Thursday, May 17, 2007

ĐỂ HẾT CHẠNH LÒNG!

Nhiều người chạnh lòng khi nghe ông Lý Quang Diệu đánh giá: "Nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau bất cứ nước nào trong khu vực". Chạnh lòng vì thấy với nhận định trên chúng ta đã bị trách móc khi không đưa được đất nước lên đúng tầm mà lẽ ra phải có.
Cũng ông Lý, trong lần trò chuyện với một nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam khi được khen "ông là một người tài" đã khiêm tốn trả lời: "Tôi chẳng có tài gì. Có chăng là ở chỗ biết sử dụng người tài. Do biết sử dụng người tài nên đất nước Singapore tuy nhỏ bé nhưng vị thế thì lại không nhỏ trên thế giới".
Thuốc tuy đắng, nhưng có thể "đả tật". Sự thật trần trụi có thể làm mất lòng, nhưng nếu cố chấp không nhìn thấy sự thật sẽ chẳng bao giờ biết sai để sửa. Một thực tế đáng buồn đã tồn tại nhiều năm qua trong công tác tổ chức cán bộ của hầu hết các thiết chế trong hệ thống chính trị nước ta là còn rất lúng túng trong việc phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài.
Chỉ nói riêng các cơ quan dân cử, về nguyên tắc là nơi mà người dân có quyền lựa chọn những công dân ưu tú nhất để đại diện cho chính mình trong các cơ quan quyền lực của đất nước. Thế nhưng không phải công dân ưu tú nào cũng có thể tự ứng cử hoặc có thể được dân phát hiện giới thiệu ứng cử vào các tổ chức đại diện cho quyền lực của mình một cách dễ dàng. Hiến pháp và Luật pháp hiện hành ghi nhận rất rõ về quyền tự do ứng cử và bầu cử của công dân. Nhưng trên thực tế vẫn còn không ít các vị đại diện cho dân "bị đặt nhầm chỗ" do sự sắp xếp, cơ cấu nên không thể phát huy được tác dụng và hiệu quả như mong muốn của dân. Các chuyên gia về cải cách hành chính cho rằng, HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương, là cơ quan giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương. Vậy mà đại biểu HĐND cũng nằm trong bộ máy UBND thì giám sát cái nỗi gì? Chẳng lẽ đi giám sát chính mình? Như thế chẳng khác nào diễn viên tuồng đóng một lúc hai vai.
Tỷ lệ công dân tự ứng cử hoặc được dân trực tiếp giới thiệu vào các cơ quan quyền lực trong nhiều năm qua là rất thấp, hầu như không đáng kể. Việc công dân tự ứng cử vào các cơ quan quyền lực trong nhiều năm qua chưa trở thành một thói quen, một sinh hoạt bình thường trong đời sống chính trị - xã hội. Đôi khi, ở một vài địa phương "tự ứng cử" còn được coi là một "hiện tượng lạ".
Ông Đặng Văn Khoa, vị đại biểu trúng cử duy nhất trong số 6 người tự ứng cử HĐND TP.Hồ Chí Minh đương nhiệm cho rằng: "Trong một xã hội văn minh, dân chủ, con người muốn đóng góp cho xã hội thì đương nhiên là tự ứng cử. Tất cả mọi người đều phải có cơ hội tự ứng cử, hãy gạt bỏ những suy nghĩ cũ, ức chế và không để rơi vào tình trạng "bị đề cử". Ông Khoa nhấn mạnh: "Tư thế tự ứng cử sẽ khiến cho người ta tự ý thức được rất rõ trách nhiệm cá nhân và tinh thần làm việc nghiêm túc để hoàn thành trách nhiệm đó. Đại biểu của dân mà không có tâm huyết, không có nghĩa khí thì không thể hoàn thành trách nhiệm dân giao phó".
Nước Việt không thiếu nhân tài, để có những người đại diện cho dân thật sự có tâm huyết, tài năng và nghĩa khí không phải là chuyện không thể làm được. Thế nhưng nhân tài nước Việt hình như chưa có điều kiện để cống hiến hết sức mình cho đất nước chỉ vì những quan niệm hẹp hòi, bảo thủ làm xơ cứng các chính sách phát hiện, đào tạo, tuyển dụng nhân sự, khiến cho hoạt động này dẫu đã bước sang thế kỷ 21 vẫn còn mang đậm hơi hướng "cơ cấu" và "xin - cho" theo kiểu "người làng".
Cơ hội và số lượng người tự ứng cử vào các cơ quan dân cử, bộ máy công quyền hay bất kỳ một vị trí nào khác trong guồng máy xã hội phụng sự đất nước chính là thước đo trình độ phát triển dân trí của một quốc gia. Bởi vì, "tự ứng cử" và được dân tín nhiệm bao giờ cũng văn minh, tiến bộ và hiệu quả hơn "bị đề cử" để phải cùng lúc đóng hai vai trong một vở tuồng.
26-01-2007





No comments: