Sunday, May 13, 2007

TRƯỞNG THÀNH VÀ TRI ÂN

Nhân Ngày của Mẹ
Một trường trung học ở TP.Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức Lễ trưởng thành và tri ân cha mẹ cho những học sinh cuối cấp của mình. Tại buổi lễ, những bài văn hay của các em học sinh viết về công cha, nghĩa mẹ, tình cảm gia đình, thầy trò… được đọc giữa sân trường làm hầu hết các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo xúc động.
Một nét đẹp học đường, một nghi thức trang trọng và nhiều ý nghĩa đã lâu lắm rồi mới trở lại với đời sống văn hoá của ngưòi dân thành phố. Nghi thức đó không chỉ giúp các em học sinh có một dịp trang trọng bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các thầy cô giáo, với các bậc sinh thành mà còn giúp các em nhận thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm công dân trước khi rời khỏi ghế nhà trường phổ thông chuẩn bị bước vào đời.
Một nghi thức thấm đẫm chất nhân văn và ghi đậm những tình cảm tốt đẹp vào trong ký‎ ức của biết con bao người đang chuẩn bị bước vào đời, lúc đầu chỉ được Ban giám hiệu xem như là một việc làm “thí điểm” để rút kinh nghiệm. Thành công bất ngờ của buổi lễ đã khiến những người lãnh đạo nhà trường “hạ quyết tâm” sẽ phấn đấu tổ chức Lễ trưởng thành và tri ân cho mẹ cho các học sinh cuối cấp của trường thành một ngày hội truyền thống hàng năm.
Các nhà nghiên cứu giáo dục đều thống nhất rằng dạy học thuộc lòng hàng vạn bài luân lý đạo đức không bằng biết cách tổ chức, tập dượt cho học sinh có khả năng thể hiện những tư tưởng tốt và những hành động đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Bắt đầu bằng những việc rất nhỏ như sự kính trên nhường dưới, lòng biết ơn và sự chia sẻ với người khác, thái độ hành vi đúng mực nơi công cộng và trong gia đình…Với nguyên tắc ‎ý thức và biết tôn trọng người khác cũng có nghĩa là biết tự trọng các phẩm giá của chính mình. Các nghi thức dù nhỏ hay lớn cũng không nên xem thường và nếu như những người trên, người đi trước biết tôn trọng những nghi thức đó thì sẽ dễ dàng truyền lại cho thế hệ sau những suy nghĩ, cử chỉ và hành động tốt đẹp. Nói cách khác, tôn vinh những giá trị tốt đẹp, những tấm gương sáng ‎ trong cuộc sống là điều tưởng không bao giờ thừa. Và hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất chẳng hạn như từ cuộc sống của thầy cô, cha mẹ, các bậc tiền bối… phải thực sự trở thành tấm gương sáng cho con cái và học sinh thân yêu của mình.
Trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà còn nhiều điều đáng để phiền lòng, những cố gắng nhỏ nhoi của một trường trung học tại TP.Hồ Chí Minh tạo ra một môi trường giáo dục chuẩn mực thông qua các nghi thức nhằm bồi bổ và khai thông được những sợi dây liên hệ thiêng liêng của tình cảm con người như đã nói trên quả là điều đáng khâm phục.
Buổi lễ không chỉ giúp học sinh trưởng thành mà còn chuẩn bị tâm thế cho các thế hệ học sinh đi sau sẵn sàng nối tiếp những điều tốt đẹp của đàn anh. Không chỉ dừng lại ở những giá trị tốt đẹp mang lại cho các em học sinh-nhân vật chính của nền giáo dục- mà còn ảnh hưởng sâu rộng với các thầy cô giáo và các bậc sinh thành. Sự truyền cảm từ những nghi thức tốt đẹp đó sẽ giúp cho mỗi người tham dự nhận thức được nghĩa vụ thiêng liêng của mình và có thể truyền ra cho xã hội những ‎nguồn năng lượng giàu có để nuôi dưỡng các ‎ ý tưởng và hành vi tốt đẹp dành cho thế hệ trẻ.
Đối với các bậc làm cha mẹ, các thầy cô giáo chân chính không có gì vui sướng bằng nhìn thấy con cái, học trò của mình đã trưởng thành, đủ lông đủ cánh để bước vào cuộc đời một cách tự tin. “Những ai đã từng có mẹ mới hiểu rằng mẹ là tấm gương thật sáng để hun đúc nên ‎ý chí, tinh thần của con…Những ai đã từng không được chung sống với mẹ mới hiểu thế nào là nỗi cô đơn khi thất bại. Những ai từng làm mẹ mới hiểu rằng tình cảm của người mẹ cao quý‎ đến dường nào. Những ai từng làm mẹ mới cảm thấy mình thương mẹ của mình thật nhiều…”. Cảm ơn TS. Huỳnh Văn Sơn, người đã viết những dòng chữ trên trong bài “Món quà cho mẹ: Con đã nên người!”.
Vì vậy, Lễ trưởng thành và tri ân cha mẹ dành cho những học sinh ra trường không thể chỉ là một sinh hoạt khiêm tốn trong khuôn viên của một ngôi trường nằm trên quận 11 của TP. Hồ Chí Minh. Những người quan tâm tới thế hệ trẻ, tới tương lai của dân tộc chắc sẽ mong muốn rằng buổi lễ đó không chỉ là một nghi thức tự phát mà sẽ được những người có trách nhiệm cao nhất xem xét để đưa nó vào trong quy trình chính thức của hệ thống giáo dục nước nhà.
13-5-2007

No comments: