Thursday, May 17, 2007

NGỌC CÀNG MÀI CÀNG SÁNG

117 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2007)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thể hiện hết sức giản dị những tư tưởng và hành động của một nhà yêu nước thương dân mẫu mực. Đạo đức của Người không phải là cái gì cao siêu khiến chúng ta không thể học được mà chính là những việc thật bình thường mà chúng ta vẫn làm hằng ngày bằng cái tâm trong sáng.
Theo Người, nói phải đi đôi với làm, trước hết là phải nêu gương tốt. Sự làm gương của thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau, của lãnh đạo đối với nhân viên, của đảng viên đối với quần chúng…là rất quan trọng. Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, có đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Muốn có được đạo đức cách mạng, thuyết phục được quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu quyết tâm theo đuổi và thực hiện những mục tiêu có lợi cho dân. Người nói: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải cố sức tránh”. Để hạn chế những tấm gương xấu làm mất lòng tin của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần quan điểm “có lợi cho dân” trong mọi suy nghĩ và hành động của mình trong khi thực hiện các chức trách được nhân dân giao phó.
Thế nhưng, trên thực tế hiện nay còn không ít cán bộ nhà nước, ăn lương của dân, nhưng khi làm việc thì chỉ tìm cách “hành” dân tới số, hoặc chỉ làm việc qua loa, đại khái, thiếu minh bạch, thiếu công bằng vì những động cơ vụ lợi, cá nhân. Đó là những biểu hiện đáng báo động về sự thiếu đấu tranh, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ đảng viên và của cả hệ thống tổ chức. Đã từng xuất hiện không ít vụ tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật trắng trợn làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của nhân dân nhưng các đối tượng liên quan nhiều năm liền vẫn được đánh giá là đảng viên ưu tú, là cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Theo nhận xét của các cơ quan chức năng về phòng chống tham nhũng lãng phí, hầu như chưa có cấp ủy đảng nào tự mình phát hiện ra các vụ tham ô, tham nhũng, lãng phí tại đơn vị để đưa ra xử lý cả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải thông qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành chứ nó không có tự trên trời sa xuống. Phẩm chất đạo đức cách mạng cũng như ngọc quý càng mài càng sáng, vòng ròng càng luyện càng trong. Theo Người: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Người khẳng định, ở đời ai cũng có cái hay cái dỡ, chỗ tốt chỗ xấu, ai cũng có thiện có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dỡ, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức trước hết phải là một quá trình tự rèn luyện của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và toàn hệ thống trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong các mối quan hệ xã hội của mỗi người.
Đối với cán bộ, đảng viên lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc họ phải là tấm gương mẫu mực cho quần chúng noi theo. Người nói: “Nếu mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”…Người khuyên cán bộ phải cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, phải thực sự là “đầy tớ trung thành” của nhân dân. Cuộc đời Người đã là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo: giản dị, thanh bạch, khiêm tốn, suốt đời chỉ có nỗi lo cho dân, cho nước mau độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Người nói: “Cán bộ đảng, chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất nữa, cũng đều là đầy tớ của nhân dân”.
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ có chức có quyền làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một hành động cấp thiết đáp ứng được lòng mong mõi của nhân dân. Trước hết, theo Tổng bí Thư Nông Đức Mạnh, mỗi ủy viên trung ương Đảng và gia đình của mình phải là tấm gương trong xã hội về cuộc sống trong sạch, liêm khiết để xứng đáng là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
18-5-2007

No comments: