Thursday, May 17, 2007

CỔ PHẦN HÓA “TẤT TẦN TẬT” ĐỂ “LÊN SÀN”?

Hiệu ứng của phong trào “chơi” chứng khóan “mọi lúc mọi nơi” đang ngấm sâu vào từng tế bào của xã hội. Nhiều động thái xã hội gần đây cho thấy có sự tác động đàng sau nó là “hơi nóng hừng hực” của thị trường chứng khóan với những cơn trở chứng liên tục khó lường.
Cơ quan chức năng đã cảnh báo về việc số lượng hồ sơ đăng ký thành lập các lọai hình kinh doanh – dịch vụ tài chính, chứng khóan, ngân hàng cổ phần …đang tăng lên đột biến và đã “bật đèn đỏ” để cảnh giác. Vì phần nhiều là những hồ sơ không đảm bảo tiêu chuẩn để cấp phép. Thế nhưng, liệu có ai bảo đảm được rằng một vài hồ sơ đó sẽ không “đường hòang” trở thành những đơn vị phát hành “cổ phiếu” trong một ngày đẹp trời với những bảng “cáo bạch” và “thông cáo báo chí” hết sức hòanh tráng.
Trong lĩnh vực đào tạo, ngành tài chính – chứng khóan đã vượt xa số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành “hot” nhất xưa nay là công nghệ thông tin. Bên cạnh những trang quảng cáo dày cộp thường thấy trên các nhật báo về học tiếng Anh-Tin học, du học nước ngòai giờ đây quảng cáo các khóa học về đầu tư chứng khóan ngắn và dài hạn cũng đang chen chút và có phần lấn lướt hơn. Hai cuộc họp mặt tìm hiểu thông tin về thị trường chứng khóan ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã biến thành hai phiên “chợ trời” hỗn loạn, phải nhờ tới cảnh sát 113 can thiệp mới vãn hồi được trật tự.
Nhiều người đã “trúng lớn” với các cổ phiếu của những doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa. Bên cạnh đó cũng không ít người đang “ôm” hàng đống cổ phíêu xuống giá liên tục mòn mỏi chờ người đặt lệnh mua. Mọi thứ đang diễn ra, như nhận xét của các chuyên gia là không theo một quy luật nào, một giáo trình nào từng được giảng dạy trong các trường lớp chuyên ngành đầu tư tài chính.
Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn, đúng đắn. Nhưng rất tiếc, trong quá trình thực hiện chủ trương đúng đắn này lại rất thường xảy ra những “chệch choạc”. Không ít lần dư luận đã công khai chỉ trích những trường hợp biến chủ trương cổ phần hóa thành hành vi tư nhân hóa tài sản Nhà nước với giá “ưu đãi”. Tất nhiên, chỉ có lợi cho một số ít người có chức có quyền và có liên quan mật thiết tới việc “chuyển hóa” này. Cũng không phải ngẫu nhiên mà gấn đây các nhà chức trách đã nhiều lần cảnh báo coi chừng những họat động rửa tiền trên thị trường chứng khóan. Cố phần hóa và thị trường chứng khóan thực sự có mối quan hệ “dây mơ rễ má”. Trong hòan cảnh “tranh tối tranh sáng” hành lang pháp lý về những họat động này chưa chặt chẽ, các mối quan hệ đan xen giữa hai lĩnh vực này thật khó có thể kiểm sóat. Vì vậy, có những nơi tự mình “linh họat” vận dụng theo cơ chế “thỉnh thị” hoặc “xin – cho” để “tháo gỡ”. Khi tính phức tạp của vấn đề càng tăng thì khả năng kiểm sóat tình hình của các cơ quan chức trách nhằm đảm bảo quyền lợi của Nhà nước tức của tòan dân càng trở nên hạn chế hơn.
Dư luận đã thực sự lo lắng trong việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp Nhà nước với giá rất thấp để rồi sau đó một số nhỏ cá nhân nắm phần lớn cổ phần sẽ được hưởng lợi. Từ đó, xuất hiện không ít những “kẻ không cần lên sàn, nhưng đã ăn xong phần gốc”. Trong khi, tài sản của doanh nghiệp Nhà nước về nguyên tắc là tài sản của tòan dân. Nguy cơ thất thóat tài sản Nhà nước không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp mà đang tiến dần tới các sự nghiệp công ích xã hội khác. Trong đó có cả sự nghiệp đào tạo con người và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Một Hội nghị do UBMTTQ TP.Hồ Chí Minh tổ chức tuần qua đã đi đến kết luận không đồng tình với chủ trương cổ phần hóa một số trường công và bệnh viện công. Vì cho rằng giáo dục và y tế vốn là 2 lĩnh vực liên quan thiết yếu đến đời sống của mọi người dân. Đặc biệt là dân nghèo, người có thu nhập trung bình mà Nhà nước có trách nhiệm phải đầu tư với chất lượng phục vụ ngày càng cao. Cần phân biệt chủ trương xã hội hóa và cổ phần hóa trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Xã hội hóa là Nhà nước tạo điều kiện để mọi người có khả năng mở nhiều hơn nữa trường tư và bệnh viện tư. Còn cổ phần hóa trường công và bệnh viện công có nguy cơ dần dần “chuyển hóa” các cơ sở công lập này vào tay các tư nhân đặc quyền đặc lợi. Đây là một viễn cảnh mà trên thực tế đã xảy ra trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, gây thất thóat lớn tài sản của nhân dân. Hơn nữa, hiện chưa có hành lang pháp lý nào cho việc cổ phần hóa trường học và bệnh viện công. Việc làm thí điểm của TP.Hồ Chí Minh đã thực sự phù hợp chưa? Vả lại, cũng không nên “thí điểm” trên số phận và sức khỏe của nhân dân.
20-4-2007

No comments: