Thursday, May 17, 2007

TOÀN TÂM TOÀN Ý VỚI DÂN

Bên cạnh rất nhiều vị đại biểu Quốc hội được nhân dân yêu mến, tin cậy cũng vẫn còn không ít vị thực hiện vai trò đại diện cho dân của mình khá mờ nhạt. Có những đại biểu Quốc hội suốt cả nhiệm kỳ không hề phát biểu một lần hoặc rất ít khi tham gia thảo luận đóng góp ý kiến cho những vấn đề quốc kế dân sinh. Những đại biểu này luôn giữ vững lập trường “dĩ hòa vi quý” khiến cho tính chiến đấu trong tranh luận ở Quốc hội chưa cao như nhận xét của đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban đối ngọai của Quốc hội. Theo ông Trân, có tình trạng “cài răng lược” với nhau, người phát biểu ở đây thì chỗ khác hãm lại. Khiến đại biểu không dám phát biểu, bởi hễ phát biểu là sợ đụng chạm. Hễ đụng chạm thì lại có vấn đề va chạm quyền lợi. Vì vậy, ông Trân kiến nghị: “Cần phải lựa chọn những vị đại biểu Quốc hội không phải do cơ cấu thuần túy cho có mặt” để tránh tình trạng có những đại biểu bị đặt “ngồi nhầm chỗ” nên không thể phát huy được tác dụng của mình trong các sinh họat Quốc hội.
Một thực tế khác cũng khiến cho người dân cảm thấy không hài lòng khi biết có khá nhiều vị đại diện cho mình vì các “trọng trách” khác mà thường xuyên bỏ họp Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng, có một số vị đại biểu không tham dự đều đặn các kỳ họp. Ngay trong phiên thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XI của Quốc hội sáng 23/3/2007 cũng đã thiếu khỏang 80 người mặc dù đây là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XI và mới chỉ là những ngày đầu của kỳ họp. Ông Dũng cho biết thêm: “Nhiều đại biểu đã ghi tên tham gia các ủy ban nhưng cả khóa hầu như không đi họp. Tính gương mẫu của một số đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân”.
Ông “hội đồng Khoa” (Đặng Văn Khoa) ở thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định rút đơn tự ứng cử vào Quốc hội khóa XII cũng vì lý do ông chưa có thể dành đầy đủ thời gian, tâm sức và trí tuệ cho công việc của người đại biểu nhân dân. Theo ông, người đại biểu Quốc hội, ngòai tâm thế đại diện cho dân ra không thể có một tâm thế nào khác cho một vai trò khác. Giữ một tâm thế khác, một vai trò khác thì rất khó làm tròn vai trò đại biểu. Nhiều người tự ứng cử khác là các nhà khoa học, nhà giáo, nhà doanh nghiệp… cũng quyết định rút đơn vào giờ chót vì lý do tương tự. Họ tự cân nhắc và thấy rằng họ không đủ thời gian, tâm sức và trí tuệ để có thể hòan thành tốt vừa công tác chuyên môn, công việc làm ăn vừa là người đại diện mang trọng trách với dân.
Bầu cử Quốc hội khóa XII đang diễn ra trong một thời điểm hết sức thuận lợi và hiếm có trong lịch sử đất nước. Chưa bao giờ Việt Nam có những điều kiện thuận lợi và những cơ hội tốt như thế để bước chân vào sân chơi tòan cầu một cách hòan tòan xứng đáng. Quốc hội khóa XII phải là một quốc hội huy động được sức mạnh của tòan dân tộc để nắm bắt thời cơ đưa đất nước vươn lên hàng các quốc gia phát triển. Vì vậy, bầu cử Quốc hội kỳ này phải thực sự là một bước đột phát, một sự thay đổi cơ bản trong việc tuyển chọn hiền tài, những người thực sự xứng đáng, được dân tin, dân bầu, dân chọn vào cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của dân. Để có thể nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu phát triển bức xúc của đất nước, theo nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Nên mở rộng cửa cho ứng cử viên ngòai Đảng và giảm số kiêm nhiệm tối đa. Nên khuyến khích và ủng hộ tất cả những ai tự thấy có khả năng, có lòng yêư nước chân thành…Theo tôi, Đảng viên cũng là công dân, có số do Đảng giới thiệu và cũng có số tự ứng cử, không nên gò bó. Đó cũng là cách để Đảng viên có trách nhiệm lựa chọn chỗ đứng của mình nếu được sự tín nhiệm của dân”.
30-3-2007


No comments: