả tiền chỗ ở trong thời gian ở Anh. Đây được xem là trường hợp cá nhân duy nhất được đặc cách sử dụng kinh phí của đề án 322 từ khi đề án được triển khai. Được biết, yêu cầu về độ tuổi của đối tượng tham gia đề án tối đa là 50, trong khi ông Hiển đã 59 tuổi.
Chi tiêu cho giáo dục theo kiểu như thế này thì biết đến bao giờ mới có người hiền tài để chấn hưng giáo dục Việt Nam đây? Chưa nói đến chuyện lựa chọn cán bộ được đào tạo ở nước ngoài như thế liệu họ có thể làm được gì cho dân cho nước! Tiền dự án, tiền vay mượn của nước ngoài, tiền ngân sách nhà nước… phải chăng có thể trở thành “bổng lộc” để các quan thoải mái chia chác cho nhau?
08-9-2006

No comments: