Thursday, May 17, 2007

CHUẨN BỆNH ĐÚNG SẼ TRỊ ĐƯỢC BỆNH

Lần đầu tiên việc sử dụng tiền đóng thuế của dân đã được công khai hoá trong một báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán ngân sách quốc gia năm 2005. Theo phân tích của các chuyên gia, kiểm toán tài chính cũng giống như “khám sức khoẻ” cho nền công vụ và việc công khai kết quả “khám sức khoẻ” này được coi là rất cần thiết cho việc làm lành mạnh hóa nền tài chính công.
Thực ra việc kiểm toán này chỉ mới tiến hành trên cơ sở chưa đầy một nửa của nền tài chính quốc gia, nhưng theo ông Vương Đình Huê, Tổng Kiểm toán Nhà nước, những vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong quá trình kiểm toán các bộ ngành, các địa phương cũng đã thể hiện được tương đối đầy đủ thực trạng diện mạo sử dụng ngân sách của các cơ quan nhà nước hiện nay.
Kiểm toán đã chỉ rõ một số bất cập, khuyết điểm và sai phạm xảy ra nhiều năm qua vẫn chưa có biện pháp khắc phục như: dự toán nhiều địa phương lập và được giao chưa tích cực và sát thực tế; dự toán thu sự nghiệp thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước; các khoản để lại chi quản lý qua ngân sách tại các địa phương không được giao dự toán hoặc giao thấp hơn nhiều so với thực tế; chi hành chính ở nhiều địa phương vượt dự toán rất cao; sử dụng dự phòng không đúng mục đích; ghi thu, ghi chi ngân sách các khoản thu để lại chi quản lý qua ngân sách không kịp thời, đầy đủ; sử dụng vượt thu không đúng thẩm quyền.
Báo cáo kiểm toán càng củng cố thêm nhận định của dư luận trong nhiều năm qua về “căn bệnh” của nền tài chính công: không tuân thủ pháp luật ở các cơ quan công quyền; chi sai nguyên tắc; tình trạng tham nhũng, lãng phí, trốn thuế, lập quĩ đen tràn lan ở các doanh nghiệp và bộ ngành. Còn hiệu quả kinh doanh khu vực doanh nghiệp nhà nước thì vô cùng tệ hại, thua lỗ triền miên và tỉ suất lợi nhuận trước thuế ở những tổng công ty hầu hết chỉ đạt chưa tới 0,5%. Tài chính doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung rất quan trọng của kiểm toán tài chính ngân sách quốc gia. Bởi vì nếu kiểm toán cụ thể, chi li được vấn đề này thì sẽ thấy hiệu quả đầu tư mà doanh nghiệp nhà nước đem lại, tỉ suất lợi nhuận của những đồng vốn mà ngân sách chi ra cho các doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu. Điều này hết sức quan trọng vì với cơ cấu trong tổng sản phẩm trong nước của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện nay là 38% GDP, trên 60% tổng số tín dụng, phần lớn tài nguyên đất đai, khoáng sản và hầu hết cán bộ khoa học được đào tạo tốt nằm tại khu vực doanh nghiệp nhà nước thì sẽ thấy nếu khu vực nhà nước hoạt động hiệu quả hơn thì kết quả đem lại đối với nguồn thu sẽ tăng rất cao. Thế nhưng trên thực tế, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang thực sự trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia và nền kinh tế quốc dân. Nếu liên hệ với những con số không tưởng về tỉ lệ nợ lên đến 82% trên tổng nguồn vốn từ khu vực DNNN và tỉ suất lợi nhuận trước thuế chưa tới 0,5% - so với lãi suất đi vay khoảng 10%/năm - và cùng với số lỗ lũy kế lên tới hàng ngàn tỉ đồng ở hàng loạt tổng công ty lớn như Vinashin hay Tổng công ty Dệt may, thì không thể tưởng tượng được lấy tiền ở đâu mà các công ty này có thể tồn tại cho đến giờ nếu không phải là từ nguồn tiền ngân sách cấp trực tiếp hoặc gián tiếp (như vụ “bơm” 750 triệu đôla trái phiếu quốc tế cho Vinashin), và làm sao mà các tổng công ty này có thể trả được nợ trong nước và nước ngoài khi mà tỉ suất lợi nhuận trước thuế thấp hơn 20 lần so với lãi suất đi vay?
Kết quả kiểm toán cũng đã chỉ rõ rằng việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của các bộ ngành chức năng còn nhiều bất cập, yếu kém ở cả ba khâu: chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, quyết toán công trình đưa vào sử dụng; việc mua sắm, quản lý tài sản tại các ban quản lý dự án còn lỏng lẻo. Đặc biệt là qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện và chỉ rõ tình trạng nhiều lệnh phát sinh tại các dự án đấu thầu không đúng thủ tục, không chấp hành các điều khoản thanh toán của hợp đồng, kiến nghị việc thu hồi các khoản vốn sử dụng sai. Ví dụ như chỉ riêng tại dự án quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh do PMU18 làm chủ đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xuất toán và giảm trừ quyết toán gần 50 tỉ đồng, gần bằng 10% giá trị được kiểm toán. Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2005 đối với niên độ ngân sách năm 2004, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị tăng thu, giảm chi, đưa vào quản lý qua ngân sách 4.408 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích: nếu dùng kính lúp để soi từng từ trong báo cáo kiểm toán, hầu như không có bất kỳ nhận định hay kiến nghị nào liên quan đến tham nhũng hay thận trọng hơn là “có dấu hiệu của tham nhũng”, mà chỉ có những kết luận chung chung như “tính toán thiếu thận trọng”, trong khi tham nhũng và lãng phí ở khu vực công quá ư là hiển nhiên. Dường như vẫn còn điều gì đó khiến cho Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa dám đột phá vào sự thật.
Dẫu sao, việc công khai báo cáo kiểm toán ngân sách quốc gia cũng là một bước tiến lớn của Việt Nam chứng tỏ nền tài chính công đang dần dần đi vào xu hướng minh bạch và công khai hoá. Đó cũng là một yêu cầu tất yếu để Việt Nam có thể hội nhập cùng thế giới và đặt bước chân đầu tiên vào sân chơi toàn cầu WTO. Tuy nhiên, dù đã dám đụng chạm tới một số lĩnh vực khá nhạy cảm nhưng kết luận của Kiểm toán Nhà nước về tình hình ngân sách quốc gia năm 2005 vẫn chưa thực sự làm hài lòng các nhà phân tích và sự mong mỏi của công chúng khi chưa mạnh dạn tuyên chiến với tham nhũng.
01-9-2006

No comments: