Thursday, May 17, 2007

MINH BẠCH KHÔNG SỢ CÔNG KHAI

Hôm qua, 11/1/2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng sức ép cạnh tranh lên toàn bộ nền kinh tế và cả trong việc vận hành của bộ máy nhà nước. WTO không chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp, nó còn là cuộc chạy đua của các nhà nước trong việc hoạch định kế hoạch phát triển và lựa chọn giải pháp để đảm bảo tốc độ về đích của mỗi quốc gia trong khuôn khổ một luật chơi chung. Tuy nhiên, những thách thức khi gia nhập WTO sẽ được bù đắp bởi quyền lợi của trên 80 triệu dân Việt Nam cũng sẽ được gia tăng. Trước hết, đó là cơ hội tốt cho mọi người dân với tư cách là người tiêu dùng. Họ sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn, đón nhận các sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn. Thị trường sẽ trở nên minh bạch hơn bởi các thông tin luôn được công khai, luôn được cập nhật nhằm cung cấp những cơ hội tốt nhất, nhanh nhất giúp cho mọi người tiêu dùng có thể đưa ra sự lựa chọn thích hợp nhất với mình.
Việc vận hành của hệ thống thị trường luôn hướng tới người tiêu dùng, cũng tương tự như hiệu quả vận hành của bộ máy công quyền luôn phải hướng tới việc lấy "sự hài lòng của dân" làm mục tiêu tối thượng. Nhưng làm sao dân có thể hài lòng được một khi thông tin về bộ máy công quyền thường xuyên không được công khai, không được cập nhật, dẫn tới hệ quả thiếu minh bạch trong việc vận hành hệ thống này.
Trước hết là những thông tin về tài sản cá nhân của các quan chức cao cấp của bộ máy công quyền, những người được nhân dân giao trọng trách và quyền hạn to lớn. Đã có không ít hội nghị, đã tốn rất nhiều giấy mực để chính phủ bày tỏ quyết tâm công khai hóa bằng việc kê khai tài sản cán bộ công chức giữ các vị trí chủ chốt trước khi nhận nhiệm vụ, nhưng việc thực hiện nghe ra hãy còn nhiêu khê lắm. Chưa hề có một thông tin công khai nào về vấn đề này để nhân dân tham khảo. Để nhân dân có thể thực thi quyền giám sát của mình đối với sự "phát triển" tài sản của các cá nhân "có chức có quyền".
Trong các chính sách nhà nước có liên quan tới số đông dân chúng, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp "hành dân" kéo dài bởi những thông tin được "bí mật" không cần thiết. Dễ thấy nhất là những thông tin về quy hoạch, giải tỏa, đền bù... Những thông tin loại này vốn gắn liền với đời sống sinh hoạt và quyền lợi của một khu vực dân cư rộng lớn, thế nhưng rất nhiều năm qua vẫn luôn được các cơ quan chức năng công bố...nhỏ giọt. Hoặc chỉ công bố khi rất nhiều quan chức tham gia quy hoạch đã "thôn tính" xong những phần đất tốt nhất cho mình, cho người thân và cho các "sếp" có liên quan tới "cái ghế" của mình. Gần đây, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các cấp phải công khai các khoản chi tiêu bằng ngân sách nhà nước cũng chính là một cách minh bạch hóa hoạt động của bộ máy công quyền bắt đầu từ những người lãnh đạo. Người dân cần biết, ngân sách nhà nước, cũng có nghĩa là tiền thuế của dân, có được chi tiêu đúng nơi, đúng lúc phục vụ cho lợi ích của toàn dân và những mục tiêu phát triển đất nước hay không?
Để minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy nhà nước không còn con đường nào khác là phải công khai hoá các thông tin về hệ thống này cũng như những thông tin về từng thành viên của nó. Mọi người dân có quyền được tham khảo các thông tin đó để có thể thực thi đầy đủ nhất quyền giám sát của mình đối với bộ máy công quyền. Trên cơ sở thực thi đầy đủ nhất quyền giám sát của nhân dân, việc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước từ phía người dân cũng như từ phía những tổ chức xã hội độc lập mới có thể trở thành hiện thực. Bởi vì, nếu bộ máy công quyền vẫn còn quá nhiều vùng tối, vùng cấm; người dân vẫn còn đứng bên lề của quy trình kiểm soát thông tin liên quan tới việc vận hành của bộ máy công quyền thì việc xây dựng một "nhà nước trong suốt" không có tiêu cực, không còn tham nhũng chỉ là chuyện "mua vui cũng được một vài trống canh".
12-01-2007

No comments: